KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://youtube.com/channel/UCv9DjIrfwPI2NL1FzGTlwfA/
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)
Tin vui: Paxlovid (Nirmatrelvir/Ritonavir) - Thuốc viên uống đầu tiên chữa Covid-19 được FDA chấp thuận
Mỹ cấp giấy phép cho sử dụng thuốc chống Covid của tập đoàn Pfizer. Handout Pfizer/AFP/File
Hôm nay, FDA cấp phép dùng khẩn cấp EUA cho thuốc Paxlovid (gồm 2 loại kháng virus là Nirmatrelvir/Ritonavir) để chữa trị bệnh Covid-19 mức độ nhẹ, vừa, hay chữa trị bệnh nhân có rủi ro phát triển Covid-19 nặng. Thuốc viên này cần toa BS, uống mỗi lần 3 viên (2 viên Nirmatrelvir và 1 viên Ritonavir), mỗi ngày 2 lần trong 5 ngày. Thuốc này dự đoán có hiệu quả với các biến thể Alpha, Delta, và Omicron.
Thuốc nên được uống ngay khi được chẩn đoán Covid-19 triệu chứng. Thuốc Paxlovid kháng virus Sars-cov-2 bằng cách ức chế các enzyme phân cắt protein giúp tạo ra các virus mới. Bằng cách này, các protein mới tạo ra bị đùng lại và các virus mới không được nhân đôi đúng cách. Trong chương trình livestream, tôi nói ví von thuốc này ức chế virus nhân đôi tương tự như dây chuyền sản xuất lạp xưởng mà không có kéo cắt ra từng khoang lạp xưởng. Nếu không có cắt thì cả đống lạp xưởng bị dồn lại, không đưa ra thành phẩm lạp xưởng thơm ngon được.
Thuốc Paxlovid được chấp thuận sau khi có kết quả từ nghiên cứu nhóm đối chứng ngẫu nhiên EPIC-HR gần trên 2100 bệnh nhân, cho thấy giảm 88% rủi ro nhập viện hay tử vong do Covid-19. Cụ thể, 1,039 bệnh nhân dùng Paxlovid và 1,046 dùng thuốc giả dược trong vòng 5 ngày ngay sau khi có triệu chứng và được chẩn đoán Covid-19.Sau 28 ngày theo dõi, có 0.8% bệnh nhân nhóm dùng thuốc Paxlovid nhập viện hay tử vong so với 6% bệnh nhân không dùng thuốc này.
Tác dụng phụ của thuốc gồm vị giác thay đổi sau khi uống thuốc, tiêu chảy, cao huyết áp hay đau nhức cơ bắp. Dùng thuốc này chung với các thuốc trị HIV hay các thuốc khác có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân bệnh suy thận hay suy gan nặng không nên dùng thuốc này. Với bệnh nhân có bệnh thận/gan mãn tính cần phải tư vấn kỹ với BS trước khi dùng.
Quý vị cần hỏi BS về cách thuốc này và không nên tự ý mua dùng.
Như vậy, sau một thời gian dài, chúng ta đã có thuốc uống đầu tiên chống Covid-19. Hy vọng thuốc này sẽ giúp nhân loại chống chọi Covid-19 tốt hơn.
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
NSW áp dụng trở lại luật mang khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét vuông/một người tại các nhà hàng
Dưới áp lực của số ca nhiễm tăng quá nhanh, Thủ hiến NSW Dominic Perrottet vừa tuyên bố hai sự hạn chế mới bắt đầu từ tuần này:
1/ Kể từ 12 giờ đêm nay, luật mang khẩn trang áp dụng trở lại tại tất cả những nơi bên trong (indoor)
2/ Bắt đầu từ thứ Hai tuần sau 27 tháng 12 tất cả những nhà hàng, những nơi ăn uống phải áp dụng luật giữ khoảng cách 2 mét vuông/một người
Vào hôm nay, Thủ hiến Perrottet cho biết Trưởng Y tế NSW, tiến sĩ Kerry Chant cố vấn cho ông biết vi khuẩn biến thể Omicron không nguy hiểm giống như vi khuẩn Delta.
“Có vẻ như vi khuẩn biến như Omicron ít nguy hiểm hơn Delta đến khoảng 5 lần,” ông nói
“Đó là dấu hiệu đầu tiên thật đáng mừng.”
Thủ hiến Perrottet cũng kêu gọi người dân đừng nên đi xét nghiệm nếu như không đòi hỏi phải đi.
“Nếu bạn không cảm thấy khỏe và bộ y tế không đòi hỏi quý vị phải đi xét nghiệm thì đừng nên đi, bởi vì nếu làm như thế bạn sẽ dứng xếp hàng và làm chậm trễ những người thật sự bệnh phải xét nghiệm, đồng thời làm chậm kết quả xét nghiệm,” ông nói.
