01/26/2022
KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)
27 nước EU thỏa thuận không buộc hành khách đã tiêm chủng phải xét nghiệm
Du khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Hamburg, Đức trước thềm Giáng Sinh ngày 23/12/2020. AP - Bodo Marks
Thụy My
Hai mươi bảy quốc gia Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm 25/01/2022 thỏa thuận phối hợp tốt hơn các quy định về việc di chuyển trong khối, tránh áp đặt xét nghiệm đối với những người có giấy chứng nhận dịch tễ EU, như một số nước đang thực hiện để đối phó với Omicron.
Trong cuộc họp tại Bruxelles, ngoại trưởng các nước thành viên đã thông qua một khuyến cáo không mang tính ràng buộc, về các quy định đối với các hành khách di chuyển trong phạm vi châu Âu.
Nhiều nước trong đó có Ý, Đan Mạch đòi hỏi hành khách dù đã chích ngừa Covid vẫn phải xét nghiệm âm tính mới cho nhập cảnh. Hội Đồng Châu Âu ra thông cáo khẳng định những người sở hữu giấy chứng nhận dịch tễ số hóa của EU không phải chịu những hạn chế bổ sung, ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do di chuyển. Việc buộc xét nghiệm phải dựa vào tình trạng cá nhân, chứ không do nước xuất xứ, trừ những khu vực bị dịch Covid rất nặng.
Quyết định này đáp ứng với thực tế tỉ lệ tiêm chủng tăng cao (gần 70% dân châu Âu đã chích ngừa Covid đầy đủ), và việc triển khai giấy chứng nhận dịch tễ số hóa của EU (đã tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc đã chữa khỏi Covid chưa đầy sáu tháng). Giấy chứng nhận dịch tễ có giá trị trong vòng 9 tháng (270 ngày).
Ủy Ban Châu Âu cũng kêu gọi các Nhà nước thành viên áp dụng ngay thỏa thuận trên, vì biến thể Omicron nay đã phổ biến khắp châu Âu, nên đã đến lúc từ bỏ những biện pháp gây khó khăn cho việc di chuyển. Khuyến cáo trên đây sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/02.
Afghanistan: Phương Tây tái khẳng định viện trợ nhân đạo gắn liền với tôn trọng nhân quyền
Đại diện Taliban Anas Haqqani (T) gặp gỡ các quan chức Na Uy ở Oslo ngày 25/01/2022. Stian Lysberg Solum NTB/AFP
Trọng Thành
Đối thoại giữa Taliban và các nước phương Tây tại Na Uy kết thúc hôm qua, 25/01/2022. Các bên không đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng phương Tây tái khẳng định, việc nối lại các viện trợ nhân đạo cần gắn liền với việc chế độ Taliban ở Afghanistan tôn trọng các quyền căn bản của người dân, đặc biệt quyền của phụ nữ.
Theo AFP, các nước phương Tây đã chuyển đến phái đoàn Taliban thông điệp gắn liền việc nối lại viện trợ nhân đạo với các đòi hỏi nhân quyền trong cuộc họp kín tại Oslo, Na Uy hôm qua. Đặc phái viên của Liên Hiệp Châu Âu tại Afghanistan, ông Tomas Nikkasson, một lần nữa nhắc lại nguyên tắc này, trong một thông điệp như sau trên Twitter : « Tôi cũng đã nhấn mạnh là các trường tiểu học và trung học phải được mở ra cho các học sinh nam và nữ trên khắp cả nước, khi năm học bắt đầu vào tháng Ba ». Thông điệp nói trên là câu trả lời cho nhận định trước đó của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Taliban, hoan nghênh cam kết của Liên Hiệp Châu Âu « tiếp tục viện trợ nhân đạo tại Afghanistan ».
