Gươm đã tuốt ra nơi miền đất xa xôi- Những ước mơ tan vỡ của Miền Nam (Phần 7)

Gươm đã tuốt ra nơi miền đất xa xôi- Những ước mơ tan vỡ của Miền Nam (Phần 7)
12/17/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://youtube.com/channel/UCv9DjIrfwPI2NL1FzGTlwfA/
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

 CHƯƠNG 7: “CHÚNG TÔI ĐÃ CHÁN NGẤY VỚI ĐẢO CHÍNH”

 

aaa

George J. Veith 

Trần Quang Nghĩa dịch

Trở Lại Chính Quyền Dân Sự

Một phối hợp cổ xưa những người đấu tranh chống đối và bất đồng nội bộ trong quân đội buộc Khánh phải phục hồi chính quyền dân sự cho miền Nam. Trong suốt 8 tháng sau đó, nhóm chính trị gia ưu tú điều hành nhà nước. Vậy mà bằng bản năng và trải nghiệm, các vị tướng vẫn luôn tỏ ra ngờ vực nhóm chính trị gia hay cãi vã nhau này. Họ đã đúng. Một chuỗi liên tiếp các chính quyền dân sự sẽ chứng tỏ họ không có khả năng điều hành hiệu quả đất nước do không có khả năng đoàn kết, và họ buộc phải trả lại quyền lực cho quân đội.

Việc Nguyễn Văn Thiệu gần gũi với giới lãnh đạo cho phép ông chứng kiến trực tiếp những đấu đá chính trị nội bộ đang xảy ra. Trong khi quyết tâm ngăn chặn một nhà độc tài như Ngô Đình Diệm, khoảng thời gian dày vò này khẳng định sự khinh thị của ông đối với các chính trị gia dân sự miền Nam. Ông không cô độc trong sự tin tưởng này; phần đông các chỉ huy quân sự nhấn mạnh rằng, là những người tham gia cuộc chiến, họ có quyền can thiệp nếu chính quyền thất bại hoặc đang theo đuổi những chính sách họ xem là độc hại với lợi ích quốc gia, đặc biệt sự trung lập và liên hiệp. Quyết tâm mạnh mẽ cứu đất nước khỏi hiểm họa Cộng sản, ông thoạt đầu hậu thuẫn sự điều hành của giới quân sự nhằm bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những nỗ lực của Minh và rồi mối hoạ Khánh, Thiệu bắt đầu điều chỉnh quan điểm của mình, một sự thay đổi sâu xa cuối cùng sẽ đặt miền Nam trên con đường tiến đến một chính quyền lập hiến.

LÀM LẠI TỪ ĐẦU

Khi Saigon loạng choạng đi đến sự sụp đổ chính trị vào tháng 9 1964, điểm sáng duy nhất là những nỗ lực thành công của Dương Văn Minh trong việc thiết lập Hội đồng Quốc gia Tối cao (HĐQGTC) Ông chọn ra những nhà lãnh đạo dân sự tiếng tăm để đại diện cho những khuynh hướng vùng miền và tôn giáo khác nhau. Thích Trí Quang ban phước lành cho HĐQGTC, khiến tình hình nhanh chóng yên tĩnh. Vào ngày 26/9, Minh, Khánh, và Khiêm gút lại danh sách, và HĐQGTC bắt đầu soạn thảo hiển pháp lâm thời mới. Vào cuối tháng 10, hội đồng ban bố một hiến chương và chọn một chính trị gia độc lập đáng kinh tên Phan Khắc Sửu lãnh đạo họ.

Sửu sinh ngày 9/1/1905, gần Cần Thơ, thủ phủ vùng Châu thổ. Mặc dù ông được bằng cao đẳng của Pháp, ông đấu tranh chống thực dân như một người Quốc gia kiên cường, và bị kêu án 4 năm tù Côn Sơn vì lòng ái quốc. Một người Cao Đài và được giới ưu tú miền Nam trọng vọng, Sửu phục vụ trong nội các đầu tiên của Diệm với chức bộ trưởng canh nông, nhưng ông nhanh chóng bị thất sủng. Vào ngày 26/4/1960, ông cầm đầu một nhóm trí thức công bố một tuyên ngôn tại Khách sạn Caravelle ở Saigon. Mệnh danh là Nhóm Caravelle, họ yêu cầu Diệm trả lại quyền tự do dân chủ. Không lâu sau cuộc đảo chính hụt 11/1960, Sửu bị bắt giam vì tội tiếp tay cho vụ nổi dậy (ông không tham gia) và đang ở trong tù khi Diệm bị lật đổ. Khi một thành viên Caravelle đầu tiên nắm được quyền lực, Sửu sẽ có cơ hội thực hiện những lý tưởng được trình bày trong tuyên ngôn mà ông đã góp phần soạn thảo vào năm 1960.

Đại sứ Maxwell Taylor, người đã vận động hành lang để bổ nhiệm Minh làm quốc trưởng, “bực bội vì Sửu được lựa chọn vào phút cuối cùng bởi sức ép từ HĐQGTC do một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Đài. Sửu là người được tôn trọng rất có nguyên tắc, nhưng đã già trước tuổi và rõ ràng thiếu sức khỏe.” Taylor nói đúng; những ngày tháng trong tù đúng là bào mòn sức khỏe ông, nhưng Taylor chỉ biết thổ lộ với người ngoài. Ông kết luận:”Hy vọng của chúng ta bây giờ nằm trong tay chính quyền mới đang được thành lập. Khi ôn lại những bất mãn trong các tháng gần đây, chúng ta không nên quên rằng chưa hề có một chính quyền ổn định… kể từ khi Diệm bị lật đổ thắng 11 năm ngoái.” Giữ lời hứa trước đây, vào ngày 27/10, Khánh trao quyền cho Sửu. Người đứng đầu đất nước mới chọn một thành viên Caravelle khác làm thủ tướng, một người miền Nam trọng vọng tên Trần Văn Hương. Một cựu giáo viên, Hương sinh ngày 1/12/1903, tại tỉnh Vĩnh Long thuộc vùng Châu thổ. Mặc dù xuất thân từ một gia đình nghèo, òng tốt nghiệp trường Tây Chasseloup-Laubat ở Saigon. Hương về vùng Châu thổ dạy học trong 20 năm, nơi học sinh phần lớn xuất thân từ giới điền chủ miền Nam. Như Sửu, Hương có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Ông đã bi phản ứng thuốc khi chích ngừa bệnh dại vào năm 1937 khiến tim ông bị tổn thương, và ông bị sốt rét mãn tính và thị lực kém. Ông tham gia Việt Minh một thời gian ngắn nhưng bỏ đi vì thấy bị Cộng sản khống chế. Tuy nhiên, ông không chịu làm việc cho thực dân Pháp, chọn lối sống giản dị ở Saigon làm nghề dạy tư. Vào tháng 10 1954, Diệm bổ nhiệm ông làm thị trưởng Saigon, nhưng vào tháng 4 1955, Hương từ chức vì tình cách độc đoán của ông ta. Như Sửu, Hương bị bắt giam vì ký tên vào văn kiện Caravelle. Vào đầu năm 1964, Khánh tái bổ nhiệm ông làm Thị trưởng Saigon.

Hương bước vào chức vụ quyết tâm tạo được một chính quyền dân sự ổn định, một chính quyền loại bỏ các nhà lãnh đạo quân sự hay tôn giáo ra khỏi chính trị. Vào ngày 7/11, ông trình diện nội các của mình. Ông chọn những nhà kỹ trị trong ngành công vụ có năng lực, nhiều người đã phục vụ dưới thời Diệm, hơn là đám hổ lốn các tay chính trị hoạt đầu, các chức sắc tôn giáo và các sĩ quan. Tệ hơn nữa, Hương nổi tiếng là kỳ thị người Bắc và Trung, và do đó các bộ trưởng của ông phần lớn là người nam. Theo cách rất điển hình, việc ông không chịu quy tụ những nhóm này khiến cho ông bị chỉ trích kịch liệt. Phe Phật giáo “lập tức phát động một chiến dịch rộng khắp nhằm hạ bệ ông vì họ xem ông là một tay sai khác của Mỹ.” Thích Tâm Châu, đối thủ của Trí Quang trong tranh chấp quyền lãnh đạo giáo hội Phật giáo, phàn nàn chua chát rằng không có người nào trong nội các là hậu thuẫn Phật giáo. Hương bác bỏ lời phàn nàn của Châu, nhưng rồi ông phạm một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng: thay vì lặng lẽ trao đổi để xoa dịu Châu, ông lại công khai xác quyết quan điểm cộng hòa về đường lối cai trị của mình rằng Giáo hội và nhà nước phải tách rời. Đây là nguyên do thực sự để Phật tử đáp trả: họ tin rằng họ kiểm soát  vận mệnh quốc gia, và giao phó cho họ một vai diễn phụ là một điều sỉ nhục.  Khước từ xoa dịu các yêu sách của Tâm Châu, Hương sẽ phải trả giá đắt.

Phe Phật giáo không phải là phe duy nhất nổi doá. Người Bắc bất bình trước việc người Nam lèo lái  nội các, trong khi cánh sinh viên cho rằng Hương đã phản bội cách mạng chống Diệm vì đã bổ nhiệm những quan chức cũ của Diệm. Họ nhanh chóng lập thành hai tổ chức đông đảo: Tổng hội Sinh viên cho các sinh viên đại học và một tổ chức tương tự cho học sinh trung học. Hoat động song hành, hai nhóm học sinh sinh viên phát động những cuộc biểu tình  chống đối nội các Hương. Nhưng không giống Khánh, Hương quyết tâm kiểm soát đường phố Saigon. Ông ra lệnh cấm biểu tình, phái cảnh sát dẹp sạch các tuyến giao thông, và hăm dọa cho vào quân ngũ bất kỳ sinh viên biểu tình nào bị túm.

Mặc dù lúc đầu cuộc chống đối tiêu tan, nhưng rồi bị các nhà vận động Phật giáo xúi giục, sinh viên lại tập họp và phát động một cuộc tập kết khổng lồ vào ngày 22/11. Hương phái cảnh sát dùng lựu đạn cay và vòi rồng để giải tán.