Dr Chant cho biết 80% các ca nhiễm tại NSW là do vi khuẩn biến thể Omicron và đó là lý do tại sao các ca nhiễm tại NSW tăng nhanh.
Hiện tại có 347 người bị nhiễm Covid được điều trị tại các bệnh viện ở NSW và 45 nằm trong khu ICU.
Giáo sư Harvard Charles Lieber bị kết tội khai man về mối liên hệ với Trung Quốc
Giáo sư công nghệ nano Charles Lieber của Đại học Harvard đến tòa án liên bang ở Boston hôm 14/12/2021. (Ảnh: Brian Snyder/Reuters)
Một giáo sư Đại học Harvard đã bị một bồi thẩm đoàn của Hoa Kỳ kết tội hôm 21/12 vì khai man với chính phủ về mối liên hệ của ông với Kế Hoạch Ngàn Nhân Tài, một chương trình tuyển dụng việc làm được tài trợ rất nhiều của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Charles Lieber, 62 tuổi, cựu trưởng Khoa Hóa Học và Hóa Sinh của Đại học Harvard, đã bị một bồi thẩm đoàn liên bang ở Boston kết tội về tất cả các tội danh — sáu tội trọng hình gồm hai tội khai man, hai tội khai gian thuế, và hai tội danh không nộp báo cáo cho một tài khoản ngân hàng ngoại quốc ở Trung Quốc.
Bồi thẩm đoàn đã đi đến bản án này sau 2 giờ 45 phút nghị án và năm ngày lấy lời khai.
Các công tố viên liên bang cáo buộc rằng vào năm 2011, ông Lieber đã đồng ý trở thành một “nhà khoa học chiến lược” tại Đại học Công nghệ Vũ Hán ở Trung Quốc, và ông đã tham gia vào Kế Hoạch Ngàn Nhân Tài của ĐCSTQ trong khi làm việc trên nghiên cứu nhạy cảm của Hoa Kỳ. Ông Lieber cũng là người tham gia trong chương trình có ký kết hợp đồng này ít nhất từ năm 2012 đến năm 2017, theo tài liệu của tòa án.
Các công tố viên cáo buộc rằng ông Lieber đã khai gian thuế để che giấu nguồn tài trợ mà ông nhận được từ chương trình của chính quyền Trung Quốc. Số tiền này bao gồm 50,000 USD mỗi tháng cộng với 158,000 USD chi phí sinh hoạt và hơn 1.5 triệu USD tiền tài trợ từ Đại học Công nghệ Vũ Hán.
Các công tố viên cũng cáo buộc rằng ông đã khai man về vai trò của mình trong chương trình này khi đáp lại thẩm vấn từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.
Chương trình Ngàn Nhân Tài của ĐCSTQ đã được thực hiện kể từ tháng 12/2008, chuyên nhắm vào các chuyên gia cao cấp ở hải ngoại. Chương trình này đã bị chính phủ Hoa Kỳ cảnh báo vì các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Ông Lieber bị buộc tội lần đầu tiên hồi tháng 01/2020 và sau đó là hồi tháng 06 và tháng 07/2020, như một phần của “Sáng kiến Trung Quốc” của Bộ Tư pháp, được khai triển hồi năm 2018 dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. Sáng kiến này tìm cách truy tố các trường hợp gián điệp kinh tế và đánh cắp nghiên cứu do ĐCSTQ khởi xướng nhằm vào Hoa Kỳ.
Chính phủ Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục sáng kiến này, mặc dù Bộ Tư pháp cho biết họ đang xem xét lại cách tiếp cận của mình.
Kể từ khi ông Lieber bị bắt tại khuôn viên Đại học Harvard hồi tháng 01/2020, ông đã được nghỉ hành chính có lương.
Ông Lieber, người hiện đang chiến đấu với căn bệnh ung thư hạch giai đoạn cuối, sẽ bị kết án trong một phiên điều trần sau đó, The Harvard Crimson đưa tin.
Tàu chiến Đức Bayern sẽ thăm Việt Nam vào tháng 1/2022
VOA Tiếng Việt
Tàu chiến Đức Bayern ở Singapore. Photo Twitter Germany in SGP.
Tàu khu trục Bayern của Đức sắp thăm Việt Nam vào tháng 1/2022 tới trong chuyến đi kéo dài 6 tháng đến châu Á-Thái Bình Dương. Con tàu vừa đến Singapore và hiện đang lưu lại đảo quốc này trong hai tuần dịp Giáng sinh, trước khi đến Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Đức thông báo trên Twitter: “Tàu khu trục sẽ ở lại đây trong những ngày nghỉ cuối năm. Sau đó, tàu sẽ tiếp tục hải trình của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điểm dừng chân tiếp theo: Việt Nam”.
