Tổng thống Pháp kêu gọi bình tĩnh để giải quyết khủng hoảng Ukraine - Reuters
Tổng thống Ukraine Zelenskiy (phải) tiếp Tổng thống Pháp Macron ở Kyiv hôm 8/2/2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo đầu tiên của một cường quốc phương Tây gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Nga tập trung quân đội gần Ukraine, hôm 8/2 cho biết ông tin rằng có thể thực hiện các bước để giảm leo thang khủng hoảng và kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh, theo Reuters.
Ông Macron, người có quan điểm trái ngược với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh, đánh giá rằng việc Nga có thể sớm xâm lược Ukraine láng giềng là điều có xác suất thấp. Hôm 8/2, ông Macron bay từ Moscow đến Kyiv, thủ đô của Ukraine, trong một nỗ lực để làm trung gian dàn xếp và tránh chiến tranh.
Tổng thống Pháp chưa đạt được đột phá nào để công bố, nhưng ông cho biết ông nghĩ rằng các cuộc đàm phán của mình đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa. Ông cho biết chưa từng bao giờ trông đợi “trong một giây” rằng ông Putin sẽ nhượng bộ.
Ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói với ông Macroon rằng họ cam kết tuân thủ các nguyên tắc của bản hòa ước năm 2014. Ông Macron nói thêm rằng thỏa thuận này, được gọi là thỏa thuận Minsk, đưa ra một con đường để giải quyết các tranh chấp đang diễn ra.
Ông Macron phát biểu trong một cuộc họp báo chung với ông Zelenskiy: “Quyết tâm chung này là cách duy nhất cho phép chúng ta tạo dựng hòa bình, cách duy nhất để tạo ra một giải pháp chính trị khả thi”.
“Giữ bình tĩnh ... là điều cần thiết từ tất cả các bên, cả trong lời nói lẫn hành động”, ông Macron nói, đồng thời ca ngợi ông Zelenskiy về “sự điềm tĩnh” mà ông và người dân Ukraine đang thể hiện khi Nga tập trung hơn 100.000 quân, xe tăng và vũ khí hạng nặng ở biên giới Ukraine.
Ông Zelenskiy nói rõ rằng ông hoài nghi về bất kỳ sự trấn an nào mà ông Macron có thể nhận được từ ông Putin. “Tôi không thực sự tin tưởng vào lời nói đó, tôi tin rằng mọi chính trị gia đều có thể minh bạch bằng cách thực hiện các bước cụ thể”, ông nói.
Ông Macron sau đó bay đến Berlin, Đức, để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Phát biểu bên cạnh ông Macron trước khi cuộc hội đàm bắt đầu, ông Scholz nói với các phóng viên: “Mục tiêu chung của chúng tôi là ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở châu Âu”.
“Đánh giá của chúng tôi về tình hình là thống nhất, cũng như lập trường của chúng tôi về điều này: bất kỳ cuộc tấn công nào nữa vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không thể chấp nhận được và sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với Nga - về mặt chính trị, kinh tế và địa chiến lược”, ông nói thêm.
Ông Macron và ông Scholz cũng có cuộc gặp tại Berlin với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Phủ Tổng thống Pháp cho biết sau cuộc hội đàm rằng ba nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ chung của họ đối với chủ quyền của Ukraine.