Hàng trăm sinh viên bị bắt, và khi những cuộc biểu tình sau đó trở nên dữ dội, Hương nới rộng giới nghiêm và thực hiện lời răn đe; ông gom 34 sinh viên bị bắt vào quân dịch. Hương cũng công khai lên án các cuộc biểu tình là do Cộng sản xúi giục và nêu tên 11 đặc vụ MTGP có mặt trong số các sinh viên bị bắt. Nhưng vì chứng cứ ông đưa ra ít ỏi, lời lên án gây ra hoài nghi vì chính quyền có thói quen chụp mũ Cộng sản cho những ai chống chính quyền. Tuy vậy lời kết án của Hương là đúng. Nhiều đặc vụ của Hà Nội can thiệp rất sâu vào phong trào sinh viên, họ đọc được mạch đập của mối bất đồng chính kiến ở miền Nam, và họ mưu toan lợi dụng nó. Theo lời thuật lại của Cộng sản, các cán bộ chính trị Cộng sản đã xâm nhập giới lãnh đạo sinh viên. Một trang sử ghi chép rằng “sau ngày đảo chính 1/11/1963. . . chúng tôi quyết định  các đặc vụ của chúng tôi cần chiếm được những vị trí công khai trong các tổ chức sinh viên và học sinh, như lớp trưởng và ban đại diện trường, đồng thời chúng tôi tiến lên và đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong đại học và trường trung học bằng cách đòi hỏi điều kiện sống tốt hơn cho dân chúng, dân chủ và giảm học phí và giá sinh hoạt.

Vào cuối năm 1964, Đoàn Thanh niên Sài Gòn-Gia Định đã tuyển mộ nhiều đặc vụ. Trong số 14 trường học và đại học lúc bấy giờ, chúng tôi đã có thể gài người của chúng tôi vào các ban đại diện của Đại học Khoa học, Sư phạm, Văn khoa, Nông Lâm Súc, Y khoa v…v . . . Thêm vào đó, bằng cách tổ chức các nhóm báo chí, văn nghệ, và phúc lợi xã hội, chúng tôi đã có thể lôi kéo được nhiều người ủng hộ và khích động nhiều phong trào khác nhau trong một số trường và đại học.”

Các Phật tử phản ứng nhanh chóng với các biện pháp thẳng tay của Hương. Vào ngày 24/11, Tâm Châu và Trí Quang phổ biến một bài phát biểu lên án các hành động của Hương , yêu cầu Sửu và HĐQGTC thả các sinh viên bị bắt, và cảnh sát và quân đội không được có thêm các hành động đàn áp biểu tình. Hương đáp trả bằng cách thiết quân luật. Tuy nhiên, việc đáp trả cứng rắn của ông phải chịu trả giá. Ông cần sự hậu thuẫn của quân đội để chống lại Phật tử và sinh viên. Để được sự tán thành của quân đội, vào ngày 24/11, ông bổ nhiệm Khánh làm tổng tư lệnh và thăng cấp ông lên trung tướng.

Quan trọng hơn, Hương được sự hậu thuẫn của nhóm Young Turks, các chỉ huy điều khiển quân đội. Họ đồng thuận với quyết tâm của ông phải dừng lại các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, mặc dù được thăng chức và giao chức vụ mới, Khánh chỉ cho Hương một sự tán thành lạnh nhạt. Ông quá chịu ơn giới lãnh đạo Phật giáo để có thể công khai tuyên bố chống lại họ. Nhóm Young Turks hóa nóng trước sự hậu thuẫn Hương quá nhạt nhẽo của Khánh, nghi ngờ ông ta bí mật hợp tác với Trí Quang để lên làm thủ tướng một lần nữa. Nhóm của Kỳ càng ngày càng chỉ trích kịch liệt việc Khánh dung túng Quang, và những rối loạn mới chỉ làm rộng hơn kẻ rạn nứt. Những va chạm bùng phát giữa Khánh và vài thành viên nhóm Young Turks tại một buổi họp HĐQNCM vào đầu tháng 12. Mặc dù không giải quyết được gì, sau buổi họp, nhóm Young Turks âm thầm tự quyết định giữa họ là để Khánh vẫn giữ chức vụ đứng đầu quân đội, nhưng quyết liệt không cho phép ông ta  nắm lại quyền lực chính trị. Nếu ông vẫn cố, họ sẽ hạ bệ ông.

Đó là sự khởi đầu cho hồi kết đối với Khánh, và nhóm Young Turks bắt đầu tỉa bớt lực lượng  hậu thuẫn ông trong quân đội. Kỳ và những người liên kết quanh ông quyết định thanh tẩy một số tướng lĩnh già vô dụng. Vào ngày 18/12, bốn sĩ quan -Thiệu, Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Đề đốc Chung Tấn Cang – hợp thành một bộ phận điều hành nhỏ trong giới quân sự. Tự xưng mình là Hội Đồng Quân Lực (hai người sau cùng là thuộc nhóm không chính thức của Kỳ, trong khi Thiệu thì không), họ yêu cầu Khánh thỉnh nguyện Sửu cho về hưu 8 sĩ quan cao cấp, trong đó có Dương Văn Minh và 4 vị tướng đã bị quản thúc ở Đà Lạt. Khánh theo đúng bổn phận mang yêu cầu này ra trước HĐQGTC, nhưng vì chính Mình là người đã bổ nhiệm các thành viên, HĐQGTC khựng lại trước yêu cầu. Sửu cũng không chịu ký tên. Biết rằng nhóm Young Turks muốn Minh ra đi, Khánh lợi dụng sự cố chấp của Sửu. Ông nói dối với nhóm Young Turks, bảo Kỳ rằng “Minh và 4 thành viên HĐQGTC đang bàn tỉnh việc hạ bệ Sửu và Hương để chiếm quyền lực.”

Lời nói dối có tác dụng, và các sự kiện nhanh chóng xấu đi. Phản ứng dữ dội dựa trên thông tin này, vào chiều tối ngày 20/12, Kỳ ra lệnh cho quân cảnh bắt giữ Mình, vài lãnh đạo phong trào sinh viên, và phần đông HĐQGTC. Sửu và Hương vẫn còn cầm quyền, nhưng Minh phải sống lưu vong ở Thái Lan, còn chính quyền dân sự bị giam ở tận Pleiku, thủ phủ của Cao nguyên miền Trung. Taylor nổi giận triệu Khánh tới sứ quán, nhưng Khánh thoái thác. Thay vào đó ông phái bốn sĩ quan từ Hội đồng Quân lực. Trong một phân đoạn giờ đã nổi tiếng, Taylor khiển trách họ nghiêm khắc vì quân đội lại can thiệp vào chính quyền. Rồi Taylor đưa ra lá bài chủ của Hoa Kỳ: ông ta đe doạ sẽ cắt viện trợ Mỹ nếu quân đội tiếp tục nhúng tay vào chuyện chính trị. Hành động nóng nảy của Taylor khiến người Việt tự trọng thịnh nộ và buộc họ phải trở lại ủng hộ Khánh. Tuy nhiên, trong vòng hai tuần, những cái đầu nguội hơn thắng thế, và Khánh, Taylor, và Hương bắt đầu tìm kiếm một giải pháp cho ngõ cụt. Những cuộc trao đổi được tổ chức giữa ba bên để tìm ra một phương cách phục hồi chế độ của Hương.

Thiệu giờ đây đã rút về góc sâu của chính trị. Vào ngày 1/1/1965, Khánh thăng cấp ông lên chức thiếu tướng. Thiệu sung sướng chấp nhận, nhưng ông không có áo tưởng về các động lực của Khánh. Tức tối vì mình bị gọi đến để nghe lời kích bác cay chua của Taylor và ngờ vực động lực của Khánh, Thiệu tìm cách tranh thủ người ủng hộ phòng trường hợp Khánh tìm cách tống khứ ông khỏi chức tư lệnh Quân đoàn IV. Tình bạn lâu năm của Thiệu với Chuẩn tướng Đặng Văn Quang, một người thuộc nhóm Young Turks và giờ là chỉ huy Sư đoàn 21, tạo cho ông sự hậu thuẫn sống còn, nhưng ông cũng muốn có những người bảo trợ khác. Thiệu tìm được một đồng minh ở Trần Quốc Bửu, thủ lĩnh lao động dân sự nổi tiếng. Đó là lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, nhưng “không phải là lần cuối cùng Thiệu tìm cách kéo Bửu về phe mình trong một bài kiểm tra về sức mạnh.”

Vào ngày 18/1, Hương kết được một dàn xếp chính trị, và quân đội đạt được tiếng nói mạnh mẽ trong một chính quyền được chỉnh đốn lại. Bốn sĩ quan tham gia nội các mới, bao gồm Thiệu và Kỳ. Thiệu trở thành phó thủ tướng thứ hai phụ trách bình định, còn Kỳ thành bộ trưởng thanh niên. Hai ngày sau, Thiệu giao quyền chỉ huy Quân đoàn IV cho Chuẩn tướng Quang. Kỳ, còn tức tối vì Khánh về phe các Phật tử, tính đến việc bắt Khánh trong khi ông tham dự lễ giao quyền tư lệnh cho Thiệu, nhưng các tướng khác can ngăn.

