TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày15/01 /2022 - Nam Giang cập nhật

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày15/01 /2022 - Nam Giang cập nhật
01/15/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://youtube.com/KBCHNTV2
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 
Covid-19 : Pháp phê duyệt vac-xin thứ năm, Novavax của Mỹ
image.png
Vac-xin ngừa Covid-19 Novavax, vac-xin thứ 5 được chính thức cấp phép lưu hành tại Pháp ngày 14/01/2022. AP - Alastair Grant

Thanh Phương

Hôm qua, 14/01/2022, Cơ quan Y tế Cao cấp của Pháp đã phê duyệt vac-xin ngừa Covid thứ năm, đó là vac-xin Novavax của Mỹ, được chế tạo dựa trên một công nghệ cổ điển.

Trong thông báo ngày 14/01, Cơ quan Y tế Cao cấp cho rằng vac-xin Novavax và vac-xin của Jassen có thể là một thuốc tiêm ngừa thay thế đối với những ai mà cho tới nay vẫn ngần ngại không muốn được chích bằng một loại vac-xin dựa trên công nghệ hoàn toàn mới ARN messenger như Pfizer và Moderna. Vac-xin Novavax được chế tạo dựa trên cùng một công nghệ của vac-xin ngừa bệnh ho gà (coqueluche).

Cho tới nay, hầu như toàn bộ vac-xin sử dụng ở Pháp là của Pfizer và Moderna, còn hai vac-xin, Astra Zeneca và Jassen, nay được chuyển cho các nước nghèo, thông qua chương trình quốc tế Covax.

Hôm qua, Cơ quan Y tế Cao cấp vẫn cho rằng khi chích mũi đầu tiên cũng như mũi nhắc lại, nên dùng các loại vac-xin với công nghệ ARN messenger, vì các vac-xin này có hiệu quả rất cao.

Theo thông báo của bộ Y Tế, các liều vac-xin Novavax đầu tiên ( được bán dưới tên Nuvaxovid ) sẽ được giao vào đầu tháng 2.

Cũng về việc chích ngừa Covid-19, kể từ hôm nay, 15/01, đối với những người chưa tiêm liều nhắc lại, chứng nhận y tế không còn giá trị nữa. Theo thẩm định của bộ Y Tế với hãng tin AFP tối qua, trên lý thuyết, khoảng 560.000 người có thể bị mất chứng nhận y tế kể từ hôm nay. Tuy nhiên, trong số này, có một số đáng kể đã bị nhiễm Covid-19 nhưng chưa báo cho ứng dụng TousAntiCovid, cho nên không triển hạn giá trị của chứng nhận y tế.

Trong khi đó, đêm qua, trong lần xem xét thứ hai, các dân biểu Hạ Viện Pháp đã thông qua dự luật chuyển chứng nhận y tế thành chứng nhận tiêm chủng, một dự gây nhiều tranh cãi ở Quốc Hội. Các cuộc thảo luận về dự luật này sẽ tiếp diễn ở Thượng Viện hôm nay, trước khi văn bản được đưa trở lại Hạ Viện để biểu quyết lần chót vào chiều mai.

Cũng như thứ Bảy tuần trước, những người chống chứng nhận y tế hôm nay (15/01) lại xuống đường ở khắp nước Pháp. Tuần trước, theo thống kê của bộ Nội Vụ, đã có tổng cộng 105.200 người biểu tình.
 
 
Pháp và nhiều nước bắt đầu đợt kỷ niệm 400 ngày sinh của Molière
image.png
Tượng Molière đặt trước sảnh nhà hát kịch Comédie-Française ở Paris. Ảnh chụp ngày 14/12/2021. AFP - BERTRAND GUAY

Thanh Phương

Hôm nay, 15/01/2022, tại Pháp cũng như tại nhiều nước khác bắt đầu các hoạt động của năm kỷ niệm Molière nhân 400 năm ngày sinh của kịch tác giả nổi tiếng.


Molière, tên thật là Jean-Baptiste Poquelin, được rửa tội ngày 15/01/1622, nhưng dường như ông đã chào đời một hoặc hai ngày trước. Các chương trình kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Molière sẽ diễn ra tại những nơi đã đánh dấu sự nghiệp của ông với tư cách giám đốc đoàn kịch và kịch tác gia, đặc biệt là tại nhà hát Comédie-Française ở Paris, nhà hát ra đời 7 năm sau khi ông mất.

Từ đây, đến tháng 7, đoàn kịch của Comédie-Française sẽ chỉ trình diễn các tác phẩm của Molière, mở đầu là vở hài kịch « Tartuffe ou L’Hypocrite » ( Lão lừa Tartuffe ). Cũng như ngày 15/01 mỗi năm, sau vở diễn, một bức tượng Molière sẽ được đặt trang trọng giữa sân khấu, toàn bộ đoàn kịch đến chào ông và mỗi diễn viên đọc một câu thoại trong các tác phẩn của Molière. Nghi lễ này, cũng như vở diễn, sẽ được chiếu trực tiếp ở các rạp chiếu phim. Các vở diễn khác « Le Malade imaginaire » ( Người bệnh tưởng ), « L’avare » ( Lão hà tiện ) , « Le Bourgeois Gentilhomme » ( Trưởng giả học làm sang ) cũng sẽ được chiếu trực tiếp ở các rạp xi-nê trong những tháng tới.

