ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 5/2/22 - Nam Giang tổng hợp

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI  ngày 5/2/22 - Nam Giang tổng hợp
02/06/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

Nghị sĩ Mỹ đề xuất dự luật đổi tên văn phòng đại diện của Đài Loan tại Washington

Theo Reuters, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ, vào thứ năm (3/2), đã giới thiệu một dự luật để thúc đẩy việc đổi tên Đại sứ quán trên thực tế của Đài Loan tại Washington, từ tên hiện tại là Văn phòng đại diện văn hóa và kinh tế Đài Bắc thành “Văn phòng đại diện Đài Loan”.

Reuters nhận định, nếu dự luật này được lưỡng viện Mỹ thông qua và Tổng thống Biden ký thành luật, thì điều này có thể cổ vũ các quốc gia khác thực hiện hành động tương tự Hoa Kỳ.

Dự luật đề xuất Ngoại trưởng Hoa Kỳ đàm phán với Văn phòng đại diện văn hóa và kinh tế Đài Bắc đổi tên văn phòng của mình.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Bob Menendez đã tài trợ cho phiên bản của dự luật tại Thượng viện. Trong khi đó, các dân biểu John Curtis và Chris Pappas tài trợ cho phiên bản của dự luật tại Hạ viện.

Ông Rubio nói: “Hoa Kỳ phải rõ ràng rằng, bất chấp mọi nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc để đe dọa và ép buộc Đài Loan, thế lực tàn bạo kia không có quyền đòi quyền chủ quyền đối với các nước dân chủ”.

Menendez nói với Reuters rằng dự luật cho thấy sự hỗ trợ của Washington dành cho Đài Loan “để [giúp họ] xác định tương lai của chính mình”.

Pappas cho biết, “Chúng ta phải thực hiện bước này để tăng cường quan hệ đối tác ngoại giao với Đài Loan và chống lại các nỗ lực lặp đi lặp lại hành động đe dọa và ép buộc các quốc gia trên toàn cầu của [chính quyền] Trung Quốc”.

Trung Quốc, Đài Loan, Lithuania: cuộc tình tay ba

image.png

Chính sách Trung Quốc dùng để cô lập Đài Loan là hễ nước nào chơi với Đài Loan thì bị Trung Quốc nghỉ chơi. Chính sách này mang lại nhiều thành công cho Trung Quốc và số nước chơi với Đài Loan ngày càng bớt đi. Nhưng lần này với Lithuania thì vẫn còn giằng co.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm ngoái, khi Lithuania hoặc Litva, đất nước chưa tới 3 triệu dân trong vùng biển Baltic, chọc giận Bắc Kinh hai lần trong vòng vài tháng.

Đầu tiên, Lithuania rút khỏi nhóm “17+1”, một diễn đàn gồm 17 quốc gia Đông và Trung Âu tham gia với Trung Quốc, sau đó Lithuania khuyến khích những nước khác làm tương tự. Giữa lúc Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh doanh trong khu vực, đáng chú ý nhất là cái gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), bất kỳ hình thức “gây rối” nào của châu Âu cũng làm Bắc Kinh khó chịu.

Sau đó vào tháng 11, Lithuania trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép Đài Loan mở đại sứ quán với tên gọi “Đài Loan” Các văn phòng khác như vậy ở châu Âu và Hoa Kỳ sử dụng tên Đài Bắc, để tránh ám chỉ sự độc lập của hòn đảo khỏi Trung Quốc. Đài Loan cho biết việc mở Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Vilnius, thủ đô Lithuania, sẽ “tạo ra một lộ trình mới và đầy hứa hẹn cho quan hệ song phương giữa Đài Loan và Lithuania .”

Động thái này đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ, coi đây là hành động xúc phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc” xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc, thay vì là một lãnh thổ có chủ quyền độc lập, mặc dù hai bên đã được quản lý riêng biệt trong hơn bảy thập niên qua. Theo quy định, nước nào muốn có quan hệ với Trung Quốc phải nhìn nhận chính sách này về mặt ngoại giao.