Mỹ đưa thêm 33 pháp nhân Trung Quốc vào danh mục kiểm soát xuất khẩu - Reuters
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 7/2 cho biết họ đã đưa thêm 33 pháp nhân Trung Quốc vào danh mục thường được gọi là “danh sách chưa được xác minh”.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 7/2 cho biết họ đã đưa thêm 33 pháp nhân Trung Quốc vào danh mục thường được gọi là “danh sách chưa được xác minh”, yêu cầu các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ phải thực hiện nhiều thủ tục hơn trước khi giao hàng hóa cho các pháp nhân này, theo Reuters.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ đang thực hiện bước đi kể trên vì không thể xác minh tính hợp pháp và độ tin cậy của các pháp nhân đó liên quan đến việc sử dụng hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Các pháp nhân này bao gồm các công ty niêm yết, trường đại học cũng như các nhà cung cấp hàng không và điện tử.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối quyết định của Hoa Kỳ, hôm 8/2 nói rằng Washington nên sửa chữa “những hành động sai trái” của mình và Hoa Kỳ nên quay trở lại đường lối hợp tác và đóng góp nhiều hơn vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cổ phiếu của công ty WuXi Biologics - có công ty con ở Vô Tích và Thượng Hải, doanh nghiệp bị bổ sung vào danh sách chưa được xác minh này - đã giảm mạnh hơn 25% hôm 8/2, bị mất khoảng 9,9 tỷ đôla thị giá.
Công ty WuXi Bio cho biết mặc dù họ có nhập khẩu thiết bị sản xuất chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, nhưng động thái của Washington sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hoặc các dịch vụ đang diễn ra của họ phục vụ cho các đối tác toàn cầu.
Giám đốc điều hành Chris Chen của công ty WuXi Bio cho biết hôm 8/2: “Vì dịch COVID-19, họ đã không thể đến đây trong hai năm qua để xác minh chúng tôi, vì vậy họ đã đưa chúng tôi vào ‘danh sách chưa được xác minh’ này”.
“Các công ty bị ảnh hưởng chỉ ở Thượng Hải và Vô Tích và các nhà máy của chúng tôi ở Thượng Hải và Vô Tích đã được xây dựng xong, vì vậy không còn cần phải mua một lượng lớn phần cứng cho các lò phản ứng sinh học nữa”.
Ông nói thêm rằng các luật sư của công ty đang có kế hoạch đàm phán với Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ đến Úc họp lãnh đạo ngoại giao Bộ Tứ
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp Bộ Tứ QUAD trực tuyến với thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng Úc Scott Morrison hồi tháng 3/2021. AFP - OLIVIER DOULIERY
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Úc hôm nay, 09/02/2022. Trọng tâm của chuyến công du bốn ngày của ông Blinken là cuộc họp các ngoại trưởng Bộ Tứ (Quad), gồm bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Thông điệp chính của lãnh đạo ngoại giao Mỹ là tái khẳng định cam kết « xoay trục » của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bất chấp các căng thẳng gần đây với Nga về Ukraina.
Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có hai ngày họp Bộ Tứ. Cuộc họp của bốn ngoại trưởng của Bộ Tứ sẽ diễn ra ngày 11/02 tại Melbourne. Mục tiêu chính của cuộc họp thứ tư của các lãnh đạo ngoại giao Bộ Tứ là thúc đẩy hợp tác để ngăn chặn sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại khu vực. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ thừa nhận là khả năng Nga xâm lược Ukraina vẫn là mối quan tâm chính và luôn là vấn đề khẩn cấp đối với nước Mỹ hiện tại. Tuy nhiên chiến lược « xoay trục » của Washington sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc là không thay đổi.
Trả lời báo giới trên chuyến bay đến Úc, ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh : « Thế giới rộng lớn. Lợi ích của nước Mỹ mang tính toàn cầu và tất cả các vị đều biết rất rõ trọng tâm của nước Mỹ là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương », và đây chính là lý do của chuyến công du Úc, ông Blinken nhấn mạnh. Nhóm Bộ Tứ là « một thành tố chủ yếu » trong chính sách đối ngoại về an ninh và kinh tế của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, « nhằm chống lại các thế lực gây hấn và đàn áp », theo giải thích của trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink, trước chuyến công du của ngoại trưởng Blinken.
Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quadrilateral Security Dialogue gọi tắt là Quad) được khởi động năm 2007, tạo khuôn khổ cho các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Ấn-Nhật ở Ấn Độ Dương, mang tên Malabar. Hợp tác về an ninh của nhóm Bộ Tứ có bước phát triển mới kể từ năm 2020, sau khi Úc bắt đầu tham gia các cuộc tập trận Malabar, trong bối cảnh quân đội Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều đụng độ đẫm máu tại vùng biên giới tranh chấp, khiến New Delhi quyết định gia tăng hợp tác Bộ Tứ.