Tại Versailles, nơi mà Molière đã sáng tác một số vở kịch nổi tiếng, một cuộc triển lãm về ông được khai mạc hôm nay. Một bức tượng Molière do nghệ sĩ Xavier Veilhan tạc sẽ được dựng lên vào tháng 5 tới. Một bức tượng Molière khác được khánh thành hôm nay ở thành phố Pézenas, miền đông nam nước Pháp, nơi mà Molière đã từng sống vào giai đoạn đầu của sự nghiệp.

Ngoài các cuộc triển lãm về Molière, nhiều hội thảo về kịch tác gia nổi tiếng này, cũng như các hoạt động khác cũng sẽ được tổ chức ở Pháp và ở nhiều nước như Mỹ, Ý , Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ...

Molière có ảnh hưởng rất lớn đến kịch nghệ không chỉ của Pháp mà còn của cả thế giới. Ở Việt Nam, kịch của Molière đã đến với công chúng ngay từ năm 1920, với vở « Người bệnh tưởng » được trình diễn tại nhà hát thành phố Hà Nội.
 
 
Mỹ: Thượng nghị sĩ lưỡng đảng trình dự luật chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm
image.png

Một mỏ khai thác đất hiếm trong vùng Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu ngày 06/07/2010. AP - Uncredited

Trọng Thành

Nước Mỹ đứng trước áp lực phải giảm mạnh phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm. Hôm qua, 14/01/2021, hai thượng nghị thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã đề xuất một dự luật theo hướng này.


Hai thượng nghị sĩ đệ trình dự luật là Tom Cotton (bang Arksansas), đảng Cộng Hòa và Mark Kelly (bang Arizona), đảng Dân Chủ. Theo thông báo của thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton, “việc chấm dứt sự phụ thuộc của nước Mỹ vào đảng Cộng Sản Trung Quốc, về khai thác và tinh luyện các nguyên liệu này trở nên cấp thiết, nếu chúng ta muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, bảo vệ nền an ninh quốc gia của chúng ta”. Dự luật có mục tiêu “bảo vệ nước Mỹ khỏi nguy cơ việc cung ứng đất hiểm bị cản trở”, “thúc đẩy việc sản xuất đất hiếm tại Mỹ”.

Dự luật do thượng nghị sĩ lưỡng đảng đề xuất tại Thượng Viện Mỹ yêu cầu bộ Quốc Phòng và bộ An Ninh Nội Địa thiết lập “dự trữ chiến lược” các kim loại hiếm, từ đây đến 2025, đủ để đáp ứng các nhu cầu của quân đội, lĩnh vực các ngành công nghệ và các cơ sở hạ tầng căn bản, đủ dùng “trong một năm trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn”.

Theo thượng nghị sĩ Dân Chủ Mark Kelly, “dự luật của lưỡng đảng sẽ tăng cường vị thế lãnh đạo của nước Mỹ về công nghệ, giảm phụ thuộc vào các đối thủ như Trung Quốc”.

Dự luật nhấn mạnh đến việc giới hạn sử dụng các loại đất hiếm từ Trung Quốc trong các thiết bị quốc phòng “tối tân”, đòi hỏi nâng cao tính minh bạch về nguồn gốc các linh kiện có sử dụng kim loại hiếm, khuyến cáo bộ Thương Mại điều tra về “các hoạt động thương mại không công bằng” của Trung Quốc trong thị trường này, và sẵn sàng nâng thuế nhập khẩu trong trường hợp có vi phạm.  

Theo USGS, cơ quan thăm dò địa chất Mỹ, trong năm 2019, 80% các loại đất hiếm mà nước Mỹ phải nhập khẩu là từ Trung Quốc. Đất hiếm và các kim loại quý rất cần thiết cho những ngành công nghệ mũi nhọn, từ sản xuất điện thoại di động, đến xe chạy điện hay trong các ngành công nghiệp quân sự. USGS cho biết Trung Quốc hiện tại sở hữu các mỏ đất hiếm quan trọng nhất thế giới, với khoảng 44 triệu tấn. Các mỏ này có điều kiện khai thác thuận lợi, cũng như các tiêu chuẩn về môi trường ít chặt chẽ hơn tại các nước phương Tây.  

Bắc Kinh đã từng sử dụng đất hiếm như phương tiện để gây áp lực về chính trị. Năm 2010, Trung Quốc đã đột ngột xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản để trả đũa Tokyo về các tranh chấp lãnh thổ.  
 
 
Mỹ : Nga cài sẵn các nhân viên để tạo cớ xâm lăng Ukraina
image.png
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jan Psaki trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/01/2022. AP - Andrew Harnik

Thanh Phương

Hôm qua, 14/01/2022, Hoa Kỳ cáo buộc Nga đã “cài sẵn” các nhân viên ở Ukraina để tiến hành một chiến dịch nhằm tạo cớ để Matxcơva xua quân xâm chiếm Ukraina. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jan Psaki đã trình bày chi tiết cáo buộc nói trên với báo chí, dựa trên các thông tin tình báo mà họ có được.