Nội các mới cũng không xoa diu các Phật tử, nhưng vì dân chúng đã không còn nhiệt tình đáp ứng với các cuộc biểu tình của Phật tử và sinh viên, vào ngày 21/1, Tâm Châu và Trí Quang bắt đầu “tuyệt thực đến chết” để ép buộc Hương từ chức. Xét vụ lộn xộn mới này, vào ngày 24/1, Khánh tập hợp HĐQL, giờ được mở rộng bao gồm vài thành viên Young Turks khác. Có sự hiện diện của Sửu và Hương, Khánh ép buộc HĐQL vỗ yên Phật tử và loại Hương ra nhưng vẫn giữ lại Sửu làm chủ tịch nước. Khánh muốn Sửu ở lại vì ông biết rằng người Mỹ sẽ cắt viện trợ nếu phe quân sự dẹp bỏ một chính quyền khác. Mặc dù Sửu xin từ chức, Hương lại không chịu xuống, sợ rằng phe Phật tử sẽ trở thành một chính quyền trong bóng tối. HĐQL quyết định hỗ trợ Hương nhưng lưu ý ông nếu ông không thể ổn định tình hình, phe quân sự sẽ nhảy vào. Thiệu và Kỳ sau đó đề xuất rằng nếu quân đội hất cẳng Hương, thì người thay thế phải xuất thân từ hàng ngũ họ. Không lâu sau đó, một cuộc bỏ phiếu được tiến hành để xác định sĩ quan nào, nếu cần, sẽ thay thế Hương. Thiệu được đa số phiếu, tiếp theo là Nguyên Chánh Thi, nhưng Thiệu thoái thác. Ông nhận thức được rằng mình là một lựa chọn dễ gây kích động. “Một người Công giáo … ông đang bị phe Phật tử công kích mạnh mẽ. Không thể nghĩ được rằng  ông có thể làm việc hiệu quả dưới những tình trạng như thế này.” Ngày hôm sau, Khánh phái Thiệu đi kinh lý Huế để báo cáo cho ông tình hình ở đó ra sao. Đánh giá của Thiệu không mấy sáng sủa; tình hình đã xấu đi một cách tồi tệ. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, biểu ngữ đòi Taylor về nước, và sinh viên bãi học. Báo cáo của Thiệu gây sốc cho HĐQL, và suốt hai ngày sau, họ đắn đo trước tình hình đang xấu đi. Một lần nữa Khánh gây áp lực buộc loại bỏ Hương. Ông tuyên bố rằng, giống như cuối tháng 8 1964, ông đã đạt được một thỏa thuận với giới lãnh đạo Phật tử. Lần này, để đổi lấy sự ra đi của Hương, Phật tử sẽ rút lui khỏi chính trị, và Trí Quang cùng Tâm Châu sẽ rời xứ. Vào ngày 27/1, hội đồng ậm ừ tán thành, có lẽ bị lung lạc bởi khái niệm nghe như phí lý rằng hai vị lãnh đạo Phật giáo sừng sỏ và năng động nhất chịu rời khỏi miền Nam. Nhiệm kỳ bão tố của Hương đã qua. Chính quyền dân sự của ông đã sụp đổ, vì bị liên tục phá hoại bởi những can thiệp quân sự và tôn giáo của chính sự miền Nam. Sửu và nội các mới sẽ duy trì vai tròi trông nom. Vào đầu tháng 2, Hương được đưa về Vũng Tàu, tại đó ông sẽ ẩn cư thực sự cho đến cuối năm 1966.

1964 đúng là một năm hỗn loạn nhất trong lịch sử miền Nam kể từ khi Diệm lên nắm chính quyền 10 năm trước. Bị băm dầm bởi những xung đột tôn giáo, vùng miền, và xã hội, chính tình luân chuyển của miền Nam đã ngăn trở những nỗ lực thành lập một chính quyền ổn định. Taylor đúc kết hoàn hảo như sau:

Cho đến khi Diệm sụp đổ và trải nghiệm có được qua những sự kiện trong các tháng tiếp theo, tôi ngờ có ai đánh giá được độ lớn của các lực lượng chính trị ly tâm mà sự cai trị sắt thép của ông đã kiểm soát được. . .  Ít nhất giờ đây chúng ta biết được đâu là nhân tố cơ bản tạo ra sự hỗn loạn này – tính bè phái mãn tính, sự ngờ vực và không tin cậy nhau giữa phe dân sự-quân sự, sự vắng mặt của tinh thần và động lực quốc gia, sự thiếu vững chắc trong cấu trúc xã hội, sự thiếu kinh nghiệm trong việc điều hành chính quyền. Đây là các  nhân tố lịch sử sinh ra từ đặc điểm và truyền thống dân tộc, chỉ có thể thay đổi qua một thời gian dài. Có lẽ những người Mỹ khác có thể ảnh hưởng chúng một cách hiệu quả hơn đôi chút nhưng nói chung người Mỹ chúng ta sẽ không thay đổi chúng trong bất kỳ phương cách nền tảng nào trong bất kỳ khoảng thời gian đo được nào.

Cho dù cơn hỗn loạn này, các cơn chấn động chính trị miền Nam còn lâu mới kết thúc.

KHÁNH BÍ MẬT TÌM KIẾM TRUNG LẬP

Tại cuộc họp báo ngày 28/1/1965, Khánh tìm cách biện minh cho các hành động của HĐQL, tuyên bố rằng hội đồng hành động vì những khó khăn chính trị và biểu tình chống Mỹ ở Huế hiện thời đang gây phương hại cho nỗ lực của chiến tranh. Sau đó ông tuyên bố dù quân đội không có tham vọng quyền lực, nhưng điều thiết yếu là nó phải đóng vai trò trung gian trong đời sống chính trị. Dù trước đây Taylor ra yêu cầu phải được thông tin trước, Khánh chỉ báo với sứ quán một giờ trước khi ông thay thế Hương. Kết quả là Khánh nổi sùng lên khi nhà báo Việt Nam hỏi quyết định này có được thông qua người Mỹ chưa, tự ái vì bị hạch hỏi về tính độc lập của mình.

Không lâu sau vụ đảo chính lùm xùm này, giới lãnh đạo Phật giáo hủy bỏ vụ biểu tình tuyệt thực của mình. Tin đồn tiếp tục loan truyền rằng Trí Quang và Tâm Châu sẽ rời khỏi xứ, nhưng Thiệu hoài nghi về việc họ ra đi hoặc ngừng các mưu tính chính trị trong tương lai. Ông thông báo cho Tướng Westmoreland rằng xét vì “thỏa hiệp giữa những người đàn ông với nhau” của Khánh với phe Phật tử, HĐQL giờ phải sử dụng “các biện pháp để giảm bớt những ngờ vực”  cho rằng có sự “liên minh giữa Hội đồng Quân lực với phe Phật tử” hoặc rằng quân đội nằm “dưới ảnh hưởng của các nhà sư.” Thiệu sau đó nói rõ ràng “không hành động gây mất trật tự công cộng nào sẽ được cho phép. Vì Khánh đã lấy lại quyền lực dựa vào cái cớ Hương không thể kiểm soát tình hình, Khánh buộc lòng phải áp đặt quyền kiểm soát cứng rắn.” Khi Westmoreland chỉ ra rằng điều này đã không được thực hiện vào tháng 8 1964 sau vụ thất bại Vũng Tàu, Thiệu đáp rằng “những bài học đã được học trong thời kỳ đó và lỗi lầm sẽ không lặp lại.”

Khánh đã sống qua một thử thách nữa, nhưng giờ ít ai tin cậy ông, và nhiều người cho rằng ông đang mưu tính với phe Phật giáo để trung lập hóa đất nước. Trong khi Trần Thiện Khiêm đã lên tiếng về những ngờ vực vào giữa tháng 12 1964 là Khánh đang tìm kiếm một giải pháp trung lập, nhưng ông không có chứng cứ. Tuy nhiên, hai tuần sau đó, CIA báo cáo rằng Khánh đã một lần nữa bắt liên lạc với Pháp để bàn bạc trung lập hóa với MTGP. CIA lưu ý rằng trong khi “các tiếp cận được viện dẫn của Khánh với Pháp không thể nào xem là bất thường,” rủi thay, “ít có sự kiện và nhiều suy đoán”. Những nỗ lực của Lê Văn Hoạch vào tháng 7 1964 rõ ràng đã tỏ ra là vô ích, vì CIA biết rằng giờ đây trong tháng 12 Khánh đã phải ba đại diện khác nhau đến Paris để tiếp xúc với người Cộng sản và Pháp. Dù vậy CIA tin rằng không có cơ hội cho Khánh có thể bắt đầu đàm phán với Pháp, vì ông ta sẽ “bị gần như tất cả giới lãnh đạo quân đội chống đối”.

May cho Khánh, một vài tướng lĩnh chủ chốt bác bỏ tin đồn. Chỉ huy Thủy quân Lục chiến Lê Nguyên Khang phủ nhận với CIA tin Khánh đang tìm cách tiếp cận với Pháp hoặc âm mưu với Phật giáo cho một giải pháp trung lập. Khang xác nhận rằng nếu họ phát hiện là “Khánh dính líu vào trò lươn lẹo chính trị này ông ta sẽ nhanh chóng bị loại khỏi chức vụ tổng tư lệnh.” Kỳ cũng đã nghe những tin đồn tương tự, nhưng như Khang, ông “điềm nhiên bác bỏ tin đồn Khánh và Phật giáo bắt tay trung lập hóa đất nước  mà ông cho là do bọn Việt Cộng tung ra.”

Dù Kỳ và Khang bỏ ngoài tai những chuyện ấy, nhưng các tướng lĩnh khác thì không. Vào ngày 2/2, Chuẩn tướng Huỳnh Văn Cao bảo với sứ quán Mỹ là ông “giờ đã tin rằng nếu Khánh thành công (trong việc chiếm được quyền lực) ông toan tính đưa đất nước về hướng đàm phán với MTGP và một giải pháp trung lập, Khánh tự hình dung mình là ‘Sihanouk’ của miền Nam.” Thậm chí Taylor cũng dè chừng các toan tính thực sự của Khánh. Taylor lưu ý rằng “cái khía cạnh tối tăm nhất của vụ này (vụ loại bỏ Hương) là mối hiểm nguy sờ sờ là thắng lợi của Phật giáo có thể là một bước tiến quan trọng về hướng thành lập một chính quyền để cuối  cùng đưa đất nước đến bàn đàm phán với Hà Nội và MTGP.*

Mọi nỗi e sợ đều đúng. Khánh đã bí mật tiếp xúc Huỳnh Tấn Phát, lúc đó là tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTGP. Theo Khánh, vào cuối 1964 ông đã viết một bức thư cho Phát tìm cách trao đổi vì ông chống đối “việc Mỹ hóa chiến tranh và cảm thấy một thỏa thuận chính trị chỉ có thể có được giữa chính những người Việt Nam.” Khánh tuyên bố rằng MTGP sẵn sàng ngồi lại, rằng ông đã tạo được một “không khí tin cậy,” và rằng ông muốn bắt đầu “thương thảo cho hòa bình trở lại miền Nam.” Sau chiến tranh, Khánh xác nhận rằng ông có thể đã đạt được mục đích bởi vì “chúng tôi ở miền Nam có những ràng buộc đặc biệt với nhau”.

