02/18/2022
Mạng xã hội “TRUTH” của cựu Tổng thống Trump mở cửa thử nghiệm
“TRUTH Social” (Mạng xã hội “Sự thật”), ứng dụng truyền thông xã hội của cựu Tổng thống Trump, đang mở các đợt thử nghiệm trước cho hàng trăm người, với kế hoạch mở cửa hoàn toàn cho công chúng vào cuối tháng Ba.Khi nhiều hình ảnh về ứng dụng này xuất hiện hơn, Reuters báo cáo rằng “TRUTH Social” dường như là một bản sao trực tiếp của Twitter, kênh truyền thông xã hội ưa thích của ông Trump, tài khoản của ông vốn có hơn 80 triệu người theo dõi trước khi bị khóa.Vào thứ Ba (15/2), ông Trump đã đăng một ảnh chụp màn hình được cho là của ứng dụng này, đây cũng là bài đăng đầu tiên của ông ấy trên nền tảng.“Hãy sẵn sàng! Tổng thống yêu thích của các bạn sẽ sớm gặp lại các bạn!”Ảnh chụp màn hình lớn hơn của cùng một bài đăng được chia sẻ bởi cô Liz Willis, giám đốc điều hành tại công ty truyền thông phe bảo thủ Right Side Broadcasting, đã tiết lộ thêm về ứng dụng này, từ bố cục cho đến nút tương tác bên dưới mỗi bài đăng, đều rất giống với Twitter.“Thử nghiệm beta ứng dụng ‘TRUTH Social’ mới, tất cả những gì tôi có thể nói là, bạn sẽ thích nó!”, cô Willis nói trong một tweet khác. Willis nói với Reuters rằng cô ấy đã nhận được một email vào hôm thứ Ba viết: “T Media Tech LLC đã mời bạn thử nghiệm TRUTH Social.” Reuters trích dẫn từ 2 nguồn tin giấu tên, rằng có khoảng 500 người thử nghiệm beta được cho là đang sử dụng các phiên bản đợt đầu của “TRUTH Social”.Vào thứ Ba (15/2), Rumble, một giải pháp thay thế YouTube được những người phe bảo thủ ưa thích, đã công bố bài đăng đầu tiên của mình trên TRUTH Social, nói rằng công nghệ của họ sẽ giúp hiển thị video trên nền tảng mới.Trang truyền thông xã hội TRUTH Social trên Apple Store tiếp tục cho biết ngày phát hành chính thức dự kiến là 21/2, ngày của Tổng thống.Ứng dụng này ra mắt 1 năm sau khi Facebook, Twitter, YouTube và các kênh truyền thông xã hội khác đã khóa tài khoản của ông Trump sau cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol. Kể từ khi rời Nhà Trắng, ông Trump vẫn luôn làm việc chăm chỉ để tạo ra một kênh truyền thông xã hội thay thế Facebook và Twitter.“Tôi tạo ra TRUTH Social và TMTG (Tập đoàn Truyền thông & Công nghệ Trump) để chống lại sự chuyên chế của các ‘gã khổng lồ’ công nghệ. Chúng ta đang sống trong thế giới mà Taliban hiện diện lớn trên Twitter, nhưng vị tổng thống Mỹ bạn yêu thích lại bị buộc phải im lặng. Điều này không thể chấp nhận được”, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố hôm 20/10/2021.Vào ngày 16/2, cựu đại diện Devin Nunes, hiện là Giám đốc điều hành của Media Group, cho biết thử nghiệm beta công khai của TRUTH Social sẽ “từ từ đưa mọi người đến với nền tảng” nhưng “sẽ thu hút ngày càng nhiều người hơn mỗi ngày.”Cựu trợ lý của ông Trump là Jason Miller nhận xét, “Facebook và Twitter sẽ mất nhiều thị phần hơn” vào tay mạng xã hội mới này.Ông Nunes cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Gorka Podcast rằng: “Chúng tôi đã cố gắng làm điều đó một cách bài bản. Vì nó phải được xây dựng từ đầu, để đảm bảo rằng chúng tôi không thể bị hủy hay bị đóng cửa.”Ông Nunes nói thêm rằng ông ấy hy vọng TRUTH Social sẽ được công khai hoàn toàn vào cuối tháng Ba.
