12/27/2021
Omicron: chính phủ Pháp tránh siết chặt phòng dịch quá mức
Ảnh minh họa biến thể Omicron, mà trong vài ngày nữa sẽ chiếm đa số các ca nhiễm Covid tại Pháp. REUTERS - DADO RUVIC
Trọng Thành
Nước Pháp trước nguy cơ một cơn sóng thần Covid-19 mới ập đến trước thềm Năm Mới là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay 27/12/2021. Tổng giám mục người Nam Phi Desmond Tutu, đồng kiến trúc sư nền hoà bình cho đất nước cùng với cố lãnh tụ Mandela, qua đời ở tuổi 90, là chủ đề chiếm trang nhất của hầu hết các báo.
Về đại dịch Covid-19, nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa nhỏ trên trang nhất, loan tin chính phủ họp để chuẩn bị đưa ra các biện pháp mới, có khả năng lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng, và thời gian cách ly đối với những người nghi nhiễm sẽ được rút bớt, để phù hợp với tình hình mới. Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération dành tựa lớn cho chủ đề nguy cơ đại dịch “Omicron, hỗn loạn tối đa”, nhấn mạnh là với 100.000 ca nhiễm mới vào ngày Noel, dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng.
"Giới nghiêm" phản tác dụng, đẩy mạnh tiêm chủng là biện pháp chính
Xã luận Libération, nhan đề “Phản công”, không ủng hộ biện pháp giới nghiêm”, cho dù chỉ là giới nghiêm trong đêm giao thừa 31/12, bởi biện pháp này có nguy cơ làm lây nhiễm gia tăng, đặc biệt đối với các gia đình phải sống trong “những căn hộ chật hẹp, đông người, kém thông khí”. Biện pháp ưu tiên vẫn là ấn định “chứng nhận tiêm chủng”, cấm đến những nơi tập hợp đông người đối với những ai chưa chích ngừa đủ. Không có biện pháp nào hiệu quả hơn là tiêm chủng nhanh kịp với tốc độ lây lan của dịch bệnh, theo Libération.
Bài xã luận Libération đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất đáng sợ của biến thể mới. Theo Libération, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lẽ ra không nên gọi biến thể đang đe dọa nước Pháp, châu Âu và thế giới hiện nay là Omicron, mà cần giữ tên gọi ban đầu là “Nu”, đúng theo trật tự bảng chữ cái tiếng Hy Lạp. Lo ngại của WHO là không muốn gây hiểm nhầm với từ “Nu” ("Nu" trong tiếng Pháp có nghĩa là “trần trụi”), nhưng theo Libération, trên thực tế biến thể này đúng là “đang lột trần những giới hạn của tất cả các chiến lược đối phó”, buộc chính phủ phải họp khẩn hôm nay, ngay trong kỳ nghỉ cuối năm.
Xã luận Libération chia sẻ với nỗi bực bội của nhiều người dân Pháp, khi nghĩ rằng tiêm chủng sẽ cho phép dỡ bỏ mọi hạn chế, không cần đến xét nghiệm. Tuy nhiên nhật báo cũng nhấn mạnh là trên thực tế vac-xin không thể ngăn chặn được virus lây lan, mà chỉ làm giảm mức độ nguy hiểm đến tính mạng của người đã được tiêm chủng.
