TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày 16/02 /2022 - Nam Giang

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày 16/02 /2022 - Nam Giang
02/17/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

Tướng Mỹ: Bắc Kinh có thể lợi dụng khủng hoảng Ukraina để ‘‘khiêu khích’’ ở châu Á
image.png
Binh sĩ Ukraina trong một cuộc tập trận ở vùng Donetsk, phía đông Ukraina, ngày 15/02/2022. AP - Vadim Ghirda

Trọng Thành

Khủng hoảng Ukraina có thể tạo bối cảnh thuận lợi để Trung Quốc có các hành động « khiêu khích » ở châu Á. Đó là nhận định của một tư lệnh không quân Mỹ hôm nay, 16/02/2022.  


Theo AFP, trả lời báo giới bên lề Triển lãm hàng không tại Singapore, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nhấn mạnh : Sự ủng hộ mà Trung Quốc dành cho Nga trong các căng thẳng hiện nay giữa Matxcơva và phương Tây, đặt ra nhiều câu hỏi về các ý đồ của Trung Quốc tại châu Á. Tướng Kenneth Wilsbach nêu bật lo ngại về việc Trung Quốc theo sát các diễn biến tại châu Âu, để khi gặp thời cơ, có các hành động khiêu khích ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, « nhằm trắc nghiệm phản ứng của cộng đồng quốc tế ».  

Tư lệnh không quân tại khu vực Thái Bình Dương cũng cho biết đã có các thảo luận với các đối tác và các « thực thể » tại khu vực về những hệ quả của tuyên bố chung Bắc Kinh – Matxcơva, đưa ra hồi đầu tháng Hai 2022. Trong tuyên bố chung nói trên, Trung Quốc và Nga phản đối việc mở rộng khối NATO.  

Chính quyền Nga hiện duy trì hơn 100.000 binh sĩ tại các khu vực giáp biên giới Ukraina. Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraina một lần nữa, sau khi đã sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014. Trong khi đó, Nga khẳng định chỉ muốn được bảo đảm về an ninh, trước thái độ thù địch từ phía Kiev và NATO.  

Các lực lượng không quân dưới quyền của tướng Kenneth Wilsbach, có trụ sở chính tại Hawai, có vai trò then chốt, nếu một xung đột bùng phát tại khu vực Thái Bình Dương.  

Dư luận Đông Nam Á lo ngại Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông
Theo AFP, từ nhiều năm nay, Bắc Kinh bị cáo buộc gây căng thẳng trong khu vực, đặc biệt với việc tăng cường quân sự hóa các đảo và thực thể địa lý tại Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này. Nhiều đòi hỏi của Trung Quốc bị các quốc gia ven biển như Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei bác bỏ.  

Hãng tin Bloomberg hôm nay, 16/02, dẫn lại một kết quả thăm dò dư luận Đông Nam Á của Viện Singapore Iseas-Yusof Ishak Institute, theo đó các hành động lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông là mối lo ngại hàng đầu của dân chúng trong vùng, nhất là tại các quốc gia tranh chấp (tỉ lệ là 71,2% đối với Philippines, 56,9% với Malaysia, và 55,3% với Việt Nam).  Nhìn chung, hơn 58% người được khảo sát tỏ ra không tin tưởng vào Trung Quốc. Gần một nửa trong số này lo sợ Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa chủ quyền của đất nước mình.

76% dân Đông Nam Á, theo khảo sát trên, coi Trung Quốc là một cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất, vượt xa Hoa Kỳ (9,8%). 
 
Cách Trung Quốc khống chế Cam Bốt: Dùng vỏ bọc kinh tế che giấu ý đồ quân sự
image.png

Ảnh tư liệu chụp ngày 26/07/2019: Chiến hạm Cam Bốt neo đậu tại Căn Cứ Hải Quân Ream, gần Sihanoukville, miền tây nam Cam Bốt. AP - Heng Sinith

Trọng Nghĩa

Sự hiện diện của Trung Quốc tại Cam Bốt ngày càng đậm nét, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế, với các dự án xây dựng khổng lồ được Bắc Kinh tài trợ mọc lên khắp nơi. Ảnh hưởng lan rộng nhanh chóng của Trung Quốc tại xứ Chùa Tháp ngày càng khiến Washington lo ngại, nhất là khi một số cơ sở mà Bắc Kinh được quyền kiểm soát đều nằm ở các vị trí chiến lược và có thể dễ dàng biến thành căn cứ quân sự.


