TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày 09/02 /2022 - Nam Giang

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày 09/02 /2022 - Nam Giang
02/10/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

Ngoại trưởng Mỹ đến Úc họp lãnh đạo ngoại giao Bộ Tứ
e98b89c7-fc49-4752-9a76-b140a252ea37.png
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp Bộ Tứ QUAD trực tuyến với thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng Úc Scott Morrison hồi tháng 3/2021. AFP - OLIVIER DOULIERY

Trọng Thành

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Úc hôm nay, 09/02/2022. Trọng tâm của chuyến công du bốn ngày của ông Blinken là cuộc họp các ngoại trưởng Bộ Tứ (Quad), gồm bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Thông điệp chính của lãnh đạo ngoại giao Mỹ là tái khẳng định cam kết « xoay trục » của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bất chấp các căng thẳng gần đây với Nga về Ukraina.


Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có hai ngày họp Bộ Tứ. Cuộc họp của bốn ngoại trưởng của Bộ Tứ sẽ diễn ra ngày 11/02 tại Melbourne. Mục tiêu chính của cuộc họp thứ tư của các lãnh đạo ngoại giao Bộ Tứ là thúc đẩy hợp tác để ngăn chặn sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại khu vực. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ thừa nhận là khả năng Nga xâm lược Ukraina vẫn là mối quan tâm chính và luôn là vấn đề khẩn cấp đối với nước Mỹ hiện tại. Tuy nhiên chiến lược « xoay trục » của Washington sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc là không thay đổi.

Trả lời báo giới trên chuyến bay đến Úc, ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh : « Thế giới rộng lớn. Lợi ích của nước Mỹ mang tính toàn cầu và tất cả các vị đều biết rất rõ trọng tâm của nước Mỹ là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương », và đây chính là lý do của chuyến công du Úc, ông Blinken nhấn mạnh. Nhóm Bộ Tứ là « một thành tố chủ yếu » trong chính sách đối ngoại về an ninh và kinh tế của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, « nhằm chống lại các thế lực gây hấn và đàn áp », theo giải thích của trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink, trước chuyến công du của ngoại trưởng Blinken.

Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quadrilateral Security Dialogue gọi tắt là Quad) được khởi động năm 2007, tạo khuôn khổ cho các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Ấn-Nhật ở Ấn Độ Dương, mang tên Malabar. Hợp tác về an ninh của nhóm Bộ Tứ có bước phát triển mới kể từ năm 2020, sau khi Úc bắt đầu tham gia các cuộc tập trận Malabar, trong bối cảnh quân đội Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều đụng độ đẫm máu tại vùng biên giới tranh chấp, khiến New Delhi quyết định gia tăng hợp tác Bộ Tứ.

Trả lời đài Úc ABC, ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết, ngoài các hợp tác về an ninh nói trên, cuộc họp của các ngoại trưởng Bộ Tứ cũng sẽ tập trung vào vấn đề phân phối vac-xin trong khu vực, về các công nghệ nhạy cảm, về lĩnh vực mạng, chống nạn tin giả, tin độc hại, chống khủng bố và biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh Quad là « một liên minh các nền dân chủ tự do », Quad « cam kết có các hợp tác rất thiết thực, và đảm bảo để tất cả các quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tự do đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình ».

Sau chuyến công du Úc, ngoại trưởng Mỹ có kế hoạch đến Fidji, quần đảo nam Thái Bình Dương, để đối thoại với lãnh đạo nhiều đảo quốc Thái Bình Dương. Nam Thái Bình Dương là một khu vực mà Bắc Kinh đang có nhiều kế hoạch gia tăng ảnh hưởng trong những năm gần đây.
 
Bruxelles chuẩn bị khấu trừ ngân sách dành cho Ba Lan để nộp phạt

image.png
Ảnh minh họa. AFP - JOHN THYS

Thụy My

Bruxelles hôm 08/02/2022 tỏ dấu hiệu cứng rắn qua việc quyết định khấu trừ món tiền phạt của Tòa án Công lý Châu Âu (CJUE) đối với Ba Lan, lấy từ nguồn quỹ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) dành cho Vacxava. Ba Lan cho biết sẽ phản đối « bằng mọi phương cách hợp pháp » về quyết định chưa từng có này.


Theo AFP, số tiền phạt 15 triệu euro do Tòa án Công lý Châu Âu áp đặt trong vụ tranh chấp về mỏ than Turow đã được Ba Lan và Cộng hòa Sec dàn xếp êm thắm với nhau, và Tòa án tối qua 08/02 loan báo xếp lại hồ sơ.

