Tin thế giới cập nhật ngày 31/1/2022 với Nam Giang

Tin thế giới cập nhật ngày 31/1/2022 với Nam Giang
01/31/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w

https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

Khủng hoảng Miến Điện: một năm sau cuộc đảo chính quân sự, cuộc kháng chiến vẫn không suy yếu
image.png
Người biểu tình trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự tại Rangoon, Miến Điện, 17/02/2021. REUTERS - Stringer

Phan Minh

Vào ngày mai 01/02/2022, Miến Điện đánh dấu một năm cuộc đảo chính của quân đội do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing dẫn đầu. Nhân dịp này, phong trào kháng chiến chống chính quyền quân sự đã kêu gọi dân chúng thực hiện một "ngày tĩnh lặng", tức là ở trong nhà để bày tỏ sự bất bình của mình một cách ôn hòa.

Từ Rangoon, thông tín viên Juliette Verlin tường trình :

Đây không phải là “ngày tĩnh lặng” đầu tiên được tổ chức kể từ sau cuộc đảo chính, và mỗi lần kịch bản đều giống nhau : từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cư dân ở nhà, đường phố vắng tanh, cửa hàng đóng cửa. Đây là thời điểm gây ấn tượng mạnh tại một thành phố lớn như Rangoon, nơi mà người dân đã quen với tắc đường, tiếng còi xe buýt và vô số chợ trên đường phố.

Mọi người sẽ tưởng rằng các nhóm kháng chiến có vũ trang, trong đó một số hoạt động ở Rangoon, sẽ lợi dụng sự vắng mặt của người dân để tấn công cảnh sát hoặc các định chế của chính quyền quân sự, nhưng trên thực tế đường phố vắng tanh và quân đội rất căng thẳng vào những ngày quan trọng như thế này . Do đó, nhìn chung, mọi người nên thận trọng làm theo hướng dẫn và ở nhà. Vào "ngày tĩnh lặng" gần đây nhất hôm 10 tháng 12 vừa rồi, một nhiếp ảnh gia tự do, Soe Naing, đã bị bắt khi đang chụp ảnh trên những con phố vắng, và anh ta là nhà báo đầu tiên bị giết trong lúc bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.

Người ta có thể hiểu rằng tại sao mọi người sẽ quyết định ở trong nhà. Những người tôi đã gặp trong những ngày gần đây đều có cùng một suy nghĩ : rõ ràng là họ mong muốn có một điều gì đó xảy ra bởi ngày 1 tháng 2 là một ngày quan trọng, và một cuộc tấn công của phe kháng chiến vào ngày hôm đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới quân đội rằng sau một năm, họ vẫn không hoàn toàn kiểm soát được đất nước - nhưng những người này cũng nói rằng họ không ngây thơ và họ biết rằng điều đó thực sự quá nguy hiểm.

 
 
Mỹ đề nghị đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên mà không đưa điều kiện tiên quyết
image.png
Vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm xa của Bắc Triều Tiên, ảnh do Cơ quan Thông tấn Trung ương Bắc Triều Tiên cung cấp, 31/01/2022. © AFP - STR - Cơ quan Thông tấn Trung Ương Bắc Triều Tiên

Thùy Dương

Chính quyền Mỹ của tổng thống Joe Biden ngày Chủ Nhật 30/01/2022 đề nghị đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Thông báo của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh hôm qua Bộ tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc cho biết Bắc Triều Tiên mới phóng thử tên lửa mạnh nhất tính từ năm 2017.

Theo Reuters, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden ngày 30/01/2022 tuyên bố với báo giới là giờ « đúng là lúc » và « hoàn toàn đúng đắn » khi « bắt đầu có các cuộc thảo luận nghiêm túc » với Bình Nhưỡng. Hôm qua là lần thứ 7 trong vòng 1 tháng Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa. Hôm nay 31/01, Bình Nhưỡng cũng khẳng định đó là vụ thử nghiệm tên lửa mạnh nhất kể từ năm 2017.

Theo quan chức cấp cao của Mỹ, vụ thử nghiệm lần này của Bắc Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng rõ ràng ngày càng muốn gây « mất ổn định » và đi ngược lại với các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, khiến Washington « lo ngại » về nguy cơ Bắc Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa liên lục địa hoặc vũ khí hạt nhân, vốn đã tạm ngưng từ năm 2017. Dù cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mới, chính quyền Biden vẫn kêu gọi giải pháp ngoại giao.