Anh-Úc tăng cường quan hệ an ninh, chào mừng tiến trình AUKUS
Thông báo được đưa ra trong cuộc gặp trực tuyến ngày 17/2 giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Úc Scott Morrison, khi 2 nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của các quyền và tự do về hàng hải ở Biển Đông, cam kết ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng "chủ quyền của tất cả các quốc gia".
Cả hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển với AUKUS, trích dẫn việc ký kết Thỏa thuận trao đổi thông tin về lực đẩy hạt nhân hải quân vào ngày 8/2, mở ra cơ hội cho Anh và Hoa Kỳ chia sẻ thông tin về lực đẩy hải quân với Úc.
Anh cam kết chi 25 triệu bảng (775 tỉ đồng) nhằm tăng cường an ninh ở Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương), nằm trong thỏa thuận với Úc.
Tuyên bố chung cho biết: “Các nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hiện diện tại Úc của các quan chức Anh và Mỹ để cung cấp lời khuyên chuyên gia về nhiều khía cạnh của quản lý hạt nhân cần thiết để vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân".
Ông Johnson và Morrison cho biết, các quan chức từ cả ba quốc gia cũng đang họp tại London để thảo luận về sự hợp tác về không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.
“Các thủ tướng bày tỏ quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng nhau, cùng với Tổng thống Biden, để mang đến thành công của AUKUS, đồng thời mong đợi một loạt các cuộc thảo luận ba bên tiếp theo vào cuối tháng này tại Úc", tuyên bố viết.
Liên minh AUKUS: sự trỗi dậy của liên minh quốc phòng mới
Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Úc ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, (gọi tắt là AUKUS), ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây là một liên minh phòng thủ chiến lược ba bên mới giữa Úc, Anh và Mỹ. Ba nước cam kết hợp tác với nhau tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm hợp tác phát triển tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân và những công nghệ tiên tiến khác.
Úc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã công bố quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược mới - được gọi là AUKUS - để chế tạo một lớp tàu ngầm hạt nhân và cùng hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong ảnh là tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Australia đóng tại HMAS Stirling vào ngày 21/1/2021 tại Garden Island, Úc. (Ảnh Getty Images)
Thỏa thuận AUKUS cũng đề cập đến việc nâng cao tiềm lực, sức mạnh hỗn hợp, làm sâu sắc khả năng tương tác quân sự. Cùng lúc, ba bên sẽ đẩy manh hợp tác ở nhiều lĩnh vực đang nổi và mới như an ninh mạng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, một số công nghệ ngầm dưới biển.
Thỏa thuận này sẽ được đưa ra nhằm đối trọng với các cuộc xâm lược đang diễn ra từ Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, cả hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các báo cáo vi phạm nhân quyền nhắm vào nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương phía tây Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh bảo vệ quyền và tự do ở Hồng Kông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Đài Loan tham gia vào các nhóm quốc tế, đồng thời kêu gọi vì hòa bình ở eo biển Đài Loan.
Máy bay quân sự Trung Quốc đã thường xuyên xâm nhập không phận Đài Loan trong những tháng gần đây làm gia tăng căng thẳng trong khu vực do Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
“Các nhà lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của việc các quốc gia có thể thực hiện các quyền và tự do hàng hải của mình ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)", tuyên bố cho biết.
“Các nhà lãnh đạo nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của họ trước bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực".
Ông Johnson và Morrison cũng nhấn mạnh cam kết của họ đối với “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra với Nga.
Trung Nam Hải đang thảo luận về cách ứng phó cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine
Bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nhóm lãnh đạo ra quyết định tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do ông Tập Cận Bình đứng đầu, đã không lộ diện trong hơn một tuần. Động thái này gây ra nhiều đồn đoán khác nhau từ thế giới bên ngoài. Hôm 16/2, The Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin cho biết, các lãnh đạo cấp nhà nước Trung Quốc đã tổ chức các cuộc họp kín ở Trung Nam Hải và thảo luận sôi nổi về các chủ đề như cách ứng phó với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết hôm 16/2, các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp kín ở Trung Nam Hải. Họ đã dành nhiều ngày cân nhắc về việc làm thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, nên ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin ở mức độ nào, và làm sao để quản lý quan hệ đối tác Trung - Nga.
