Covid-19: Omicron khiến số tử vong vì dịch tăng cao tại Mỹ và Pháp
Biến thể Omicron lây lan nhanh dẫn đến số người tử vong cao hơn. Ảnh minh họa Justin TALLIS AFP/File
Trọng Nghĩa
Cho đến nay, biến thể Omicron của virus corona đang hoành hành khắp nơi trên thế giới luôn được cho là rất dễ lây lan nhưng ít độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện trước nó. Thế nhưng với số người mắc bệnh tăng vọt, số người chết cũng gia tăng. Tại Hoa Kỳ, số liệu thống kê công bố hôm qua, 28/01/2022 cho thấy là số ca tử vong hàng ngày vì Omicron đã cao hơn số người chết trong làn sóng Delta vào mùa thu năm ngoái.
Theo hãng tin Mỹ AP, mức tử vong vì Covid-19 bình quân trong bảy ngày ở Hoa Kỳ đã tăng kể từ giữa tháng 11, đạt mức 2.267 ca vào thứ Năm 27/01 và vượt qua mức cao nhất của tháng 9 là 2.100 khi Delta là biến thể thống trị.
Hiện nay Omicron được xác định là biến thể gây ra gần như toàn bộ các ca nhiễm mới trên toàn nước Mỹ. Mặc dù ít gây ra các ca bệnh nghiêm trọng, nhưng tính chất dễ lây lan của biến thể này đồng nghĩa với nhiều người bị bệnh hơn, và nhiều người chết hơn.
Theo ông Andrew Noymer, giáo sư y tế công cộng tại Đại Học California ở Irvine dự báo bi quan: “Omicron sẽ đẩy nước Mỹ lên mức một triệu ca tử vong”. Theo AP, số người chết trung bình hàng ngày tại Mỹ hiện ở mức tương đương với tháng Hai năm ngoái 2021, khi đất nước đang dần thoát khỏi mức tử vong cao kỷ lục là 3.300 người chết trong một ngày.
Giới nghiên cứu đồng ý rằng các triệu chứng Omicron thường nhẹ hơn và một số người bị nhiễm không có biểu hiện gì. Nhưng cũng giống như bệnh cúm, nó có thể gây chết người, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi, có các vấn đề sức khỏe khác hoặc những người chưa được chủng ngừa.
Pháp: Phần lớn ca tử vong tại bệnh viện đều do Omicron
Số lượng người chết vì Covid-19 cũng tăng cao tại Pháp vì Omicron. Theo số liệu mới nhất của Cơ Quan Y Tế Công Cộng Pháp, hiện có hơn 250 trường hợp tử vong vì Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày ở Pháp, con số đang tăng lên kể từ giữa tháng 11.
Ngay cả khi Omicron gây ra các dạng ít nghiêm trọng hơn, những biến thể này vẫn có thể gây tử vong, đặc biệt nơi những người sức yếu và trong tình trạng suy giảm miễn dịch.
Trong bản cập nhật hàng tuần mới nhất, tính đến ngày 28 tháng 1 số người chết trung bình hàng ngày là 262 người, tăng đến 18% so với tuần trước đó. Theo thống kê chính thức, đường cong về số ca tử vong hàng ngày với chẩn đoán nhiễm Covid-19 đã tiếp tục leo thang kể từ ngày 19 tháng 11 năm 2021, khi chỉ có 50 ca tử vong liên quan đến căn bệnh này được ghi nhận.
Covid-19 khiến dân số Nga sụt giảm mạnh
Phun thuốc tẩy trùng tại một nhà ga, thủ đô Matxcơva. Ảnh chụp ngày 26/10/2021. AFP - KIRILL KUDRYAVTSEV
Minh Anh
Trong vòng chưa đầy một năm, Nga mất khoảng một triệu dân, trong đó dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chính. Hôm nay, 29/01/2022, lần đầu tiên Nga vượt mốc kỷ lục 100 ngàn ca nhiễm mới và gần 670 người chết trong vòng 24 giờ.
Năm 2021 Nga mất hơn 1,04 triệu dân, so với con số 688.700 người trong năm 2020. Đà sụt giảm mạnh này là do tỷ lệ tử vong tăng lên hơn 15%, trong khi tỷ lệ sinh nở cũng giảm nhẹ.
Theo AFP, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân tử vong chính tại Nga, và còn làm cho cuộc khủng hoảng dân số ở Nga kéo dài từ 30 năm qua thêm nghiêm trọng. Nếu như số liệu do chính phủ công bố là 330.111 người chết tính từ đầu dịch đến nay, thì cơ quan thống kê Rosstat với khái niệm rộng hơn, đưa ra con số cao gần gấp đôi : 660 ngàn người.
Con số tử vong vì Covid-19 cao một phần là do chiến dịch tiêm chủng ì ạch, vắng các biện pháp phong tỏa từ mùa xuân 2020 và không tuân thủ các biện pháp dịch tễ như đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng.
Bảng tổng kết này còn thêm phần u ám bởi vì, theo số liệu do chính phủ cung cấp, trong vòng 24 giờ qua có 113.122 ca nhiễm mới và 668 người chết được ghi nhận. Thủ đô Matxcơva vẫn là ổ dịch lớn nhất tại Nga với 26.488 ca nhiễm mới và 76 người chết. Đây là một con số kỷ lục trong vòng 9 ngày liên tiếp tại Nga, quốc gia tang thương nhất tại châu Âu vì virus corona.