Làm sao Khánh liên lạc được với Phát? Theo Trần Văn Đôn, sau đợt nổi nóng của Taylor vào tháng 12, Khánh bí mật phóng thích vợ của Phát từ một nhà giam ở Saigon. Đôn viết, “Khánh ra lệnh thả bà ra và ông đưa cho bà một bức thư riêng để trao cho Phát .” Đôn cho biết Khánh sợ Taylor muốn thay thế ông ta, không vì bất kỳ kế hoạch hoành tráng nào nhằm chấm dứt chiến tranh.

Những năm sau, Khánh công khai bức thư trả lời của Phát. Bức thư đề ngày 28/1/1965, và ắt hẳn được viết sau cuộc họp báo của Khánh cũng ngày đó. Thư nói rằng Phát tán thành “lời tuyên bố quyết tâm chống sự can thiệp của Mỹ”của Khánh, và rằng vì “ông theo đuổi mục tiêu này, ông có thể yên tâm là ông cũng được sự hỗ trợ của chúng tôi.” Phát thực sự sẵn sàng để đi xa ra sao thì không được biết, cũng không có chỉ dấu nào cho biết Hà Nội có thể đã hậu thuẫn cho những cuộc trao đổi hòa bình thông qua Mặt Trận. Vào ngày 10/2, Hà Nội công khai lên tiếng lại về yêu cầu trước đây của họ là mọi binh lính nước ngoài phải rút khỏi miền Nam trước khi bất kỳ thỏa thuận nào có thể xảy ra.

Xét lời buộc tội cực kỳ nhạy cảm  trung lập hóa, tại sao các tướng lĩnh bạn bè không hạ bệ ông nếu có thậm chí một gợi ý là ông đang tìm kiếm hoat động liên hiệp với MTGP? Không nghi ngờ gì nữa phối hợp của nhiều nhân tố đã khiến họ dừng lại: không có chứng cứ phản bội, không chắc chắn về phản ứng của Mỹ nếu loại bỏ Khánh, và sợ quân đội bị chia rẽ nếu họ bắt giữ ông.

Tuy nhiên, có một khả năng khác: Kỳ và Thiệu, hai sĩ quan quyền lực nhất ở miền Nam chỉ sau Khánh, có thể đã âm thầm quyết định giữa họ với nhau rằng Khánh phải đi, nhất là sau khi nhà báo Robert Shaplen viết một bài báo vào ngày 20/12 có đề cập đến việc em rể ông đã đi Paris để bàn bạc với việc trung lập hóa với Pháp . Trong một phân cảnh có thể là mỉa mai nhất trong chính tình miền Nam, người đã từng đạt được quyền lực qua việc lên án sai lầm mưu toan trung lập hoá giờ lại đang lén lút tìm kiếm chính điều mà mình đã tố cáo một cách quá ác độc.

NGƯỜI TIẾP THEO TRONG HÀNG: PHAN HUY QUÁT

Thách thức bây giờ là tìm một nhân vật được  đồng thuận để thay thế Hương. Khánh thử một vài ứng viên, trong đó có Thiệu. Khánh hỏi các lãnh đạo Phật giáo liệu Thiệu có chấp nhận được không, nhưng Trí Quang và Tâm Châu tỏ ra thờ ơ. Khánh liền thôi, nhưng đây là lần thứ hai Thiệu được đề nghị cầm đầu đất nước. Trong khi Thiệu còn dè dặt sợ nhân thân của mình có thể đốt nóng thêm sự rối loạn chính trị, ý kiến cho rằng Thiệu là một nhà lãnh đạo có thể đứng vững được đang lớn mạnh.

Khánh liền quay sang chú mình cũng là một bộ trưởng trong nội các hiện thời, Nguyễn Lưu Viên, một chính trị gia khác người miền Nam được kính nể và lớn tuổi hơn. Trong một điềm báo trước các sự kiện tương lai, phe Phật giáo muốn Nguyễn Chánh Thi làm bộ trưởng nội vụ, một bổ nhiệm mà Viên cực lực chống đối do mối ràng buộc mật thiết với Trí Quang của vị tướng. Giữa không khí e sợ về những gì mối quan hệ gia đình Viên-Khánh có thể sinh ra và việc Viên từ chối nhường ghế cho Thi, vào chiều tối ngày 14/2, HĐQL chọn Phan Huy Quát thay thế. Quát là người mà Bảo Đại đã loại ra để chọn Diệm. Quát lên cầm quyền vào 16/2.

Mặc dù trước đây nguyên trưởng Phòng Nông thôn Rufus Phillips xem Quát là người “có năng lực và kinh nghiệm nhất trong số các chính trị gia hiện có,” ông nhận ra Quát có một điểm yếu nghiêm trọng: ông “thiếu một nền tảng quyền lực vững chắc” trong số những khối khác nhau ở miền Nam. Sinh ngày 1/7/1909, Quát là người bắc đầu tiên điều hành miền Nam. Một bác sĩ và theo đạo Phật, Quát đã giữ nhiều chức vụ khác nhau trong chính quyền Bảo Đại và Diệm. Dù thường được mô tả là người biết lý lẽ và trầm tĩnh, Quát đã chống đối Diệm về đường lối độc tài của tổng thống. Kết quả là ông cũng gia nhập nhóm Caravelle tiếng tăm. Quát bị bắt, nhưng lạ thay ông không bị tống giam. Chức vụ cuối cùng của ông  trong chính quyền là ngoại trưởng của Khánh. nhưng ông rời bỏ khi chính quyền Hương xuất hiện.

Không giống Hương, Quát thận trọng chọn lựa các bộ trưởng để xoa dịu phe Phật tử, tìm cách tạo ra ‘bầu không khí đoàn kết” vốn là thiết yếu cho sự ổn định. Không có nó, Quát nói, “Chúng ta không thể đánh thắng cuộc chiến.” Vài vị tướng có mặt trong nội các, và Thiệu vẫn giữ chức phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng. Nội các Quát bao gồm một sự pha trộn lành mạnh những người theo Phật giáo và Công giáo, nhưng nó bị không chế bởi một nhóm nhỏ các chính trị gia dân sự nổi tiếng được trộn lẫn một cách bất thường trong chính tình miền Nam. Trong khi phần đông là người miền bắc, họ là những phần tử ôn hòa thuộc chính đảng Đại Việt hoặc VNQDĐ. Chẳng hạn, phó thủ tướng là Trần Văn Tuyên, một người miền bắc, một Phật tử, và là một đảng viên cao cấp của VNQDĐ. Tuyên học rộng, một trí thức xuất sắc, và là một thành viên của Nhóm Carabelle. Sau lần tuyên cáo của nhóm vào tháng 4 1960, Tuyên bị bắt và bị tù ở Côn Sơn ba năm.

Nhưng Diễm cũng là một nhân vật quan trọng khác. Là bạn thân nhất của Quát, tân thủ tướng mới bổ nhiệm ông làm chánh văn phòng của mình. Theo Bùi Diễm,

mục tiêu đầu tiên của Quát là làm tĩnh lặng vùng nước náo loạn. Như ông ghi chép, bầu không khí xã hội vào thời đó rất căng thẳng. Giáo dân Thiên chúa bất bình Phật tử, và giữa người nam và người bắc có mối hiềm khích lớn. Quát phái tôi đến gặp Tâm Châu và Trí Quang để xoa dịu mối quan hệ với phe Phật giáo. Ông ta nghi MTGP đã xâm nhập vào đó, nhưng chúng tôi không có chứng cứ. Mặc dù Quát không phải là người Phật tử thuần thành, nhưng khi phe Công giáo hay tin về chuyến viếng thăm của tôi, họ bổng sinh ra nghi ngờ rằng ông ta thân Phật giáo.

Mục tiêu ổn định tình hình mà Quát nhắm tới một cách tuyệt vọng ngay lập tức sụp đổ khi tên gián điệp Cộng sản Phạm Ngọc Thảo một lần nữa quậy lên rắc rối. Thảo đã làm một chuyến trở về Saigon vào đầu  tháng giêng 1965 để ấp ủ một âm mưu đảo chính. Y lợi dụng cơn thịnh nộ đang âm ỉ của một số giáo dân Công giáo, sĩ quan trẻ Đại Việt ở các đơn vị địa phương vì thái độ dỗ dành  Phật tử của Khánh. Y cũng kết nạp một vài sĩ quan đã hỗ trợ mưu toan đảo chính tháng 9 1965, những người như Huỳnh Văn Tồn và Lâm Văn Phát. Vì vậy, như cú giãy chết tháng 9, âm mưu này mang hơi hướng Công giáo, Đại Việt, một chút Cần Lao, tất gặp thất bại ngay từ đầu. Vậy mà trong khi Tồn và Phát đóng vai trò chủ chốt trong âm mưu, họ rất ngờ vực  lòng trung thành  của Thảo. Tồn sợ rằng Thảo sẽ mời các đơn vị MTGP vào Saigon một khi ông nắm được quyền kiểm soát thành phố. Để đề phòng bất cứ mưu toan tiềm năng nào, Tồn kín đáo cắm các sĩ quan Đại Việt chỉ trung thành với ông vào bộ chỉ huy đảo chính.

