02/18/2022
Xuân Trường
Bất chấp việc Nga rút bớt quân gần biên giới, ngày 15/2 Tổng thống Joe Biden cảnh báo nước này vẫn có thể tấn công Ukraine. Trước đó, truyền thông phương Tây như “thêm dầu vào lửa” khi cho rằng chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra. Liệu chiến tranh sẽ xảy ra, hay chỉ là đòn tâm lý chiến, là cuộc mặc cả giữa các ông lớn thì chưa ai biết rõ. Chỉ biết rằng giờ đây người Ukraine đang hối tiếc.
Hối tiếc khôn nguôi
Vào cuối Chiến tranh Lạnh, nếu ai đó hỏi bạn: Cường quốc hạt nhân số 1 và số 2 thế giới là nước nào? Câu trả lời có vẻ đơn giản: Mỹ và Liên Xô.
Vậy cường quốc số 3 là nước nào: Anh, Pháp hay Trung Quốc? Tất cả đều sai: Đó chính là Ukraine.
Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào tháng 12/1991 đã để lại cho quốc gia mới độc lập Ukraine một gia tài “thừa kế” với 1.900 đầu đạn chiến lược, 176 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và 44 máy bay ném bom chiến lược. Liên Xô đã bỏ lại nhiều hầm chứa các tên lửa tầm xa mang tới 10 đầu đạn nhiệt hạch tại các căn cứ quân sự của Ukraine, mà chỉ riêng mỗi đầu đạn có uy lực hơn nhiều so với quả bom nguyên tử đã san bằng thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Nên có thể nói năng lực hạt nhân của Ukraine vào thời điểm ấy chỉ đứng sau Nga và Mỹ.
Tuy nhiên trong nỗ lực nhằm giành được sự công nhận của quốc tế, các đảng phái đấu tranh cho sự độc lập của Ukraine đã ủng hộ nước này gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân với tư cách là một quốc gia phi vũ khí hạt nhân.
Với Tuyên bố Chủ quyền vào ngày 16/7/1990, Ukraine cam kết “không chấp nhận, sản xuất hoặc mua vũ khí hạt nhân”. Việc loại bỏ kho vũ khí do Liên Xô để lại thường được ca ngợi là một thắng lợi của các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động vì hòa bình trong việc kiểm soát vũ khí, đưa Ukraine trở thành một quốc gia “kiểu mẫu” và làm hài lòng các cường quốc hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Schmarov (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Itgen Grachove (phải) bắt tay nhân dịp Ukraine hoàn thành việc tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân. (NARA & DVIDS Public Domain Archives)
Tuy nhiên, bất chấp cam kết này, các chính trị gia Ukraine không hoàn toàn thống nhất với nhau. Một số cảm thấy rằng Nga vẫn là một mối đe dọa và rằng đất nước họ nên giữ vũ khí nguyên tử như một biện pháp răn đe.
Cuối năm 1992, đã có nhiều nghị sĩ trong quốc hội Ukraine lên tiếng ủng hộ quan điểm sở hữu vũ khí hạt nhân hơn. Nghị sĩ Volodymyr Tolubko, từng là cựu chỉ huy căn cứ hạt nhân cho rằng Kiev không được từ bỏ lợi thế vũ khí nguyên tử của mình. Mặc dù quan điểm của ông không bao giờ nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng cũng khoáy sâu thêm sự bất đồng giữa một bên Nên hay Không nên sở hữu hạt nhân.
Lịch sử cũng cho thấy rằng phi hạt nhân hóa là một cuộc biến động hỗn loạn, phản ánh sự bất hòa giữa các thành viên trong chính phủ lẫn quân đội của nước này. Vào thời điểm đó, các nghị sĩ, chuyên gia Ukraine đã đặt câu hỏi về sự “Sáng suốt” hay “Hấp tấp” trong việc giải trừ vũ khí nguyên tử.
Năm 1993, Ukraine chấp nhận giải giáp toàn bộ kho vũ khí nguyên tử nếu các cường quốc hạt nhân cam kết bảo đảm an ninh, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đường biên giới hiện hành của Ukraine, đồng thời không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống Ukraine. Đây là trọng tâm của thỏa thuận được Nga, Ukraine và Mỹ ký kết tại Matxcova vào đầu năm 1994.
Cuối năm 1994, Bản ghi nhớ Budapest đã được ký kết bởi Nga, Ukraine, Anh và Mỹ, cam kết rằng không quốc gia nào sẽ sử dụng vũ lực hoặc đe dọa chống lại Ukraine và sẽ tôn trọng chủ quyền và biên giới hiện có của nước này.