Không có tuyên bố chính thức
Đoàn Taliban rời Oslo hôm qua, đã không đưa ra tuyên bố chính thức nào. Trong ba ngày tại Na Uy, phái đoàn Taliban đã có các cuộc gặp song phương với một quan chức cấp cao Pháp, các đặc phái viên Anh và Đức, các đại diện của bộ Ngoại Giao Na Uy. Không có tin chính thức về việc gặp các đại diện của Mỹ.
Theo giới quan sát, đối với chế độ Taliban, chuyến đi Na Uy và các cuộc gặp với đại diện nhiều quốc gia phương Tây đã là một bước đi hướng đến sự công nhận quốc tế. Bộ trưởng Ngoại Giao Taliban, hôm thứ Hai 24/01, khẳng định : « Việc đến Na Uy tự thân đã là một thành công… Từ các cuộc gặp này, chúng tôi chắc chắn sẽ thu hút được một sự ủng hộ trong các lĩnh vực nhân đạo, y tế và giáo dục tại Afghanistan ».
« Bước đi đầu tiên hướng đến thương lượng với Taliban »
Về phần mình, Na Uy, quốc gia chủ nhà, nhấn mạnh là các cuộc gặp giữa đại diện các nước phương Tây và Taliban hoàn toàn không phải là « một sự hợp thức hóa hay công nhận » chính phủ Taliban. Tuy nhiên, thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cũng công nhận là chuyến đi này « là một giai đoạn đầu tiên để bắt đầu thương lượng với những người đang nắm quyền trên thực tế tại Afghanistan ».
Dưới chế độ Taliban, cho đến nay về cơ bản phụ nữ bị loại ra khỏi khu vực nhà nước, đa số các trường học trung học cho trẻ em gái bị đóng. Tại Oslo, việc hai nhà tranh đấu nữ quyền mất tích sau khi tham gia vào một cuộc biểu tình tại Kabul tuần trước đã được nêu ra. Phái đoàn Taliban phủ nhận có vai trò trong vụ hai nhà tranh đấu mất tích.
Áp lực nối lại viện trợ gia tăng
Hiện tại khoảng 55% dân Afghanistan bị nạn đói đe dọa, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Áp lực nối lại viện trợ nhân đạo cho Afghanistan gia tăng từ phía giới bảo vệ nhân quyền. Tuyên bố với AFP hôm qua, ông Jan Egland, người đứng đầu Hội Đồng Na Uy vì Người Tị Nạn khẳng định « không thể cứu được các sinh mạng, nếu trừng phạt không được dỡ bỏ ».
Tại Oslo, một nhà quan sát phương Tây cho biết « hiện đã có một số thay đổi dần dần từ hai phía. (…) chúng ta cần có thêm một số cuộc họp như vậy, trước khi Taliban và phương Tây có thể đối thoại được với nhau ».
Hạ Viện Mỹ ra dự luật giúp ngành chip bán dẫn cạnh tranh với Trung Quốc
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi phát biểu trong cuộc họp báo hàng tuần tại điện Capitol ở Washington, Hoa Kỳ ngày 20/01/2022. REUTERS - POOL
Thụy My
Lãnh đạo Hạ Viện Mỹ hôm 25/01/2022 đã tiết lộ một dự luật nhằm gia tăng sức cạnh tranh với Trung Quốc, hỗ trợ kỹ nghệ chip bán dẫn, trong đó dành 52 tỉ đô la để trợ giúp cho sản xuất và nghiên cứu.
Chủ tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi cho biết, dự luật 2.900 trang được gọi là « America Competes » sẽ giúp đẩy mạnh đầu tư vào chip bán dẫn, tăng cường năng lực sản xuất và nghiên cứu trong lãnh vực này ; đồng thời tăng tính cạnh tranh, giúp Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu.
Chính quyền Joe Biden thúc giục Quốc Hội thông qua các biện pháp hỗ trợ sản xuất chip bán dẫn tại Hoa Kỳ, vì tình trạng thiếu hụt chip dùng cho các linh kiện xe hơi và máy tính làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Năm ngoái, Thượng Viện đã thông qua luật sáng tạo và cạnh tranh, trong đó có 52 tỉ đô la để gia tăng sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ, và 190 tỉ đô la để tăng cường công nghệ Mỹ và nghiên cứu nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.
