Phạm Phú Quốc, Phạm Nhật Vũ trong số 26 người Việt có quốc tịch Cyprus

Phạm Phú Quốc, Phạm Nhật Vũ trong số 26 người Việt có quốc tịch Cyprus
01/30/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w

https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

Wiki Twitter Facebook Instagram Linkedln

KBCHNTV - Nhân chuyện Cục Lãnh Sự nhắc chuyện cũ năm 2020: ngoại trừ 3 ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Phạm Nhật Vụ đã ở tù trước khi vụ ông Pham Phú Quốc bị đổ bể thì tất cả 24 người khác vẫn ém nhẹm (có lẽ phanh phui ra thì nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó đã bị sụp đổ (?) Ông Phạm Phú Quốc đã từ chức và nghỉ hưu (xem như đã đáp an toàn hay đã âm thầm dọn qua Cyprus? 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đại biểu Quốc Hội CSVN Phạm Phú Quốc, tài phiệt đỏ Phạm Nhật Vũ nằm trong số 26 người Việt Nam chi $2.5 triệu mua “hộ chiếu vàng” của đảo quốc Cyprus (đảo “Síp,” như cách gọi của Việt Nam).

Dò tìm trên một số tài liệu điều tra tham nhũng do hãng tin Al Jazeera của chính phủ Quatar ở Trung Đông công bố, người ta thấy một đồ biểu có 26 người Việt Nam trong số gần 2,500 người từ 74 nước trên thế giới đã chi 2 triệu Euro hay $2.5 triệu cho mỗi trường hợp để nhập tịch nước Cộng Hòa Cyprus, một đảo quốc nhỏ, thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) ở phía Đông Địa Trung Hải.

Phạm Phú Quốc, tổng giám đốc công ty quốc doanh Tân Thuận và đại biểu Quốc Hội. (Hình: Tuổi Trẻ)

Chỉ tính trung bình mỗi người chi ra $2.5 triệu mua quốc tịch, Cyprus kiếm được khoảng hơn $6 tỷ. Khi có quốc tịch Cyprus, công dân đảo quốc này có thể du lịch hay tới ở, mua nhà, đầu tư kinh doanh ở các nước trong Liên Âu. Nói khác, Cyprus có thể chỉ là cái đầu cầu để những kẻ muốn đào thoát từ nước nào đó đến EU.

Không thấy nhóm ký giả điều tra của Al Jazeera công bố danh sách tất cả 26 người Việt Nam có quốc tịch và “hộ chiếu vàng” của Cyprus, nhưng qua tài liệu “The Cyprus Papers” (Hồ sơ Cyprus, https://interactive.aljazeera.com/aje/2020/cyprus-papers/index.html) với khoảng 1,400 tài liệu bị rò rỉ hồ sơ nhập tịch Cộng Hòa Cyprus, người ta thấy có tên và hình ảnh ông đại biểu Quốc Hội CSVN Phạm Phú Quốc và tay tư bản đỏ Phạm Nhật Vũ.

Hai tài liệu (không có hình, ngôn ngữ Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ) có tên Phan Dieu Phuong NGUYEN (sinh năm 1969) và Phu Quoc PHAM (sinh năm 1968), ngày tháng của tài liệu là năm 2018 và Tháng Giêng, 2019. Người phụ nữ tên Phan Dieu Phuong NGUYEN quan hệ thế nào với người tên Phu Quoc PHAM, người viết bản tin này không biết ngôn ngữ Cyprus nên không hiểu.

Biểu đồ thống kê một số nước có số người nhập tịch đảo quốc Cyprus từ năm 2017 đến 2019, có cả Việt Nam. (Hình chụp màn hình Al Jazeera)

Ông Phạm Phú Quốc hiện đang đại biểu Quốc Hội CSVN kiêm tổng giám đốc công ty quốc doanh phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC) ở Sài Gòn. Còn ông Phạm Nhật Vũ, tay tài phiệt đỏ đang bị tù trong vụ bán công ty Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) cho công ty điện thoại quốc doanh MobiFone trực thuộc Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN.

Tài liệu của Al Jareera thuật lời một viên chức chính phủ Cyprus nói rằng trước khi cho nhập tịch và cấp sổ thông hành (passport), họ đã điều tra để biết chắc các cá nhân không thuộc thành phần phạm pháp. Tuy nhiên, trường hợp ông Phạm Nhật Vũ thì rõ ràng ngược lại. Hàng chục trường hợp khác cũng tương tự như ông Vũ.