Ủy Ban Châu Âu thông báo với chính quyền Ba Lan trong 10 ngày tới sẽ trích ngân sách EU dành cho Ba Lan để trả món tiền phạt. Được biết CJUE hồi tháng 5/2021 đã ra lệnh ngưng khai thác mỏ than gần biên giới Cộng hòa Sec, bị Praha tố cáo tác hại đến môi trường, và đến hôm 20/09/2021 để buộc Ba Lan chấp hành, đã áp đặt 500.000 euro tiền phạt một ngày.

Ông Piotr Muller, phát ngôn viên chính phủ Ba Lan phản bác, thỏa thuận ký giữa Vacxava và Praha hôm 03/02/2022 đã chấm dứt vụ xung đột, dẫn đến việc CJUE xếp hồ sơ.

Cũng trong năm 2021, Tòa án Công lý Châu Âu đã phạt vạ Ba Lan 1 triệu euro/ngày vì từ chối tuân lệnh chấm dứt hoạt động của bộ phận kỷ luật thuộc Tòa án Tối cao, bị cho là vi phạm tính độc lập của các thẩm phán. Ủy Ban Châu Âu cảnh báo sẽ khấu trừ số tiền phạt này, hiện đã lên đến hơn 100 triệu euro.

Từ nhiều năm qua, EU vẫn bất đồng với Vacxava về cải cách tư pháp của đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền, nhất là khi Tòa Bảo hiến Ba Lan tháng 10/2021 tuyên bố một số điều khoản của hiệp ước châu Âu « không tương thích » với Hiến Pháp Ba Lan.

Ba Lan và Hungary, hai nước bị EU chỉ trích không tôn trọng Nhà nước pháp quyền, đã kiện lên Tòa án Công lý Châu Âu nhằm hủy bỏ cơ chế cắt giảm nguồn quỹ châu Âu dành cho họ. Tòa án sẽ ra phán quyết ngày 16/02.
 
Thượng đỉnh bảo vệ Đại Dương tại Pháp: Hy vọng tạo lực đẩy cho các đàm phán
image.png
Olivier Poivre d'Arvor, nhà văn, đại sứ phụ trách các cực và các vấn đề hàng hải, đặc phái viên của tổng thống Pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh One Ocean Summit, tại Brest, Pháp ngày 08/02/2022.

Trọng Thành

Hội nghị quốc tế về đại dương One Ocean Summit, do Pháp tổ chức, khai mạc hôm nay 09/02/2022. One Ocean Summit là sự kiện quốc tế quan trọng đầu tiên về đại dương năm nay. Đỉnh điểm là thượng đỉnh ngày 11/02, dự kiến có sự tham gia của ít nhất 18 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Một trong các mục tiêu chính của One Ocean Summit là « thành lập được một số liên minh » bảo vệ đại dương nhằm tạo đà cho các đàm phán về đại dương trong năm nay.


Đặt đại dương vào tâm điểm quan tâm của cộng đồng quốc tế là mục tiêu của chính phủ Pháp, khi tổ chức One Ocean Summit tại thành phố biển Brest, bên bờ Đại Tây Dương. Đại dương có ý nghĩa sống còn với nhân loại, với khí hậu, nhưng còn rất ít được chú ý. Theo nhà đại dương học Pháp Françoise Gaill, « nói đến chống biến đổi khí hậu mà không nói đến đại dương là quên đi phần cốt lõi của cơ chế khí hậu ». Hơn 3 tỉ người trên thế giới sống phụ thuộc vào các tài nguyên biển, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

Trước hội nghị thượng đỉnh ngày 11/02, hôm nay, thứ Tư 09/02 và ngày mai thứ Năm 10/02, sẽ diễn ra nhiều cuộc họp, thảo luận với sự tham gia của giới chuyên gia về đại dương. Nước Pháp, quốc gia tổ chức sự kiện với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, hy vọng sẽ có « nhiều cam kết và giải pháp » được đưa ra trong dịp này, theo lời nhà ngoại giao Pháp Olivier Poivre d’Arvor, đại sứ Nam Bắc Cực của Pháp, người được giao nhiệm vụ tổ chức hội nghị này. Đài RFI dẫn lời ông Julien Rochette, giám đốc chương trình đại dương của Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ quốc tế (Iddri), Pháp, điều được trông đợi tại thượng đỉnh là « sự ra đời của một số liên minh về một số vấn đề chủ yếu của hoạt động bảo vệ đại dương, sẽ được sử dụng để tạo ra một đà bứt phá trong năm 2022 ».

Năm 2022 được coi là một năm bản lề của hoạt động bảo vệ đại dương. Tiếp theo sự kiện này, cuối tháng Ba là một hội nghị bảo vệ đa dạng sinh học biển tại New York. Tháng Tư là Thượng đỉnh đa dạng sinh học COP15 tại Côn Minh Trung Quốc, Hội nghị về Liên Hiệp Quốc về Đại dương tại Lisboa tháng Sáu.

