Ông Tập Cận Bình đã mong đợi Triều Tiên cử vận động viên đến tham dự Olympic Bắc Kinh sắp tới. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un đã gửi một bức thư nói Triều Tiên sẽ không tham gia. Sự việc này gây sốc đủ để làm bẽ mặt Bắc Kinh, và cũng là đòn ăn miếng trả miếng của ông Kim Jong-un đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bình Nhưỡng đã bị cấm tham dự Olympic Bắc Kinh sau khi Bắc Triều Tiên quyết định không tham gia Thế vận hội Tokyo. Tuy nhiên, các vận động viên Triều Tiên đủ điều kiện vẫn có thể thi đấu với tư cách cá nhân. Vì Mỹ và các đồng minh tẩy chay ngoại giao ngày càng mạnh mẽ đối với Olympic Bắc Kinh, nên việc Bắc Triều Tiên tham dự có thể cứu vãn thể diện cho ĐCSTQ. Tuy nhiên, có vẻ như ông Kim Jong-un không muốn bị coi là đồng minh của ĐCSTQ trên thế giới.
Ngày 7/1, Reuters đưa tin, trong bức thư Triều Tiên gửi cho Trung Quốc, đã mượn cớ “các thế lực thù địch” và đại dịch, để nói rằng nước này không thể tham gia Olympic Bắc Kinh sắp tới.
Đây cũng là một đòn ăn miếng trả miếng của ông Kim Jong-un. Năm ngoái, khi đang trong lúc dịch bệnh lây lan rộng, cơ sở hạ tầng y tế mỏng manh của Triều Tiên đã phải miễn cưỡng duy trì, hầu hết cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh, nhưng thương mại Trung Quốc – Triều Tiên lại giảm mạnh.
Vào tháng 5 năm ngoái, Triều Tiên phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong khi Bắc Kinh kiểm soát thương mại song phương. Tháng 6 năm ngoái, ông Kim Jong-un công khai nói rằng Triều Tiên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. “Tình hình lương thực của người dân giờ đang trở lên căng thẳng”. Nhập khẩu tháng 5 của Triều Tiên từ Trung Quốc đã giảm 90% so với tháng trước, dẫn đến nạn đói gia tăng. Theo báo cáo của Asia Times, người dân Bắc Triều Tiên hy vọng rằng ĐCSTQ có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực ở đất nước của họ, tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về việc này. Vào thời điểm quan trọng, ĐCSTQ đã quăng người anh em Bắc Triều Tiên sang một bên.
Sự phụ thuộc quá mức vào ĐCSTQ chỉ mang lại thảm họa và nạn đói cho Bắc Triều Tiên. Tháng Một năm ngoái, ông Kim Jong-un đã nói về việc xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản và thực hiện các cải cách để tránh khủng hoảng kinh tế. Ông nói, chỉ có sau khi “phá bỏ các quan điểm tư tưởng sai lầm hiện nay, thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, năng lực kém và cách làm việc lạc hậu“, thì mới có thể giải quyết được vấn đề kinh tế của Triều Tiên. Bài phát biểu này cho thấy ông Kim Jong-un có ý định rõ ràng muốn thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản truyền thống.
Ông Kim Jong-un không phải là đột nhiên nhận ra thực tế bị Trung Quốc bỏ rơi một năm trước. Ngay từ tháng 10/2020, ông Kim thậm chí đã rơi nước mắt đồng thời thừa nhận, “Người dân của chúng ta đã gửi gắm niềm tin sâu sắc vào tôi, nhưng tôi chưa bao giờ có thể đáp lại được mong muốn của họ“. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi tới đồng bào, ông nói: “Tôi thực sự rất xin lỗi”. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Triều Tiên lấy làm tiếc về các chính sách sai lầm của mình trong 5 năm qua và ông muốn sự giúp đỡ từ các quốc gia thuộc thế giới tự do như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản để vực dậy một nền kinh tế bị tàn phá bởi các lệnh trừng phạt.
Hiện nay, khi cuộc khủng hoảng kinh tế của ĐCSTQ đã khiến chính quyền Bắc Kinh bị thế giới ruồng bỏ, thì việc Bình Nhưỡng vỡ mộng về Trung Quốc cũng đang làm nhục ĐCSTQ. Điều này thực sự đã cho ĐCSTQ một bài học sống động.