Đặc phái viên nhật báo Pháp Le Monde - Brice Pedroletti - đã đến tìm hiểu thực hư tại khu du lịch khổng lồ đang được hình thành ở Dara Sakhor, tỉnh Koh Kong, miền Tây Nam Cam Bốt, cạnh Vịnh Thái Lan, một cơ sở mà chính quyền Phnom Penh đã đồng ý nhượng quyền khai thác cho Trung Quốc trong vòng 99 năm.

Trong một phóng sự dài đăng ngày 15/02/2022 mang tựa đề: “Đô thị mới, khu công nghiệp, căn cứ quân sự... Trung Quốc trên đà khống chế Cam Bốt”, đã nêu bật tính chất quy mô to lớn của khu vực có diện tích 380 km2, có thể gọi là “nhượng địa” Trung Quốc tại Cam Bốt.

Ở nơi này, thông qua UDG, một tập đoàn tư nhân tại Thiên Tân, Bắc Kinh đã rót vào khoảng 2 tỷ đô la từ năm 2008 đến nay để xây dựng các cơ sở du lịch như sòng bạc, khách sạn, sân golf, và nhất là một sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận loại phi cơ chuyên chở hành khách cỡ lớn. Trong  số các công trình được dự trù, còn có dự án xây một hải cảng cho tàu 100.000 tấn.

Vỏ bọc kinh tế và thương mại  

Theo Le Monde, mối quan tâm của Trung Quốc đối với miền nam Cam Bốt không phải là không có tính kinh tế: Đó là vấn đề kiếm lợi từ việc giải tỏa được các địa điểm du lịch gần như bị bão hòa của thủ đô  Phnom Penh, và trung tâm du lịch tại Siem Reap, nơi có ngôi đền Angkor Wat.

Tờ báo cho rằng những gì đang diễn ra tại Dara Sakor tương tự như quá trình hình thành của Singapore hay Hong Kong, những công trình sáng tạo của Đế Chế Anh vào thế kỷ 19, nơi đã trở thành những đô thị tài chính và thương mại hùng mạnh. Và tiền Trung Quốc hiện đứng sau đà phát triển này.

Kin Phea, tổng giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế tại Phnom Penh thuộc Học Viện Hoàng Gia Cam Bốt xác nhận: “Nếu không có Trung Quốc, chúng tôi không thể phát triển nhanh như vậy. Chúng tôi không thể chờ đợi. Phương Tây liên tục nói về nhân quyền, dân chủ, nhưng (trong thực tế) chúng tôi lái xe trên đường của Trung Quốc”.

Công thức giống nhau ở mọi nơi: Tạo các khu dân cư và du lịch cho người Trung Quốc (2 triệu người trong số họ đã đến thăm đất nước này vào năm 2019), tích hợp các sòng bạc, xung quanh các khu kinh doanh và cơ sở hạ tầng hậu cần. Bất chấp Covid-19 đã khiến du khách thưa thớt, những máy xúc đất vẫn làm việc không ngơi nghỉ.

Năm 2016, Phnom Penh tham gia sang kiến “Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc -  gọi tắt tiếng Anh là BRI - một siêu dự án kết nối hàng hải và đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu. Năm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Cam Bốt. Hàng chục dự án cơ sở hạ tầng sắp ra đời hoặc đã có sẵn, sau đó được gắn nhãn “BRI”.

Năm 2019, Dara Sakor trở thành một trong 19 “dự án trọng điểm” của “Con Đường Tơ Lụa” ở Cam Bốt, dưới sự tên gọi chính thức là “khu thí điểm cho đầu tư và phát triển toàn diện giữa Cam Bốt và Trung Quốc”. Cách đó khoảng bốn mươi km đường chim bay, là thành phố cảng Sihanoukville, nơi mà toàn bộ tỉnh đã được công nhận vào năm 2021 là “đặc khu kinh tế, theo mô hình Thâm Quyến, ở Trung Quốc.