Trả lời đài Úc ABC, ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết, ngoài các hợp tác về an ninh nói trên, cuộc họp của các ngoại trưởng Bộ Tứ cũng sẽ tập trung vào vấn đề phân phối vac-xin trong khu vực, về các công nghệ nhạy cảm, về lĩnh vực mạng, chống nạn tin giả, tin độc hại, chống khủng bố và biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh Quad là « một liên minh các nền dân chủ tự do », Quad « cam kết có các hợp tác rất thiết thực, và đảm bảo để tất cả các quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tự do đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình ».
Sau chuyến công du Úc, ngoại trưởng Mỹ có kế hoạch đến Fidji, quần đảo nam Thái Bình Dương, để đối thoại với lãnh đạo nhiều đảo quốc Thái Bình Dương. Nam Thái Bình Dương là một khu vực mà Bắc Kinh đang có nhiều kế hoạch gia tăng ảnh hưởng trong những năm gần đây.
Ukraine : Pháp, Đức, Ba Lan đoàn kết vì hòa bình châu Âu
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (G), tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (T) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron (P) tham dự cuộc họp báo chung tại Berlin, Đức ngày 08/02/2022. REUTERS - POOL
« Đoàn kết để tránh chiến tranh xảy ra ở châu Âu », đó là thông điệp mà thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda muốn đưa ra tối qua 08/02/2022 tại Berlin. Cuộc gặp này diễn ra trong khuôn khổ chiến dịch ngoại giao rộng rãi liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina, sau chuyến thăm Matxcơva và Kiev của tổng thống Pháp, cũng như chuyến đi Washington của thủ tướng Đức.
Tam giác Weimar - công thức đã được lặng lẽ kỷ niệm 30 năm vào năm ngoái - là liên kết giữa Pháp-Đức, hai đồng minh là cột trụ truyền thống của châu Âu và Ba Lan, nước Đông Âu lớn nhất, với nhiều thăng trầm theo thời gian. Vacxava ngày nay đóng vai trò tiên phong trong cuộc khủng hoảng Ukraina, có quan điểm cứng rắn nhất đối với Matxcơva.
Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :
Ba nhà lãnh đạo Scholz, Macron và Duda muốn kích hoạt trở lại công thức Weimar từ nhiều năm qua vẫn bất động, và bày tỏ tình đoàn kết của châu Âu trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thủ tướng Đức tuyên bố : « Mục đích chung của chúng tôi là tránh để chiến tranh xảy ra ở châu Âu, phân tích tình hình của chúng tôi rất giống nhau. Chúng tôi muốn giảm căng thẳng, cần đến các cuộc đàm phán và một giải pháp ».
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tỏ ra lạc quan, cho rằng giải pháp sẽ được « tìm thấy », nhưng theo ông, muốn vậy châu Âu không nên lùi một bước nào, và phải cứng rắn.
Ông Emmanuel Macron cũng có cùng giọng điệu, một lần nữa cho rằng cần « đối thoại ráo riết với Nga ». Tổng thống Pháp khẳng định : « Cần phải tránh chiến tranh. Hòa bình và ổn định ở châu Âu là tài sản quý giá của chúng ta, và nghĩa vụ của chúng ta là phải làm mọi cách để gìn giữ ».
Tổng thống Macron nhắc nhở rằng thỏa thuận Minsk là con đường duy nhất cho một giải pháp chính trị. Một cuộc họp mới theo công thức Normandie giữa các cố vấn Nga, Ukraina, Đức và Pháp sẽ diễn ra ngày 09/02 ở Berlin. Một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo bốn nước thì vẫn chưa chắc chắn.
