ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 21/2/2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 21/2/2022
02/21/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w

https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng) 

Mạng xã hội của TT Donald Trump sẽ ra mắt vào ngày 21/2?
image.png
Nền tảng mạng xã hội mới mang tên “TRUTH Social (Tạm dịch: Mạng xã hội Sự thật)”, do Trump Media & Technology Group (TMTG), tập đoàn truyền thông của cựu Tổng thống Donald Trump phát triển, dự kiến sẽ chính thức ra mắt trên kho ứng dụng của Apple vào ngày 21/2. Sự kiện này diễn ra 13 tháng sau khi cựu Tổng thống Donald Trump bị Twitter và Facebook tuyên bố “nghỉ chơi”. Tuần trước, mạng xã hội “không kiểm duyệt” này đã mở cửa cho khoảng 500 người sử dụng phiên bản thử nghiệm (beta). 

Theo The Verge, tương tự như Twitter, TRUTH Social sẽ mang đến cho người dùng khả năng theo dõi lẫn nhau, thảo luận về các chủ đề thịnh hành, với một thông điệp là “truth (sự thật)”. Đăng lại thông điệp của người dùng khác sẽ được gọi là “re-truth (tái đăng sự thật)”.

“Tôi đã tạo ra TRUTH Social và TMTG để chống lại sự chuyên chế của các gã khổng lồ công nghệ. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà Taliban xuất hiện nhiều trên Twitter, trong khi tổng thống Mỹ được yêu thích lại không có tiếng nói. Điều này là không thể chấp nhận được”, ông Donald Trump nói trong một thông cáo.

Cựu tổng thống cho biết thêm: “Tôi rất vui mừng khi ấn nút gửi ‘sự thật’ đầu tiên của mình trên TRUTH Social trong tương lai gần. TMTG được thành lập với sứ mệnh là tiếng nói cho mọi người”.

“Mọi người đều hỏi tôi tại sao không có ai đứng lên chống lại các gã khổng lồ công nghệ? Được rồi, chúng ta sẽ làm vậy sớm thôi”, ông nói.

Cựu chủ nhân Nhà Trắng đã quyết định xây dựng mạng xã hội trên sau khi bị Twitter, Facebook đồng loạt tuyên bố “nghỉ chơi” sau vụ tấn công Điện Capitol diễn ra vào ngày 6/1/2021.

“Chúng tôi đang chuẩn bị phát hành trên App store vào ngày 21/2”, giám đốc sản xuất của Truth Social cho biết. Thông tin trên được đưa ra hôm 18/2 vừa qua khi tài khoản Billy B. (đã được xác minh là của giám đốc mạng xã hội này) trả lời câu hỏi từ những người sử dụng trong giai đoạn thử nghiệm ứng dụng.

Vào hôm 15/2, ông Trump đã đăng một ảnh chụp màn hình được cho là của ứng dụng này. Đây cũng là bài đăng đầu tiên của ông ấy trên nền tảng.

“Hãy sẵn sàng! Tổng thống yêu thích của các bạn sẽ sớm gặp lại các bạn!”

Ảnh chụp màn hình của cùng một bài đăng được chia sẻ bởi cô Liz Willis, giám đốc điều hành tại công ty truyền thông thiên hữu Right Side Broadcasting, đã tiết lộ thêm về ứng dụng này, từ bố cục cho đến nút tương tác bên dưới mỗi bài đăng, đều rất giống với Twitter.


Bên cạnh đó, theo hãng tin Reuters, ứng dụng này hiện đã ở phiên bản 1.0 và sẵn sàng để phát hành ra công chúng. Vào cuối ngày 16/2, mạng xã hội ở phiên bản 0.9, theo 2 người có quyền truy cập vào phiên bản này.

Cũng trong hôm 16/2, ông Devin Nunes, hiện là Giám đốc điều hành của TMTG, cho biết bản thử nghiệm công khai của TRUTH Social sẽ “từ từ đưa mọi người đến với nền tảng” nhưng “sẽ thu hút ngày càng nhiều người hơn mỗi ngày”. Ông cũng hy vọng TRUTH Social sẽ được công khai hoàn toàn vào cuối tháng 3 tới đây.
 
TT Biden và TT Putin chấp nhận đề xuất của TT Macron về vấn đề Ukraine
image.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều đã đồng ý “về mặt nguyên tắc” sẽ tổ chức họp thượng đỉnh để dừng leo thang xung đột tại Ukraine, Điện Elysee nói trong tuyên bố phát đi tối Chủ Nhật (20/2).