Kết quả công bố này cho thấy thất bại về chính sách dân số của tổng thống Vladimir Putin, cầm quyền từ 21 năm qua, bất chấp các nỗ lực của chính quyền như khuyến khích phụ nữ Nga sinh nở nhiều hơn, tăng tiền thưởng và trợ cấp sinh con…
Đại sứ Trung Quốc cảnh cáo nguy cơ “xung đột quân sự” với Mỹ
Tân tổng thống Honduras Xiomara Castro (P) tiếp phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) tại Phủ tổng thống ở Tegucigalpa, ngày 27/01/2022. - Presidencia de Honduras/AFP
Trọng Nghĩa
Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể tiến tới "xung đột quân sự" nếu Mỹ khuyến khích Đài Loan độc lập. Đại sứ Trung Quốc tại Washington cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Hoa Kỳ phát sóng hôm thứ Sáu, 28/01/2022. Tuyên bố được đưa ra sau khi hai phó tổng thống Mỹ và Đài Loan có cuộc tiếp xúc tại Honduras.
Phát biểu trên đài phát thanh công cộng Mỹ NPR, ông Tần Cương (Qin Gang), đại sứ Trung Quốc tại Washington nhắc nhở: "Tôi xin nhấn mạnh điều này. Vấn đề Đài Loan là điểm nóng quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ… Nếu các nhà chức trách Đài Loan, được sự khuyến khích của Hoa Kỳ, tiếp tục đi theo con đường giành độc lập, thì điều đó rất có thể đưa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc, vào một cuộc xung đột quân sự”.
Theo hãng Reuters, khi được yêu cầu bình luận, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Hoa Kỳ vẫn cam kết chính sách "một nước Trung Hoa" và tôn trọng các lời hứa của mình theo Đạo luật Quan Hệ với Đài Loan của Hoa Kỳ. Washington chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc, nhưng một đạo luật về Đài Loan yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết:“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ, đồng thời duy trì năng lực của chúng tôi để chống lại bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh của người dân Đài Loan”.
Bộ Ngoại Giao và Hạ Viện Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về nhận xét của đại sứ Trung Quốc. Lời cảnh cáo của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ và Honduras bằng một cuộc tiếp xúc trực tuyến với chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi. Quá cảnh tại San Francisco ngày 28/01, trên đường trở về Đài Loan, phó tổng thống Đài Loan đã loan báo việc ông đã tiếp xúc với bà Pelosi và hai bên đã “cam kết làm việc cùng nhau để tăng cường quan hệ đối tác Mỹ-Đài Loan”.
Phó tổng thống Đài Loan đã có một cuộc nói chuyện ngắn gọn với phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tại Honduras vào thứ Năm, một cuộc gặp hiếm hoi mang tính biểu tượng cao, diễn ra vào thời điểm căng thẳng với Washington, khiến Bắc Kinh tức giận.
Phát biểu của đại sứ Trung Quốc cũng được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraina.
Mỹ phái quan chức cấp cao đến Litva để ủng hộ đồng minh chống Trung Quốc
Đại sứ quán Litva tại Bắc Kinh, Trung Quốc đóng cửa ngày 15/12/2021. Quan hệ Litva và Trung Quốc căng thẳng sau khi Litva cho mở văn phòng Đại diện Đài Loan tại nước này. Ảnh chụp ngày 16/12. AP - Mark Schiefelbein
Trọng Nghĩa
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ sẽ thăm Litva vào tuần tới để thảo luận về việc tăng cường hợp tác kinh tế với quốc gia nhỏ bé vùng Baltic, vốn đang phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc, vì đã tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Bộ Ngoại Giao Mỹ ra thông cáo cho biết thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez, sẽ thăm Litva từ Chủ Nhật 30/01 cho đến Thứ Ba 01/02. Theo bản thông cáo, tại Vilnius, quan chức Mỹ sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế song phương và "sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ dành cho Litva khi đối mặt với áp lực chính trị và ép buộc kinh tế từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Ông Fernandez sẽ cùng với các quan chức Ngân Hàng Eximbank Hoa Kỳ thảo luận về việc thực hiện bản ghi nhớ trị giá 600 triệu đô la nhằm mở rộng cơ hội cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ và khách hàng Litva trong các lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao, dịch vụ kinh doanh và năng lượng tái tạo.
Hoa Kỳ, vốn đang tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn thế giới, đã ủng hộ Litva trong tranh chấp với Trung Quốc về Đài Loan.
Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva và thúc ép các công ty đa quốc gia cắt đứt quan hệ với nước này sau khi Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Vilnius vào năm ngoái, với tên gọi Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva, thay vì sử dụng từ Đài Bắc như thông thường.
Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng đã kiện Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào thứ Năm, 27/01, cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại phân biệt đối xử đối với Litva, thành viên EU, đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu.
Tiếp theo chuyến đi Litva, quan chức ngoại giao Mỹ sẽ ghé Bruxelles trong hai ngày 2 và 3/2, để thảo luận với Liên Âu về những nỗ lực chống lại chính sách "ép buộc" kinh tế của Trung Quốc.
Úc muốn tham gia vụ kiện Trung Quốc của EU
Theo Reuters, Úc sẽ cố gắng tham gia vào các cuộc tham vấn về tranh chấp thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, đã được EU đưa ra tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Bộ trưởng Thương Mại Úc cho biết như trên vào hôm nay.
Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan cho biết: “Úc có lợi ích đáng kể" trong các vấn đề tranh chấp giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.