Zero Covid : Nỗi kinh hoàng cho người ngoại quốc tại Hoa lục
Dù đã chích ngừa, người ngoại quốc đến làm việc ở Trung Quốc phải chịu cách ly nghiêm ngặt và vô số xét nghiệm, nếu bị nghi nhiễm Covid có thể chịu cảnh giam hãm suốt nhiều tuần lễ. Bức tường dịch tễ có thể dẫn đến tình trạng ồ ạt đi khỏi Hoa lục, số người Pháp sống ở tiểu quốc Luxembourg hiện cao gấp bốn tại Trung Quốc.
Về cuộc hội đàm giữa hai tổng thống Pháp và Nga mới đây, báo chí Paris nhắc đến những biện pháp chống Covid nghiêm ngặt mà chủ nhà đặt ra với khách. Vladimir Putin vốn luôn cảnh giác trước Covid, đòi hỏi các thành viên phái đoàn Pháp phải có bốn xét nghiệm PCR âm tính mới có thể đến Nga. Hai nguyên thủ ngồi ở hai đầu chiếc bàn dài ít nhất bốn mét, nên khó thể có những cử chỉ thân mật, các phiên dịch phải ớ phòng ngoài.
Nhưng ám ảnh về con virus của ông chủ điện Kremlin xem ra không ăn thua gì so với nỗi kinh hoàng mà những người ngoại quốc làm việc tại Hoa lục phải chịu đựng. Đến nỗi Les Echos ngày 08/02/2022 đăng tấm ảnh lớn, chạy tựa trên trang nhất và dành hẳn một trang báo khổ lớn cho bài điều tra « Zero Covid: Sự chán ngán của những người sang Trung Quốc làm việc ».
Một người Pháp kể lại với nhật báo kinh tế, đến ngày cách ly thứ tư anh bị buộc lên xe cứu thương đến bệnh viện lúc 4 giờ rưỡi sáng vì nghi ngờ dương tính với Covid. Bị xịt thuốc khử khuẩn, hai xét nghiệm huyết thanh, hai xét nghiệm PCR ở mũi và miệng, chụp X quang phổi. Vài giờ sau, được báo kết quả âm tính, anh vẫn phải ở lại bệnh viện thêm 72 tiếng đồng hồ để xét nghiệm tiếp, rồi mới cho trở lại phòng cách ly ở khách sạn. Ba tuần lễ sau khi đặt chân đến Hoa lục và thêm 24 xét nghiệm PCR sau đó, anh mới được bắt đầu làm việc tại Bắc Kinh, dù trước khi lên đường đã chích ngừa đầy đủ tại Pháp.
Trung Quốc dựng lên Vạn lý Trường thành dịch tễ, truy lùng những ca nhập cảnh. Bắc Kinh chỉ cho phép khoảng 2% chuyến bay quốc tế đến Hoa lục, và hiện nay không có chuyến bay thương mại nào nối Đức với Trung Quốc, còn số lượt bay từ Pháp chỉ đếm được trên đầu ngón tay trong khi trước khi con virus xuất hiện ở Vũ Hán, mỗi tuần có hàng trăm chuyến. Nhiều chuyến bay bị hủy vào phút cuối và các quy định dịch tễ thay đổi mà không báo trước.
Bức tường này khiến nhiều người đã chạy trốn đại dịch vào lúc khởi đầu không thể quay lại Trung Quốc : từ hai năm qua Bắc Kinh không cấp visa du lịch, học tập, còn visa làm việc phải có thư mời của chính quyền Trung Quốc. Fanny Nguyen, làm việc cho một văn phòng luật sư Thượng Hải cho biết giám đốc điều hành một công ty logistic Pháp từ một năm qua bị từ chối cho quay lại vì hoạt động chi nhánh ở Hoa lục tốt đẹp, nên chính quyền kết luận... sự hiện diện của ông không cần thiết.
