Pháp, Nhật phản đối việc đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi, cùng hai người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian và Florence Parly, tham dự một hội nghị trực tuyến, trụ sở bộ Ngoại giao ở Tokyo, Nhật Bản, 20/01/2022. REUTERS - ISSEI KATO
Pháp và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị 2+2 ngày 20/01/2022 qua hình thức trực tuyến. Trong thông cáo chung, các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước nhất trí tăng cường hợp tác song phương về mặt an ninh và quốc phòng, đồng thời phản đối mọi ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong thông cáo chung, được đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Pháp, hai bên « một lần nữa bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông », « tái khẳng định phản đối mạnh mẽ mọi ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc tạo ra việc đã rồi và hành vi cưỡng chế làm gia tăng căng thẳng và làm tổn hại đến trật tự thế giới ».
Riêng về tình hình Biển Đông, dù không chỉ trích đích danh Trung Quốc, bốn bộ trưởng « tiếp tục phản đối những yêu sách không phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), hoạt động quân sự hóa và các hành vi chèn ép ở Biển Đông ». Tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông cũng được bốn bộ trưởng nhấn mạnh. Mọi tranh chấp về lãnh hải cần được giải quyết theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo trang NHK, ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa hy vọng có thể nâng cấp quan hệ hợp tác Pháp-Nhật để thực hiện kế hoạch một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản và Pháp sẽ tiếp tục các cuộc tập trận và thao dượt quân sự chung và tăng cường khả năng tác chiến với các đối tác nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực này. Phía Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Pháp trong việc thiết lập chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu, được công bố vào tháng 09/2021.
Tình hình eo biển Đài Loan, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng được đề cập trong cuộc họp. Ngoài ra, bốn bộ trưởng kêu gọi Nga tránh mọi hình thức gia tăng căng thẳng liên quan đến Ukraina.
Hoa Kỳ phân bổ 14 tỷ USD để mở rộng cảng, xây dựng đường thủy
Các tàu được nhìn thấy ở ngoài khơi tại cảng Long Beach khi vấn đề chuỗi cung ứng tiếp diễn ở Long Beach, California, hôm 22/11/2021. (Ảnh: Mike Blake/Reuters)
Hoa Thịnh Đốn – Hôm thứ Tư (19/01), chính phủ Tổng thống Biden cho biết họ sẽ tài trợ 14 tỷ USD cho các dự án cải thiện cảng và đường thủy của đất nước này trong một nỗ lực gia tăng khả năng chống chịu trước khí hậu, cải thiện nguồn nước uống, và củng cố chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cho biết những khoản quỹ cho năm tài khóa 2022 này hướng tới hơn 500 dự án ở 52 tiểu bang và vùng lãnh thổ, bao gồm cả khu Everglades của Florida và Cảng Long Beach ở California.
Họ tuyên bố: “Những dự án chủ lực này sẽ gia cường cho chuỗi cung ứng của quốc gia, mang lại những cơ hội kinh tế mới đáng kể trên toàn quốc, và củng cố khả năng phòng vệ của chúng ta trước tình hình biến đổi khí hậu.”
Việc phân bổ này bắt nguồn từ kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden, được ký thành luật hồi năm ngoái với sự ủng hộ của lưỡng đảng từ Quốc hội và là một trong những hạng mục chính trong nghị trình đối nội của Đảng Dân Chủ.
Chính phủ cho biết trong số các dự án do Công binh Lục quân Hoa Kỳ đứng đầu là 1.1 tỷ USD để bảo tồn khu Everglades ở South Florida, nơi cung cấp nước uống cho hơn 8 triệu người trong tiểu bang này.
Cơ quan Công binh này cũng sẽ chi 1.7 tỷ USD để giảm thiểu rủi ro lũ lụt tại đất liền thông qua 15 dự án và 645 triệu USD để giảm thiểu rủi ro lũ lụt ven biển thông qua 15 dự án khác trải dài khắp đất nước bao gồm vùng ven biển Louisiana; Norfolk, Virginia; và Stockton, California.
Cơ quan quản lý cho biết thêm, 40% khoản tiền này sẽ được dành cho các dự án khí hậu và năng lượng sạch cho những khu vực dân cư có hoàn cảnh khó khăn.