Còn thông tín viên từ Seoul, Nicolas Rocca, nhận định các vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng là nhằm buộc chính quyền Biden phải thay đổi thái độ về hồ sơ Bắc Triều Tiên :

« Bắc Triều Tiên đã tiến thêm một bước với vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung lần này. Đây là loại tên lửa mà Bình Nhưỡng đã không thử nghiệm kể từ năm 2017. Vụ phóng thử tên lửa lần thứ 7 trong vòng 1 tháng khiến chính quyền Seoul rất lo ngại.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhận định láng giềng Bắc Triều Tiên đang tiến gần đến việc chấm dứt tự cam kết đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Kể từ năm 2018, khi bắt đầu đàm phán với tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Triều Tiên đã tránh các vụ thử nghiệm tên lửa có thể bắn tới lãnh thổ của kẻ thù - nước Mỹ, nhưng tuần trước lãnh đạo Kim Jong Un đã nói với ngụ ý chính phủ Bắc Triều Tiên có thể sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm kiểu này để đối phó với « chính sách thù địch của Mỹ ».

Bắc Triều Tiên đã biết cách gia tăng áp lực trong bối cảnh gần đến ngày diễn ra 2 sự kiện quan trọng : Thứ Sáu tới (04/02) sẽ bắt đầu diễn ra Thế Vận Hội ở nước đồng minh Trung Quốc, trong khi đó Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 09/03.

Những vụ thử nghiệm này có thể là nhằm khiến chính quyền của tổng thống Mỹ Biden phải thay đổi thái độ « bất động » đầy thận trọng về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Washington khẳng định sẵn sàng đối thoại, nhưng lại không đưa ra những biện pháp khuyến khích thực sự nào để thúc đẩy Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Và cuối cùng, những vụ thử này đã được thực hiện nhiều lần vào lúc nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn sau gần 2 năm hầu như đóng cửa hoàn toàn biên giới do đại dịch Covid-19 ». 
 
 
Đối với truyền thông nước ngoài, tác nghiệp tại Trung Quốc ngày càng khó khăn và nguy hiểm
image.png
Họp báo tại trụ sở của Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Olympic (BOCOG) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 18/11/2021. AP - Mark Schiefelbein

Thùy Dương

Theo báo cáo thường niên Câu lạc bộ thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) công bố hôm nay 31/01/2022, các mối đe dọa về pháp lý và việc thiếu nhân lực với lý do dịch bệnh Covid-19 là những « trở ngại chưa từng có » mà các phương tiện truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc gặp phải.

Tổng cộng, 99% phóng viên nước ngoài trả lời khảo sát thường niên của Câu lạc bộ thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) cho biết điều kiện tác nghiệp của họ ở Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Theo báo cáo của FCCC, nhà chức trách Trung Quốc dường như đặc biệt « khuyến khích một làn sóng tố tụng », hoặc đe dọa tố tụng nhắm vào các nhà báo ngoại quốc thực hiện các bài phỏng vấn hoặc phóng sự tại nước này : khoảng một chục trường hợp đã được ghi nhận trong năm 2021.

David Rennie, giám đốc tuần báo Anh The Economist, chi nhánh Bắc Kinh, lưu ý các mối nguy ngày càng nhiều. Ông nhận định : « Các phương tiện truyền thông hiện phải đối mặt với nguy cơ thông tin của họ bị kiểm duyệt do các đòn trừng phạt của tư pháp, nguy cơ bị khiếu kiện dân sự hoặc bị điều tra với danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, điều ngày trở nên đáng lo ngại hơn ».

AFP nhắc lại trong năm 2020, chế độ Cộng Sản Trung Quốc đã lấy cớ an ninh quốc gia để giam giữ nhà báo người Úc, Trình Lôi (Cheng Lei), một người dẫn chương trình trên đài truyền hình Trung Quốc và Phạm Hà Tư (Haze Fan), một trợ lý biên tập tiếng Hoa cho hãng tin Mỹ Bloomberg.

Báo cáo của FCCC nhấn mạnh các phương tiện truyền thông nước ngoài tại Trung Quốc ngày càng có cảm giác họ bị coi là kẻ thù của nước này và « các vụ tấn công được chế độ hậu thuẫn, đặc biệt là các chiến dịch chơi khăm (troll) trực tuyến » càng làm việc tác nghiệp của họ trở nên phức tạp hơn.

Nhân danh cuộc chiến chống Covid-19, Bắc Kinh cũng đã giảm mạnh số lượng thị thực nhập cảnh cấp cho những người làm việc cho các cơ quan truyền thông nước ngoài. Trong năm 2020, chế độ Tập Cận Bình đã trục xuất 18 phóng viên truyền thông Mỹ, chủ yếu bằng cách không gia hạn giấy phép làm việc hàng năm khi giấy tờ của họ hết hạn. Những nhà báo này sau đó có rất ít cơ hội trở lại Trung Quốc. Nhiều phương tiện truyền thông lớn của Mỹ phải đưa tin về Trung Quốc theo phương thức « từ xa », đặc biệt là từ Đài Loan.