Ngược lại, khoảng mấy chục ngàn người ngoại quốc bị kẹt lại nay không thể trở về nước, trừ phi rời bỏ hẳn Trung Quốc. Số công dân Pháp sống ở quốc gia tí hon Luxembourg hiện nay cao gấp bốn lần so với tại Hoa lục ! Hãng Volswagen có khoảng 100 nhân viên tại Trung Quốc sắp hết hợp đồng, khi ban giám đốc đề nghị gia hạn, họ cứ ngỡ là nói đùa. Một số không được gặp gia đình, bạn bè từ gần ba năm qua, và đối với nhiều người, mùa hè 2022 sẽ là đợt ra đi ồ ạt không hẹn ngày trở lại Trung Quốc. Hậu quả là các công ty thiếu cán bộ quản lý, phải tuyển người tại chỗ, dẫn đến một quá trình gần như « Hán hóa ».
Trung Quốc làm Nga vỡ mộng trong hồ sơ Ukraina ?
Dù Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trình diễn màn thắm tình đoàn kết trong dịp khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh đứng về phía Matxcơva một cách mù quáng trong hồ sơ Ukraina.
Ukraina vẫn là mối quan tâm chính của báo chí Pháp hôm nay. Le Figaro và Libération cùng dành trang nhất, bài xã luận và hồ sơ ở các trang trong cho chủ đề này. Le Figaro chạy tựa « Ukraina : Thử thách Nga của Macron », còn Libération đăng hình ảnh hai vị tổng thống ngồi ở hai đầu mút bàn, với tựa đề « Macron-Putin, đối thoại kiểu Nga ».
Ngoại giao, lối thoát cho Putin (và phương Tây) ?
Libération đánh giá những tiết lộ từ phía Mỹ là nhằm thống trị cuộc chiến truyền thông, và trong hậu trường thì tiếp tục hoạt động ngoại giao cổ điển : điện đàm Biden-Putin, trao đổi liên tục với các đồng minh…Tờ báo nhấn mạnh, « Trong hồ sơ Ukraina, có nhu cầu sống còn về ngoại giao ». Nhà nghiên cứu Rajan Menon nhận thấy « các động thái quân sự của Nga dẫn đến hệ quả làm ngoại giao thêm năng động ». Ông tin rằng « vào phút cuối, ngoại giao có thể làm chú thỏ nhảy ra khỏi chiếc nón ». Đây cũng là hy vọng của tổng thống Pháp.
Trong khi đó tại Nhà Trắng, thủ tướng Đức Olaf Scholz cố làm ông Biden an lòng. Chẳng lẽ đối với người Đức khí đốt Nga không quan trọng bằng tự do của Ukraina, tại sao Berlin từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev ? Nhiều câu hỏi có thể được đặt ra, và người kế nhiệm bà Merkel chấp nhận đặt Nord Stream 2 lên bàn cân để buộc Nga phải « trả giá thật đắt về kinh tế ». Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Josh Hawley nhận định, cuộc so găng giữa châu Âu với Nga làm loãng đi thách thức địa chính trị lớn nhất : sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Theo ông, trừng phạt đường ống Nord Stream 2 là đủ để buộc « thần đèn » Nga chui trở vào cây đèn huyền thoại.
Một số người khác thấy rằng thái độ cứng rắn đã mang lại kết quả. Cựu đại sứ Mỹ ở Ukraina, William Taylor nhận định rằng Putin đã đi quá xa, và có thể cần chấp nhận thương lượng một loạt chủ đề về tương quan lực lượng vũ khí nguyên tử, đạn đạo và quy ước tại châu Âu. Theo Richard Haas, giám đốc Council on Foreign Relation : « Putin đã sản xuất ra cuộc khủng hoảng Ukraine do nghĩ rằng đang ở thế mạnh so với phương Tây, nhưng ông ta đã phạm một sai lầm : đánh giá thấp đối thủ. Chính Putin đã tự đặt mình vào cái thế phải chọn lựa leo thang, hoặc phải tìm cách rút lui mà không bị mất mặt ».