Lithuania cho biết văn phòng mới của Đài Loan không có tư cách ngoại giao chính thức và không mâu thuẫn với chính sách Một Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách ngay lập tức hạ cấp quan hệ ngoại giao với Vilnius.

Lithuania tuyên bố Trung Quốc đã ngăn chặn hàng hóa của Lithuania vào Trung Quốc, coi như tạo ra một rào cản thương mại. Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố này, đổ lỗi cho Lithuana đã làm tổn hại đến “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và khiến quan hệ song phương rơi vào tình trạng đóng băng thật sâu.

Đài Loan đã phản ứng bằng cách mua số hàng của Lithuana bị Trung Quốc cấm cửa – khoảng 20.400 chai rượu rum – và hứa đầu tư hàng trăm triệu đô la vào kinh tế Lithuana.

Cuộc tranh cãi đã kéo thêm Liên minh châu Âu, ủng hộ quốc gia Lithuania thành viên. Liên minh này coi việc Bắc Kinh đối xử với Lithuania là một mối đe dọa đối với các quốc gia EU khác, trong đó có nhiều quốc gia có liên kết kinh tế sâu sắc hơn với Trung Quốc.

EU đã kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới, cáo buộc Bắc Kinh có “các hành vi thương mại phân biệt đối xử chống lại Lithuana, các hành vi này cũng đang đánh vào các mặt hàng xuất khẩu khác của EU.”

Vụ kiện với WTO có thể chỉ là bước khởi đầu cho thấy EU có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, mặc dù vẫn có những dè dặt có thể khiến Bắc Kinh trả đũa dưới hình thức chiến tranh thương mại hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư vào châu Âu.

‘Trung Quốc cần rút ra bài học’

Năm 1990, Lithuana là thành viên đầu tiên của Liên Xô tuyên bố độc lập khỏi Moscow và sau đó gia nhập cả EU lẫn NATO vào năm 2004.

Trong bối cảnh đó, một quốc gia như Trung Quốc thể hiện sự hung hăng – đặc biệt là chống lại Đài Loan – cũng như sử dụng thương mại như một vũ khí chống lại các quốc gia châu Âu nhỏ hơn, làm mọi người nhớ lại thời kỳ phải sống dưới sự thống trị của Liên Xô.

“Trung Quốc cần rút ra bài học vì cho đến nay, họ vẫn được phép hành xử theo cách không phù hợp các giá trị và quy tắc của chúng tôi, đơn giản chỉ vì họ quá giàu có”, cựu Thủ tướng Andrius Kubilius của Lithuania nói với CNN.

“Tôi không thấy các nước EU lớn hơn có phản ứng mạnh. Có thể hành động của Lithuana sẽ lan sang các nước khác và trong thời gian tới, châu Âu sẽ đoàn kết chống lại một quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi”, ông nói thêm.

Một bài xã luận gần đây trên tờ báo nhà nước Trung Quốc Hoàn cầu Thời báo đã đưa ra các bước mà Lithuania phải thực hiện để khôi phục quan hệ, đồng thời cảnh báo: “bất kể họ dùng những thủ đoạn nào, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ nửa tấc trong các vấn đề thuộc về nguyên tắc.”

Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận năng lượng khổng lồ

image.png


Ngày 4/1, Tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký hợp đồng dài hạn thứ hai về việc cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga. Thỏa thuận được đưa ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức nhân Thế vận hội Mùa đông.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, thỏa thuận này có thời hạn 25 năm.

Theo Gazprom, thỏa thuận này là “một bước quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt”. Sau khi dự án đạt hết công suất, khối lượng đường ống dẫn khí đốt của Nga cung cấp cho Trung Quốc qua tuyến Viễn Đông sẽ đạt 48 tỷ mét khối mỗi năm (bao gồm cả việc cung cấp qua đường ống dẫn khí Power of Siberia).

Mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Gazprom ở Viễn Đông là mỏ Yuzhno-Kirinskoye, bắt đầu sản xuất vào năm 2023.

“Việc ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt thứ hai của Nga cho Trung Quốc nhằm đánh giá sự tin cậy lẫn nhau và quan hệ đối tác cao nhất giữa các nước và các công ty của chúng ta. Các đối tác Trung Quốc của chúng tôi từ CNPC xác nhận rằng Gazprom là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy,” người đứng đầu Gazprom, Alexey Miller cho biết.

