ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 16/2/22 - Nam Giang

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 16/2/22 - Nam Giang
02/16/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

NATO phản ứng trước việc rút quân của Nga

image.png
Trước việc Moscow thông báo quân đội của họ đã bắt đầu quay trở lại căn cứ sau cuộc tập trận ở Belarus, gần biên giới với Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, đã có triển vọng ngoại giao về việc chấm dứt tình trạng bế tắc giữa Nga và phương Tây.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trước cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng từ các quốc gia thành viên hôm 15/2, người đứng đầu khối quân sự đã đưa ra đánh giá của mình về tình hình hiện tại ở khu vực biên giới Nga-Ukraine.

Ông tuyên bố: “Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự giảm leo thang nào trên thực địa. Chúng tôi cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào chỉ ra Nga giảm sự hiện diện quân sự ở gần biên giới với Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và theo sát những gì Nga đang tiến hành.”

Tuy nhiên, theo ông Stoltenberg, có “những dấu hiệu từ Moscow cho thấy Nga sẵn sàng tiếp tục tham gia vào các nỗ lực ngoại giao. Điều đó cho chúng ta một số lý do để lạc quan thận trọng, nhưng tất nhiên NATO sẽ theo dõi rất sát những gì đang diễn ra trên thực địa.”

Ông tiếp tục: “Những gì chúng ta cần thấy là sự rút lui đáng kể và lâu dài của các lực lượng, quân đội và thiết bị hạng nặng.”

Trước đó, cùng ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Moscow thông báo, quân đội của họ đã hoàn thành các cuộc tập trận chung của họ ở Belarus và sẽ bắt đầu quá trình rút quân. Điện Kremlin cũng xác nhận thông tin này nhưng nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ Nga khi thấy phù hợp.

Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết Mỹ và NATO cần thời gian để đánh giá tình hình. Theo đại sứ này, hiện vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc Nga rút quân khỏi biên giới như thông báo. Bà Smith nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn lo ngại về việc quân đội Nga tăng cường xung quanh biên giới Ukraine. Chúng tôi tin rằng vào thời điểm này, Nga có tất cả những gì họ cần để tấn công Ukraine.”

Trong suốt nhiều tháng, các nhà lãnh đạo phương Tây đã bày tỏ quan ngại về việc Nga có thể lên kế hoạch xâm lược nước láng giềng, đồng thời chỉ ra các báo cáo về việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới chung của hai nước, cũng như các cuộc tập trận với Minsk như là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng. Hồi tháng 1/2021, quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo, các cuộc tập trận có thể liên quan đến “kế hoạch cho một cuộc tấn công tiềm ẩn” nhằm vào Ukraine.

Điện Kremlin đã liên tục bác bỏ cáo buộc nêu trên và tìm cách đạt được các thỏa thuận an ninh có thể hạn chế hoạt động của NATO ở Đông Âu, cũng như sự mở rộng của khối này. Tuy nhiên, ông Stoltenberg đã chỉ trích yêu cầu của Nga trong việc NATO không kết nạp Ukraine làm thành viên. Ông nhấn mạnh, Moscow “không có quyền phủ quyết” đối với tư cách thành viên của NATO.
 
Nga sẽ xâm lược hay chỉ lấy Ukraine làm đòn bẩy đàm phán với phương Tây?
image.png
Không dễ để dự đoán chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putitn đã lên kế hoạch gì nhắm vào Ukraine, nhưng chuyên gia Luke Coffey của Quỹ Di Sản cũng đã đưa ra một số giả định dựa vào những gì được biết về quy mô và phân bố quân sự hiện tại của Nga, cũng như tiền lệ của việc Moscow đã từng sử dụng lực lượng vũ trang để đạt được các mục tiêu địa chính trị.

Dưới đây là 6 kịch bản Nga có thể tiến hành nhắm vào Ukraine:
image.png
1. Không nổ súng, chỉ điều quân để đe dọa làm đòn bẩy đàm phán với phương Tây
Nga có thể sử dụng việc dàn quân quy mô lớn áp sát biên giới Ukraine để đạt được sự nhượng bộ của phương Tây về việc không mở rộng NATO. Mục tiêu chiến lược của Nga ở đây là nhằm giữ Ukraine tránh xa các tổ chức như NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Nga cũng sẽ đạt được lợi ích từ mối tương tác lâu năm của Ukraine với các tổ chức do Nga hậu thuẫn như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể hoặc Liên minh Kinh tế Á Âu.