Theo tuyên bố của Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “đã đề xuất tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin và sau đó là cuộc họp với các bên liên quan để thảo luận về an ninh và ổn định chiến lược tại châu Âu”.

“Cả hai Tổng thống Biden và Putin đều chấp nhận một cuộc họp thượng đỉnh như vậy về mặt nguyên tắc”, tuyên bố của Điện Elysee nói thêm.

Tuy nhiên, Điện Elysee cho biết cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nga “chỉ có thể diễn ra với điều kiện Nga không xâm lược Ukraine”. Nếu diễn ra, thì “chất liệu” cho cuộc họp thượng đỉnh này sẽ được hai ngoại trưởng Nga, Mỹ là Sergey Lavrov và Antony Blinken chuẩn bị khi họ gặp nhau vào thứ Năm (24/2).

Mặc dù Điện Krelim vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng về phía Nhà Trắng, Thư ký báo chí Jen Psaki khẳng định rằng Tổng thống Biden “đã chấp nhận về mặt nguyên tắc cuộc gặp với Tổng thống Putin sau cuộc họp lại giữa ông Blinken và ông Lavrov nếu một cuộc xâm lược [của Nga vào Ukraine] không xảy ra”.

Tổng thống Pháp Macron vào tối Chủ Nhật (20/2) đã có cuộc điện đàm 15 phút với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Theo RT, trong cuộc trao đổi nhanh này, ông Macron đã tóm lược với ông Biden về các cuộc đối thoại của mình với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky.

Trước đó cũng trong ngày 20/2, ông Macron đã gọi điện cho ông Putin và đề xuất về các cuộc đối thoại trung gian hòa giải theo Mô hình Normandy “trong vài giờ tới” nhằm đảm bảo đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Donbass, phía Đông của Ukraine. Điện Kremlin đã xác nhận rằng “hai nhà lãnh đạo Nga, Pháp đã đồng ý duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ”, nhưng không đưa ra biết kỳ thông tin nào về một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai tổng thống Nga, Mỹ.

Theo tuyên bố của Điện Elysee, Tổng thống Macron cũng đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky. Lãnh đạo Ukraine được cho là đã “xác nhận quyết tâm không đáp trả các hành vi khiêu khích và sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu tuần trước (18/2) đã tuyên bố rằng ông có lý do để tin Tổng thống Nga Putin đã quyết định xâm lược Ukraine trong vài ngày tới. Nga nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ có kế hoạch tấn công Ukraine và lên án những đồn đoán đó là “tin giả”.

Tổng thống Ukraine kêu gọi đồng minh phương Tây ban hành gói trừng phạt Nga

image.png
Hôm thứ bảy (19/2), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi một danh sách trừng phạt để ngăn chặn các hành vi xâm lược tiềm tàng của Nga, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng của Ukraine cũng như thị trường năng lượng EU trong trường hợp đường ống Nord Stream 2 bị sử dụng như một vũ khí.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm thứ Bảy (19/2) đã kêu gọi một danh sách trừng phạt để ngăn chặn sự xâm lược tiềm tàng của Nga.

Ông nói trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 58: “Xây dựng một gói trừng phạt phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn các hành vi xâm lược. Đảm bảo an ninh năng lượng của Ukraine, đảm bảo sự hội nhập vào thị trường năng lượng EU trong trường hợp đường ống Nord Stream 2 bị sử dụng như một vũ khí”.

Trong một phát biểu với đài CNN, ông không tán thành với ý kiến cho rằng, các lệnh trừng phạt chỉ nên được liệt kê sau khi một cuộc xâm lược đã xảy ra.

“Chúng tôi không cần các biện pháp trừng phạt của quý vị sau khi vụ bắn phá đã xảy ra, sau khi đất nước của chúng tôi đã bị oanh tạc, hay sau khi chúng tôi không còn biên giới, hoặc giả như sau khi nền kinh tế của chúng tôi đã hoàn toàn sụp đổ… Tại sao chúng tôi lại cần những lệnh trừng phạt đó?” ông nói.

Căng thẳng tại biên giới Nga - Ukraine đã leo thang trong những tuần gần đây sau khi Nga chuyển hơn 100.000 binh sĩ và vũ khí hạng nặng đến biên giới Ukraine.

Hoa Kỳ và các đồng minh khác của Ukraine tuyên bố sẽ trừng phạt Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.

Các ngoại trưởng G-7 hôm thứ Bảy tái khẳng định rằng, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính.