Trung Quốc ủng hộ nhưng không đứng hẳn về phía Nga
Trong hồ sơ Ukraina, Le Figaro nhận thấy Trung Quốc tuy ủng hộ Putin nhưng không hoàn toàn tin cậy, dù Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trình diễn màn thắm tình đoàn kết trong dịp khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh mùa đông.
Cả hai tố cáo ý thức hệ thời chiến tranh lạnh của NATO. Trung Quốc ủng hộ yêu sách bảo đảm an ninh của Nga, không mở rộng NATO sang phía Đông. Nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh đứng về phía Matxcơva một cách mù quáng, vào lúc tiếng giày đinh rầm rập tại cửa ngõ Ukraina. Tập từ chối hỗ trợ một cuộc xâm lăng quân sự, thông cáo chung không hề nhắc đến Ukraina.
Eurasia Group cho rằng Trung Quốc chủ trương một giải pháp ngoại giao thay vì quân sự, không muốn một cuộc xung đột xảy ra trong thời gian Thế vận của mình. Năm 2022 là năm quan trọng cho tương lai Tập Cận Bình, vốn đã đầy bất định về kinh tế và địa chính trị. Trong khi đó tuyết sắp tan, thu hẹp lại khả năng tấn công của Nga vào Ukraine.
Nga và Trung Quốc loan báo tăng cường hợp tác năng lượng, giúp sức cho Gazprom và Rosfnet trong lúc Washington đe dọa trừng phạt. Tuy nhiên Trung Quốc với GDP cao gấp 10 lần Nga, không muốn bảo kê cho một dự án xây dựng hệ thống tài chính ngoài khu vực đồng đô la mà một số nhà chiến lược Nga vẫn mơ, trong trường hợp Matxcova bị Mỹ trừng phạt kinh tế.
Bắc Kinh không muốn phải chọn giữa Matxcơva và Kiev
Sự thận trọng này có nguồn gốc từ sự nghi kỵ xưa nay giữa hai láng giềng suýt xảy ra chiến tranh năm 1969. Dù xích lại gần nhau chưa từng thấy, Bắc Kinh không muốn gắn vận mệnh của mình với ông chủ điện Kremlin vốn khó đoán.
Chuyên gia Triệu Thông (Zhao Tong) khẳng định tuy hợp tác trong những lãnh vực quân sự nhạy cảm, Trung Quốc không có ý định vượt qua ngưỡng một liên minh chính thức, có thể dẫn dắt vào những cuộc xung đột trong khi đang phải so găng với Washington.
Bắc Kinh hoan nghênh Putin gây áp lực, trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ và sự đoàn kết của châu Âu, giúp đánh lạc hướng mặt trận châu Á-Thái Bình Dương, đưa một vận động viên Tân Cương ra cầm cờ Thế vận để chọc tức Mỹ. Nhưng trên thực địa, Bắc Kinh đi dây để duy trì quan hệ chặt chẽ với Kiev, nơi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất, sau khi hất cẳng...Matxcơva.
Ukraina cung cấp 80% lượng bắp nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2019, bên cạnh đó là công nghệ quân sự mũi nhọn; chẳng hạn hỏa tiễn trang bị cho J-11. Ngay cả Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc cũng mua lại của Ukraina. Giữa Matxcơva và Kiev, Trung Quốc hy vọng không phải chọn lựa.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tăng 27% trong năm 2021 so với 2020, lên mức cao nhất lịch sử 859 tỷ đô la. Nguyên nhân là tăng chi tiêu thực phẩm và các mặt hàng công nghiệp như dầu mỏ trong giai đoạn đại dịch. Pháp cũng công bố mức thâm hụt kỷ lục 84,7 tỷ euro vào năm ngoái. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói đây là một “vết đen” cho nền kinh tế, dù đã tăng trưởng 7%.