Bệnh viện công giảm 18.000 giường trong 5 năm
Năm trang đầu của Libération dành cho chủ đề đại dịch. Libération có bài phóng sự về tình cảnh hàng trăm người tập hợp trước một cơ sở y tế, ngoại ô Paris, chờ xét nghiệm, sau một ngày Noel số ca nhiễm kỷ lục. “Hội hè đã hết” là câu mở đầu cho một bài viết khác, dự báo chính phủ sẽ đưa ra nhiều biện pháp nghiêm ngặt trong cuộc họp quốc phòng về dịch tễ chiều nay. Libération cho biết số lượng người quyết định tiêm chủng lần đầu tiên tăng mạnh, 50.000 người trước ngày Noel, so với mức trung bình 38.000, trong lúc rất có khả năng chính phủ sẽ áp dụng chứng nhận tiêm chủng kể từ ngày 15/01/2022.Trong một bài viết khác, Libération cho biết hệ thống bệnh viện Pháp đang gặp nhiều khó khăn hơn trước, đặc biệt với chính sách cắt giảm số giường bệnh của chính quyền Macron : kể từ năm 2017, bệnh viện Pháp đã mất gần 18.000 giường. Tỉ lệ vắng mặt cao (khoảng 10%) của nhân viên y tế trong hệ thống cơ sở y tế công cũng là một nguyên nhân quan trọng gây khó khăn khác. Tình hình xấu đi qua 5 con số“Nước Pháp bị đợt sóng lớn Omicron rượt đuổi” là tựa lớn trang nhất của Les Echos. Để giúp độc giả hình dung rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hiện tại, Les Echos đưa ra 5 con số cho thấy tình hình đang xấu đi nhiều. Thứ nhất là số ca nhiễm kỷ lục (hơn 100.000) vào kỳ Noel, đúng theo dự đoán của chính phủ. Thứ hai là số ca nhập viện tổng cộng là khoảng 16.000 người, và dự báo sẽ là trung bình 1.000/ngày vào tháng Giêng. Đây chưa phải là một làn sóng lớn (so với hai đỉnh dịch trước, 3.500 và 3.000 người/ngày), nhưng cần chú ý là có đến 3.299 người đang phải điều trị tích cực.Số liệu quan trọng thứ ba là tỉ lệ ca nhiễm cao, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 6 đến 10, với 950 ca/100.000, và đây chính là điều khiến chính phủ muốn mở rộng tiêm chủng cho lứa tuổi này. Điểm thứ tư là số lượng người phải nghỉ làm do nghi nhiễm Covid đã tăng gấp 7 lần trong vòng 2 tháng, với hơn 42.000 người hiện nay. Và điểm đặc biệt đáng lo ngại thứ 5 là còn hơn 20% dân cư chưa tiêm chủng. Chính phủ vừa tìm cách ngăn chặn, vừa không để đất nước tê liệtTheo nhật báo kinh tế Pháp, “Chính phủ đang tìm cách, vừa ngăn chặn Omicron, vừa không khiến đất nước bị tê liệt”. Giảm số ngày cách ly với người nhiễm và người nghi nghiễm, để không gây tình trạng thâm hụt nghiêm trọng nhân lực, và giảm bớt thời gian cần tiêm nhắc lại xuống còn ba tháng, để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, là các biện pháp ưu tiên. Việc bắt buộc phải mang khẩu trang khi ra ngoài, ở những nơi tập hợp từ 10 người trở lên, như chợ búa, cũng là điều được nhiều người đòi hỏi.Theo Les Echos, áp lực lên chính phủ ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống là rất lớn. Việc cân bằng được giữa nghĩa vụ bảo vệ người dân Pháp một bên, và bên kia là không làm cho xã hội quá mệt mỏi với các biện pháp siết chặt, quả là không hề dễ dàng với chính phủ.
