TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT   :06 /01 /2022 - Nam Giang cập nhật

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT   :06 /01 /2022 - Nam Giang cập nhật
01/06/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://youtube.com/KBCHNTV2
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

 Pháp: Hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 một ngày, Hạ Viện thông qua dự luật về chứng nhận tiêm chủng

image.png
Một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 trên đại lộ Champs Elysées, Paris, ngày 05/01/2022. AP - Michel Euler

Thùy Dương

Các kỷ lục đáng buồn ở Pháp về số ca nhiễm mới thường nhật liên tục tăng nhanh trong những ngày qua. Tối thứ Tư 05/01/2022, Cơ quan y tế công của Pháp ghi nhận lần đầu tiên hơn 332.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Số bệnh nhân tử vong ở các bệnh viện vì Covid-19 hôm qua lên tới 246 người.

Đại dịch Covid-19 đang lan nhanh chưa từng có, riêng ngày hôm qua, số ca dương tính mới được ghi nhận đã tăng 22% so với số ca nhiễm mới trước đó một ngày. Số ca nhiễm mới trung bình trong vòng 7 ngày qua là trên 200.000 người/ngày. Áp lực đối với các bệnh viện ngày càng gia tăng.

Sau 3 ngày căng thẳng, vào rạng sáng hôm nay 06/01/2022, Hạ Viện đã thông qua dự luật thay thế chứng nhận y tế mà Pháp đang áp dụng bằng chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19, với 314 phiếu thuận so với 93 phiếu chống. Dự luật sẽ được trình lên Thượng Viện vào tuần tới và thủ tướng Pháp Jean Castex hy vọng vẫn có thể kịp triển khai chứng nhận tiêm chủng vào ngày 15/01/2022 như dự kiến ban đầu.

Trước đó, phát biểu tại Hạ Viện, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran phấn khởi thông báo trong một ngày đã có thêm 66.000 người tiêm chủng mũi đầu tiên, con số cao chưa từng có kể từ ngày 01/10/2021. Theo AFP, hiện nay vẫn còn khoảng 5 triệu người tại Pháp chưa tiêm chủng (trên tổng dân số khoảng 67 triệu người).

Liên quan đến các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp (DOM-TOM), do biến thể Omicron lây lan quá nhanh, hôm qua hội đồng bộ trưởng Pháp quyết định đặt Guadeloupe, Guyane, Mayotte, Saint-Martin và Saint-Barthélémy trong tình trạng khẩn cấp y tế. Riêng các vùng lãnh thổ Réunion và Martinique đã áp dụng tình trạng khẩn cấp y tế từ ngày 27/12/2021.

Pháp kêu gọi châu Âu phối hợp chặt chẽ khi đối đầu với Nga
image.png
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian (G) tham dự cuộc họp các ngoại trưởng thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 22/02/2021. AP - Yves Herman

Phan Minh

Pháp hôm qua 05/01/2022 đã kêu gọi các nước châu Âu phối hợp chặt chẽ trong các cuộc đàm phán sắp tới với Nga về cấu trúc an ninh ở châu Âu.

Sau các cuộc điện đàm với nhiều đồng nhiệm các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, nước đảm trách chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2022, nhấn mạnh, các thành viên EU « phải có trách nhiệm đóng góp và tham gia tích cực, thông qua các đề xuất cụ thể »,  cũng như phối hợp chặt chẽ trong các cuộc thảo luận được dự trù với Matxcơva, vào lúc Nga bị nghi ngờ có ý đồ xâm lược Ukraina.

Trong bối cảnh này, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell hôm qua, 05/01, đã công du Ukraina trong 2 ngày để thể hiện sự ủng hộ của EU đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm :

Lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp châu Âu (EU), Josep Borrell, đã công du Ukraina trong 2 ngày.

Sự kiện có tính tượng trưng, Josep Borrell đã tới Stanytsia Luganska vùng chiến tuyến ở Donbass, cùng với Dmytro Kuleba, ngoại trưởng Ukraina. Theo nhà ngoại giao Tây Ban Nha, tình hình mới mẻ là bầu không khí căng thẳng hiện nay, bởi vì Nga tiếp tục gia tăng áp lực.