Giới đầu tư khó dứt khỏi tài sản nhiên liệu hóa thạch
Trong hai tuần qua, BP, Chevron, ExxonMobil và Shell đồng loạt báo cáo lợi nhuận ròng năm tổng cộng hơn 70 tỷ đô la. TotalEnergies cũng sẽ công bố lợi nhuận bội thu vào thứ Năm. Tất cả điều này là nhờ giá dầu cao. Nhưng các công ty lớn cũng đang thu lợi nhuận từ 44 tỷ đô la tài sản, chủ yếu là trong ngành nhiên liệu hóa thạch mà họ đã thoái vốn từ năm 2018 dưới áp lực của nhà đầu tư và nhà chức trách.
Nhiều tài sản trong nhóm này cuối cùng lại rơi vào danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư tư nhân. Trong hai năm qua các công ty này mua tới 60 tỷ đô la tài sản dầu, khí và than – nhiều hơn một phần ba so với số tiền được họ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Các quỹ dầu chuyên dụng không còn hợp thời nữa. Giới đầu tư giờ đây gom tiền từ nhiên liệu hóa thạch vào các quỹ chung hoặc mua các đường ống dẫn, vốn ít bị lời ra tiếng vào hơn giếng dầu.
Thực tế này đi ngược với nguyện vọng của nhiều nhà đầu tư trong các quỹ. Gần 1.500 người, tương ứng 39 nghìn tỷ đô la tài sản, đã hứa sẽ thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch. Nhưng lợi nhuận hấp dẫn dường như quá khó từ bỏ.
Mỹ vẽ lại bản đồ bầu cử
Cứ mỗi mười năm nước Mỹ sẽ vẽ lại các bản đồ dùng trong bầu cử dân biểu và các nhà lập pháp bang. Vì đảng Cộng hòa trong những năm gầy đây kiểm soát nhiều chính quyền bang hơn đảng Dân chủ, họ có thể vẽ những bản đồ đó sao cho có lợi cho mình. Tuy nhiên, năm nay phe Dân chủ cũng có thể giành một số lợi thế. Họ đang ngày càng quyết liệt hơn và đã được hưởng lợi từ các cuộc cải cách tái phân chia khu vực bầu cử. Bất chấp quyết định của Tòa Tối cao vào hôm thứ Ba cho phép Alabama dùng bản đồ mới, bản thân đảng Dân chủ cũng thường được tòa tuyên có lợi.
Dẫu vậy bản đồ quốc gia nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục bất lợi cho đảng Dân chủ. Ngay cả khi khoảng cách được thu hẹp và các ghế được phân bổ đều hơn, công bằng cũng sẽ khó được đảm bảo. Ở Mỹ, chính trị gia được chọn cử tri của họ, chứ không phải ngược lại.
Kết quả khả quan của hãng tàu Maersk
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến các kệ hàng trống rỗng và các cảng bị tắc nghẽn. Nhưng đó không phải là điều xấu đối với tất cả mọi người. Lợi nhuận của các công ty vận chuyển đã tăng vọt.
Maersk, một công ty Đan Mạch, là công ty vận tải biển lớn nhất thế giới cho đến gần đây; trươc khi bị vượt qua bởi Công ty Vận tải Địa Trung Hải của Thụy Sĩ. Nhu cầu về hàng hóa từ những người tiêu dùng bị phong tỏa nằm nhà đã mang lại lợi ích cho ngành. Kết quả cả năm của Maersk, được công bố hôm thứ Tư, chắc chắn sẽ xác nhận một con số sơ bộ được công bố hồi tháng 1 cho thấy lợi nhuận hoạt động đạt gần 20 tỷ đô la trong năm 2021. Năm 2019, con số đó chỉ là 1,7 tỷ đô la.
Các nhà đầu tư sẽ có rất nhiều điều để ăn mừng trong năm 2022. Vận may của ngành có thể sẽ tồn tại lâu dài. Ít có dấu hiệu để yên tâm, ít nhất là trong nửa đầu năm, đối với những khách hàng coi chi phí vận chuyển tăng cao cũng giống như bị cướp biển.