Vào trưa ngày 19/2, Thảo phát động vụ nổi loạn. Các lực lượng đảo chính đánh chiếm Phi trường Tân Sơn Nhất và Bô Tổng Tham mưu Liên quân. Họ mưu tính bắt Khánh bằng cách bao vây ngôi nhà của ông gần bến cảng Saigon, nhưng Khánh thoát được trong gang tấc. Sau đó Thảo lên đài và thông báo Trần Thiện Khiêm sẽ về Saigon để thay thế Khánh làm tổng tư lệnh. Nghe tin, Khiêm liền tuyên bố rằng vụ nổi dậy chỉ nhằm chống một mình Khánh chứ không chống Phật giáo.

Như trò hề tháng 9, vụ đảo chính nhanh chóng lụi tàn. Không một phát đạn nào được bắn ra, bọn âm mưu không bắt được Khánh, và không có đơn vị quân đội nào hỗ trợ Thảo, dân chúng Saigon cũng không nổi dậy. Thay vào đó, nhóm Young Turks nhanh chóng đập tan. Kỳ chở Khánh bay ra ngoài thành phố, và Nguyễn Chánh Thi một lần nữa được đưa từ Đà Nẵng về Saigon và được lệnh dẹp tan nó. Thi tập hợp binh sĩ trung thành và lên đài ra lệnh các lực lượng đảo chính trở về đơn vị mình nếu không sẽ bị bắn hạ. Nghe tuyên bố, âm mưu liền tan rã, và một lần nữa Thảo lại chuồn vào bóng tối. Cuộc nổi dậy tạo cho Kỳ một cái cớ hoàn hảo để lật đổ Nguyễn Khánh. Hầu hết hồi ký, kế cả hồi ký của Kỳ, đều cho rằng cú đảo chính của Thảo thuyết phục các tướng lĩnh bạn bè Khánh rằng ông phải ra đi. Tuy nhiên, sự thật là Kỳ và một số ít bạn đã rắp tâm loại bỏ Khánh ngay từ cuối tháng 11 1964. Theo Tướng Westmoreland, Kỳ đã đến thăm ông vào thời gian đó để bàn bạc về việc loại Khánh ra. Westmoreland đã nhấn mạnh với Kỳ là Hoa Kỳ chỉ hậu thuẫn việc loại bỏ ông bằng cách thức “hợp pháp”. Kỳ đồng ý. Kỳ và đồng bọn đã sẵn sàng loại Khánh vào tháng 12 1964, nhưng cơn nổi nóng củai Taylor buộc HĐQL tập hợp quanh vị tư lệnh của họ. Kỳ một lần nữa tính loại bỏ Khánh vào cuối tháng giêng tại buổi lễ chuyển giao quyền tư lệnh cho Thiệu nhưng cũng bị bạn bè cản ngăn. Tuy nhiên, sự kiện mới này cuối cùng thuyết phục những người hậu thuẫn còn lại của Khánh đã đến lúc phải hạ bệ vị chỉ huy của mình. Thiệu, Kỳ, Thi, và một ít tướng lĩnh khác gặp nhau và soạn thảo một sắc lệnh loại bỏ Khánh. Sắc lệnh được mang đến dinh cho Sửu và Quát ký. Mặc dù Khánh chống lại việc hạ bệ mình, nhưng ông sớm buông tay.

Vào ngày 22/2, ông được yêu cầu rời khỏi Việt Nam, và ông lên đường vào ngày 24/2. Trong một cử chỉ kịch tính tại phi trường, ông hốt một nhúm đất cho vào túi nhựa, tuyên bố mình muốn giữ gìn một nắm đất thiêng liêng của quê hương để mang theo đến bất cứ nơi nào. Thời cai trị ngắn ngủi, đầy náo động của Nguyễn Khánh đã qua. Ông không bao giờ trở lại.

Trước vụ đảo chính, Trần Thiện Khiêm đã viết một bức thư cho Thiệu và đã nhờ một nhà báo Mỹ đi đến Saigon trao dùm. Một khi nhà báo biết được mình có gì, anh liền cho in một phần trong đó. Trong thư Khiêm rào trước đón sau, nhờ Thiệu cố vấn khi nào ông trở về nước được. Mặc dù ông không về phe bọn đảo chính, nhưng trong thế giới siêu nghi vấn của chính trị miền Nam, bức thư và những nhân tố khác – mối quan hệ của Thiệu với Khiêm, tín ngưỡng của ông và cùng phe với Đại Việt – đặt ông dưới đám mây mù hoài nghi. Quát ôm mối nghi ngại rằng Thiệu đã bí mật hỗ trợ nỗ lực của Thảo, trong khi những người khác kết luận điều ngược lại, rằng Thiệu đã dàn dựng Thảo. Không lâu sau khi Khánh ra đi, Kỳ nhắc cho Westmoreland biết là hành động chống Khánh của họ là “hợp pháp”, khiến Westmoreland tin là mưu toan đảo chính là một “trò hề được dàn dựng với Thiệu và Kỳ đạo diễn hành động để mình chứng rằng Khánh không còn có năng lực điều khiển quân đội … Thiệu và Kỳ chiêu mộ Phát và Tồn làm bình phong với lời hứa sẽ khoan hồng cho hành động tháng 9 của họ.”

Kỳ và Thiệu có bí mật cấu kết để lợi dụng cuộc đảo chính của Thảo làm cái cớ cho họ loại bỏ Khánh khỏi đất nước hay không? Điều này là có thể, và xét đến việc họ cùng tham gia chính quyền sau này, điều đó càng đáng tin hơn nhưng rủi thay không có đủ căn cứ. Thiệu có thể đã dễ dàng sử dụng Tồn và Phát để giám sát Thảo, người mà ông gọi là “kẻ gây ảnh hưởng xấu xa nhất ở Việt Nam hôm nay và là tên hợp tác với Việt Cộng.” Kỳ ắt hẳn hiểu rõ Thảo đang mưu toan đảo chính. Theo Trương Như Tảng, một cán bộ bí mật của Mặt trận sống công khai ở Saigon và sau này sẽ trở thành bộ trưởng tư pháp của MTGP, ông ta có mặt khi Thảo gọi điện cho Kỳ và báo tin cho hay y sẽ dự tính loại bỏ Khánh. Vào tháng 3 1971 Lâm Văn Phát cho các viên chức sứ quán Hoa Kỳ biết rằng “ông ta đã nhận được sự hậu thuẫn đầy đủ từ Thiệu … và một lời hứa ủng hộ từ Kỳ.” Vậy mà, không có chứng cứ để hỗ trợ cho lời khai của Phát, viên chức sứ quán phát biểu điều ai cũng đồng thuận: “phần đông nguồn tư liệu đều đồng ý rằng Thiệu không dính dấp gì đến vụ đảo chính.”

Mặc dù Quát ngờ vực, các sĩ quan bạn bè Thiệu nhìn ông cách khác. Vì Thiệu không tham gia vụ đảo chính dù có liên hệ rõ ràng với Khiêm, hành động của Thiệu củng cố thêm tiếng tăm của ông trong số các tướng lĩnh như một người trung thành với đất nước và không vì việc thăng tiến của riêng mình. HĐQL bầu Thiệu thay thế Khánh làm tổng thư ký, và đứng đầu bộ phận lãnh đạo quân đội. CIA bắt đầu điều tra về ông, xác nhận rằng Thiệu có “một số phẩm chất mạnh, bao gồm năng lực và tính chính trực.” Tuy nhiên, khi cục cố đào sâu thêm, họ tìm thấy có ít người Việt biết rõ ông. Không như nhiều vị tướng, kể cả phần đông tướng gốc bắc, Thiệu không phải là một nguồn tư liệu của CIA. CIA thấy cá tính dè dặt của ông “khó đoán”, và dò hỏi qua một số sĩ quan thân cận cho thấy ông là một người “thận trọng quá mức cần thiết; một số nghĩ rằng ông bài ngoại và đa nghi đến mức hoang tưởng.”

Giới quân sự Hoa Kỳ có ý kiến khác về vị tổng thống tương lai. Westmoreland nhận xét Thiệu “sáng suốt, được đồng nghiệp yêu quý và đủ tinh khôn để gìn giữ mình trong một tư thế không liên kết để không bị quét đi trong những cơn biến đổi của chế độ. Ông đã làm tốt trong những nhiệm vụ trước đây và có thể được các đồng sự bầu vào chức vụ.”

Westmoreland khẳng định rằng, trong khi được đề cập đến gần đây như một ứng viên lãnh đạo chính quyền, Thiệu khôn khéo “từ chối những đề nghị đó viện lẽ tin ngưỡng và những mối liên hệ chính trị của ông sẽ biến ông thành một nhân tố gây chia rẽ.” Ông nói đúng; Trí Quang gần như hoang tưởng về việc theo Công giáo và có cảm tình với Diệm.” Dù vậy, Thiệu là một người đang nổi lên.

TÌM SỰ ỔN ĐỊNH

Cơn bùng nổ đổ lên Thảo, Khiêm và Khánh vừa mới lắng xuống thì một cơn náo động mới lại nổi lên: các nhóm phi chính quyền công khai bàn bạc về một giải pháp chính trị cho chiến tranh thay vì một thắng lợi quân sự. Đối với người Quốc gia, bất kỳ điều gì khác hơn chủ trương một thắng lợi toàn diện hoặc một sự rút lui hoàn toàn các lực lượng Cộng sản đều là sự phỉ báng. Các học giả không may ít để ý đến nguồn gốc và sự tiến hóa của các chính sách của Saigon, nhưng chính quyền miền Nam (CQMN) quả có đưa ra một phương cách để giải quyết chiến tranh. Ngạc nhiên thay, những chính sách này bắt đầu với Quát.

