01/07/2022
Covid-19 : Các cơ sở xét nghiệm ở Pháp bị « quá tải »
Dân Pháp xếp hàng trước một trạm xét nghiệm Covid lưu động ở Pháp, Pháp, ngày 31/12/2021. REUTERS - CHRISTIAN HARTMANN
Minh Anh
Cơ quan Y tế Công cộng Pháp, hôm nay, 07/01/2021, công bố số liệu cập nhật cho thấy ngày thứ Hai, 03/01, số ca dương tính mới được phát hiện trong vòng 24 giờ là hơn 400 ngàn thay vì 200 ngàn người như thông báo đầu tiên. Dịch Covid-19 lan mạnh do biến thể Omicron gây ra khiến các cơ sở xét nghiệm lâm vào tình trạng "quá tải".
Cụ thể, thứ Hai, 03/01 đã có đến 409.370 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên Pháp vượt ngưỡng 400.000 ca/ngày. Trên đài truyền hình LCI, Alain Fischer, chủ tịch Hội đồng Định hướng Chiến lược Tiêm chủng, nhận định Pháp có thể chạm « đỉnh đợt dịch thứ năm từ đây đến cuối tháng Giêng ».
Theo AFP, số lượng xét nghiệm PCR hay xét nghiệm kháng nguyên gần đây cũng tăng vọt. Trong khoảng từ ngày 27/12/2021 – 02/01/2022, tổng cộng đã có hơn 8,29 triệu xét nghiệm được tiến hành. Tại các siêu thị, khoảng từ 1,5 – 2 triệu bộ tự xét nghiệm Covid-19 cũng đã được bán ra trong khoảng thời gian trên.
Dịch bệnh bùng phát mạnh tại Pháp dẫn đến tình trạng « quá tải » tại các cơ sở xét nghiệm. Trong những ngày qua, dân Pháp xếp hàng dài dài dằng dặc trước các phòng thí nghiệm, hay các hiệu thuốc, để chờ làm xét nghiệm.
Trước tình trạng quá tải, nhiều cơ sở buộc phải tạm ngưng cho hẹn để có thời gian xử lý các xét nghiệm đã thực hiện, hay hạn chế ở mức 400 lượt xét nghiệm mỗi ngày. Ông François Blanchecotte, chủ tịch nghiệp đoàn quốc gia các nhà sinh học, khi trả lời báo Pháp Ouest-France hy vọng chính phủ sẽ nới lỏng tiêu chí để có thể cầu viện đến sinh viên, phụ tá cho các phòng thí nghiệm…
Covid-19: Anh Quốc điều động quân đội hỗ trợ các bệnh việnThủ tướng Anh Boris Johnson đi thị sát một trung tâm tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Northampton (Anh Quốc) ngày 06/01/2022, REUTERS - PETER CZIBORRA
Phan Minh
Bộ Quốc Phòng Anh hôm nay 07/01/2022 cho biết đã bắt đầu điều động quân đội để hỗ trợ các bệnh viện đang gặp tình trạng thiếu nhân viên và bị áp lực do số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục. Chính phủ cho biết 200 quân nhân sẽ được triển khai trong các bệnh viện ở Luân Đôn để hỗ trợ hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong 3 tuần tới. Hiện giờ Anh Quốc ghi nhận mỗi ngày gần 150.000 ca nhiễm mới.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin cho biết thêm :
Ở Anh, gần 1/10 nhân viên y tế không thể đi làm vì dương tính với Covid-19 hoặc vì họ là ca tiếp xúc. Câu trả lời của thủ tướng Boris Johnson nhằm đảm bảo việc chăm sóc bệnh nhân không bị gián đoạn: « Chúng tôi đang trong quá trình xác định các bệnh viện nào cần tới sự hỗ trợ của quân đội nhiều nhất, để có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ. »
Nhưng chuẩn bị như vậy là hơi muộn đối với phe đối lập, vào lúc có đến 15 bệnh viện đã phải hủy các ca mổ không khẩn cấp, và không có đủ xe cứu thương cho tất cả bệnh nhân. Cũng bị coi là quá muộn, đó là việc phân phát các bộ xét nghiệm hàng ngày cho những người lao động thiết yếu để xác định các trường hợp dương tính càng sớm càng tốt, nhằm phá vỡ chuỗi lây nhiễm và bảo vệ các dịch vụ công cộng. Tổng cộng, 1 triệu người Anh đang phải cách ly.