Mỹ báo động về nguy cơ sân bay dân sự biến thành quân sự

Công việc xây dựng rầm rộ ở Dara Sakor đã gióng lên hồi chuông báo động tại Washington về các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh trên dải bờ biển giữa Thái Lan và Việt Nam.

Tập đoàn UDG đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đặt vào lệnh trừng phạt vào tháng 9 năm 2020, dưới thời Donald Trump, với các cáo buộc “trục xuất cưỡng bức người dân Cam Bốt” và "phá hoại môi trường" khi xây dựng ở Dara Sakor.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lập luận là theo những "thông tin đáng tin cậy"  Dara Sakor "có thể được sử dụng để chứa các cơ sở quân sự của [Trung Quốc]" như hải cảng và phi trường.

Đường băng dài 3,4 km của phi trường Dara Sakhor có thể đón một chiếc Boeing 777. Hợp lý cho “thành phố toàn cầu về du lịch sang trọng và công nghệ cao” trong tương lai này, theo một tờ rơi quảng cáo, nhưng cũng tiện lợi cho mọi loại máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Drake Long, khi đề cập đến các đảo và rạn san hô ở Biển Đông được Trung Quốc cải tạo thành các căn cứ quân sự, đã viết vào năm 2020 trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat như sau: “Trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể ‘tung hoành ngang dọc trên bầu trời Việt Nam bằng oanh tạc cơ và chiến đấu cơ, cất cánh từ Dara Sakor và hạ cánh trên các đường băng của Trung Quốc ở Biển Đông, Đá Chữ Thập, Đảo Phú Lâm hoặc Đá Subi, trước khi rời đi”.

Theo đánh giá của nhà địa lý học Gabriel Fauveaud, chuyên gia về Cam Bốt ở trung tâm nghiên cứu Châu Á của Đại học Montreal, đối với Trung Quốc, Cam Bốt là một chỗ dựa chính trị hàng đầu ở Đông Nam Á, cung cấp cho Bắc Kinh một vị trí chiến lược trong tranh chấp Biển Đông và trong cuộc cạnh tranh với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Do đó, Trung Quốc có thể đang ở trong quá trình “thử nghiệm các hình thức đối tác quân sự mới và đảm bảo các lợi ích chiến lược của mình.”

Tàu nạo vét khả nghi ngoài khơi một căn cứ Hải Quân Cam Bốt

Mỹ cũng cảnh giác trước những công trình cải tạo bí ẩn tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, cách Sihanoukville 25 km về phía đông nam, nơi mà hai nhà chứa tàu “chiến thuật” trước đây do Mỹ cung cấp đã bị chính quyền Cam Bốt tháo dỡ vào năm 2020.  

Vào năm 2020, Washington đã tiết lộ rằng một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc tiếp cận Ream. Căn cứ là nơi chứa các tàu tuần tra do Bắc Kinh tặng vào năm 2007. Diện tích của căn cứ là 19.000 m2, rộng hơn gấp đôi so với căn cứ của quân đội Trung Quốc ở Djibouti (9.000 m2).

Năm 2016, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, tập đoàn Luyện Kim Trung Quốc (MCC), đã ký “thỏa thuận hợp tác với Bộ Quốc Phòng Cam Bốt” để mở rộng “căn cứ hải quân quân sự”. Trang web của MCC thông báo một ụ tàu 5.000 tấn, một ụ cơ khí 1.500 tấn, một bến tàu mở, một xưởng sửa chữa, và gần 2 ha đất lấn biển.

Tuy nhiên, cảng Ream không đủ độ sâu để tiếp nhận các tàu lớn: Hai tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên ghé cảng Cam Bốt vào năm 2016 đã phải cập bến Sihanoukville.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 1 năm 2022, hai tàu nạo vét xuất hiện ngoài khơi Ream, một dấu hiệu của các công trình cải tạo đang diễn ra. Sau đó, Washington ngay lập tức yêu cầu Phnom Penh “minh bạch hoàn toàn” về “ý định, bản chất và quy mô của việc xây dựng đang tiến hành”
Nga: Nhà đối lập Navalny lại ra tòa, có thể lãnh thêm 10 năm tù
image.png
Hai luật sư của nhà đối lập Nga Alexei Navalny tại phiên tòa ngày 15/02/2022, mở ra trong trại giam IK-2, thành phố Pokrov, vùng Vladimir (Nga). REUTERS - DENIS KAMINEV

Thụy My

Hôm qua 15/02/2022 nhà đối lập Alexei Navalny lại ra tòa vì một cáo buộc mới, có nguy cơ bị kết án thêm 10 năm tù. Phiên tòa diễn ra ngay trong trại giam, bất chấp phản đối của các luật sư.


