Mỹ vạch trần các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ vạch trần các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
01/15/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://youtube.com/KBCHNTV2
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

TTO - Mỹ mở đầu năm 2022 bằng một tài liệu mới về yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, thêm thắt diễn biến cho câu chuyện trường kỳ về tranh chấp ở khu vực.

Mỹ vạch trần các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu tuần duyên USCGC Munro của Mỹ (bên trái) hoạt động chung với tàu tiếp liệu - hậu cần JS Omi của Nhật Bản trong đợt triển khai đến Đông Á hồi tháng 8-2021 - Ảnh: JMSDF

Báo cáo số 150 về Các giới hạn trên biển (Limits of Sea), do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 12-1, phân loại các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông thành (1) yêu sách chủ quyền đối với thực thể trên biển, (2) đường cơ sở, (3) các vùng biển pháp lý xung quanh, (4) quyền lịch sử, đồng thời bóc trần tỉ mỉ hầu hết các yêu sách này của Trung Quốc.

Kết luận của Mỹ

Đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Nam Hải chư đảo gồm "Đông Sa", "Trung Sa", "Tây Sa" (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "Nam Sa" (quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Mỹ đã bác bỏ yêu sách này mà không thay đổi lập trường là không đứng về bên nào trong tranh chấp.

Ở đây, cần phân biệt hai câu hỏi pháp lý khác nhau: (1) liệu một quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp đối với các thực thể xa bờ hay không, và (2) các thực thể này thuộc về quốc gia nào. Câu hỏi đầu tiên có thể được trả lời độc lập với câu hỏi thứ hai và báo cáo của Mỹ chỉ dừng lại ở câu đầu tiên.

Với yêu sách đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đã tự ý vẽ ra ở Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và dự định áp dụng ở Trung Sa, Đông Sa và Nam Sa (quần đảo Trường Sa), phía Mỹ đã chỉ ra các thiếu sót lớn về mặt pháp lý của Bắc Kinh.

Đặc biệt với tài liệu bổ sung về các hành vi thực tiễn của các nước, Mỹ bác bỏ một cách có hệ thống lập luận của Trung Quốc rằng một số hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nằm ngoài Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nên sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc khác của luật pháp quốc tế. Tài liệu của Mỹ cho thấy lập luận như vậy là không hợp lệ và không có bằng chứng về các thông lệ, tập quán luật quốc tế khác hỗ trợ cho luận điệu này.

Với việc không phải tất cả thực thể Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là đảo có thể tạo ra các vùng biển pháp lý xung quanh và hệ thống đường cơ sở thẳng mà Bắc Kinh vẽ ra là bất hợp pháp, những yêu sách hàng hải mà Trung Quốc đưa ra ở 4 nhóm quần đảo trên Biển Đông cũng vô giá trị. Báo cáo cũng nhắc lại quan điểm của Mỹ là không có cái gọi là "quyền lịch sử" quy định trong UNCLOS và Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS đã bác bỏ vào năm 2016.

Có thể nói, báo cáo số 150 nhất quán với các thông cáo báo chí khác của Washington, các công hàm gửi Liên Hiệp Quốc và các báo cáo về Giới hạn trên biển trước đó. Điều mới ở đây là cách Mỹ đã đi tới những kết luận trong báo cáo. Đây là báo cáo đầu tiên vạch trần các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, với các lập luận pháp lý bổ sung được hỗ trợ từ các bằng chứng địa lý và địa chất đáng kể về các thực thể ở Biển Đông. Ví dụ như các bản đồ minh họa và thống kê về tỉ lệ đất so với tỉ lệ diện tích vùng nước khép kín của bốn nhóm quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Ngoài ra, báo cáo còn chứng minh rằng một phần lớn của Biển Đông là vùng biển quốc tế, tất cả các quốc gia trên thế giới có quyền thực hiện quyền tự do đi lại trên biển. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho Chương trình hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ và các quốc gia khác ở Biển Đông.

Mỹ nên phê chuẩn UNCLOS

Ngôn ngữ tiếng Anh được sử dụng trong báo cáo rất dễ hiểu. Tài liệu không dài, vắn tắt một cách khéo léo và chính xác. Do đó rất dễ dàng được đọc và phổ biến trong không chỉ cộng đồng học giả mà còn cả những đối tượng quan tâm vấn đề Biển Đông. Đây là cách Mỹ đáp lại Trung Quốc trên mặt trận pháp lý trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, một trong những luận điểm không thể tránh khỏi và có thể thách thức tính chính danh của báo cáo là việc Mỹ không phải là thành viên UNCLOS.

Các học giả Mỹ trước đây đã lên án việc đề cử thẩm phán Trung Quốc tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) vì Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết Biển Đông năm 2016 nhưng lại cho mình quyền đánh giá hành vi của các quốc gia thành viên khác trên biển. Luận điệu này có thể được sử dụng để phản bác báo cáo của Mỹ, ví dụ Washington không phải là thành viên của UNCLOS nhưng nước này lại tự cho phép mình đánh giá hoạt động của các quốc gia khác dựa trên UNCLOS. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để Mỹ xem xét phê chuẩn UNCLOS.

 

Việt Nam ghi nhận Mỹ công bố báo cáo về các ranh giới biển

Ngày 14-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu quan điểm chính thức của Việt Nam về báo cáo số 150 về các ranh giới biển mà Mỹ công bố hai ngày trước đó.

"Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo số 150 về các ranh giới biển. Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, theo đó, Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)", bà Hằng nhấn mạnh.

Bà Hằng cho biết nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ.

D.AN

Báo cáo của Mỹ bác yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam nói gì?Báo cáo của Mỹ bác yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam nói gì?

TTO - "Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ lập trường của Việt Nam.

Ths PHẠM NGỌC MINH TRANG (chuyên gia luật biển quốc tế)