Vào tháng 5/1996, Ukraine chứng kiến những vũ khí hạt nhân cuối cùng rời khỏi mảnh đất của họ, “hồi hương” về Nga.
Nhưng vào những ngày tháng 2 "nóng bỏng" này, các nhà quan sát cho rằng tâm trạng của người Ukraine có xu hướng hoài niệm quá khứ, khi họ từng là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới - dù danh xưng này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Mariana Budjeryn, một chuyên gia về Ukraine tại Đại học Harvard cho biết: “Điểm mấu chốt là chúng tôi đã từng có vũ khí (hạt nhân), nhưng chúng tôi đã trả lại chúng và bây giờ hãy xem điều gì đang xảy ra”.
Tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân RSD-10 Pioneer. Nó được Liên Xô triển khai từ năm 1976 đến năm 1988, và đã rút khỏi biên chế theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung. Hiện tên lửa đang được đặt tại Bảo tàng Không quân Ukraine ở Vinnitsa. (Wikipedia)
Liệu chiến tranh có thể xảy ra?
26 năm sau, Ukraine đang trở thành chiến địa đối đầu giữa các nước lớn, và theo truyền thông phương Tây, quốc gia này đang đứng trước nguy cơ bị cường quốc hạt nhân Nga xâm lấn.
Không chỉ vậy. Lời hứa năm nào thông qua Bản ghi nhớ Budapest, rằng không quốc gia nào được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa chống lại Ukraine, tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ…, giờ như gió thoảng bay khi Ukraine cũng mất quyền kiểm soát Donbass - vùng công nghiệp quan trọng ở miền Đông - khi Nga can thiệp và hỗ trợ lực lượng ly khai thành lập hai nhà nước tự xưng ở Donetsk và Luhansk năm 2014.
Cùng năm này, Ukraine cũng mất đứt Crimea khi Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo này trở thành một vùng lãnh thổ của Nga.
Vào những ngày này, cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi những diễn biến ở Ukraine và đổ dồn vào mọi động thái của Nga, trong khi ấy truyền thông phương Tây cấp tập đưa tin về một cuộc chiến tất yếu sẽ nhắm vào Kiev.
Các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia luôn bắt đầu vì những lý do đôi khi nghe có vẻ đơn giản, tầm thường như chiếm đoạt đất đai hoặc của cải của người khác, vì ham muốn trả thù, để gia tăng quyền lực, áp đặt ảnh hưởng tôn giáo, chính trị… Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tình hình Đông Âu hiện nay một cách tỉnh táo, thì không một lý do nào trong số những lý do trên, hoặc thậm chí gộp tất cả những lý do lại với nhau, cũng không đủ để Nga liều lĩnh phát động cuộc chiến xâm lược.
Bởi khác với năm 2014 khi Nga trưng cầu dân ý "thôn tính" bán đảo Crimea, thì cuộc xung đột vào năm 2022 này nếu xảy ra sẽ lan ra ngoài biên giới Ukraine với sự tham gia của NATO. Đây sẽ trở thành một cuộc chiến lớn giữa các cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, NATO và Nga. Và ngay cả khi Nga đạt được các mục tiêu quân sự của mình trên đất Ukraine, cái giá của chiến thắng sẽ quá lớn. Liệu Nga có mạo hiểm một chiến thắng kiểu “đánh nhanh" nhưng chưa chắc đã "thắng gọn”?
Liệu Nga có mạo hiểm một chiến thắng kiểu “đánh nhanh" nhưng chưa chắc "thắng gọn”? (Getty)
Theo các chuyên gia quân sự, về mặt giả thiết, cả hai bên sẽ bắt đầu cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí phi hạt nhân. Nhưng cho đến khi tổn thất gia tăng cho cả hai bên hoặc một bên ngấp nghé thất bại, vũ khí hạt nhân có thể được coi như một phương án cuối cùng được đem ra sử dụng. Học thuyết quân sự của Mỹ và Nga đều cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp này.
Có quá nhiều lý do để khó có thể nổ ra một cuộc chiến mà truyền thông dòng chính đang tích cực ví von là Thế chiến thứ III, bởi:
1. Nước Nga đã trải qua thời kỳ khó khăn khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, người Nga vẫn có kho vũ khí hạt nhân ít nhất ngang ngửa với Mỹ. Và thật mạo hiểm cho bất cứ quốc gia nào (ngay cả với Mỹ) nếu chọn đối đầu với một quân đội dù có thể dưới cơ Mỹ (là Nga), nhưng lại sở hữu năng lực hạt nhân, khi chỉ bằng một cú nhấn nút bấm có màu đỏ tươi, cũng có khả năng biến nhiều thành phố của đối thủ bốc hơi khỏi Trái đất.
