Mang theo hàng chục đầu đạn hạt nhân, USS Nevada, một trong những tàu ngầm tân kỳ nhất của Hải quân Mỹ, đã ghé thăm một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương.
Theo RT, USS Nevada là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bắt đầu được đưa vào hoạt động năm 1986. Mang theo 20 tên lửa Trident II D-5 và “hàng chục đầu đạn hạt nhân”, USS Nevada đã ghé căn cứ quân sự tại Guam của Hải quân Mỹ vào ngày 15/1.
CNN đưa tin, trong một tuyên bố, Hải quân Mỹ cho biết chuyến thăm này nhằm “tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực” và thể hiện “năng lực, tính linh hoạt, sự sẵn sàng và cam kết tiếp tục của Mỹ đối với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Chuyến thăm Guam của USS Nevada diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng xung quanh những bất đồng trong nhiều vấn đề từ việc Bắc Kinh đàn áp nhân quyền, đe dọa an ninh các vùng biển, cho đến vấn đề Đài Loan.
Vào tháng 12/2021, Mỹ và Nhật đã soạn thảo một kế hoạch quân sự khẩn cấp để chuẩn bị cho tình huống Trung Quốc xua quân tấn công Đài Loan. Lầu Năm Góc trong cùng tháng đã cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc “có khả năng [đang] chuẩn bị” để tấn công hòn đảo này.
Guam cách Đài Loan khoảng 3.000 km. Trong số các căn cứ quân sự thuộc lãnh thổ Mỹ, căn cứ tại đảo Guam nằm gần lãnh thổ Trung Quốc nhất.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang leo thang giữa mùa đông đã trở nên trầm trọng hơn không chỉ vì COVID-19 mà chủ yếu vì xung đột quân sự, địa chính trị gia tăng. Hôm nay, ngày 18/1/2022, thế giới chứng kiến giá dầu thô tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Triển vọng nguồn cung dầu thô bị gián đoạn và thắt chặt gia tăng sau các cuộc tấn công ở khu vực Trung đông. Gia tăng căng thẳng lập tức đẩy giá dầu thô giao dịch trên thế giới tăng.
Dầu thô Brent giao sau tăng 0,88 USD, tương đương 1%, lên 87,36 USD/thùng vào lúc 11:54 GMT, trong khi giá dầu thô Tây Texas Trung cấp (WTI) của Hoa Kỳ tăng 1,23 USD, tương đương 1,5%, lên 85,05 USD/thùng. Giao dịch vào thứ Hai (hôm qua) giảm vì đây là ngày nghỉ lễ của Hoa Kỳ.
Cả hai mức giá này đều đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014.
Những lo ngại về nguồn cung đã tăng lên trong tuần này sau khi nhóm Houthi của Yemen tấn công Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, làm leo thang sự thù địch giữa nhóm vũ trang có liên kết với Iran với liên minh do Ả Rập Saudi (UAE) dẫn đầu.
Sau khi thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gây ra vụ nổ cho các xe tải chở nhiên liệu khiến 3 người tử vong, phong trào Houthi cảnh báo họ có thể nhắm mục tiêu vào nhiều căn cứ hơn, trong khi UAE cho biết họ bảo lưu quyền "đáp trả các cuộc tấn công khủng bố này", theo tin từ Reuters.
Thị trường đã phản ứng ngay lập tức ngay sau các vụ tấn công này. Lo ngại nguồn cung bị gián đoạn khiến giá nhiên liệu tăng.
Công ty dầu khí ADNOC của UAE cho biết họ đã kích hoạt các kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng trong nước và quốc tế không bị gián đoạn sau sự cố tại kho nhiên liệu Mussafah, Reutes đưa tin.
Giá dầu thô tăng không chỉ vì cuộc tấn công của lực lượng vũ trang có liên hệ với chính quyền Iran và UAE, mà còn bị cộng hưởng bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở biên giới Ukraine khi các các cuộc đàm phán Mỹ - Nga đi vào bế tắc.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng đồng nghĩa với việc các nền kinh tế lớn cũng tăng cường dự trữ hàng hoá thiết yếu, trong đó có dầu. Ngoài ra, tương lai bấp bênh về nguồn cung dầu khi Nga là thành viên của OPEC+ cũng thúc đẩy tâm lý lo ngại trên các thị trường giao dịch dầu thô toàn cầu.