Reuters cho biết dự luật của Hạ Viện kỳ này không bao gồm 190 tỉ đô la trên, nhưng dành 45 tỉ đô la hỗ trợ khả năng phục hồi chuỗi cung ứng ; và sản xuất hàng hóa thiết yếu, thiết bị kỹ nghệ, công nghệ sản xuất. Tiền tài trợ có thể được dùng để « di dời cơ sở sản xuất khỏi các quốc gia liên quan, gồm các nước đe dọa đáng kể đến kinh tế hoặc an ninh quốc gia Hoa Kỳ ». Chính phủ cũng có thể sử dụng quỹ này để dự trữ những mặt hàng thiết yếu, dự phòng những cú sốc. Tuần tới, nếu được Hạ Viện thông qua, lãnh đạo lưỡng viện sẽ thương lượng để giải quyết những bất đồng.
Dự luật của Hạ Viện còn có một số biện pháp trừng phạt bổ sung với Trung Quốc vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, cấp quy chế tị nạn cho những người Hồng Kông hội đủ điều kiện. Bên cạnh đó là việc cải cách hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) về thuế quan đối với hàng nhập khẩu, xem xét lại việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước phi thị trường như Nga và Trung Quốc. Đại diện thương mại Mỹ có quyền ngăn chận đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc và một số nước, bộ Thương Mại có thể áp thuế nếu một chính phủ trợ giá cho các công ty hoạt động ở nước khác, nhằm đối phó với « Sáng kiến một vành đai một con đường » của Trung Quốc.
Mỹ cố gắng trục vớt F-35 gặp nạn tại Biển Đông trước khi Trung Quốc tìm thấy
Phi cơ F-35 của quân đội Mỹ. Ảnh : U.S. Air Force
Thụy My
Hải quân Hoa Kỳ hôm nay 26/01/2022 cố gắng trục vớt một chiến đấu cơ F-35 hiện đại bị rơi xuống Biển Đông trong cuộc tập trận hôm thứ Hai. Theo CNN, đây là công việc hết sức phức tạp vì Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Abraham Lincohn bắt đầu thao dượt trên Biển Đông hôm Chủ nhật 23/01, sau khi tập trận với một chiến hạm Nhật tuần trước. Sự cố xảy ra khi một chiếc F-35C Lightning bị trượt khỏi boong tàu USS Carl Vinson rơi xuống biển, phi công thoát ra được, đang được chữa trị cùng với sáu thủy thủ bị thương. Hạm đội Thái Bình Dương mở điều tra về nguyên nhân tai nạn.
CNN dẫn lời Carl Schuster, cựu quan chức của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ở Hawai nhận xét, Bắc Kinh rất muốn có trong tay loại tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị nhiều loại cảm biến. Hải quân và tuần duyên Trung Quốc hiện diện dày đặc trên Biển Đông, nhưng có lẽ chỉ theo dõi hoạt động trục vớt vì lo ngại nguy cơ căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ. Công việc tìm kiếm có thể kéo dài nhiều tháng, tùy theo độ sâu vùng biển nơi phi cơ rơi xuống. Chiếc tiêm kích có thể còn nguyên vẹn vì tốc độ thấp lúc hạ cánh.
Đây là lần thứ ba một nước cố gắng trục vớt F-35 từ dưới biển. Tháng 11/2021, một chiếc F-35B của Anh bị rơi khỏi hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth ở Địa Trung Hải lúc cất cánh, và đã vớt được, tránh khả năng trở thành chiến lợi phẩm của tình báo Nga. Trước đó một F-35 của Nhật Bản bị nạn chỉ thu lại được những mảnh vụn vì rơi ở tốc độ cao.