Ông Josep Borrell nói : “Lần này thì khác, quân đội Nga tập trung đông đảo ở biên giới Ukraina, nhưng cũng có yêu cầu đàm phán về hai hiệp ước mà Nga đã đề xuất để thảo luận về vấn đề an ninh ở châu Âu.

Nhưng chúng ta không còn ở thời hội nghị Yalta nữa:

Việc phân định phạm vi ảnh hưởng giữa hai cường quốc không diễn ra vào năm 2022. Chúng tôi muốn xuống thang thông qua đối thoại, nhưng vẫn giữ chắc lập trường là bất kỳ hành động xâm lược quân sự nào nhắm vào Ukraina sẽ gây ra hậu quả to lớn và phải trả giá đắt."

Thứ Hai tới, khi Nga và Mỹ gặp nhau tại Geneva, các ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng của Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp tại Bruxelles để thống nhất quan điểm của EU trong hồ sơ Ukraina và về các mối đe dọa đang đè nặng lên cấu trúc an ninh ở châu Âu. Bởi vì mục tiêu là để tránh một cuộc gặp riêng giữa Matxcơva và Washington mà châu Âu và Ukraina có thể sẽ bị gạt sang một bên.


Cũng vào hôm qua tại Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi Đức không đưa ống dẫn khí Nord Stream 2 vào hoạt động nếu Nga xâm lược Ukraina.


Thỏa thuận hợp tác quốc phòng “lịch sử” Nhật Bản và Úc
image.png
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) và thủ tướng Úc Scott Morrison giới thiệu thỏa thuận hợp tác quốc phòng được ký trực tuyến. Ảnh chụp tại văn phủng thủ tướng Nhật, Tokyo ngày 06/01/2022 REUTERS - ISSEI KATO

Thanh Hà

Ngày 06/01/2021 thủ tướng Nhật và Úc chính thức ký kết Hiệp Ước Tiếp Cận Tương Hỗ RAA. Thủ tướng Scott Morrison xem đây là một văn bản “lịch sử” góp phần xây dựng một vùng “Ấn Độ Thái Bình Dương an toàn và ổn định”.  


Trong cuộc họp trực tuyến với đồng nhiệm Nhật Bản thủ tướng Úc  nhấn mạnh đây là một “bước đột phá” giúp Canberra và Tokyo cùng đối mặt với “một môi trường với nhiều bất trắc hơn”. Ông Morrison ngụ ý mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc. Sau Hoa Kỳ, Úc là quốc gia thứ nhì trên thế giới đạt được với Tokyo hiệp ước RAA.  

Hãng tin Nhật Kyodo đánh giá, Hiệp Ước Tiếp Cận Tương Hỗ tạo điều kiện dễ dàng hơn để Nhật Bản và Úc tiến hành các cuộc tập trận chung, nhanh chóng triển khai quân, đồng thời nới lỏng các quy định về chuyên chở vũ khí, trang thiết bị quân sự trong các chương trình hợp tác cứu hộ, đối phó với thiên tai.  

Chuyên gia Úc, Malcom Davis thuộc viện Nghiên Cứu Chiến Lược Australian Strategic Policy Institute ghi nhận hiệp ước này là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy “Tokyo nhìn nhận đang phải đối mặt với những thách thức do Trung Quốc đặt ra”. Những thách thức đó chẳng những liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà còn trực tiếp liên hệ đến vấn đề Đài Loan. Nhà nghiên cứu này cho rằng, trong “một vài năm nữa” Bắc Kinh sẽ thôn tính Đài Loan.  

Nhà nghiên cứu Ali Wyne thuộc cơ quan tư vấn của Mỹ, Eurasia Group,  nhấn mạnh hiệp ước RAA là bước kế tiếp trong tiến trình hợp tác của nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ. 


Đài Loan lập quỹ 200 triệu USD đầu tư hỗ trợ Litva đối phó với Trung Quốc
image.png
In this photo released by the Taiwan Ministry of Foreign Affairs, Eric Huang, newly appointed director to the representative office, third from right, poses with other staffers outside the Taiwan Representative Office in Vilinius, Lithuania on Thursday, Nov. 18, 2021. AP

Phan Minh

Đài Loan hôm qua, 05/01/2022, thông báo thành lập quỹ 200 triệu USD (176 triệu euro) để đầu tư vào Litva, trong khi xuất khẩu của quốc gia Baltic này bị Trung Quốc ngăn chặn do căng thẳng ngoại giao về hồ sơ Đài Loan.