Vào giữa tháng 2, một ít các nhà sư và sinh viên chống đối bắt đầu đưa ra những yêu sách mơ hồ về việc thương thảo với MTGP, nhưng không ai chú ý. Điều đó thay đổi vào ngày 28/2, khi một nhà sư chức sắc cao ở Saigon có tên Thích Quảng Liên thông báo sự ra đời của một nhóm Phật tử cống hiến cho việc tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam. Đặt tên một cách ngộ nghĩnh là Phong trào đòi Hoà bình và Hạnh phúc Quốc gia, chương trình của Liên yêu cầu việc rút lui đồng thời các binh lính Cộng sản và Hoa Kỳ, sau đó là những thương thảo chỉ giữa những người Việt với nhau. Liên không được sự hậu thuẫn chính thức của Trí Quang hoặc Tâm Châu, nhưng ông ta cứ mặc kệ tiến lên. Ông phát động cương lĩnh của mình từ Chùa Ấn Quang ở Saigon. Ngôi chùa này giờ là trung tâm của nhóm chống đối CQMN của Trí Quang, trong khi Chùa Xá Lợi vẫn còn là bộ chỉ huy Phật tử miền Nam, nhưng không theo Trí Quang.

Buổi họp đầu tiên của nội các Quát tập trung vào đề nghị của Quảng Liên. Các bộ trưởng đồng ý trên một bộ điều kiện giờ trở thành câu trả lời chính thức đầu tiên sau thời Diệm cho yêu cầu nội bộ của người miền Nam với Cộng sản. Bùi Diễm lưu ý rằng “Quát chống trung lập hoặc chính quyền liên hiệp. Nội các nhất trí rằng vì Quảng Liên có vẻ thân Cộng nên Quát cần đứng trên một lập trường cứng rắn. Thiệu nói rất ít tại buổi họp này và không đóng góp gì cho cuộc thảo luận.” Như vậy, những điều khoản hòa bình ban đầu của Saigon được phê dân sự xác định, không phải phe quân sự, nhưng những điều kiện này sẽ sống còn đến hồi kết.

Tại buổi họp nội các đầu tiên này, Quát gần như phớt lờ Thiệu vì ông còn ôm mối hoài nghi rằng vị tướng đã lén lút hỗ trợ Thảo trong vụ đảo chính tháng 2. Theo Bùi Diễm, Thiệu cảm thấy bị xúc phạm trước thái độ của Quát. Thiệu “rời phòng họp rất bực bội, gần như càu nhàu về việc Quát tỏ ra không lịch sự với mình.” Thiệu phàn nàn với Bùi Diễm rằng “Quát không ngó ngàng gì đến tôi.” Sau đó Quát phái Bùi Diễm đến “viếng Thiệu để bảo với ông ta là Quát không cố tình tỏ ra thiếu tôn trọng Thiệu.” Đây là lần đầu tiên Bùi Diễm được phái đi làm sứ giả để giải hòa mối bất đồng giữa Thiệu với một người khác, nhưng còn lâu mới là lần cuối cùng.

Buổi họp báo đầu tiên của Quát với chức thủ tướng dành hoàn toàn để đáp trả Quảng Liên. Quát đồng ý rằng “vấn đề thương thảo hoàn toàn là vấn đề nội bộ của người Việt Nam.” nhưng “là một vấn đề mà CQMN chưa từng xử trí.” Rồi Quát trình bày chính sách thương thảo của Saigon.

Đối với hoà bình, Saigon sẽ không giải quyết “chỉ một cuộc đình chiến” để người Cộng sản lợi dụng. Miền Nam đang tự vệ chống lại sự gây hấn bên ngoài tử miền Bắc, và nếu Hà Nội mong muốn hòa bình thực sự, thì yêu cầu của Saigon thực đơn giản. Cộng sản phải “chấm dứt chiến tranh, xâm nhập, lật đổ, và phá hoại”  và phải “đảm bảo sự an ninh của miền Nam”. Quát nói rằng Saigon muốn hòa bình cho dù những mánh khoé tuyển truyền dối trá của Cộng sản” đã đánh lừa công luận. Cuối cùng, ông bác bỏ bất kỳ “giải quyết quốc tế nào không nhận được sự đồng ý của Chính quyền và nhân dân Việt Nam,” một lời khiến trách rõ ràng đến  những ai kêu gọi nối lại Hiệp định Geneva hoặc có dính líu với Pháp.

Đáp trả thẳng thừng của Quát hoàn toàn không được chú ý tới khi các cuộc không kích của Mỹ và miền Nam leo thang chống lại miền Bắc. Vào ngày ⅔, tốp đầu tiên của một chiến dịch oanh tạc mở rộng mang tên Rolling Thunder (Sấm Dậy) được tiến hành với hơn 100 phi cơ của Không lực Hoa Kỳ và 19 chiếc Skyraider của miền Nam đánh phá các mục tiêu ngay phía bắc vùng Phi Quân sự. Xét tính hình chiến sự leo thang nhanh chóng, Tướng Westmoreland trước đây đã yêu cầu đưa binh lính Mỹ vào miền Nam để phòng thủ căn cứ không quân trọng yếu ở Đà Nẵng. Vào ngày 8/3, hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng, sứ mạng đầu tiên của bộ binh Hoa Kỳ tung vào cuộc xung đột.

Trong khi cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ xuống VNDCCH bóp nghẹt việc giải quyết miền Nam, cả Quát và Bùi Diễm đều chống lại việc cho phép lực lượng tác chiến chính quy Mỹ vào Việt Nam, sợ rằng nó sẽ trở thành mục tiêu của bộ máy  tuyên truyền độc hại của Cộng sản,  ấn một cái nêm giữa chính quyền và nhân dân. Họ đã đúng khi cho rằng Cộng sản sẽ lợi dụng sự hiện diện của Mỹ để khai thác kịch liệt sự yếu kém nội bộ trắng trợn của Saigon. Trương Như Tảng lưu ý rằng MTGP muốn hoặc một thắng lợi quân sự đối với Saigon hoặc tăng cường “đấu tranh chính trị” để làm chính quyền sụp đổ. Tảng tiếp tay thành lập Phong trào Tự Quyết Dân Tộc, mà thủ lĩnh là một luật sư có tên Nguyễn Long. Một nhóm thứ hai, có tên Ủy ban đòi Hoà bình, cũng được sinh ra qua nỗ lực này. Mục tiêu là “kích động  sức ép của nhân dân trong các thành phố đòi tiến hành thương thảo,” nhờ đó tạo ra được “một khủng hoảng chính trị mà người Mỹ bất lực đối phó. Bước đầu tiên của chúng ta trong chiều hướng này là thành lập một phong trào công khai và hợp pháp để động viên dư luận và vận động thương thảo kết thúc hận thù – một phong trào bề ngoài không có liên hệ gì đến MTGP.”

Vụ đổ bộ tạo cơ hội cho một nhóm nhỏ các đặc vụ mật và những người cánh tả chống chính quyền ở Saigon cần đến. Vài giờ sau khi Thủy quân Lục chiến đặt chân lên bãi biển, Ủy ban đòi Hoà bình mở cuộc họp báo. Họ yêu cầu binh lính Mỹ rút về nước và mở cuộc thỏa thuận giữa CQMN và MTGP. Thủ lĩnh của nhóm là Phạm Văn Huyến, một người bắc và một bác sĩ thú y do Pháp đào tạo đã di cư vào nam năm 1955 và phục vụ một thời gian với chức vụ bộ trưởng của Diệm về người tị nạn. Con gái của Huyến, một luật sư có tên Phạm Thị Thanh Vân, cũng tham gia cuộc họp báo. Năm 1948, bà lấy một người bắc khác tên Ngô Bá Thành, và bà Ngô Bá Thành sau này sẽ trở thành, sau nhà hoạt động sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, những người bất đồng chính kiến cực đoan nổi tiếng nhất ở miền Nam. Cho dù không hề có ảnh hưởng trong chính tình miền Nam, bà có tài vận dụng báo chí phương Tây và khéti tiếng trên toàn thế giới, một phần nhờ bà nói tiếng Anh lưu loát vì đã từng học luật tại Đại học Columbia. Tiểu sử của bà trong hồ sơ sứ quán, cho biết, hơn 10 năm sau, bà “dâng hiến toàn bộ sức lực không ngừng nghỉ cho cuộc tranh đấu dữ dội bằng mồm chống lại ‘bè lũ hiếu chiến thối nát ‘đang cai trị miền Nam theo “mệnh lệnh của Đế quốc Mỹ'”.

Vào ngày 12/3, Quát một lần nữa công khai lên án phong trào hòa bình, mặc dù rất thận trọng trong các lời phát biểu của mình, không gộp chung phe Phật tử với nhóm của Huyến. Ông tuyên bố rằng chính quyền theo đuổi một “cuộc đấu tranh toàn diện” chống Cộng sản để thắng cuộc chiến. Quát thành công, và với việc Quảng Liên không nhận được hậu thuẫn nội bộ nào từ giới lãnh đạo Phật giáo, vào ngày 17/3, ông từ chức trong giáo hội và lên đường dự hội nghị tại Nhật Bản.

Kỳ hậu thuẫn những nhận xét của Quát, và ông bảo một nhà báo Mỹ rằng HĐQL “đã chán ngấy với những cuộc đảo chính và phản đảo chính.” Nếu mục tiêu đầu tiên của Quát là ổn định chính tình, thì mục tiêu thứ hai là loại quân đội ra khỏi chính trị. Ông sử dụng nhận xét của Kỳ để thuyết phục quân đội chỉ nên chăm lo việc đánh giặc. Sau sáu tuần thảo luận, ông thành công, và vào ngày 5/5, Hội đồng Quân lực giải tán. Tất cả sĩ quan phục vụ trong chính quyền Quát từ chức, kể cả Thiệu, mặc dù Quát nhanh chóng giữ lại ông. Thiệu đưa ra lời tuyên bố nói rằng HĐQL đã được thành lập để bảo vệ lợi ích của đất nước, và giờ đây tình hình đã ổn định, giới quân sự quay về với nhiệm vụ chủ yếu của mình là chiến đấu chống Cộng sản. Quát bổ nhiệm Đại tá Phạm Văn Liễu làm giám đốc cảnh sát, và ông lập tức ra lệnh cho Liễu bắt giữ các thủ lĩnh của Ủy ban đòi Hoà bình và các nhóm Tự Quyết Dân tộc, kể cả bà Ngô Bá Thành và Trương Như Tảng. Vào ngày 19/3, Huyến và hai thủ lĩnh khác được dẫn bộ đi qua cầu bắc qua Sông Bến Hải ở Tỉnh Quảng Trị và giao cho bộ đội canh phòng miền Bắc. Số thành viên còn lại của nhóm bị đưa ra tòa án binh  xét xử theo điều khoản của sắc lệnh ngày 7/8/1964 do Khánh ban hành. Vào đầu tháng 8 1965, phiên tòa được tổ chức. Một số người trắng án, nhưng Nguyễn Long và ba người khác bị kết án tù. Bà Thành và Tảng nhận được án treo.