Do Susan Heavey của Reuters thực hiện
Hàng không Nhật Bản nối lại chặng Hoa Kỳ sau biến cố khai triển 5G - Bryan Jung
Phi cơ chở khách của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) dừng trên đường băng tại phi trường New Chitose, ở Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản, hôm 04/05/2021. (Ảnh: Issei Kato/Reuters)
Hôm 19/01, hai hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) cho biết họ sẽ nối lại chặng bay đến Hoa Kỳ sau khi việc khai triển thiết bị phát sóng 5G ở một số phi trường của Hoa Kỳ khiến hai hãng này cùng các hãng vận tải hàng không chở khách ngoại quốc khác phải hủy nhiều chuyến bay đến Hoa Kỳ.
Hai hãng hàng không Nhật Bản này cho biết họ đã được Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) cam kết rằng sẽ không có vấn đề an toàn nào phát sinh sau khi họ ra thông báo giảm triển khai mạng không dây.
Cả hai hãng hàng không sẽ nối lại dịch vụ của phi cơ Boeing 777 đến Hoa Kỳ từ ngày 20/01 sau thông báo trước đó về việc hủy chuyến theo hướng dẫn của Boeing.
Ông Yuji Hirako, Chủ tịch ANA cho biết, “Do việc khai triển dịch vụ 5G ở Hoa Kỳ hiện đã phần nào bị trì hoãn, nên các chuyến bay của ANA từ ngày 20/01 sẽ vận hành theo lịch trình như thường lệ căn cứ theo thông báo của FAA rằng không có vấn đề an toàn đối với hoạt động của phi cơ Boeing 777 đến các phi trường của Hoa Kỳ mà chúng tôi đang phụ trách.”
Nhà mạng AT&T và Verizon Communications đã quyết định trì hoãn kế hoạch kích hoạt tháp sóng viễn thông 5G của họ vào ngày 19/01 gần các phi trường chủ đạo của Hoa Kỳ một ngày trước đó, sau phản đối của các hãng hàng không về khả năng gây nhiễu điện tử.
Tòa Bạch Ốc, vốn đã thương thảo với cả ngành hàng không lẫn ngành viễn thông, ca ngợi hành động này, nhưng đã quá muộn để tránh được một cơ số vụ hủy chuyến vào hôm 19/01.
Các hãng hàng không khắp thế giới cho biết họ đang hủy một số chuyến bay hoặc chuyển đổi phi cơ, với phần lớn sự gián đoạn ban đầu tác động lên phi cơ Boeing 777, một phi cơ chở khách chủ đạo có thiết bị điện tử trên chuyến bay nhạy cảm với 5G.
Emirates, có trụ sở tại Dubai và là hãng sử dụng nhiều nhất mẫu Boeing, đã tuyên bố hôm 18/01 rằng họ sẽ tạm dừng các chuyến bay đến 9 phi trường của Hoa Kỳ. Chủ tịch của hãng gọi việc đề xướng khai triển này là “một trong những sự kiện không hiệu quả nhất, hoàn toàn vô trách nhiệm” mà ông từng chứng kiến trong đời.
Tuy nhiên, Emirates cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng phi cơ Boeing 777 cho chặng đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.), nơi vẫn chưa khai triển các tháp 5G.
Hãng hàng không Air India nói rằng bốn chuyến bay đến Hoa Kỳ của họ sẽ bị hủy hoặc sẽ chuyển sang loại phi cơ khác Boeing 777 cho đến khi khắc phục được vấn đề này.
Tại Âu Châu, hai hãng British Airways và Lufthansa đã chuyển các chuyến bay với Boeing 777 hàng ngày đến Hoa Kỳ của họ sang phi cơ Airbus A380 đồng thời hủy bỏ hoặc điều chỉnh một số chuyến bay đến Hoa Kỳ.
Tại Đông Á, hai hãng Singapore Airlines và Korean Air Lines cho biết họ đã chuyển loại phi cơ được sử dụng cho các chuyến bay chở khách và hàng hóa đến Hoa Kỳ.
Hãng China Airlines của Đài Loan và Cathay Pacific của Hồng Kông cũng cho biết họ sẽ đổi mẫu phi cơ nếu cần thiết và rằng họ sẽ lên lịch lại một số chuyến bay nhất định đến Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyến bay với Boeing 777 đều bị ảnh hưởng, vì Qatar Airways và Air France cho biết đường bay đến Hoa Kỳ của họ vẫn hoạt động theo lịch trình.