Reuters đưa tin, một số nhà sản xuất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang phải vật lộn để bơm dầu ở công suất cho phép của họ, theo một thỏa thuận với Nga và các đồng minh để tăng thêm 400.000 thùng mỗi ngày mỗi tháng.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết họ dự kiến tồn kho dầu ở các nước OECD sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa hè, giá dầu Brent dự báo tăng lên 100 USD vào cuối năm nay.
Cuộc khảo sát mới nhất về quan điểm rủi ro được thực hiện bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) cho thấy đại đa số những người được hỏi đều quan ngại hoặc lo lắng về triển vọng của kinh tế thế giới. WEF cảnh báo việc người dân mất đi niềm tin có nguy cơ dẫn đến “một vòng luẩn quẩn của vỡ mộng và bất ổn xã hội”.
Theo Khảo sát Nhận thức Rủi ro Toàn cầu (GRPS), một phần của Báo cáo Rủi ro Toàn cầu mới nhất của WEF, 84% người được hỏi bày tỏ sự bi quan về triển vọng kinh tế thế giới, với 23% nói rằng họ “lo lắng” và 61,2% nói rằng họ “quan ngại". Chỉ 3,7% nói rằng họ “lạc quan” và 12,1% bày tỏ cái nhìn “tích cực” về viễn cảnh thế giới trong tương lai gần.
Cùng với đó, chỉ 10,7% cho rằng một kịch bản tích cực sẽ diễn ra trong 3 năm tới với việc kinh tế thế giới gia tăng tốc độ phục hồi. Số còn lại dự đoán kết quả tiêu cực, bao gồm 41,8% dự đoán kinh tế thế giới sẽ biến động liên tục với “nhiều điều bất ngờ” và 10,1% dự đoán về “các điểm cực hạn và những hậu quả ngày càng thảm khốc".
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu ấn bản năm 2021 đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn đối với kinh tế thế giới. Theo bà Saadia Zahidi, giám đốc điều hành WEF, các rủi ro tiềm ẩn này hiện đã trở thành “những mối nguy rõ ràng và hiện hữu”.
Bà Zahidi cho biết trong báo cáo năm nay: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, nợ nần, thiếu hụt lao động, chủ nghĩa bảo hộ và mức chênh lệch trong giáo dục đang đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng đầy biến động". Bà Zahidi cũng nhấn mạnh giá hàng hóa đã tăng gần 30% kể từ cuối năm 2020. Giá hàng hóa có thể có nhiều biến động hơn nữa trong tương lai do gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp tục diễn ra, và sự rối loạn do ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo, lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua hàng và làm suy yếu tiêu dùng, qua đó tác động mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Báo cáo cũng xác định 4 lĩnh vực rủi ro chính đang nổi lên.
Bà Zahidi cho biết thêm: “Những khó khăn này đang cản trở tầm nhìn đối với những thách thức đang nổi lên, bao gồm những rối loạn liên quan đến biến đổi khí hậu, việc gia tăng các lỗ hổng mạng, các rào cản lớn đối với tính lưu động quốc tế, sự cạnh tranh trong một không gian vũ trụ ngày càng chật chội".
Vào tháng trước, WEF - cơ quan có trụ sở tại Geneva - đã hoãn cuộc họp thường niên tháng 1 tại Davos, Thụy Sĩ đến giữa năm 2022 do sự lây lan của biến thể Omicron.
Theo ông Adrian Monck, Giám đốc Điều hành Quan hệ Công chúng của WEF, “tình hình đại dịch hiện nay khiến việc tổ chức một cuộc họp trực tiếp toàn cầu là vô cùng khó khăn. Dù cuộc họp có những thủ tục nghiêm ngặt về sức khỏe nhưng khả năng lây nhiễm của Omicron và tác động của biến thể này đối với việc đi lại và di chuyển vẫn khiến cho việc trì hoãn là cần thiết".
Tại Mỹ, Omicron đã thế chỗ Delta để trở thành biến thể chính đang hoành hành của virus SARS-CoV-2, mầm bệnh gây ra COVID-19.
Một số chuyên gia đã cảnh báo, mặc dù ít nghiêm trọng hơn nhưng số lượng ca nhiễm do Omicron gây ra có thể tạo sức ép lên hệ thống bệnh viện. Theo thống kê từ Reuters, thứ 2 (10/01) đã có 132.646 ca nhập viện do Covid-19 - một kỷ lục mới ở Mỹ, thay thế mức kỷ lục trước đây là 132.051 ca vào tháng 01/2021.
Tuy nhiên, các tiểu bang đã tiến hành lọc các trường hợp nhập viện ngẫu nhiên do Covid-19 và phát hiện ra rằng nhiều bệnh nhân Covid-19 nhập viện là vì những lý do khác.