Eric Huang, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Đài Loan tại Vilnius cho biết: « Đài Loan tiến hành lập quỹ trị giá 200 triệu USD để đầu tư vào các ngành công nghiệp của Litva, vốn là các ngành chiến lược của Litva và Đài Loan ». Ông cho biết các đầu tư này là một phần trong chiến lược của Đài Loan nhằm phát triển quan hệ kinh tế với Litva sau khi nước này bị Trung Quốc gây áp lực.  

Quỹ này sẽ đầu tư vào các ngành bán dẫn, laser, công nghệ sinh học và các ngành công nghiệp tương tự khác. Các khoản đầu tư đầu tiên dự kiến được tiến hành ngay trong năm nay.  

Vào tháng 11 vừa qua, Litva đã cho phép Đài Loan mở cơ quan đại diện ngoại giao ở Vilnius, gây ra sự phẫn nộ của Bắc Kinh. Trung Quốc phản đối dùng cụm từ « Đài Loan » để đặt tên văn phòng đại diện vì lo ngại điều này góp phần tạo tính chính đáng cho hòn đảo trên phạm vi quốc tế, với tư cách là một quốc gia, trong khi Bắc Kinh luôn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Các văn phòng đại diện ở nước ngoài của Đài Loan thường được gọi là « Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ». 


Bắc Triều Tiên lại xác nhận phóng thử thành công tên lửa siêu thanh
image.png
Ảnh do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA phổ biến khi xác nhận vụ thử tên lửa siêu thanh ngày 05/01/2022. AP

Thùy Dương

Hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 06/01/2022 khẳng định Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công tên lửa siêu thanh trong ngày hôm qua 05/01. Như vậy, đây là lần thứ hai Bắc Triều Tiên khẳng định thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, lần đầu cách nay 3 tháng.


Hãng tin Pháp AFP trích dẫn KCNA, theo đó BắcTriều Tiên đã bắn thử tên lửa siêu thanh. Tên lửa bay xa được 700km và đã nhắm chính xác mục tiêu. Vụ phóng thử đã cho phép kiểm tra hệ thống ống nhiên liệu được gắn từ trước vào tên lửa, hoạt động trong điều kiện thời tiết mùa đông.

Hệ thống này cho phép bỏ hẳn giai đoạn nạp nhiên liệu của tên lửa ngay tại vị trí phóng. Đây vốn là giai đoạn cần thiết khi phóng các tên lửa thông thường sử dụng nhiên liệu hóa lỏng. Việc kéo dài quá trình nạp nhiên liệu có nguy cơ đối phương phát hiện ra địa điểm phóng tên lửa và tấn công phá hủy.

Cũng theo KCNA, điểm mới của tên lửa siêu thanh được thử nghiệm lần này là đầu tên lửa có khả năng di chuyển ngang trong 120 km sau khi tách khỏi bệ phóng để tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không cho biết vận tốc tên lửa đạt được.

Xin nhắc lại truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên năm 2021 từng loan tin tên lửa siêu thanh là một trong những “ưu tiên hàng đầu” trong kế hoạch 5 năm của Bình Nhưỡng. Tên lửa siêu thanh nhanh hơn và cơ động hơn so với tên lửa thông thường, nên gây nhiều khó khăn hơn cho các hệ thống đánh chặn mà Hoa Kỳ đã chi hàng tỷ đô la để phòng thủ. Tên lửa siêu thanh thường đạt tốc độ Mach 5, tức là cao gấp 5 lần tốc độ âm thanh.


Quốc tế kêu gọi Bắc Triều Tiên đối thoại
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada hôm qua đều lên án vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ nhận định “vụ thử nghiệm vi phạm nhiều nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và gây ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế”, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng hướng tới giải pháp ngoại giao. Cũng trong ngày hôm qua (theo giờ New York), tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi chế độ Kim Jong Un tái lập đối thoại “với các bên có liên quan”.

Hướng tới giải pháp ngoại giao cũng là đề nghị của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Hôm qua, tổng thống Moon Jae In đề nghị Bình Nhưỡng nỗ lực để đối thoại một cách nghiêm túc hơn. Còn bộ Thống Nhất Hàn Quốc tái khẳng định lập trường tiếp tục các nỗ lực để cải thiện các mối quan hệ liên Triều và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.