El Al của Israel và Etihad Airways của Abu Dhabi cho biết các dịch vụ của họ không bị ảnh hưởng, trong khi Kenya Airways cho biết họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa mà Boeing và FAA đã đề ra.
Trong khi đó, United Airlines cho biết họ tiên liệu chỉ có “những gián đoạn nhỏ tại một vài phi trường do các hạn chế 5G còn sót lại,” đồng thời ca ngợi sự thỏa hiệp giữa nhà mạng viễn thông và các hãng hàng không đã ngăn chặn “việc hủy chuyến hàng loạt trong ngành hàng không.”
Sự cố gián đoạn chuyến bay này là đỉnh điểm của cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tuần giữa ngành hàng không với hai đại công ty viễn thông Verizon và AT&T về việc khai triển dịch vụ di động 5G ở các phi trường của Hoa Kỳ.
Phương Tây chia rẽ về vấn đề Ukraine
Liệu có thể ngăn Nga tấn công Ukraine? Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng cho rằng Nga sẽ tấn công. Do đó, các cuộc nói chuyện hôm thứ Sáu tại Geneva giữa Antony Blinken và Sergei Lavrov, hai ngoại trưởng Mỹ và Nga, trông khá bi quan. Cả “những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ” của Mỹ, hay lời đe dọa trừng phạt “mạnh tay” với Nga, cũng như việc Mỹ gửi vũ khí tới Ukraine đều không khiến Nga ngừng triển khai quân.
Khi đến thăm Kyiv và Berlin, ông Blinken nhấn mạnh NATO và Ukraine phải đoàn kết. Song giữa họ đang xuất hiện những vết nứt. Đức thờ ơ với các lệnh trừng phạt. Pháp muốn EU có chương trình riêng cho một trật tự an ninh mới ở châu Âu. Trong khi Ukraine tìm cách truy tố cựu tổng thống Petro Poroshenko. Trước đó, Nhà Trắng đã phải ra tuyên bố xoa dịu sau khi ông Biden gợi ý chỉ nên trừng phạt toàn diện nếu Nga tiến hành chiến tranh tổng lực. Điều đó chẳng khác nào bật đèn xanh cho Nga can thiệp. Mục tiêu lúc này của ông Blinken là biến đèn xanh thành đèn đỏ.
Chờ phán quyết về số phận chính trị của thủ tướng Anh
Trong tuần này, Boris Johnson đã đánh bại một nỗ lực thu thập 54 lá thư từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ nhằm cách chức ông khỏi vị trí lãnh đạo đảng. Tuy nhiên ngay lập tức có một cuộc tấn công nữa nhắm vào ông trong ngày thứ Năm. William Wragg, một đảng viên cấp trung nằm trong số những người viết thư, nói chính phủ đã đe dọa những người có ý định phản đối là sẽ cắt ngân sách cho các khu vực bầu cử của họ.
Quan chức dân sự cao cấp Sue Grey sẽ là người quyết định số phận của ông Johnson. Các nghị sĩ đang chờ đợi bản báo cáo của bà, trong đó sẽ cho biết các bữa tiệc ở Phố Downing có vi phạm quy tắc phong tỏa hay không. Steve Baker, người dẫn đầu các cuộc nổi dậy trước đây trong đảng Bảo thủ, đã tuyên bố nếu ông phát hiện ông Johnson nói dối trước quốc hội, thì thủ tướng coi như sẽ phải từ chức.
Đảng CDU của Đức có lãnh đạo mới
Vào thứ Bảy Friedrich Merz sẽ trở thành lãnh đạo mới của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, đảng bảo thủ chính ở Đức. Trước đó, hồi năm 2018, ông Merz đã ngừng lưu vong chính trị để quay về tranh cử vị trí lãnh đạo do bà Angela Merkel bỏ trống (bà vẫn giữ chức thủ tướng cho đến năm ngoái). Ông thất bại cả lần đó và cả trong cuộc bầu cử 2021. Song cử tri đã không chọn CDU trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9 năm ngoái. Vì vậy đảng cuối cùng cũng phải quay sang ông Merz.