Tài liệu điều tra “hộ chiếu vàng” của hãng tin Al Jazeera với hình chân dung hai ông Phạm Phú Quốc và Phạm Nhật Vũ. (Hình chụp màn hình Al Jazeera)

Ông Phạm Nhật Vũ, 48 tuổi, em trai tài phiệt đỏ giàu nhất Việt Nam là Phạm Nhật Vượng, bị bắt ngày 13 Tháng Tư, 2019, với cáo buộc đưa hối lộ cho Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (lúc đó là thứ trưởng, sau đôn lên làm bộ trưởng thế ông Nguyễn Bắc Son) trong vụ án MobiFone mua AVG.

Để bán được công ty AVG lúc chờ sập tiệm với giá 8,900 tỷ đồng (hơn $384 triệu) làm thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước CSVN tại doanh nghiệp MobiFone khoảng 7,006 tỷ đồng (hơn $302 triệu), theo tin tức từ vụ án, ông Phạm Nhật Vũ đã hối lộ cho hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn hơn $3 triệu. Ông cũng còn “cúng” cho ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên MobiFone, $2.5 triệu và ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc MobiFone, $500,000.

Ngày 28 Tháng Mười Hai, 2019, ông Phạm Nhật Vũ đã bị kết án ba năm tù ở Hà Nội về tội đưa hối lộ sau khi đã trả lại toàn bộ số tiền bán AVG cho MobiFone và các ông quan chức cầm đầu Bộ Thông Tin Truyền Thông cũng phải nhả ra các món tiền ăn hối lộ.

Sau khi chuyện mua “hộ chiếu vàng” đảo “Síp” bị lộ tẩy, một số báo chí tại Việt Nam cũng vội vàng nhảy vào khai thác. Ngày hôm qua, các báo Dân Trí, Dân Việt, Tuổi Trẻ, Lao Động có tường thuật lại bản tin của Al Jazeera nhưng tránh né không nêu tên người nào ở Việt Nam. Riêng tờ Tuổi Trẻ có phỏng vấn ông đại biểu Quốc Hội không thấy nêu tên ai (nhưng người ta hiểu ngay là phỏng vấn ông Phạm Phú Quốc) thì ông chối cái tin đó “không chính xác.”

Tài liệu năm 2018 có tên với năm sinh của hai người Phan Dieu Phuong NGUYEN (1969) và Phu Quoc PHAM (1968). (Hình chụp màn hình Al Jazeera)

Tuy nhiên, hôm nay Thứ Ba, 25 Tháng Tám, cũng trên tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Phú Quốc quanh co rằng: “Tôi có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, quốc tịch này do gia đình tôi bảo lãnh, thông tin về việc tôi mua quốc tịch thứ hai là không chính xác.”

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Phú Quốc giải thích thêm rằng, khi ứng cử đại biểu Quốc Hội CSVN năm 2016, ông chỉ có quốc tịch Việt Nam. Vợ con ông đã có quốc tịch “Síp” trước (năm 2017) và “giữa năm 2018 gia đình tôi (vợ và con tôi đã có quốc tịch Cyprus trước đó) đã đề nghị với tôi và thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cyprus cho tôi để tương lai khi tôi được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình. Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc ‘mua quốc tịch’ với giá $2.5 triệu.”

Nếu ông “khẳng định” không bỏ tiền ra mua quốc tịch “Síp” thì vợ ông phải chi ra số tiền đó như tài liệu điều tra của Al Jazeera phân tích. Chẳng lẽ tiền vợ ông mua quốc tịch “Síp” không phải là tiền của ông?

Tài liệu năm 2018 có tên với năm sinh của hai người Phan Dieu Phuong NGUYEN (1969) và Phu Quoc PHAM (1968). (Hình chụp màn hình Al Jazeera)

 

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Phú Quốc giải thích thêm là: “Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus.”

Theo luật lệ CSVN, đại biểu Quốc Hội không được phép mang song tịch. Báo Dân Trí thuật lời ông Trần Văn Túy, trưởng Ban Công Tác Đại Biểu của Quốc Hội, cho biết ông đã “giao Vụ Công Tác Đại Biểu kiểm tra thông tin này. Tuy nhiên, ông Túy lưu ý rằng cần rất thận trọng khi xem xét thông tin từ các trang thông tin nước ngoài.”

Báo Dân Trí còn thuật lời Tổng Thư Ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông “chưa có thông tin gì về việc này” và “đề nghị báo chí xác minh cẩn trọng, bởi ngay cả trang thông tin của Quốc Hội Việt Nam cũng bị giả mạo,” dù ông Phạm Phú Quốc đã công nhận mang song tịch.

Bốn năm trước, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị mất ghế đại biểu Quốc Hội CSVN vì ngoài quốc tịch Việt Nam, bà còn mang quốc tịch Malta, một đảo quốc rất nhỏ bé ở giữa Địa Trung Hải, khi tin tức song tịch bị bại lộ. 

(TN) [qd]