Theo nguồn tin, các cuộc thảo luận như vậy đã diễn ra ở Trung Nam Hải được hơn một tuần, bắt đầu từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình và dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 4/2.
Theo bài báo, mặc dù lập trường công khai của ông Tập Cận Bình là ủng hộ Nga, nhưng cuộc thảo luận kín bất thường của giới lãnh đạo chóp bu ĐCSTQ đã làm nổi bật tình hình vô cùng cấp bách và khó xử mà chính quyền Bắc Kinh đang phải đối mặt.
Thái độ của ông Tập Cận Bình khiến quan chức ĐCSTQ bất an
Sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin ngày 4/2, hai bên đã ra tuyên bố chung rằng quan hệ Trung - Nga đã vượt qua mô hình liên minh chính trị - quân sự thời Chiến tranh Lạnh. Ông Tập nói: “Không có giới hạn nào đối với tình hữu nghị giữa hai nước và không có vùng cấm nào trong hợp tác”.
The Wall Street Journal cho biết, theo những người thân cận với chính phủ Trung Quốc, tuyên bố này đã làm khuấy động giới quan chức ĐCSTQ và khiến họ có chút bất an, vì nó đánh dấu một sự chuyển biến căn bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng, sự liên kết chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga trong các vấn đề an ninh của Châu Âu có thể sẽ khiến Châu Âu ngày càng xa cách hơn và càng đẩy các nước Châu Âu tiến vào quỹ đạo của Hoa Kỳ hơn.
Đặc biệt, Ukraine là thành viên trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình, và Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào Ukraine trong những năm gần đây.
Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết, phía Trung Quốc cũng đang cân nhắc xem nếu Nga xâm lược Ukraine và Bắc Kinh giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, liệu Hoa Kỳ có thắt chặt các hạn chế thương mại đối với Bắc Kinh hay không.
Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn rất thận trọng về cuộc khủng hoảng Ukraine và cũng chưa bật đèn xanh cho việc Nga có thể xâm lược Ukraine.
Trong quá khứ, Trung Quốc cũng không thừa nhận việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cũng không hoàn toàn ủng hộ việc Moscow triển khai quân đội tới Kazakhstan vào đầu năm 2022 để dập tắt tình trạng bất ổn ở nước này.
Trung Quốc đang quan sát phản ứng của Mỹ với khủng hoảng Ukraina
Phản ứng của Mỹ về tình hình Ukraina sẽ cho Trung Quốc biết nên ứng phó với Mỹ về mọi mặt như thế nào trong tương lai.
Khi tình hình ở Ukraina tiếp tục nóng lên, tương tác của Matxcova với Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động đe dọa đối với Đài Loan.
Vào ngày 14/2, khi được hỏi tại một cuộc họp báo rằng, Trung Quốc có ý định thực hiện các hành động tương tự như Mỹ để sơ tán tất cả nhân viên khỏi đại sứ quán tại Ukraina hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay, Trung Quốc đang theo sát diễn biến của tình hình Ukraina, và đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc hiện đang hoạt động bình thường.
Ông Uông cũng nói rằng, để giải quyết vấn đề Ukraina, các bên phải quay trở lại "Thỏa thuận Minsk mới". Ông kêu gọi tất cả các bên duy trì lý trí và tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng và thổi phồng cuộc khủng hoảng.
Vào lúc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cơ hội gặp mặt trực tiếp. Khi nói về quan hệ Trung - Nga, ông Tập đã sử dụng từ "đối lưng" và "sát cánh" để mô tả mối quan hệ chiến lược giữa hai nước, và công bố "Tuyên bố chung về quan hệ Trung - Nga".
Đáp lại điệu bộ của Nga và Trung Quốc, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói rằng, nếu Trung Quốc quyết định hỗ trợ bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga vào Ukraina, thì Trung Quốc "sẽ phải gánh chịu một số cái giá".
Vào ngày 13/2, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã chỉ trích Trung Quốc "im lặng đến lạnh người trước việc quân đội Nga đang tập trung ở biên giới Ukraina". Vào ngày 15/2, ông Morrison thúc giục Trung Quốc lên án Nga. Ông nói: "Tôi lưu ý rằng, chính phủ Trung Quốc cùng với chính phủ Nga đã đang cùng nhau giải quyết vấn đề này và chính phủ Trung Quốc đã không lên án những gì đang xảy ra ở Ukraina".