Theo bà Psaki, những nhân viên được Nga cài sẵn sẽ tiến hành những hoạt động phá hoại và tung tin giả, cáo buộc Ukraina có âm mưu tấn công lực lượng Nga ở miền đông Ukraina, lấy cớ đó để đánh chiếm nước này.

Những cáo buộc mà Washington đưa ra rất nghiêm trọng và rất cụ thể. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, Nga dự trù sẽ ngụy tạo hoàn toàn một cái cớ để xâm lược Ukraina trong trường hợp giải pháp ngoại giao thất bại.

Bà Jen Psaki cho biết, để đạt được mục tiêu đó, các nhân viên được huấn luyện về chiến tranh du kích đô thị và sử dụng chất nổ đã được cài sẵn để tiến hành các chiến dịch ở Ukraina. Theo tin tình báo mà Nhà Trắng đưa ra, các hoạt động phá hoại nói trên sẽ được tiến hành vài tuần trước khi Nga xua quân đánh chiếm Ukraina.

Nga đã ngay lập tức phản bác những cáo buộc mà họ cho là « không có cơ sở » và « vô trách nhiệm ». Nhưng có lẻ để chứng minh kịch bản nói trên là rất có thể xảy ra, hôm qua, Ukraina khẳng định đã bị một cuộc tấn công tin học quy mô mà các cơ quan tình báo Nga bị nghi là thủ phạm, theo thông báo của bộ Ngoại Giao Ukraina.

Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây như vậy là đã không hề giảm xuống mặc dù hai bên đã có các cuộc thảo luận ráo riết trong tuần này.
 
 
Tấn công tin tặc: Ukraina khẳng định có “các dấu hiệu” Nga can thiệp
image.png

Ảnh minh họa: Tại công ty An ninh mạng toàn cầu thuộc tập đoàn IB tại Matxcơva, Nga. AP - Pavel Golovkin
Trọng Thành
Chính quyền Kiev hôm qua, thứ Sáu 14/01/2022, cho biết “có các dấu hiệu sơ bộ” cho thấy gián điệp Nga can dự vào cuộc tấn công tin tặc quy mô lớn nhắm vào hàng chục trang mạng của Nhà nước Ukraina. Khối NATO tuyên bố trong những ngày tới sẽ ký thỏa thuận tăng cường hỗ trợ Kiev chống tin tặc.  

Theo thông báo của Cơ quan An ninh Ukraina (SBU), các cuộc tấn công trong đêm thứ Năm qua ngày thứ Sáu đã nhắm vào tổng cộng 70 trang mạng của chính quyền. SBU bảo đảm là đợt tấn công này đã không làm thay đổi “nội dung” của các trang mạng, “không có bất cứ một dữ liệu cá nhân nào bị thất thoát”.  

Trong cuộc tấn công nói trên, trên trang mạng của bộ Ngoại Giao Ukraina trước khi bị tê liệt xuất hiện một thông điệp đe dọa bằng tiếng Ukraina, tiếng Nga và tiếng Ba Lan, với nội dung : “Người Ukraina, hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất ! Toàn bộ các thông tin cá nhân của các vị đã được đưa lên Internet”. Thông điệp đi kèm với nhiều biểu tượng, trong đó có một lá cờ Ukraina bị gạch chéo. Thông tin do một thông tin viên của AFP thuật lại.  

Tấn công tin tặc quy mô lớn nhắm vào các cơ sở hạ tầng chiến lược của Ukraina, nhằm gây bối rối cho chính quyền, là một trong các kịch bản từng được nêu ra, như một dấu hiệu báo trước cho một cuộc tấn công vũ trang. Kể từ cuộc can thiệp quân sự Nga vào Ukraina năm 2014, Ukraina đã nhiều lần bị tin tặc tấn công, đặc biệt là cuộc tấn công năm 2017 nhắm vào nhiều cơ sở hạ tầng chiến lược, và vào năm 2015, nhắm vào mạng lưới điện. Chính quyền Nga thường xuyên bị nghi ngờ là thủ phạm giấu mặt của các cuộc tấn công này.

Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm qua ngay lập tức đã ra thông báo lên án các cuộc tấn công tin tặc nhắm vào nhiều cơ quan của chính quyền Ukraina, và khẳng định “trong những ngày tới, NATO và Ukraina sẽ ký một thỏa thuận để tăng cường hợp tác về an ninh mạng. Thỏa thuận dự kiến nhiều biện pháp, trong đó có việc phía Ukraina tiếp cận với một nền tảng trao đổi thông tin về các phần mềm tin tặc”.  

Cuộc tấn công tin tặc quy mô nhắm vào Ukraina hôm qua diễn ra ngay sau khi các đối thoại giữa Nga và phương Tây về an ninh trong tuần qua, được hy vọng sẽ giúp giải quyết khủng hoảng Ukraina, không đạt kết quả. Một đòi hỏi chính của Nga là NATO phải cam kết không kết nạp Ukraina, điều mà Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương kiên quyết bác bỏ.