Theo phụ tá Điện Kremlin Yury Ushakov, nguồn cung năng lượng của Nga cho Trung Quốc hiện đã đạt mức cao kỷ lục.

Gazprom và CNPC đã ký hợp đồng 30 năm đầu tiên về cung cấp khí đốt thông qua đường ống Sức mạnh Siberia vào năm 2014. Đường ống xuyên biên giới dài 3.000 km này là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc, bắt đầu được giao hàng cách đây 3 năm.

Năm 2015, các bên đã nhất trí về việc cung cấp khí đốt thông qua tuyến đường phía Tây (Power of Siberia 2), sẽ cung cấp khí đốt từ Bán đảo Yamal của Siberia, nơi có trữ lượng khí đốt lớn nhất của Nga. Đường ống mới sẽ có thể chuyển thêm 50 tỷ mét khối khí đốt qua Mông Cổ đến Trung Quốc hàng năm.

Hồi tháng 1, Gazprom đã hoàn thành bản phân tích dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Soyuz Vostok qua Mông Cổ tới Trung Quốc này.

Các nhà phân tích nhìn nhận, việc Moscow “xoay trục khí đốt” sang Trung Quốc đặt ra thách thức đối với Châu Âu, khu vực đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng chóng mặt trong những tháng gần đây. Họ cũng lưu ý rằng, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt chính của Châu Âu, nhưng cần phải nghiêm túc xem xét những thay đổi mà nước này đang thực hiện đối với cơ sở hạ tầng vận tải năng lượng của mình.

Mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của Châu Âu là 541 tỷ mét khối, nhiều hơn mức 331 tỷ mét khối của Trung Quốc. Nhưng mức tiêu thụ của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 526 tỷ mét khối vào năm 2030 khi nước này giảm phụ thuộc vào than đá. 

Công ty tư vấn McKinsey ước tính, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035. Mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của nước này dự kiến sẽ đạt mức 620 tỷ mét khối vào năm 2040 và vượt qua dầu để trở thành nguồn nhiên liệu hàng đầu vào năm 2050, theo dữ liệu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Sinopec của Trung Quốc công bố hồi tháng 9.

 

Gặp mặt Putin, Tập tại Thế vận hội Mùa đông

image.png

Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh hôm thứ Sáu vào lúc Thế vận hội Mùa đông khai mạc, mang theo hợp đồng cung cấp thêm 10 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc trong lúc có căng thẳng giữa Nga với phương Tây về Ukraine. 

Hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình ra tuyên bố chung yêu cầu NATO ngừng bành trướng trong khi Nga cho biết hoàn toàn ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về Đài Loan và phản đối việc Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức.

Nga, một trong những nước dẫn đầu toàn cầu về nguồn cung cấp hydrocacbon, đã và đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.

Đài truyền hình phát sóng ở Moscow cho thấy ông Tập và ông Putin, không đeo khẩu trang, ngồi đối diện nhau trên một chiếc bàn lớn trong một nhà khách chính phủ Bắc Kinh, xung quanh là các trợ lý đeo khẩu trang.

Putin nói với Tập: “Tôi xin cảm ơn ngài về lời mời khai mạc Thế vận hội. Chúng tôi biết trước tiên rằng đây là một công việc to lớn. Tôi chắc chắn rằng những người bạn Trung Quốc đã hoàn thành một cách xuất sắc, như các bạn vẫn làm khi chuẩn bị những sự kiện lớn như vậy.”

Ông Tập cho biết cuộc gặp đã thổi luồng sinh khí mới vào mối quan hệ hai bên, theo các bản tin nhà nước.

Thế vận hội diễn ra trong những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, do đại dịch corona, hơi bị lu mờ bởi mối lo Nga có thể tấn công Ukraine.

Trong tuyên bố chung, hai nước khẳng định mối quan hệ mới của họ vượt trội hơn bất kỳ liên minh chính trị hay quân sự nào thời Chiến tranh Lạnh.