Nhưng tình hình thì phức tạp. Theo ông Tô Tử Vân — Giám đốc Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng, trực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan — chia sẻ với tờ Epoch Times tiếng Trung, thì "Matxcova và Bắc Kinh không phải là đối tác chiến lược thực sự".
"Họ chỉ đang tập trung vào các lợi ích ngoại giao ngắn hạn. Từ quan điểm chiến lược lâu dài, Trung Quốc và Nga không thể có một liên minh tấn công và phòng thủ thực sự".
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ấn Độ, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp nói rằng, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraina có thể ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa nền dân chủ và quyền lực chuyên chế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đài Loan đặc biệt tập trung vào việc liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có nhân cơ hội xâm lược Đài Loan hay không, khi các đồng minh phương Tây bị phân tâm bởi mối đe dọa từ Nga đối với Ukraina.
Li Zheng-xiu — một nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Đài Loan — nói rằng Bắc Kinh và Mỹ thực sự đang quan sát lẫn nhau.
"Cuộc khủng hoảng Ukraina hiện là một chỉ báo. Trung Quốc sẽ quan sát phản ứng của Mỹ, dùng nó làm cơ sở để đánh giá các cam kết trong tương lai với Mỹ về mọi mặt; Mỹ cũng đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có chờ cơ hội để leo thang mối đe dọa quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không".
Lý Dậu Đàm — một giáo sư tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan — tin rằng cả Nga và ĐCSTQ đều biết rằng, xâm lược Ukraina và Đài Loan sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới, với những hậu quả rất nghiêm trọng. Thay vào đó, họ sử dụng sức ép cực độ để thể hiện tham vọng bành trướng ra thế giới bên ngoài, nhằm truyền sức mạnh cho việc tiếp tục cai trị trong nước.
Ông Tô Tử Vân thì tin rằng, nếu Trung Quốc và Nga hợp tác chiến lược về tình hình ở Ukraina, nó sẽ chỉ làm nổi bật việc họ là một "trục độc tài" và "kẻ hiếu chiến", đồng thời kích hoạt các biện pháp đối phó từ các nước phương Tây, điều này có thể không có lợi cho họ về lâu dài.
Hong Kong chảy máu chất xám bởi chính sách chống Covid-19 hà khắc
Các biện pháp chống Covid-19 khắc nghiệt của chính quyền Hong Kong đang khiến nhiều chuyên gia nước ngoài hoạt động trong ngành tài chính có ý định rời khỏi thành phố. Các tập đoàn tài chính hiện diện tại Hong Kong sẽ chọn rời đi để làm hài lòng nhân viên của họ, hay chọn ở lại bởi áp lực địa chính trị từ Trung Quốc đại lục?
Ngành tài chính Hong Kong chảy máu chất xám do chính sách chống Covid-19
Trong khi “luật an ninh Hong Kong” không thể phá hủy ngành dịch vụ tài chính của Hong Kong, chính sách “zero-Covid” sẽ làm điều đó?
Đó là điều mà đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc này phải lo lắng khi nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hong Kong đang tìm cách rời thành phố bởi các lệnh cách ly, phong tỏa và hạn chế hà khắc được áp dụng để chống lại đại dịch Covid-19.
Hong Kong đã duy trì các biện pháp cách ly cùng với các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt kể từ năm 2020, ngay cả khi các thị trường tài chính khác ở châu Á mở cửa trở lại. Cư dân trở về từ hầu hết các khu vực phải cách ly tối đa 3 tuần bất kể tình trạng tiêm chủng. Lệnh cách ly 3 tuần đầy khắt khe chỉ mới được hạ xuống gần đây thành 2 tuần sau khi xuất hiện nhiều khiếu nại từ ngành tài chính của Hong Kong.
Bất chấp tất cả các hạn chế, thành phố còn xa mới đạt được "zero-Covid". Số ca nhiễm đang tăng cao theo ngày; các quan chức y tế lo ngại về những cư dân chưa tiêm chủng. Tính đến giữa tháng 2, Hong Kong đang có tỷ lệ ca nhiễm cao kỷ lục.