2. Đối với Nga, một cuộc chiến tranh gây tốn kém về người và của, cùng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa hiển nhiên không phải là mong muốn của nước này, khi Tổng thống Putin hiện đang đứng ngồi không yên chừng nào thế giới vẫn tiếp tục mua dầu khí từ Nga.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Liệu Nga có muốn gây tổn hại cho nền kinh tế đang có chiều hướng tốt lên của mình với châu Âu? Một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ đồng nghĩa gây khó khăn tứ bề cho người dân Nga và Ukraine.
3. Hoặc nếu Nga vẫn gây xung đột với Ukraine, và ngay cả giành được chiến thắng chóng vánh thì việc chính thức chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở miền đông Ukraine hay thậm chí là sự phân chia Ukraine thành một quốc gia thân phương Tây và thân Nga, cũng sẽ không mang lại sự bình yên cho Matxcova.
Ukraine có thể tiến hành một cuộc nổi dậy, gây tổn hại kinh tế đối với nước Nga như phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm khả năng phá hủy các đường ống dẫn khí đốt đi qua nước này. Điều này sẽ khiến Nga bị mắc kẹt ở Ukraine hệt như cách Mỹ sa lầy ở Afghanistan.
Nước Nga của Tổng thống Putin sẽ mất nhiều hơn được trong cuộc chiến với Ukraine. (Getty)
4. Ngoài ra Nga sẽ phải đối mặt với một lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có của Mỹ và phương Tây, mà hệ thống tài chính, ngân hàng của Nga sẽ hứng chịu đòn sấm sét đầu tiên.
Với khả năng đóng cửa mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, Nga sẽ bị ngắt kết nối hoàn toàn với hệ thống tài chính thế giới. Ngoài ra, các lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga cũng sẽ gây tổn thương trầm trọng cho nền kinh tế Nga.
5. Về phía Mỹ, các nhà quan sát cho rằng: Thứ nhất, Mỹ không có lợi ích chiến lược cấp bách ở Ukraine, và lẽ dĩ nhiên chính quyền Joe Biden sẽ có rất ít sự ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với việc triển khai quân đội chiến đấu tại Ukraine.
Thứ 2, bất chấp việc Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sát cánh cùng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng lời nói chưa hẳn đi đôi với hành động. Ngay cả khi Washington hứa hẹn sẽ “đảm bảo” an ninh cho Kiev mà ai cũng hiểu chỉ nhằm mục đích trấn an, thì cả hai bên đều biết Mỹ khó có thể giữ lời, khi Joe Biden đồng thời tuyên bố Ukraine không phải thành viên NATO, nên Mỹ không có nghĩa vụ trực tiếp hỗ trợ quân sự..
Ngược lại, Nga coi Ukraine là lợi ích an ninh quốc gia quan trọng, và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự nếu lợi ích đó bị đe dọa. Việc Putin sẵn sàng huy động quân đội tới biên giới, và sự gần gũi về địa lý với Ukraine giúp Nga có lợi thế hơn hẳn Mỹ và các đồng minh.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong những ngày gần đây, truyền thông Mỹ và phương Tây lại "nhiệt tình" đưa tin quá mức về việc Nga phát động chiến tranh với Ukraine, thậm chí có vẻ như đang cố tình làm trầm trọng thêm sự hiểu lầm giữa các bên?
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28/1 nói rằng, Nga không muốn chiến tranh với Ukraine và Tổng thống Zelensky của Ukraine cũng nói rằng đừng hoảng sợ khi căng thẳng giảm bớt. Vậy có vẻ như chiến tranh không sắp xảy ra như nghi ngờ của giới lãnh đạo Mỹ, NATO cũng như truyền thông dòng chính.
Vì sao truyền thông Mỹ và phương Tây lại nhiệt tình đưa tin quá mức, thậm chí có vẻ như đang cố tình làm trầm trọng thêm sự hiểu lầm giữa các bên? (Getty)
Đòn tâm lý chiến hay thương vụ béo bở?
Có thể đặt ra hai câu hỏi: Liệu Nga có tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự liên quan đến Ukraine và Mỹ, NATO có phải đang “cường điệu hóa” những lời đe dọa của Nga liên quan đến Ukraine?
Bên cạnh đó không thể không nhắc đến vai trò cực kỳ “tích cực” của truyền thông Mỹ và phương Tây, vốn dường như đang có một sự "hòa hợp" hiếm thấy và một khả năng “tiên tri” tài tình về diễn biến tại Ukraine: Đó là chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra.