Cách hiệu quả nhất để Nga đạt được mục tiêu này là duy trì tình trạng “đóng băng” cuộc xung đột tại Đông Ukraine, có nghĩa là tại đây sẽ dừng các cuộc chiến lớn, nhưng các cuộc chiến địa phương vẫn tiếp tục và không có điểm dừng.

Điều này có nghĩa rằng Nga đang sử dụng hoạt động dàn quân quy mô lớn tại biên giới giáp Ukraine làm đòn bẩy chính trị chứ không phải để tiến hành xâm lược thực sự.

2. Tiến hành tấn công hạn chế để củng cố sức mạnh cho các phần tử ly khai do Nga hậu thuẫn tại Đông Ukraine 
Một kịch bản có vẻ hợp lý là Nga đang muốn giúp các phần tử ly khai củng cố vị thế tại các khu vực Donetsk và Luhansk nhằm tạo ra một thực thể chính trị có chức năng nhà nước hữu hình.

Kịch bản này có thể liên quan đến việc chiếm giữ các đầu mối huyết mạch thông tin liên lạc và giao thông (chẳng hạn như thành phố cảng Mariupol) và nhà máy điện Luhansk vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương Ukraine.

Nga có thể thực hiện động thái trên theo cách thức từng phần, nhưng hành động như vậy cũng sẽ đòi hỏi không thực hiện bất kỳ hiệp định ngừng bắn nào tại Đông Ukraine.

3. Gây hấn nhiều hơn để kết nối Nga với Crimea từ đất liền

Hiện tại, Liên bang Nga đang kết nối với bán đảo Crimea duy nhất qua một chiếc cầu mới xây băng qua Eo biển Kerch. Ukraine cũng đã phong tỏa các nguồn nước ngọt chính cung cấp tới Crimea.

Kết nối Nga với Crimea dọc theo bờ biển sẽ giúp làm nhẹ bớt một số thách thức hậu cần mà Nga đang gặp phải, đặc biệt liên quan đến nguồn cung nước ngọt cho Crimea, đồng thời cũng sẽ biến Biển Azov thành ‘ao làng’ của Nga.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, đòi hỏi Nga phải huy động lực lượng quân sự quy mô lớn nhằm phá vỡ các vị trí phòng thủ mạnh mẽ dọc biên giới của Donbas và phải chiếm giữ được Mariupol, thành phố lớn thứ 10 của Ukraine.

4. Tấn công quy mô lớn để chiếm đóng các thành phố lớn của Ukraine
Một trong những kịch bản gây hấn mạnh mẽ nhất có thể là liên quan đến việc Nga nỗ lực tái kiểm soát khu vực Novorossiya ở miền nam Ukraine. Động thái này có thể giúp kết nối Nga với Crimea từ đất liền, và sau cùng sẽ kết nối với khu vực Transnistria của Moldova do Nga chiếm đóng.

Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi Nga phải huy động lực lượng quân sự quy mô đủ lớn để kiểm soát Odessa, thành phố lớn thứ ba Ukraine và Mariupol. Nếu thành công, Nga sẽ làm thay đổi cơ bản bối cảnh an ninh và địa chính trị tại Đông Âu theo chiều hướng chưa từng có kể từ Thế chiến II.

5. Bao vây thủ đô Kiev
Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự quy mô lớn để chọc thủng các phòng tuyến của Ukraine và tiến nhanh về thủ đô Kiev.

Trong kịch bản này, quân đội Nga sẽ thực hiện các biện pháp răn đe quân đội Ukraine, đồng thời dừng ở bên ngoài thủ đô Kiev, và chỉ “tình nguyện rút quân” tới vị trí định trước sau khi bị quốc tế lên án.

Bằng việc tiến gần đến thủ đô Kiev, kịch bản bao vây sẽ cho phép Nga gửi tới Ukraine một thông điệp rằng Moscow có thể chiếm thủ đô Kiev mà không cần phải dốc hết nguồn lực và nhân lực vốn cần phải có để làm được như vậy. Thứ nữa, việc rút quân “tình nguyện” sẽ tạo ra một quan điểm “sai lầm” rằng Tổng thống Nga Putin là người giảm leo thang xung đột.