Tham gia vào One Ocean Summit có hơn 300 chuyên gia có tên tuổi, các nhà khoa học về đại dương hàng đầu, đại diện các công ty lớn, trong đó có bốn công ty vận tải hàng hải đứng đầu thế giới (chiếm đến 92% khối lượng vận tải biển quốc tế), cũng như đại diện thuộc giới bảo vệ môi trường.

Pháp bị lên án về thái độ « đạo đức giả »
Hàng loạt chủ đề về bảo vệ đại dương cần được thúc đẩy như : làm sao để vận tải biển trở nên tôn trọng môi trường hơn, giảm bắt nạn đánh bắt hải sản thái quá, đánh bắt bất hợp pháp, khai thác dầu mỏ, tàn phá các hệ sinh thái, ô nhiễm rác thải nhựa, các vùng biển được bảo vệ cũng như cơ chế pháp lý để quản lý các vùng biển quốc tế.

Vấn đề bảo vệ các vùng biển quốc tế - vùng đất về nguyên tắc thuộc về tất cả, nhưng lại không có cơ chế quản lý cụ thể nào, chiếm đến 64% diện tích đại dương - được giới bảo vệ môi trường đặc biệt chú ý. Cho đến nay, việc khai thác đáy biển sông về cơ bản chưa bắt đầu, nhưng giới bảo vệ môi trường đặc biệt lo ngại trước nguy cơ đáy biển sâu sớm trở thành đối tượng khai thác của các ngành công nghiệp.

Theo liên minh Deep Sea Conversation Coaliation, tập hợp hơn 90 tổ chức bảo vệ đáy biển sâu, có hàng loạt tín hiệu cho thấy nước Pháp có thể ủng hộ hoạt động này. Kể từ Hội nghị quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (UICN), tổ chức tại Marseille, tháng 9/2021, giới bảo vệ đại dương đặc biệt chú ý đến chính sách của Paris. Vào thời điểm đó, chính phủ Pháp đã bác bỏ một kiến nghị đình chỉ thăm dò và khai thác đáy biển sâu, kiến nghị rút cuộc đã được thông qua tại hội nghị với hơn 80% số phiếu, kể cả các tập đoàn lớn như Samsung, Google, hay BMW.

Nhà hoạt động môi trường François Chartier, hiệp hội bảo vệ môi trường Greenpeace, được RFI dẫn lời, đã lên án chính quyền Pháp sử dụng hội nghị này như một cơ hội đánh bóng hình ảnh, và gọi đây là « một thượng đỉnh đạo đức giả ». Theo Greenpeace, nước Pháp đưa ra trước cộng đồng quốc tế, những lập trường vì môi trường có vẻ rất cương quyết, nhưng lời nói không đi đôi với việc làm. Quan điểm của nhà đại dương học Pháp Françoise Gaill là dứt khoát không thể khai thác đáy đại dương, bởi các tổn hại khôn lường.

Litva cổ vũ « chống lại sự cưỡng bức » của Trung Quốc
image.png
Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis phát biểu trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại giao ở Vilnius, Litva hôm 09/08/2021. AP - Mindaugas Kulbis

Thụy My

Trung Quốc sẽ tấn công các nước khác bằng cách « ép buộc về kinh tế », nếu các quốc gia « cùng chung ý tưởng » không phản ứng lại. Ngoại trưởng Litva trong chuyến thăm Úc hôm nay 09/02/2022 cảnh báo như trên.


Bên cạnh đồng nhiệm Úc Marise Payne trong dịp khai trương đại sứ quán Litva, ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis nhấn mạnh, những nước chia sẻ cùng ý tưởng cần phải sử dụng các « công cụ và quy định » để « chống lại sự cưỡng ép, không nhường bước trước áp lực chính trị và kinh tế ».

AFP nhắc lại, Litva, quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) có chưa đầy 3 triệu dân, tháng 11 năm ngoái đã cho phép Đài Bắc mở văn phòng đại diện chính thức tại thủ đô Vilnius với tên gọi Đài Loan. Quyết định này khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận, do lâu nay vẫn gây áp lực lên khắp thế giới, không cho sử dụng tên Đài Loan vì coi đảo quốc này chỉ là một tỉnh của mình.

Litva tố cáo Trung Quốc đã ngăn chận hàng nhập khẩu của mình từ tháng 12/2021 bằng nhiều cách để trả thù. Đáp lại, EU tuần trước đã kiện Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Landsbergis nêu quyết định này như mẫu mực cho cách thức đối phó với « cưỡng bức chính trị » của Trung Quốc.