Báo Straits Times của Singapore cho biết tàu khu trục Bayern đến Singapore hôm 20/12 trong khuôn khổ đợt triển khai kéo dài 6 tháng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương - đây là nhiệm vụ đầu tiên như vậy của hải quân Đức trong gần hai thập kỷ qua.
Kể từ khi rời căn cứ Wilhelmshaven ở tây bắc nước Đức vào tháng 8/2021, tàu đã đi qua Biển Đông trước khi đến Singapore, và dự kiến sẽ tiếp tục hành trình đến Việt Nam từ đầu tháng 1/2022, theo Straits Times.
VOA đã liên lạc Đại sứ quán Đức tại Việt Nam để tìm hiểu thêm chuyến thăm của tàu Bayern đến Việt Nam nhưng chưa được phản hồi. Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa loan tin về chuyến thăm Việt Nam của tàu chiến này.
Trang USNI News dẫn lời ông Kay-Achim Schönbach, Phó Tư lệnh Hải quân Đức, cho biết việc triển khai kéo dài hơn 6 tháng hiện tại của tàu Bayern (F217) đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là bước đầu tiên hướng tới việc triển khai hải quân định kỳ hai năm một lần tới khu vực này.
Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, ông Schönbach cho biết việc triển khai tàu Bayern là để giúp Hải quân Đức làm quen với khu vực này vì tàu chiến Đức lần cuối cùng đến đây đã hơn 19 năm. Ông nói rằng, tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của chính phủ Đức, ông dự định sẽ triển khai các tàu chiến của Đức tới khu vực một cách thường xuyên, sau đó có khả năng sẽ triển khai phối hợp cùng với hải quân các đối tác châu Âu và Xuyên Đại Tây Dương.
Tàu chiến hiện neo đậu tại Căn cứ Hải quân Changi trong hai tuần vào dịp Giáng sinh và Năm mới để tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng, cũng như cho hơn 200 thủy thủ trên tàu nghỉ ngơi, trang Straits Times cho biết.
Việc triển khai tàu chiến này đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy Đức đang cùng các quốc gia phương Tây khác mở rộng hiện diện quân sự của mình tại khu vực giữa lúc đang có những báo động ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố khi tàu Bayern khởi hành tới châu Á hồi tháng 8: “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nơi quyết định trật tự quốc tế của tương lai. Chúng tôi mong muốn đảm nhận trách nhiệm và đóng góp vào quá trình định hình và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Đức lên kế hoạch gia tăng hiện diện quân sự ở châu Á
Tham mưu trưởng Hải quân Đức, Phó đô đốc Kay-Achim Schonbach (ảnh: Từ video của Kiel Munition Clearance Week)
Tham mưu trưởng hải quân Đức cho hay, Berlin có kế hoạch tăng cường triển khai quân sự ở châu Á theo “từng bước nhỏ”.
“Chuyến đi lần này tới Biển Đông của khinh hạm Bayern thuộc Hải quân Đức chỉ là sự kiện mở màn”, Tham mưu trưởng Hải quân Đức, Phó đô đốc Kay-Achim Schonbach, cho biết vào ngày 21/12.
Phó đô đốc Schonbach đưa ra tuyên bố trên trong lúc tàu Bayern đang thăm cảng Singapore. Đây là một chặng dừng chân trong hành trình tới châu Á của tàu Bayern.
Sau khi khởi hành hồi tháng 8, Bayern đã thăm Pakistan, Australia, đảo Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau khi tới Singapore, tàu Bayern dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam, Sri Lanka và Ấn Độ trước khi trở về nhà.
Phó đô đốc Schonbach ngày 21/12 còn cho biết thêm rằng Đức sẽ duy trì sự hiện diện tại châu Á, đồng thời mong muốn điều thêm tàu và thậm chí là máy bay tới khu vực này bắt đầu từ năm 2023.
Ông Schonbach cũng tiết lộ thêm rằng sắp tới Đức sẽ cử một nhóm bao gồm hai tàu, một tàu khinh hạm và một tàu hỗ trợ, tới châu Á.
Đức muốn cho những nước trong khu vực thấy “một góc nhìn mới”, bên cạnh những góc nhìn đã biết về Trung Quốc và Mỹ, ông Schonbach nói. Tuy vậy, vị phó đô đốc nói rằng Berlin vẫn sẽ có cách tiếp cận từng bước trong kế hoạch triển khai ở châu Á.
Trước đó, ông Schonbach cho biết chuyến đi lần này của Bayern nhằm thể hiện rằng Berlin đang “đứng lên vì lợi ích của mình, cùng với các đối tác và đồng minh”.
Cũng như nhiều quan chức quân sự cấp cao khác của phương Tây, ông Schonbach tái khẳng định lợi ích then chốt của Berlin trong khu vực là duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.