Trong khi các quan chức Mỹ liên tiếp “dự đoán” một cuộc xâm lược sắp xảy ra của Nga vào Ukraine, thì thậm chí trang Bloomberg còn “ấn định” được cả ngày Nga xâm lược Ukraine. Bloomberg đưa tin hôm thứ Sáu (5/2) rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine có thể xảy ra ngay sau thứ Ba, trích dẫn các nguồn ẩn danh. Nửa tiếng sau Bloomberg phải gỡ tin và hai tiếng sau đã buộc phải xin lỗi về việc vô tình “đăng nhầm” này.
Washington Post ngày 7/2 còn “tiên đoán” rằng, “Nga có thể sớm hoàn tất việc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược quy mô lớn”, rằng “một cuộc chiến có thể khiến chính phủ Ukraine sụp đổ trong vòng hai ngày, giết chết hoặc làm bị thương 50.000 dân thường và 5 triệu người phải di tản”.
Hàng loạt các kênh thông như New York Times, CNN, Reuters, Slate… đều dự báo như "sắp", "gần", "nhiều khả năng" để mô tả về một cuộc "xâm lăng của Nga" khiến thế giới như đang sắp bị cuốn vào một cuộc tổng chiến tranh.
Ngay cả khi các quan chức Nga liên tiếp phủ nhận và cáo buộc các chính phủ, truyền thông thế giới cố tình tuyên truyền, kích động và “đánh lạc hướng” diễn biến thực tế, thậm chí Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc còn cho rằng quan chức phương Tây nên đi khám bác sĩ vì "chứng bệnh hoang tưởng" Nga tấn công Ukraine thì ngày 15/2 Joe Biden vẫn tuyên bố chắc nịch: Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vẫn có thể xảy ra.
Thay vì đưa tin một cách thực tế và quan trọng nhất là Trung thực, các hãng truyền thông dòng chính đã đăng tải một lượng thông tin hỗn loạn không biết đâu mà lần, và như một quan chức tình báo phương Tây gọi là "Chiến dịch truyền thông chiến lược".
Chiến dịch này lố bịch tới mức ngay cả CNN cũng phải thốt lên rằng: “Chính quyền Biden đã làm dấy lên những tiêu đề đáng báo động”, mô tả một "loạt tiết lộ chính thức" đến từ "người phát ngôn và quan chức của cơ quan chính quyền", những người "đã cung cấp rất ít bằng chứng, và yêu cầu các phóng viên đưa tin mà không cần xác nhận".
Liệu đây có phải là một “chiến dịch truyền thông chiến lược” có chủ đích hay không? Và vì sao lại như vậy?
Ming Juzheng, Giáo sư danh dự, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Đài Loan chỉ ra rằng, động cơ đe dọa của Nga chỉ đơn giản là tạo căng thẳng và tăng giá dầu để gia tăng ngoại tệ, khi thời điểm này Putin đã bán dầu cho Trung Quốc với giá rất cao.
Có lẽ vậy. Tổng thống Putin đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích, vừa ngăn Ukraine gia nhập NATO cùng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác, vừa cản trở Mỹ triển khai quân đội, tên lửa và các cuộc tập trận xung quanh Nga. Mục đích là tận dụng điểm nóng này tạo ra sự cách biệt quan điểm giữa Mỹ và châu Âu, và thậm chí gây mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khối NATO.
Trong khi đó, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Toàn diện Đài Loan là Liu Taiying lại cho rằng, những tính toán đằng sau của Mỹ và Nga chỉ là cố tình thao túng thị trường hàng hóa, tài chính thế giới. Liệu sự thật có phải vậy không?
Những tính toán đằng sau của Mỹ và Nga chỉ là đang cố tình thao túng thị trường hàng hóa, tài chính thế giới. (Getty)
Giờ bạn hãy xem một vài những số liệu sau khi truyền thông phương Tây thổi phồng cuộc xâm lược của Nga sẽ nhắm vào Ukraine:
Giá khí đốt của châu Âu tăng hơn 10% lên 84 euro một megawatt giờ, mức cao nhất trong nhiều tuần. Giá điện của Đức cũng tăng cao.
Giá dầu tăng quanh mức 95 USD/thùng, trong khi JPMorgan dự báo có thể tăng lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị ảnh hưởng do căng thẳng với Ukraine.
Giá nhôm cũng đạt mức cao kỷ lục và giá palađi đã tăng mạnh trong khi lúa mì cũng tiếp tục tăng.