Năm nay 66 tuổi, từng được biết đến như một người quyết liệt ủng hộ giảm thuế, ông Merz đã trở nên ôn hòa hơn khi có lo ngại ông sẽ đưa đảng đi quá xa về phía cực hữu. Các chương trình nghị sự chính của ông trước mắt là lạm phát và việc làm. Cuộc bầu cử bang năm nay chính là bài kiểm tra đầu tiên dành cho ông. Chờ đợi ông phía trước là một phần thưởng lớn: cơ hội lật đổ thủ tướng Olaf Scholz tại cuộc tổng tuyển cử năm 2025.
Giá dầu tăng do thiếu nguồn cung
Giá dầu thô Brent có thể sẽ sớm lên mức cao nhất nhiều năm qua. Trong tuần này giá dầu Brent đạt 89 USD/thùng, tăng 57% trong năm qua và cao nhất kể từ 2014. Các nền kinh tế mở cửa lại đã đẩy nhu cầu trong khi omicron không gây nhiều xáo trộn như lo ngại ban đầu. Song nguồn cung bị hạn chế. Một vụ hỏa hoạn và một vụ nổ trên đường ống nối Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến giá tăng vọt.
Không rõ giá sẽ còn cao trong bao lâu. OPEC và các đồng minh cho biết họ sẽ không nâng mục tiêu sản xuất để bù đắp cho thiếu hụt sản lượng của một số thành viên. Nhưng họ kỳ vọng khôi phục sản xuất về mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2022. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán tăng giá và tăng sản lượng ở các nước khác sẽ giúp khôi phục nguồn cung trong năm nay, qua đó kiềm chế giá. Hiện tại còn quá sớm để nghĩ về viễn cảnh giá dầu 100 đô la
Mỹ tìm cách tăng tốc bàn giao phản lực chiến đấu cho Đài Loan - Reuters
Máy bay F-16 của Đài Loan theo dõi máy bay ném bom H6-K của Trung Quốc trên eo biển Luzon, phía nam Đài Loan.
Mỹ đang tìm cách tăng cường chuyển giao nhanh chóng thế hệ kế tiếp các máy bay phản lực chiến đấu mới chế tạo F-16 cho Đài Loan, các giới chức Mỹ cho hay, tăng cường khả năng của không lực Đài Loan đáp ứng với điều mà Washington và Đài Bắc xem là đe dọa ngày càng tăng từ quân đội Trung Quốc.
Các giới chức chia sẻ thông tin với điều kiện ẩn danh cho biết họ chưa đạt giải pháp làm thế nào chuyển giao nhanh nhóm 70 máy bay F-16 được trang bị những khả năng mới do Lockheed Martin chế tạo. Các máy bay này hiện được dự trù chuyển giao vào cuối năm 2026.
Chính phủ Đài Loan đã bày tỏ với chính quyền Tổng thống Joe Biden mong muốn được chuyển giao nhanh hơn, một quan chức cao cấp Đài Loan cho hay, trong lúc không lực Đài Loan phải phái phản lực nghênh cản các chuyến bay ngày càng hung hăng của quân đội Trung Quốc.
F-16 được xem là rất dễ thao tác cho tác chiến trên không và trong các cuộc tấn công không đối đất.
Đài Loan đang trên đà thủ đắc một đội máy bay F-16 lớn nhất châu Á một khi nhận 66 máy bay mới chế tạo F-16 C/D trong nhóm 70 máy bay F-16 theo thỏa thuận trị giá 8 tỉ đô la thông qua hồi 2019. Thoả thuận này sẽ nâng tổng số F-16 của họ, bao gồm những phiên bản cũ, lên đến hơn 200 chiếc vào năm 2026.
Bất cứ động thái nào gia tăng việc chuyển giao máy bay cho Đài Loan đều tùy vào việc Mỹ xét thấy nhu cầu quốc phòng của Đài Loan là khẩn thiết hơn các đồng minh và đối tác khác của Mỹ, theo các chuyên gia.
“Đây là một chỉ dấu rõ ràng nữa cho thấy quyết tâm của Mỹ hỗ trợ khả năng tự vệ của Đài Loan,” theo ông Abraham Denmark, cựu quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài hiện là một nhà phân tích của Trung tâm Wilson ở Washington.
Chính phủ Mỹ chưa yêu cầu Lockheed Martin thay đổi thời biểu giao hàng cho Đài Loan, một giới chức biết rõ tình hình cho hay.