6. Khuấy động nổi dậy tại Vùng Odessa
Nga sẽ khuấy động các vấn đề chính trị tại khu vực Budjak, Vùng Odessa, Ukraine. Mục tiêu chính của việc này là sẽ tại ra cuộc khủng hoảng chính trị địa phương, từ đó gây ra các vấn đề nội tại cho chính quyền trung ương tại Kiev.

Budjak kết nối với phần còn lại của Ukraine qua một tuyến độc đạo. Khu này giáp ranh với vùng tự trị Gagauzia của Moldova.

Thống trị được Budjak, cùng với sự hiện diện quân sự tại Transnistria, sẽ đặt Nga vào vị thế kiểm soát một dải rộng lớn biên giới phía Tây Ukraine và từ đó uy hiếp được khu vực Odessa.

Ngoài hoạt động quân sự, Nga có thể cũng sẽ tiến hành các cuộc tấn công mạng trực tuyến, thực hiện chiến dịch truyền tin sai để làm xói mòn sự ủng hộ của địa phương và quốc tế đối với chính phủ trung ương Ukraine. Moscow cũng có thể kích động các phần tử phản kháng tại Đông Ukraine nổi dậy lật đổ các thể chế chính quyền địa phương và trung ương như họ đã từng làm được tại Crimea hồi năm 2014.

Điều tra của Durham: Sẽ thêm nhiều cáo trạng cho phe tranh cử năm 2016 của bà Hillary?
image.png
Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) John Ratcliffe đã chỉ ra, điều tra của công tố viên đặc biệt Bộ Tư pháp Mỹ John Durham sẽ làm gia tăng cáo trạng đối với phe tranh cử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi năm 2016.

Trong một báo cáo do Công tố viên đặc biệt Durham đệ trình hôm thứ Sáu (11/2), đội tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ và ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2016 Hillary Clinton đã trả tiền cho một công ty công nghệ để “xâm nhập” vào máy chủ của Trump Tower khi ông Trump là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, sau đó khi ông Trump trở thành Tổng thống vẫn tiếp tục “xâm nhập” vào máy chủ của ông ở Nhà Trắng. Mục đích để xây dựng “câu chuyện” về “sự cấu kết” giữa ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump và Nga, sau này được gọi là “cổng thông đồng Nga”.

Hôm Chủ Nhật (13/2), kênh Fox News lần đầu tiên đưa tin về nội dung của bản báo cáo với nhiều tin tức chỉ ra rằng, Công tố viên Durham đã hoàn thành cuộc điều tra về nhân vật chính trong cuộc điều tra của CIA Mỹ về vụ việc “Thông đồng Nga”, và chuyển sự chú ý sang Cục Điều tra Liên bang (FBI). Tuy nhiên, nguồn tin cho biết quan chức cấp cao như cựu Giám đốc FBI James Comey khó có thể bị buộc tội.

Cho đến nay, cuộc điều tra của ông Durham đối với sự kiện “Thông đồng Nga” đã dẫn đến 3 cáo trạng:

– Nhà phân tích người Nga Igor Danchenko được coi là người khai thác thông tin chính của “hồ sơ Steele” (Steele dossier) liên quan đến bằng chứng chủ chốt cáo buộc Trump “Thông đồng Nga”; 

– Cựu luật sư FBI Kevin Clinesmith đã nhận tội chỉnh sửa một email, còn email này dùng để minh chứng việc nghe lén nhắm vào cựu cố vấn chiến dịch của Trump là Carter Page;

– Cựu luật sư chiến dịch của Hillary là Michael Sussmann bị cáo buộc nói dối các nhà điều tra liên bang.

Cựu Giám đốc DNI Ratcliffe: Sẽ có thêm nhiều người bị truy tố
Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) John Ratcliffe nói rằng ông sẽ “ngạc nhiên” nếu thấy rằng không có cựu nhân viên FBI cấp cao nào bị buộc tội.

“Thông tin tình báo mà tôi đang thấy sẽ phản ánh đúng hành động điều tra bổ sung từ John Durham”, Ratcliffe nói với Fox News hôm Chủ nhật.