Giá vàng liên tục tăng đạt 1.860 USD/ounce và nếu đạt mức 1.880/ounce là ngưỡng kháng cự quan trọng và nếu vượt qua mức giá này, giá vàng thế giới sẽ leo lên 1.900 USD/ounce.
Lãi suất trái phiếu Mỹ lên tới 2,01% đang làm thị trường dấy lên lo ngại lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao.
Chưa kể giá thực phẩm tại Ukraine đã tăng 2,5%, trong đó giá bánh mì tăng 1,9%, giá trứng tăng 3,9% và rau tăng 20,5%.
Giờ hãy xem tổ hợp sản xuất vũ khí bỗng chốc "nhộn nhịp" hẳn sau vài năm im ắng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Với mục đích hỗ trợ Ukraine đối phó trước sự gia tăng áp lực quân sự của Nga, hàng loạt các lô vũ khí của phương Tây ồ ạt được chuyển tới quốc gia này từ đầu tháng 1/2022:
Mỹ viện trợ quân sự mới trị giá 200 triệu USD bao gồm trực thăng, vũ khí cá nhân, đạn cối, đạn pháo, tên lửa dẫn đường chống tăng, tên lửa phá boong ke, súng phóng lực…
Anh chuyển khoảng 2.000 tên lửa chống tăng tầm ngắn mang tên Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ mới (NLAW)
Ba Lan cam kết cung cấp UAV và tên lửa phòng không cá nhân Piorun chuyên tấn công máy bay tầm thấp với độ cao tối đa gần 4.000 m.
Đức chuyển 5.000 mũ sắt và một bệnh viện dã chiến.
Estonia cam kết cung cấp vũ khí chống tăng Javelin, trong khi Latvia và Lithuania gửi tên lửa phòng không Stinger và các thiết bị liên quan khác để tăng cường khả năng quân sự phòng thủ của Kyiv.
Cùng với việc Mỹ và đồng minh NATO ồ ạt viện trợ quân sự cho Ukraine, song song với cách các quan chức Mỹ, châu Âu liên tục cảnh báo "tình hình ngày càng nghiêm trọng", cách truyền thông phương Tây đưa tin với tần suất dày đặc những bản tin như thể chiến tranh đang cận kề, phải chăng dường như họ đang “mong mỏi” chiến tranh hơn là ngăn cản chiến tranh?
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cũng mô tả việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine là cực kỳ nguy hiểm, và nói rằng họ “không làm gì để giảm căng thẳng”.
Vậy phải chăng càng xuất hiện nhiều điểm nóng bất ổn, và thế giới càng hỗn loạn bao nhiêu thì dường như có một nhóm các tài phiệt, trong đó có các ông chủ của ngành công nghiệp vũ khí, vận tải biển, dầu khí năng lượng… sẽ càng phát đạt bấy nhiêu?
Xuân Trường
Tham khảo:
[1] - https://www.armscontrol.org/factsheets/Ukraine-Nuclear-Weapons
[2] - https://www.politico.com/news/2022/01/19/us-allies-ukraine-weapons-russia-invasion-527375
[3] - https://www.stimson.org/1995/politics-nuclear-renunciation-cases-belarus-kazakhstan-and-ukraine/
[4] - https://www.reuters.com/world/europe/russia-does-not-want-war-with-ukraine-says-russian-foreign-minister-lavrov-2022-01-28/
[5] - https://www.politico.com/news/2022/01/19/us-allies-ukraine-weapons-russia-invasion-527375
[6] - https://www.washingtonpost.com/world/2022/02/07/latest-ukraine-russia-crisis/
[7] - https://www.secretchina.com/news/gb/2022/02/12/997678.html
[8] - https://www.washingtonpost.com/national-security/russia-ukraine-invasion/2021/12/03/98a3760e-546b-11ec-8769-2f4ecdf7a2ad_story.html
[9] - https://www.reuters.com/world/europe/ukraine-says-russia-has-nearly-100000-troops-near-its-border-2021-11-13/
[10] - https://www.dw.com/en/ukraine-latest-biden-warns-russian-attack-still-possible/a-60781672
[11] - https://edition.cnn.com/2022/02/11/politics/biden-administration-russia-intelligence/index.html?utm_source=pocket_mylist
[12] - https://www.npr.org/2022/01/19/1074020018/the-u-s-will-provide-200-million-in-military-aid-to-ukraine-amid-crisis
[13] - https://www.npr.org/2022/01/22/1075064514/ukraine-lethal-aid-us-russia
[14] - https://www.aljazeera.com/news/2022/1/22/us-military-aid-arrives-in-ukraine-amid-russia-border-tensions