Alexei Navalny, bị giam cầm từ hơn một năm qua, xuất hiện trong đồng phục tù nhân tại nhà tù Pokrov cách Matxcơva 100 kilomet. Trong phiên tòa mới này, Navalny bị cáo buộc biển thủ trên 4,7 triệu đô la tiền quyên góp cho các tổ chức của ông, một tội danh có khung hình phạt 10 năm tù. Ngoài ra nhà đấu tranh còn có thể bị phạt thêm sáu tháng tù giam vì xúc phạm tòa án trong một phiên tòa năm ngoái. Các luật sư đã yêu cầu để Navalny mặc thường phục và dời phiên xử sang Matxcơva nhưng bị bác.

Theo AFP, trước tòa, Navalny khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy ông biển lận dù một xu nhỏ, việc truy tố chỉ nhằm giữ ông trong tù để không thể tố cáo tham nhũng và phản đối điện Kremlin. Alexei Navalny nhấn mạnh ông không sợ hãi và vẫn tiếp tục đấu tranh. Vợ ông, bà Ioulia Navalnaia phẫn nộ nói rằng Kremlin « hèn nhát », cáo buộc mới này là « bất hợp pháp ».

Nhà đối lập 45 tuổi, sống sót sau vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh năm 2020, sau nhiều tháng chữa trị tại Đức đã trở về nước tháng 1/2021 và bị bắt ngay, bị lãnh án hai năm rưỡi tù giam vì cáo buộc gian lận mà ông cho rằng hoàn toàn dàn dựng. Bản án này đã bị quốc tế chỉ trích, dẫn đến các trừng phạt mới đối với Matxcơva.

Tháng 6/2021, các tổ chức do Navalny lập ra, nhất là Quỹ chống tham nhũng (FBK) bị coi là « cực đoan », khiến nhiều thành viên bị khởi tố và nhiều người phải đi lưu vong. Cuối tháng 1/2022, nhà đối lập bị đưa vào danh sách « khủng bố ».

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết rất quan ngại trước cáo buộc mới, nhấn mạnh Alexei Navalny trở thành mục tiêu vì nỗ lực chống tham nhũng, đồng thời kêu gọi trả tự do cho nhà đối lập và chấm dứt mọi tố tụng.

Về phía thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thăm Matxcơva, tuyên bố việc kết án Navalny là « không phù hợp với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền ».
 
Một nhà văn nữ Trung Quốc biến mất khỏi internet sau khi đả kích Tập Cận Bình
image.png
Ảnh tư liệu: Nữ văn sĩ Trung Quốc Nghiêm Ca Linh (Yan Geling) tại một cuộc gặp mặt với độc giả tại Hồng Kông ngày 11/03/2008. AP - VINCENT YU

Thụy My

Theo báo Times hôm nay 16/02/2022, các tác phẩm của nhà văn Nghiêm Ca Linh (Geling Yan) hoàn toàn không còn dấu tích trên internet Trung Quốc. Tờ báo cho rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm duyệt vì bà chỉ trích Tập Cận Bình là « kẻ buôn người ».


Nhà văn nữ nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết và kịch bản phim, hiện sống ở Berlin, quy trách nhiệm cho chính quyền Trung Quốc trong nhiều vụ bắt cóc phụ nữ và trẻ em.

Gần đây, vụ một phụ nữ bị bắt về làm vợ và xiềng xích như nô lệ trong cảnh giá rét đã làm chấn động dư luận Hoa Lục ngay trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Bắc Kinh. Chính quyền ban đầu chối bỏ, tuy nhiên sau đó đã nhìn nhận sự kiện.