Omicron và “bốn bất trắc lớn” của bầu cử tổng thống
Nguy cơ dịch bệnh đè nặng lên cuộc bầu cử tổng thống là một hồ sơ khác của Les Echos. Nhật báo kinh tế điểm ra “Bốn bất trắc lớn” của kỳ bầu cử chưa từng có này, có thể đảo lộn hoàn toàn cục diện. Dịch bệnh có thể trở thành chủ đề chính, gạt ra bên ngoài các chủ đề quan trọng khác. Nhiều ứng cử viên lo ngại sẽ không có được một “cuộc tranh luận dân chủ”, và tất cả sẽ tập trung xung quanh vấn đề năng lực đối phó dịch bệnh của tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron. Một “ẩn số lớn” là tác động của đại dịch đến người dân Pháp, quá mệt mỏi sau hai năm dịch bệnh và có xu hướng bỏ phiếu chống lại hệ thống hiện hành. Tỉ lệ cử tri thay đổi nhanh chóng ý định bỏ phiếu có thể đạt mức chưa từng có. Theo một thăm dò dư luận, của Ipsos-Steria, khoảng 30% người được hỏi thay đổi ý kiến trong vòng hai tháng (thay đổi trong quyết định chọn ứng viên, quyết định vắng mặt hay đi bỏ phiếu). Số lượng người quan tâm đến bầu cử hiện cũng rất thấp, với 54%, theo thăm dò của PrésiTrack OpinionWay. Chuẩn bị cả viễn cảnh Omicron lặng lẽ biến mấtBáo Le Monde trên mạng trong bài về Covid ra hôm nay, có bài “Covid-19: một tuần lễ quyết định với chính phủ đối diện với biến thể Omicron”. Nhật báo này tỏ ra thận trọng trước dự đoán là dịch bệnh sẽ trầm trọng hơn nhiều vào tháng tới. Đúng là tình hình đầy bất trắc, nhưng theo Le Monde, bên cạnh việc cẩn thận đề phòng, cũng cần để ngỏ cho viễn cảnh dịch bệnh có thể đột ngột suy giảm. Các thông tin từ Anh và Nam Phi cho thấy biến thể mới lây lan mạnh, nhưng không nguy hiểm như Delta. Theo Le Monde, chính phủ có lý khi chờ đợi có thêm thông tin để đưa ra quyết định phù hợp. “Phong tỏa trở lại” là một lằn ranh đỏ cần tránh cho đến khi nào bất khả kháng, bởi biện pháp này sẽ “đẩy xã hội Pháp xuống vực thẳm tuyệt vọng” (theo giám đốc Viện thăm dò dư luận IFOP). Le Monde để ngỏ cánh cửa hy vọng với độc giả, khi khép lại bài viết với nhận định : biến thể Omicron cũng có thể sẽ đột ngột lặng lẽ ra đi, tương tự như khi đã đột ngột xuất hiện dữ dội, và cuộc tranh cử tổng thống có thể nối lại với không khí bình thường, ngay từ cuối tháng Giêng này. “Đồng kiến trúc sư” của nền hoà bình Nam PhiĐồng kiến trúc sư nền hoà bình cho Nam Phi qua đời là hình ảnh lớn trang nhất Le Figaro. Nhật báo Pháp nhắc đến “người chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, người bạn, người đồng hành của Nelson Mandela, người đưa ra sáng kiến về một ‘dân tộc bảy sắc cầu vồng, cựu tổng giám mục Cap qua đời hôm Chủ nhật 26/12, thọ 90 tuổi”. Desmond Tutu : Con người “nổi dậy” vì hoà bình
Libération cùng dành hình ảnh trang nhất cho “Desmonde Tutu, người không thể bị khuất phục (1931-2021)”. Nhật báo thiên tả nhắc đến tổng giám mục Anh Giáo da đen đầu tiên nổi tiếng với tinh thần lạc quan, với phong cách nói thẳng, người bảo vệ nhiệt huyết cho quyền của cộng đồng LGBT (những người đồng tính, chuyển giới, lưỡng giới).Từ cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đến nữ chính trị gia Pháp Christiane Taubira, từ đức Đạt Lai Lạt Ma đến thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan, cũng như chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, đại diện cho khối 27 nước, đều gửi đi những thông điệp xúc động, vinh danh các cuộc chiến và tinh thần của cố tổng giám mục.Nhân dịp này, Libération dẫn lại 6 câu nói nổi tiếng của cố lãnh đạo tinh thần của cuộc tranh