Thủ tướng Johnson nói thêm: « Từ ngày 10/01, chúng tôi sẽ phân phối các bộ xét nghiệm kháng nguyên hàng ngày cho 100.000 công nhân viên quan trọng để duy trì các dịch vụ. Điều này liên quan đến nhân viên trong các ngành cơ sở hạ tầng quốc gia, an ninh quốc gia, vận tải và sản xuất lương thực. »
Cũng để nhằm tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh các bộ xét nghiệm càng ngày càng khan hiếm, người dân Anh kể từ nay sẽ không cần phải làm xét nghiệm PCR nữa trong trường hợp có kết quả dương tính sau khi tự xét nghiệm.
Tokyo tăng đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ đóng tại NhậtẢnh do bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cung cấp: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin họp trực tuyến với hai đồng nhiệm Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Nobuo Kishi ngày 06/01/2022. AP
Thanh Phương
Hôm nay, 07/01/2021, Nhật Bản đã triển hạn và tăng thêm mức đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ trú đóng trên lãnh thổ nước này, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cũng như trong lúc Tokyo và Washington bất hòa với nhau do khủng hoảng y tế.
Theo hãng tin AFP, thỏa thuận 5 năm mới, vừa được ký kết hôm nay, đã được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo khi phát biểu khai mạc cuộc họp trực tuyến giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của hai nước.
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho hãng tin AFP biết là mức đóng góp của nước này cho việc duy trì lực lượng Mỹ trong 5 năm tới sẽ là 211 tỷ yen/năm, tức là tổng cộng 1.055 tỷ yen (8 tỷ euro), tăng khoảng 5% so với giai đoạn trước.
Chiếu theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật có từ năm 1960, Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ về quân sự Nhật Bản, quốc gia hiện chỉ có một "Lực lượng phòng vệ" với phương tiện và khuôn khổ hoạt động hạn chế. Đổi lại, Tokyo phải đóng góp tài chính cho các chi phí liên quan đến sự hiện diện của khoảng 50.000 lính Mỹ trú đóng trên lãnh thổ Nhật Bản.
Trong cuộc họp hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại rằng chính "những hành động gây hấn" của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan cũng như ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông cũng xem các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là một "mối đe dọa dai dẳng", sau khi tuần này Bình Nhưỡng khẳng định đã bắn thử một tên lửa siêu thanh.
Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ Nhật cũng đã bày tỏ mối quan ngại “sâu sắc và dai dẳng” về những vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương, Trung Quốc và ở Hồng Kông, đồng thời kêu gọi “hòa bình và ổn định” cho vùng eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, cuộc họp trực tuyến hôm nay cũng diễn ra trong bối cảnh Tokyo và Washington bất hòa với nhau do tình hình dịch Covid-19. Cụ thể là do các ổ dịch Covid lớn tại những căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật, đặc biệt là ở tỉnh Okinawa. Các chính quyền địa phương cáo buộc lực lượng Mỹ đã khiến dịch bùng phát mạnh trở lại tại nhiều nơi ở Nhật Bản.
Trên nguyên tắc hôm nay chính phủ Nhật Bản sẽ công bố những biện pháp mới để phòng chống dịch Covid-19 tại ba tỉnh có các căn cứ quân sự của Mỹ, trong đó có tỉnh Okinawa.