Nghiêm Ca Linh nằm trong số những người nổi tiếng đã tỏ ra bất nhẫn trước tình cảnh của người phụ nữ đáng thương. Nhưng mới đây, trong một cuộc trao đổi qua video với nhà xã hội học Chu Hiếu Chính (Zhou Xiaozheng) sống tại Hoa Kỳ, nhà văn nêu ra khía cạnh chính trị của bi kịch: các vụ bắt cóc phụ nữ, tỉ lệ cho con nuôi cao bất thường, mà chính quyền phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Bà tuyên bố : « Tập Cận Bình là kẻ buôn người », gây ra cơn thịnh nộ của Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con (từ 1979 đến 2015) khiến các cặp vợ chồng muốn giữ lại con trai thay vì con gái. Hệ quả là ở Hoa Lục, gần 120 nam chỉ có 100 nữ, so với tỉ lệ trung bình trên thế giới là 105 nam/100 nữ. Nhiều phụ nữ bị bắt cóc để bán đi nơi khác làm vợ cho những người đàn ông giàu có. Nghiêm Ca Linh cho rằng sự ủng hộ của Tập Cận Bình với chính sách một con đã mang lại hậu quả trầm trọng. Ông Tập cũng tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi mà không quan tâm đến hiện tượng bắt cóc rồi ngụy trang thành con nuôi.

Bà Nghiêm Ca Linh sinh năm 1958 tại Thượng Hải, có cha bị lưu đày thời Cách mạng Văn hóa nên suốt thời trẻ bị coi là « phản động ». Du học ở Mỹ trong thập niên 80, bà viết nhiều tác phẩm nói về các vụ đàn áp thời Mao, như tiểu thuyết Xiu Xiu (chuyển thể thành phim năm 1998) kể về cuộc đời một thiếu nữ bị đưa đi lao động cải tạo ở Tứ Xuyên.
 
Covid : Pháp thông báo chấm dứt nhiều biện pháp phòng dịch
image.png
Người dân tản bộ bên bờ sông Seine, Paris, Pháp, ngày 09/02/2022. REUTERS - SARAH MEYSSONNIER

Trọng Thành

Kể từ hôm nay, 16/02/2022, chính phủ Pháp quyết định dỡ bỏ thêm nhiều biện pháp phòng dịch Covid-19. Chính quyền cũng đưa ra lộ trình chấm dứt các quy định phòng dịch khác, từ đây đến cuối tháng 3/2022, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xu thế lắng xuống như hiện nay.  


Từ hôm nay, các sàn nhảy, hộp đêm được phép mở trở lại sau 18 tháng đóng cửa do đại dịch. Việc ăn uống trong các sân vận động, rạp chiếu bóng, hay phương tiện giao thông công cộng cũng được phép trở lại. Quy định cấm đứng ăn uống tại các quán bar cũng được dỡ bỏ.  

Chính phủ thông báo kế hoạch bỏ mang khẩu trang tại các nơi khép kín kể từ 28/02, trừ trong các phương tiện giao thông công cộng. Việc bỏ khẩu trang được áp dụng với những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo bộ trưởng Y Tế Olivier Véran, nếu virus lưu hành ở mức độ « rất thấp », kể từ giữa tháng 3, sẽ bỏ quy định mang khẩu trang tại các không gian khép kín. Riêng tại các không gian có nguy cơ lây nhiễm cao, như sàn nhảy, việc mang khẩu trang vẫn sẽ được duy trì đến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.  

Bộ trưởng Y Tế cũng cho biết là các quy định liên quan đến chứng nhận tiêm chủng cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ theo từng trường hợp. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống (vòng một ngày 10/04), cơ quan Y Tế Pháp đang xem xét khả năng xóa bỏ hoàn toàn giấy chứng nhận tiêm chủng, vốn bị phản đối nhiều trong xã hội. Hồi tuần trước « chuyên gia vac-xin » của chính phủ, Alain Fischer, cho rằng việc bỏ giấy chứng nhận tiêm chủng có thể được xem xét thực hiện từ cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Israel, Đan Mạch và Anh đã bãi bỏ giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận y tế.  

Các tuyên bố nói trên của chính phủ Pháp có phần gây lo ngại cho một số chuyên gia. Trả lời BFMTV/RMC, hôm nay, ông Gilles Pialoux, trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viên Tenon, Paris, đánh giá là « tình hình hiện tại vẫn còn đáng ngại ».