đấu bất bạo động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Mở đầu bằng câu : "Hãy làm điều tốt, từng chút một, theo khả năng của bạn. Bởi những điều tốt nhỏ bé một khi tập hợp lại sẽ làm đảo lộn thế giới". Những lời này "tóm lại cuộc chiến và triết lý sống" của Tutu, theo Libération.Năm câu nổi tiếng khác của cố tổng giám mục là : “Nếu bạn trung lập trong những tình huống bất công, thế có nghĩa là bạn chọn đứng về phía những kẻ áp bức”, “Bạn không thể chọn được gia đình, những người thân của bạn là quà tặng của Thượng Đế cho bạn, giống như bạn với người thân của bạn”, “Cha tôi thường nói : Thay vì cao giọng, tốt hơn là tìm ra những lập luận xác đáng hơn” và “Tôi ngày càng tin rằng tất cả những hành động của chúng ta đều có các hệ quả. Một hành động tốt sẽ không bốc hơi, không biến mất một cách dễ dàng”.Đạo Thiên Chúa không thể xa rời những vấn đề lớn của thời đại
Nhật báo Công Giáo La Croix có bài xã luận “Kinh Thánh của Desmonde Tutu”. La Croix ca ngợi con người của đức tin, đóng vai trò quyết định trong việc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thiết lập nền hoà bình cho Nam Phi. Đáp lại những ai cho rằng tôn giáo và chính trị không được trộn lẫn với nhau, cố tổng giám mục Tutu từng nói : “Khi các thế lực hùng mạnh trên Trái đất phê phán chúng tôi bởi vì chúng tôi đang làm một thứ rất xấu là hoà trộn tôn giáo với chính trị, chúng tôi đáp lại : Thế quý vị đọc thứ Kinh Thánh gì đây ?”. Đối với cố tổng giám mục Tutu, đạo Thiên Chúa “không tách rời khỏi các vấn đề lớn của thời đại chúng ta : biến đổi khí hậu, nạn nghèo đói, chạy đua vũ trang, bình đẳng giới”. Ông nói : “chúng ta, những người tin tưởng được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa trời, không thể im lặng hay thờ ơ khi những người khác bị đối xử như thể họ thuộc về một giống loài khác, thấp kém hơn”. Cũng trang nhất La Croix, số ra sau ngày Noel, dành cho chủ đề "Ánh sáng le lói của Giáng sinh trong đêm Haiti". Trong hồ sơ này, La Croix giới thiệu về linh mục Michel Briand, một nhà truyền giáo tại đảo Haiti, nơi ông bị một băng đảng bắt làm con tin hồi mùa xuân năm ngoái trong ba tuần lễ. "Kể từ đó đến nay, vị linh mục này không rời Haiti, sống với người dân Haiti, chia sẻ những gian khó của người dân, trước hết là những đe doạ thường trực về an ninh". Cocaine : tiêu thụ tại Pháp đứng đầu châu ÂuNạn buôn lậu cocaine tại Pháp cũng là một chủ đề trang nhất của Le Figaro. Trong lúc đại dịch Covid với biến thể Omicron được nhiều người ví với cơn sóng thần, Le Figaro nói đến “cơn sóng thần ma tuý” đang quét qua đất nước. Nước Pháp với 600 nghìn người hàng năm sử dụng được coi là quốc gia đứng đầu châu Âu. Liên Âu phải chủ động về các kim loại chiến lượcThách thức hàng đầu của châu Âu trong thời gian tới sẽ là các kim loại chiến lược, như nicken, liti hoặc coban là một chủ đề chính khác của nhật báo kinh tế Les Echos. Để thực thi được các cam kết về môi trường và khí hậu, Liên Âu phải bảo đảm được các nguồn cung chiến lược này. Cụ thể là Liên Hiệp Châu Âu sẽ cần gấp 60 lần lượng lithium và 15 lần coban vào năm 2050 cho pin điện và gấp 10 lần các loại đất hiếm nói chung để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế Xanh. Theo Les Echos, Liên Âu không thể chuyển từ sự phụ thuộc năng lượng hiện nay sang tình trạng phụ thuộc về đất hiếm, kim loại hiếm, mà phải tận dụng thời kỳ chuyển đổi này để xây dựng sự tự chủ chiến lược cho tương lai.