Tổng thống Kazakhstan tuyên bố trật tự đã được "tái lập"
Một chốt kiểm soát tại thủ đô Almanty, Kazakhstan, ngày 07/01/2022. REUTERS - MARIYA GORDEYEVA
Minh Anh
Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokaïev, hôm nay, 07/01/2022, khẳng định trật tự đã được « tái lập » tại phần lớn đất nước, sau nhiều ngày hỗn loạn và bạo động chưa từng có. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế kêu gọi bình tĩnh.
Trong thông cáo công bố hôm nay, tổng thống Kazakhstan tuyên bố thêm rằng các chiến dịch khôi phục trật tự vẫn sẽ được tiếp tục « cho đến khi nào tiêu diệt hoàn toàn những tên tội phạm ». Theo AFP, ông Kassym-Jomart Tokaïev còn cho phép các lực lượng an ninh nã súng mà « không cần báo trước » để chấm dứt các cuộc bạo động hỗn loạn đang làm rung chuyển cả nước.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin bộ Quốc Phòng Nga cho biết các đơn vị quân đội Nga đến Kazakhstan bằng đường hàng không,đã bắt đầu kiểm soát cảng hàng không của Almaty, thành phố lớn nhất nước, với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh Kazakhstan.
Về tình hình tại chỗ, thông tín viên đài RFI trong khu vực, Régis Genté tường thuật :
Tình trạng khẩn cấp được ban hành, Internet bị cắt, xe quân sự bọc thép trên đường phố, bầu không khí có vẻ như trật tự đang được tái lập ở Kazakhstan. Nhưng tình hình ở Almaty vẫn còn căng thẳng. Tiếng súng tự động vẫn vang lên hôm thứ Năm 06/01 tại thủ phủ kinh tế của quốc gia giầu khí đốt này. Chính ở đây, cảnh sát dường như đã giết chết trong đêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm 26 thường dân, mà nhà chức trách gọi là những tên « tội phạm có vũ trang ». Mười tám cảnh sát dường như cũng bị thiệt mạng.
Chính quyền khẳng định đây là một chiến dịch chống khủng bố, nhưng thực tế chỉ là nhằm chấm dứt một làn sóng bất bình bùng lên do những điều kiện sống khó khăn trong bối cảnh nguồn thu từ dầu khí không được phân chia đúng đắn, cũng như nỗi bất mãn về một chính quyền chuyên chế và tham nhũng. Giờ đây không còn chuyện cải cách xã hội và chính trị như tổng thống Kassym-Jomart Tokaïev có nhắc đến hôm thứ Hai vừa qua.
Chính quyền của quốc gia có 18 triệu dân trước hết cho tiến hành trấn áp và cầu viện Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung do Nga lãnh đạo. Gần 4.000 binh sĩ đã được điều động với nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ các cơ sở hạ tầng chiến lược, trong đó có 3.000 quân nhân và sĩ quan Nga, 500 quân Belarus, 200 quân Tadjikistan, và 70 quân Armenia.
Quốc tế kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng
Vào lúc chính quyền tổng thống Kazakhstan bác bỏ mọi khả năng thương lượng với những người phản kháng, các nước Anh, Pháp, Mỹ cũng như Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi các bên tại Kazakhstan kềm chế và đối thoại. Liên Hiệp Châu Âu, thông qua lời lãnh đạo ngoại giao Josep Borrell, bày tỏ « quan ngại » về diễn tiến tình hình cũng như về việc gởi quân yểm trợ từ bên ngoài. Trên mạng xã hội Twitter, lãnh đạo ngoại giao châu Âu kêu gọi « các quyền và sự an toàn của thường dân phải được bảo đảm ».
Washington cũng có cùng giọng điệu. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki kêu gọi chính quyền Kazakhstan nên kềm chế, đồng thời chỉ trích những cáo buộc của Nga là « điên rồ », sau khi Matxcơva cho rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm trong các cuộc bạo động vừa qua.