Cũng như Litva, phần lớn hàng xuất khẩu của Úc bị cấm nhập vào Trung Quốc do một loạt xung khắc về ngoại giao trong hai năm qua. Bà Marise Payne tuyên bố, điều quan trọng là những nước có cùng quan điểm nên hợp tác để có những biện pháp phù hợp, gởi đi thông điệp cứng rắn nhất để chống lại áp bức và chuyên chế.
Festival Vesoul : Phim Nhật-Việt “Along the sea” đoạt Giải thưởng lớn của ban giám khảo
image.png
Ban giám kháo quốc tế trao Giải thưởng lớn cho bộ phim "Along the sea" của đạo diễn Fujimoto Akio tại lễ bế mạc Liên hoan Điện ảnh châu Á Vesoul ngày 08/02/2022. © RFI The Hung PHAM

Thanh Phương

 Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul đã bế mạc tối qua sau khi trao giải Cyclo vàng cho bộ phim "Yanagawa" của đạo diễn Trung Quốc gốc Hàn Trương Lộ ( Zhang Lu ). Ban giám khảo quốc tế của Festival Vesoul giành Giải thưởng lớn cho bộ phim hợp tác Nhật - Việt “Along the sea”.

Từ Vesoul, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:

“Theo “truyền thống”, đêm trao giải thưởng Liên hoan Vesoul diễn ra không quá trang trọng, thậm chí hơi lộn xộn, nhưng đó chính là nét đáng yêu của một festival diễn ra giống như cuộc họp mặt giữa những người bạn thân quen có chung một niềm đam mê điện ảnh châu Á.

Tuy vậy, ban giám khảo quốc tế, đứng đầu là ngôi sao điện ảnh Iran Leila Hatami , đã bàn cãi gay gắt với nhau để cuối cùng có thể chọn ra một phim để trao giải cao quý nhất của Festival Vesoul, đó là giải Cyclo d’or ( Cyclo vàng ) giữa 9 bộ phim tranh giải mà phim nào cũng có chất lượng rất cao và toàn bộ lần đầu tiên được trình chiếu ở Pháp.

Năm nay, giải Cyclo vàng lại lọt vào tay đạo diễn Trung Quốc gốc Hàn Trương Lộ với bộ phim "Yaganawa". Phim nói về hai anh em với cá tính rất khác biệt rủ nhau đến Yanagawa, Nhật Bản, để tìm lại người phụ nữ mà cả hai vào thời trẻ đã thầm yêu trộm nhớ. Khi gặp lại người xưa, nay là ca sĩ hát trong các quán bar, hai anh em lại tán tỉnh cô này giống như họ đã từng thả lời ong bướm cách đây 20 năm. "Yanagawa" đã chinh phục ban giám khảo nhờ “những hình ảnh rất đẹp và gây ấn tượng mạnh dựa trên một câu chuyện rất chân thật đưa khán giả đi khám phá mối quan hệ anh em và tình yêu”.

Trương Lộ đã từng đoạt giải Cyclo vàng đầu tiên vào năm 2006 nhờ bộ phim "Mang Chủng" ( Mang Zhong- Grain in ear), nói về một phụ nữ Trung Quốc gốc Hàn một mình nuôi nấng đứa con trai duy nhất.

Trong khi đó, bộ phim "Along the sea" ( Vùng biển ) của đạo diễn Nhật Fujimoto Akio với ba nữ diễn viên chính là người Việt Nam và nói về số phận của các lao động nữ người Việt tại Nhật, lại nhận được đến 3 giải thưởng tại Liên hoan phim, trong đó có Giải thưởng lớn của ban giám khảo quốc tế. Theo đánh giá của các thành viên ban giám khảo, trong đó có một thành viên người Pháp gốc Việt, nhà phân phối phim châu Á Trần Bích Quân, bộ phim này “ đặt khán giả đối diện với những vấn đề xã hội-kinh tế mà các nhân vật đang gặp phải, gần gũi về mặt địa lý với các nước phát triển, nhưng lại sống trong những điều kiện ngược lại hoàn toàn”.

Ngoài Giải thưởng lớn, "Along the sea" còn giành được Giải Ban giám khảo các nhà phê bình phim, vì đối với các thành viên ban giám khảo này, bộ phim “ có một cách quay phim rất chuẩn xác một câu chuyện phổ quát về nạn nô lệ thời hiện đại ở nước Nhật ngày nay". Giải của Ban giám khảo INALCO ( do Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông trao tặng ) cũng lọt vào tay đạo diễn Fujimoto, vì theo họ "Along the sea" “soi sáng một cách đặc biệt những thực tế hiện nay ở châu Á. Với sự tôn trọng, bộ phim đã mô tả con đường gian khổ của những phụ nữ di dân đến nước Nhật”.

Tối qua, Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul cũng đã trao giải Cyclo danh dự cho toàn bộ sự nghiệp của nữ diễn viên Iran Leila Hatami, chủ tich ban giám khảo quốc tế. Một giải Cyclo danh dự khác được trao tặng cho đạo diễn Nhật Kozi Fukada.