Ông còn nói thêm: “Khi tôi nhậm chức tại DNI và chứng kiến nhiều thông tin hơn, tôi càng tin rằng có nhiều sự cố như thế này liên quan đến chiến dịch năm 2016”; “Tháng 7 năm ngoái tôi ngồi trong phòng với John Durham và William Bill Barr (lúc đó) là Tổng chưởng lý. Chúng tôi đã xem xét thông tin tình báo và tất cả đều đồng ý rằng có vấn đề với FBI liên quan cuộc điều tra phản gián về chiến dịch tranh cử của Trump.”

Fox News đưa tin vào tháng 10/2020, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia khi đó là Ratcliffe đã cung cấp cho Bộ Tư pháp gần 1000 trang tài liệu để hỗ trợ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Durham.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện: Sẽ có thêm nhiều người bị truy tố
Cựu dân biểu Mỹ và cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes tin rằng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Durham có khả năng dẫn đến “nhiều, rất nhiều” các cáo trạng, và sẽ dẫn đến một vấn đề quan trọng vẫn chưa được trả lời: Bà Hillary biết gì? Và bà ấy biết khi nào?

Ủy ban Tình báo Hạ viện khi Nunes làm Chủ tịch đã tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề “Thông đồng Nga” từ năm 2017 – 2019. Hiện Nunes đã từ chức tại Quốc hội để đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của Tập đoàn Truyền thông & Công nghệ Trump (Trump Media&Technology Group).

Phát biểu với Newsmax TV vào thứ Hai (14/2), Nunes cho biết: “Durham sẽ phải thực hiện một cuộc điều tra hoàn hảo trong vấn đề này. Ông ấy phải tóm gọn tất cả những người có liên quan. Hãy nhớ rằng chúng tôi đã trình Bộ Tư pháp 14 người có vấn đề tội phạm; điều đó không có nghĩa là chỉ có 14”.

“Vì vậy (Durham) phải truy xét tất cả những người này. Ông ấy đã kiện một trong những luật sư của (Hillary) Clinton – và những người khác dường như cũng đang gặp rắc rối; luật sư hàng đầu của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) dường như cũng đang gặp rắc rối. Vì vậy tất cả phụ thuộc, rốt cuộc bà ấy (Hillary) biết gì và biết khi nào?

“Vấn đề này cũng sẽ phụ thuộc vào việc truy tố mà Durham tiếp tục đưa ra. Đánh giá của tôi là có vẻ như sẽ có rất nhiều (truy tố), nhưng chúng tôi chưa biết”.

Phó chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn Thượng viện về Tình báo: Phạm tội là không còn nghi ngờ
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, quyền Chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn Thượng viện về Tình báo trước đây và là thành viên Đảng Cộng hòa cấp cao nhất (tương đương với phó chủ tịch) của Ủy ban Tuyển chọn Thượng viện về Tình báo, tin rằng cuộc điều tra của cố vấn đặc biệt Durham đã tiết lộ phe tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2016 hành động gián điệp với đối thủ Trump là “một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất” trong lịch sử Mỹ và không thể nghi ngờ là tội phạm.

“Đó là vấn đề lớn”, ông Rubio nói vào thứ Hai (14/2), “Ý tôi là, thật là sốc khi không mấy phương tiện truyền thông đưa tin. Tôi không thấy nhắc gì đến trong các nhiều chương trình vào Chủ Nhật. Nhưng chúng ta không chỉ nói về điều này ở đây – cuộc điều tra đang thực hiện với những câu chuyện hoặc liên kết được tạo ra bởi các nhà khoa học dữ liệu – liên kết đến vấn đề giữa Trump và Nga. Và rõ ràng có công ty tư nhân ký hợp đồng quản lý máy chủ với Tổng thống Mỹ và Nhà Trắng, đang chia sẻ thông tin để giúp xây dựng tường thuật cho các hành động chính trị của họ (Nhà Trắng)”.

“Bạn biết tại sao – nếu tất cả điều này được chứng minh sự thật, sẽ là một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Đó sẽ là một tội phạm, không thể nghi ngờ. Nó sẽ cho bạn biết tại sao những người này nghĩ rằng họ có thể may mắn thoát khỏi. Họ nghĩ rằng họ có thể thoát khỏi vì truyền thông sẽ không đưa tin. Nếu ngược lại, đây là chuyện đội tranh cử của ông Trump thuê một số chuyên gia dữ liệu và những người khác để làm điều đó với Tổng thống Clinton thì họ (giới truyền thông) sẽ không nói về bất cứ điều gì khác ngoài chuyện đó”.