Mặc dù sự đối đầu này giữa chính quyền và những người bất đồng chính kiến cảnh tả không đạt được các mục tiêu của MTGP là tiến hành đàm phán hoặc ngừng đưa quân Mỹ vào miền Nam, nhưng nó hoàn thành một mục đích. Nó khởi phát việc quốc tế lên án rộng khắp “sự áp bức” của CQMN. Sự chỉ trích này sẽ tăng lên một cách ấn tượng nhiều năm sau khi các lời chỉ trích đều cáo buộc CQMN luôn chụp mũ Cộng sản cho bất kỳ ai tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho chiến tranh và rồi sau đó quấy nhiễu và tống giam họ. Hành động lên án này – mà người Mỹ cho là độc tài – trở thành một trong những lập luận chính cho phong trào phản chiến toàn cầu. Bôi nhọ thái độ chống đối hoà đàm của Saigon trong khi phớt lờ vai trò của Đảng Cộng sản trong việc khai thác yêu sách đòi hoà bình để tiến tới nắm quyền kiểm soát miền Nam phục vụ cho mục đích bất hợp pháp hóa CQMN của phong trào phản chiến.

Lời tuyên bố của chính quyền là đúng. Cũng như sẽ đúng với hầu hết những kẻ bất mãn nội bộ của nó, nhiều thủ lĩnh hòa bình mới là những đặc vụ Cộng sản. Theo tài liệu chính thức xuất bản sau chiến tranh, Nguyễn Long đã là một đặc vụ Cộng sản từ năm 1948, khi y “được giao công tác tiến hành các hoạt động lén lút ở Huế. Từ năm 1953 đến 1972, y là một thành viên của Hội Luật gia ở Saigon, hành nghề cố vấn pháp luật và những nghiệp vụ khác. Việc này cung cấp cho y vỏ bọc để thực hiện những hoạt động cho cách mạng bên trong hàng ngũ kẻ thù.” Trong khi Quảng Liên không phải Cộng sản, một trong những người hoạt động ngầm có ảnh hưởng nhất của MTGP làm phó cho ông ta trong ủy ban đòi hoà bình, một luật sư có tên Trịnh Đình Thảo. Theo hồi ký của ông ta, Thảo cũng là một người hoạt động ngầm từ cuối thập niên 1940. Thảo đã luồn lách vào phong trào Phật giáo trong những cuộc đấu tranh chống Diệm và cho phép họ sử dụng một nông trại nhỏ của ông làm nơi ẩn náu bình yên. Thảo, là công cụ phát động ủy ban đòi hoà bình của Long và Huyến, cũng bị bắt, bị ra tòa, và được hưởng án treo.

Cho dù Quát đã đưa ra lời đề nghị hoà bình đầu tiên cho miền Nam, phe Quốc gia chưa hề xác định hòa bình nghĩa là gì, vì bất cứ điều gì khác hơn một thắng lợi tuyệt đối Cộng sản đều được xem là chủ bại. Tuy nhiên, người Mỹ liên tục tìm kiếm một phương cách kết thúc chiến tranh, vốn luôn dậy lên mối nghi ngờ cho phe Quốc gia về một vụ bán đứng miền Nam. Vào ngày 7/4, Tổng thống Lyndon Johnson đọc một bài diễn văn về chính sách đối ngoại trong đó ông loan báo rằng ông mở ngõ cho “những thỏa thuận vô điều kiện” hòng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. . Trong bài diễn văn của mình, ông đưa ra một chương trình táo bạo để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế của Đông Nam Á, nhưng ông khẳng định lại quyết tâm tiếp tục chiến đấu để hoàn thành mục tiêu của một miền Nam độc lập.

Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng đáp ứng bằng cách đề nghị rằng Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, và hai bên ngừng tham gia liên minh quân sự hay cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên đất nước họ, và rằng tình hình ở miền Nam sẽ được giải quyết giữa MTGP và CQMN mà không có sự can thiệp của bên ngoài. Về cơ bản, Hà Nội muốn người Mỹ rút khỏi Việt Nam trước khi hòa đàm cố thể bắt đầu, trong khi Saigon muốn người Cộng sản rút khỏi miền Nam trước khi thương thảo có thể bắt đầu . Đó là một ngõ cụt hoàn hảo.

Ngoại trưởng miền Nam Trần Văn Đỗ có một thời gian dài liên quan đến chính sách ngoại giao của miền Nam. Sinh ngày 15/11/1903, ở miền Bắc, ông là bác sĩ và là một người Quốc gia đáng kinh. Tổng thống Diệm đã chỉ định ông cầm đầu phái đoàn miền Nam tham dự hội nghị Geneva. Với sự tán thành của Diệm, trong một đoạn kết đầy ấn tượng,  ông bác bỏ việc chia cắt đất nước đã được thỏa thuận. Ông tuyên bố “CQMN chống đối các điều khoản của hiệp định không đáp ứng với nguyện vọng sâu xa nhất của nhân dân miền Nam. Chính quyền Việt Nam… giành hoàn toàn quyền tự do hành động … trong việc thực hiện sự thống nhất, độc lập, và tự do cho quốc gia.” miền Nam từ chối ký tên vào hiệp định nên về pháp lý không bị buộc phải tuân thủ nó, một điểm mà các đám đông phản chiến to mồm bỏ qua có lợi cho họ, để rồi sau này tuyên bố rằng Saigon đã vi phạm hiệp ước bằng cách khước từ bầu cử trên toàn quốc.

Ngay sau khi Quát đọc những tuyên bố về chính sách hòa bình của CQMN, và với việc người Mỹ bí mật tham gia vào các sáng kiến hòa bình với Anh, Liên Hiệp Quốc, Xô Viết, và Canada, Phó đại sứ Mỹ Alexis Johnson gặp Ngoại trưởng Đỗ vào ngày ⅕ để tìm một lối giải thích về chính sách của miền Nam. Đổ bảo với Johnson rằng Saigon không đồng ý với VNDCCH, LHQ, và người Pháp cho rằng triệu tập một hội nghị Geneva khác là cần thiết. Đối với miền Nam, hiệp định 1954 đã chứng tỏ là vô ích. Hơn nữa, phe Quốc gia tin chắc rằng Hà Nội sẽ xem hội nghị Geneva mới đơn giản như một giai đoạn tạm nghỉ trong cuộc chiến để thống nhất Việt Nam theo điều kiện của họ. Đỗ chỉ ra rằng Uỷ ban Kiểm soát Quốc tế, được hiệp ước cử ra để giám sát những vi phạm quân sự đã vô dụng trong việc ngăn chặn xâm nhập. Không “một lực lượng hiệu quả nào có thể nhanh chóng thành lập để đáp ứng được các gây hấn trong tương lai,” VNDCCH đã công khai miệt thị những hiệp định Lào 1954 và 1962. Dựa vào thành tích bất hảo của Hà Nội, ông lưu ý, tại sao có ai tin tưởng họ tôn trọng một hiệp ước khác?

Thay vào đó, chính quyền Quát tin rằng điều quan trọng hơn là đạt được sự tin cậy của nhân dân vì “một hiệp thỏa hiệp với Việt Cộng là vô ích trừ khi chính quyền có thể kiểm soát được làng ấp.” Điều đó đòi hỏi hai mục tiên quyết: một cuộc ngừng bắn và rút quân của Cộng sản. Nếu MTGP không chịu rút bộ đội khỏi miền Nam, “mọi sự sẽ được hoàn thành là sự chia cắt đất nước, và rồi CQMN sẽ phải thỏa thuận với MTGP. Đó là lý do tại sao chính quyền đã yêu sách Việt Cộng phải rút quân…. Đỗ lặp lại rằng một sự ngừng bắn mà không rút quân sẽ rất nguy hiểm và chính quyền lẫn phe quân sự không bền nào chịu chấp nhận lối sắp xếp như thế.

Nghi ngờ người Mỹ đang mưu tính sau lưng họ một dàn xếp thỏa thuận, CQMN yêu cầu một buổi họp vào ngày 26/5 giữa Quát và Taylor để bổ sung những thông tin chi tiết liên quan đến các lập trường của họ. Phía CQMN được đại diện bởi Quát, Đỗ, và Bùi Diễm, và phía Mỹ bởi Đại sứ Taylor và hai viên chức sứ quán cao cấp. Mục tiêu của người Việt “được phát biểu theo nghĩa rộng là vãn hội hòa bình với tự do và đầy đủ quyền tự chủ và độc lập của miền Nam.” Việc tái thống nhất ai cũng mong muốn nhưng hiện giờ được coi là không thực tế. Đối với MTGP, chủ trương của CQMN là “tuyệt đối nhất quán”. Saigon xem MTGP là “sản phẩm của Hà Nội”, và Quát và Đỗ sẽ không chấp nhận nó như một “phần tử trong nền hành chính của CQMN, mà như một khối hoặc một lực lượng hoặc tổ chức chính trị.” Phát biểu cho người Mỹ, Taylor lặp lại điều mà Tổng thống Johnson đã vạch ra trong bài diễn văn ngày 7/4. Trong khi Hoa Kỳ chia sẻ với yêu cầu của người miền Nam về một “nền độc lập được bảo đảm vững chắc”, Hoa Kỳ lại tán thành mở lại Hiệp định Geneva. Quát không đồng ý và nhắc lại điểm chính của phe Quốc gia. Hiệp ước 1954 là một “vụ đình chiến giữa Pháp và Cộng sản Việt Nam chứ không phải là một văn kiện chính trị khống chế tương lai miền Nam.”