Mục tiêu của thành phố là mở lại biên giới với Trung Quốc đại lục - nơi thi hành chính sách Covid nghiêm ngặt nhất trên thế giới - nhưng chưa rõ bao giờ ngày đó mới đến. Trên thực tế, không chắc liệu Bắc Kinh có ra tay giúp đỡ khi đại dịch ở Hong Kong đang ngày một trầm trọng hay không.
Vì vậy, nhiều chuyên gia nước ngoài đang có ý định rời khỏi Hong Kong.
Một giám đốc cấp cao tại một công ty tài chính Hong Kong gần đây đã tâm sự với tác giả bài viết này rằng: “Tôi e rằng một bộ phận lớn nhân viên của tôi sẽ rời đi sau khi nhận tiền thưởng vào cuối tháng này”.
Ông nói thêm: “Trừ khi bạn còn trẻ và độc thân hoặc là một giám đốc điều hành được trả lương rất cao để bù lại việc chịu đựng các chính sách của chính quyền thành phố, tình hình đối với hầu hết mọi người là rất khó khăn".
Các số liệu thống kê đã củng cố ý kiến trên. Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong cho thấy 40% người được khảo sát có xu hướng muốn rời khỏi Hong Kong.
Công ty tư vấn KPMG cho biết trong một báo cáo ngày 25/01 rằng lượng nhân tài ở Hong Kong đang sụt giảm đáng kể. Sự thiếu hụt nhân tài trầm trọng là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành tài chính phải đối mặt vào năm 2022. Và nếu các chuyên gia tài chính nước ngoài rời đi, các chuyên gia của các ngành liên quan và các ngành hỗ trợ như kế toán viên và luật sư có thể sẽ rời đi theo.
Ngoài sự sụt giảm 1,2% dân số là được thống kê chính thức, cho đến nay xu hướng “chảy máu chất xám” tài chính này chưa được công nhận. Các quan chức và những người điều hành thành phố tin rằng các hạn chế liên quan đến Covid chỉ là tạm thời; và chừng nào Hong Kong còn duy trì mức thuế thấp, hệ thống luật pháp tương đối ổn định (so với Trung Quốc đại lục), các cá nhân giàu có và người nước ngoài vẫn sẽ ở lại thành phố.
Các công ty tài chính cân nhắc rời Hong Kong phải chịu sức ép địa chính trị
Tờ Financial Times đưa tin, Ngân hàng Bank of America đang tiến hành một cuộc đánh giá chính thức để xem xét việc chuyển nhân viên từ Hong Kong sang Singapore - một trung tâm tài chính khác ở châu Á, nơi các hạn chế đi lại liên quan đến Covid ít hà khắc hơn. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến Singapore giành ưu thế trước Hong Kong.
Chắc rằng các Giám đốc điều hành của Bank of America không vui vẻ gì với việc tờ Financial Times đưa tin về những dự tính nội bộ của ngân hàng này. Nhưng thật dễ dàng để hình dung ra việc các ngân hàng phương Tây ở Hong Kong đang cân nhắc về điều này. Thật ngạc nhiên nếu Bank of America là ngân hàng duy nhất thực hiện điều đó.
Tuy nhiên, việc thảo luận một cách chính thức về việc rời Hong Kong sẽ tạo ra những vấn đề về mặt chính trị đối với các đại gia ngân hàng Phố Wall đang tranh giành một phần của miếng bánh Trung Quốc đại lục. Bắc Kinh đang từ từ mở cửa lĩnh vực ngân hàng và đầu tư của mình cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Động thái gần đây nhất, Bắc Kinh đã bắt đầu cho phép việc sở hữu đa số nước ngoài đối với các thực thể địa phương (doanh nghiệp, quỹ đầu tư địa phương…). Các ngân hàng cần cân bằng giữa vấn đề chính trị với nhu cầu của nhân viên. Còn nhớ trước đây HSBC - một công ty tài chính ủng hộ Bắc Kinh một cách rõ rệt - đã bị Trung Quốc chỉ trích vì liên quan tới vụ giam giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou).
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Bank of America vừa rút lại ý định rời khỏi Hong Kong. Các giám đốc điều hành châu Á của công ty đã viết trong một bản ghi nhớ cho nhân viên rằng Hong Kong vẫn là “trung tâm” trong các kế hoạch kinh doanh của công ty ở châu Á.
Tuy nhiên, nhân viên của ngân hàng này có cùng suy nghĩ như vậy hay không? Tương lai sẽ trả lời điều đó.