Qua tuyên bố: “Tình hữu nghị giữa hai quốc gia không có giới hạn, không có vùng cấm trong lĩnh vực hợp tác'” hai bên loan báo kế hoạch hợp tác trong nhiều lĩnh vực như không gian, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo và kiểm soát Internet.

Tuyên bố này được xem là chi tiết nhất và hung hăng nhất về quyết tâm của Nga và Trung Quốc hợp tác cùng nhau – và chống lại Hoa Kỳ – để xây dựng một trật tự quốc tế mới dựa trên cách hiểu của riêng họ về nhân quyền và dân chủ.

Jonathan Eyal của tổ chức tư vấn RUSI có trụ sở tại London cho biết tuyên bố này đánh dấu sự “phản bác trực diện” quan điểm của Hoa Kỳ và phương Tây về thế giới và có thể tạo tiền đề xây dựng một liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc.

Ông nói: “Đó là một điểm lịch sử bởi vì cả hai đều cảm thấy bị dồn vào chân tường và họ cảm thấy đã đến lúc họ phải thể hiện tầm nhìn của họ về thế giới và phải quảng bá tâm nhìn này một cách năng nổ.”

Hai nước đã xích lại gần nhau hơn khi cả hai đều phải chịu áp lực từ phương Tây về nhiều vấn đề, bao gồm nhân quyền và việc Nga xây dựng quân đội gần Ukraine. Thời điểm ra tuyên bố mang tính biểu tượng cao, tại một Thế vận hội do Trung Quốc tổ chức mà Hoa Kỳ đã tẩy chay ngoại giao.

Mỗi bên đã tiến xa hơn đáng kể so với trước đây, Eyal nói, khi bên này công khai ủng hộ bên kia về những mâu thuẫn quan trọng với Hoa Kỳ và đồng minh:

– Nga lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần bất khả tách rời của Trung Quốc, và phản đối bất kỳ hình thức hòn đảo này đòi độc lập. Moscow và Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối liên minh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, cho rằng nó làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.

– Trung Quốc cùng Nga kêu gọi chấm dứt mở rộng NATO và muốn có sự đảm bảo an ninh từ phương Tây – là những vấn đề trọng tâm trong cuộc đối đầu về Ukraine giữa Moscow với Mỹ và đồng minh.

Hai nước bày tỏ quan ngại về “sự tiến bộ của các kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và triển khai các thành phần của hệ thống này ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, kết hợp với việc nâng cao năng lực vũ khí phi hạt nhân chính xác cao để vô hiệu hóa các cuộc tấn công và phục vụ các mục tiêu chiến lược khác”.

Tuyên bố chung không nêu tên Washington, nhưng chỉ trích các nỗ lực của “một số quốc gia” nhằm thiết lập quyền bá chủ toàn cầu, khuyến khích sự đối đầu và áp đặt các tiêu chuẩn dân chủ của riêng họ.

CÔNG NGHỆ VÀ NĂNG LƯỢNG

Trên lĩnh vực công nghệ, Nga và Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng tăng cường hợp tác về trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.

Họ tin rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền chủ quyền của họ trong việc điều chỉnh các quyền lợi quốc gia trên Internet để đảm bảo an ninh là không thể chấp nhận”.

Trong khi đó các ông lớn năng lượng nhà nước của Nga là Gazprom và Rosneft hôm thứ Sáu đã đồng ý các thỏa thuận cung cấp khí đốt và dầu hỏa mới với Bắc Kinh trị giá hàng chục tỷ đô la.

Các thỏa thuận này dựa trên nỗ lực của Putin nhằm đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng của Nga vượt ra ngoài các  nước phương Tây, bắt đầu ngay sau khi ông lên nắm quyền vào năm 1999. Kể từ đó, Nga đã trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây về nguồn thu.

Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về sự cần thiết phải nới rộng thương mại bằng cách sử dụng đồng tiền của hai nước vì sự khó đoán biết của đồng đô la Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các công ty Nga có thể bị cắt khả năng giao dịch bằng đô la, một trong những lệnh trừng phạt nếu Nga xâm lược Ukraine.