Tuy nhiên, nếu hai bên trở lại hội nghị Geneva, ông muốn người Mỹ bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ đáp ứng về mặt quân sự nếu Cộng sản vi phạm bất kỳ một hiệp ước mới nào, một dự báo trước về những khó khăn trong việc giải quyết hiệp định Paris tương lai.

ĐOẠN CUỐI CỦA TIẾN TRÌNH THƯƠNG THẢO

Kỳ lạ, chỉ một cái lỡ lời đã khởi đầu cho sự phá sản của Quát. Vào đầu tháng 4, ông phái Trần Văn Tuyên đến Paris để làm thất bại những nỗ lực của Pháp nhằm trung lập hóa miền Nam. Không lâu trước chuyến đi của Tuyên, Quát một lần nữa công khai lặp lại cam kết của mình rằng ông không chấp nhận một cuộc ngừng bắn, cũng không thương lượng với Hà Nội, trừ khi tất cả bộ đội Cộng sản đều rút hết. Tuy nhiên, trong khi ông không chịu  công nhận MTGP như một thực thể chính trị độc lập, ông sẽ cho phép các đại biểu MTGP nhập với phe miền Bắc trong quá trình đàm phán. Đối với những người Quốc gia kiên trung, đây là một nhượng bộ nguy hiểm, một nhượng bộ sẽ xuất hiện lại vào tháng 10 1968. Với những chỉ thị này, trong lúc ở Paris, Tuyên có một số bình luận mơ hồ mà báo chí Saigon hiểu sai là ông chủ trương trung lập hóa. Kết hợp với các tin đồn cho rằng một vài bộ trưởng của Quát đang tìm kiếm hoà bình với MTGP, phe Công giáo lập tức chống đối. Trước đây, Cha Hoàng Quỳnh, xưa kia là lãnh đạo phe Công giáo miền bắc, đã bắt đầu bắt bẻ từ cuối tháng 3 về sự mềm yếu của Quát đối với Quảng Liên và đề nghị hòa bình của phe Phật giáo. Vào đầu tháng 5, Cha Quỳnh tuyên bố thành lập một tổ chức chính trị Công giáo có tên Lực Lượng Đại Đoàn Kết. Nhóm này kết hợp 5 tổ chức Công giáo khác nhau thành một bộ phận và trong một thời gian trở thành lực lượng chính trị Công giáo quan trọng nhất. Với việc người Công giáo miền Bắc đòi Quát phái cứng rắn hơn với nhóm phản chiến Phật tử, nhiều người miền Nam bắt đầu than vãn về việc họ mất ảnh hưởng sau khi Hương bị cho ra rìa. Một thông điệp được chuyển đến tay Mình Cồ , đang sống lưu vong ở Bangkok, gọi ông trở về.

Minh giờ đây là môt nhân vật bị cô lập và thểu não, đã rơi xuống dốc từ vị thế một nhà lãnh đạo quân sự được trân trọng nhất đất nước. Việc ông khao khát một chức vụ có uy tín, cộng với mối hiềm khích không giải quyết được với Khánh, đã lấy mất của ông thiện ý và lòng ngưỡng mộ của phần đông các sĩ quan đàn em. Vậy mà ông vẫn còn được dân chúng miền Nam và Phật tử tôn trọng vì công lật đổ Diệm. Vào ngày 12/5, Minh đáp chuyến bay và hướng về Saigon. Khi chiếc phi cơ bay vòng trên Tân Sơn Nhất, Quát không đồng ý cấp phép cho máy bay đáp xuống. Việc Quát không cho phép Minh quay về, cùng với án tử hình gần đây cho  Văn Phát và Phạm Ngọc Thảo đang tại đào vì vai trò của họ trong cuộc đảo chính tháng 2, đối với nhiều người miền Nam, càng khẳng định rằng Quát đang về phe chống lại họ. Sau đó, Thảo lại gây ra  một hỗn loạn thêm lần nữa. Được tin mật báo, vào ngày 20/5, cảnh sát bắt giữ hơn 30 sĩ quan được cho là dính líu vào một âm mưu đảo chính do Thảo cầm đầu. Mặc dù Thảo đang lẩn trốn, cục An ninh Quân đội Việt Nam tóm được và tra tấn y đến chết vào ngày 17/7/1965.

Theo một kiểu âm mưu điển hình, nhiều người miền Nam và Công giáo tin rằng Quát đã dàn dựng cú đảo chính để tạo cớ bắt những sĩ quan phần lớn là Công giáo này. Một vài nhóm  thường không làm việc chung với nhau giờ đây bỗng liên minh thành một khối miền Nam liên kết chống lại Quát vốn người miền bắc. Các phần tử Cao Đài, Hòa Hảo, và nhiều người miền Nam giờ gia nhập với giáo dân của Cha Quỳnh để chống đối chính quyền Quát. Để xoa dịu nhóm chống đối, Quát quyết định thay thế một số bộ trưởng người bắc bằng người miền Nam. Ông nộp danh sách người thay thế cho Sửu, hy vọng vị quốc trưởng già khú sẽ tự động ký sắc lệnh.

Tuy nhiên, Quát đã không bàn bạc việc thay thế với Sửu trước. Hơn nữa, ngài thủ tướng thường phớt lờ Sửu, và ông lão bát tuần nóng tính này, cho là mình bị xem thường, không chịu ký tên vào 2 trong số 5 người được đề cử. Thừa dịp, vào ngày 27/5, Cha Quỳnh âm thầm gặp Sửu và trao một bản thỉnh nguyện “bất tín nhiệm” Quát. Các nhóm khác hùa theo. Xét rằng hiến pháp lâm thời tháng 10 1964 quá mơ hồ để Quát có thể buộc Sửu ký duyệt danh sách thay thế, ông gọi Thiệu đến để yêu cầu quân đội can thiệp giải quyết vấn đề với Sửu. Đối với Quát nhờ đến sự hỗ trợ của Thiệu rõ ràng bộc lộ tình trạng tuyệt vọng của ông, bởi vì hai người vẫn còn cơm không lành canh không ngọt với nhau.  Vậy mà mặc dù có hiềm khích cá nhân và việc giải tán HĐQL mới đây, Thiệu vẫn đồng ý hỗ trợ Quát trong cuộc khủng hoảng “chỉnh lý nội các” này, nhưng ông nhắc nhở rằng “các tướng lĩnh muốn tránh ấn tượng của một hành động can thiệp và vẫn duy trì tư thế phi chính trị vừa mới có được.”. Thiệu gặp Sửu và “trình bày mạnh mẽ quan điểm của quân đội rằng cuộc khủng hoảng chính trị phải tránh xa và bế tắc hiện thời phải chấm dứt.” Nếu không, Thiệu nói, quân đội sẽ phải can thiệp vào đời sống chính trị của đất nước thêm một lần nữa. Nhưng Sửu không chịu đổi ý. Rồi Thiệu cố thuyết phục Quỳnh “tránh biểu tình và những hành động có phương hại đến đất nước tại thời điểm hiểm nghèo này. Ông giải bày với ông ta rằng mình là một người lính, một giáo dân, và người sinh quán miền Trung và do đó không liên hệ với phe phái vùng miền nào. Ông chống đối việc tôn giáo xen vào chính trị. Thiệu bảo Quỳnh ông xem vai trò của quân đội là hậu thuẫn cho những khát vọng của nhân dân hơn là cho các cá nhân. Quân đội ủng hộ Quát vì ông ta là thủ tướng hợp pháp.” Quỳnh  không đếm xỉa gì tới lời bào chữa của Thiệu, và vào đầu tháng 6, những người phe ông lại xuống đường. Vung vẫy biểu ngữ, họ phong tỏa dinh. Điều này phơi bày sự yếu kém của Quát: ông không có cơ sở quyền lực nào khác hơn là thiện ý, mà cũng không được lâu dài. Chỉ có quân đội mới có thể giữ Quát ở lại quyền lực, nhưng ông cũng không được phe đó yểm trợ. Sau khi triệu tập các lãnh đạo quân sự và Sửu đến giải quyết bế tắc, Sửu vẫn không chịu hợp tác. Vào tối ngày 9/6, Quát đột ngột từ chức, Sửu cũng tiếp bước ngay sau đó.

Quát đổ lỗi cho Thiệu việc ông thất thế. Nói chuyện sau đó vài tháng với một viên chức sứ quán Mỹ, Quát cho rằng “người thực sự phản bội ông là Tướng Thiệu, và ông nói thêm Thiệu đang giật dây ‘bé Kỳ tội nghiệp’, theo Quát, chắc vẫn chưa biết mình đang bị lợi dụng.” Thiệu đã cảnh báo Quát rằng quân đội chỉ hậu thuẫn ông nếu đó là vì lợi ích quốc gia và không đơn giản chỉ là việc giữ Quát ở lại quyền lực. Khi Quát và Sửu chứng tỏ mình không thể san bằng sự khác biệt, quân đội quyết định cả hai phải ra đi.

Hai vấn nạn có ý nghĩa mà Bùi Diễm đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ của Quát – hiềm thù vùng miền và xích mích tôn giáo – đã hủy diệt chính quyền Quát, đúng như nó đã làm sụp đổ chính quyền Hương. Tuy nhiên, lần này chính người Công giáo đã lôi nó xuống, chứ không phải phe Phật tử. Nền cai trị dân sự chỉ được phục hồi trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Đối với ba người đã tìm cách thiết lập lại chính quyền dân sự trong một đất nước đang bị vây hãm của mình, số phận dành cho mỗi người khác nhau. Dù vậy, Quát sẽ không bao giờ tham gia chính quyền một lần nữa cho dù luôn là, như một viên chức sứ quán Mỹ hay bông đùa tuyên bố, “Ngài Luôn Có Sẵn”. Thế đấy, vậy là chính quyền dân sự đã thất bại. Giờ là thời khắc của phe quân sự.

https://www.kbchntv.com/47863/guom-da-tuot-ra-noi-mien-dat-xa-xoi-nhung-uoc-mo-tan-vo-cua-mien-nam-phan-6/index.html (Phần 6)

(Phần 8)