“Trong khi chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết các lo ngại an ninh, thì Nga nên lưu ý rằng mọi hành động xâm lược quân sự đối với Ukraine sẽ chỉ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với một loạt các ngành mũi nhọn, cũng như áp đặt chi phí khắt khe chưa từng có đối với nền kinh tế của Nga. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế phối hợp trong trường hợp xảy ra sự kiện như vậy", các ngoại trưởng cho biết.

Ông Zelensky cũng tỏ ra thất vọng về tiến độ Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việc Ukraine tìm cách gia nhập NATO đã trở thành tranh chấp chính trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Ukraine - Nga.

Tổng thống Ukraine khi đó là ông Petro Poroshenko, đã ký sửa đổi hiến pháp vào tháng 2/2019, cam kết nước này trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu sau khi quốc hội thông qua dự luật.

Ông Zelensky mới đây đã tái khẳng định rằng gia nhập NATO vẫn là mục tiêu của đất nước ông.
Về phía Nga, Điện Kremlin từ chối giảm leo thang với Ukraine, nói rằng Hoa Kỳ và NATO đã không giải quyết được các lo ngại an ninh cơ bản của Moscow: NATO ngừng mở rộng về phía đông và vũ khí tấn công không được triển khai gần biên giới Nga, theo một tuyên bố do Truyền thông Nhà nước Nga TASS cung cấp.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng, những vấn đề này sẽ là trọng tâm trong đánh giá của chúng tôi và sẽ thông báo ngay cho các đồng minh của mình”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với Ngoại trưởng Antony Blinken trong một cuộc gọi vào thứ Bảy (19/2).

Washington và NATO có quan điểm cởi mở về việc Ukraine gia nhập NATO.

“Từ quan điểm của chúng tôi, không thể rõ ràng hơn — cánh cửa của NATO vẫn mở - và đó là cam kết của chúng tôi", ông Blinken phát biểu vào hồi cuối tháng 1/2022, mặc dù ông đã gia hạn đề nghị về các biện pháp “có đi có lại” để giải quyết các mối quan ngại về an ninh chung giữa Nga và NATO, bao gồm cả việc cắt giảm tên lửa ở châu Âu.
 

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ukraine giảm mạnh vì khủng hoảng với Nga, bất lực trước tham nhũng và xung đột

image.png
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 1 của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, chỉ 30% người dân nước này muốn Tổng thống đương nhiệm Zelenskyy tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và thậm chí ít hơn - chỉ 23% cử tri - sẽ bỏ phiếu cho ông. Người Ukraine có vẻ như đã hoàn toàn thất vọng vì Tổng thống mà họ đặt nhiều kỳ vọng đã không thể xử lý được tình trạng tham nhũng trong khi đẩy cuộc khủng hoảng với Nga lên mức tồi tệ nhất.

Một người mới gia nhập sân chơi chính trị, gần như không có khả năng tranh cử tổng thống, ông Volodymyr Zelenskyy đã bất ngờ có chiến thắng 'long trời lở đất' trong cuộc bầu cử năm 2019. Thời điểm đó, ông Volodymyr Zelenskyy đã chiến thắng nhờ lời thề trịnh trọng và mạnh mẽ rằng ông sẽ giải quyết triệt để xung đột giữa chính quyền Ukraine với các phiến quân do Nga hậu thuẫn ở phía đông cũng như mạnh tay với tham nhũng.

Nhưng sau 2 năm cầm quyền, sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Ukraine dành cho tổng thống của họ đang dần tan biến. Người Ukraine bắt đầu thấy nguy cơ rằng dưới thời tổng thống Zelenskyy, Nga có thể không chỉ thâu tóm các vùng đòi tự trị ở phía đông của Ukraine mà còn có thể 'xơi tái' cả quốc gia này.

Không chỉ vì vấn đề khủng hoảng biên giới với Nga đi vào bế tắc, trên chính trường, tổng thống Zelenskyy cũng đang phải đối diện với thế lực chính trị đối lập đang trỗi dậy mạnh mẽ dưới sự hỗ trợ của Nga. Đối thủ mà ông Zelenskyy đã đánh bại vào năm 2019 mạnh dạn trở lại Ukraine để đối mặt với cáo buộc phản quốc (vốn là cáo buộc gây ra sự phản đối mạnh nhất với ông) của chính quyền đương nhiệm.

Các cơ quan tình báo của Anh vào tháng trước tuyên bố rằng Nga đang tìm cách lật đổ chính phủ của Zelenskyy và thay thế ông ta bằng lãnh đạo của một đảng nhỏ; đảng này vốn phản đối tham vọng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu của Ukraine.

Các cuộc điều động và sự mất tinh thần của những người Ukraine bình thường là một thách thức đáng kể đối với một đất nước nơi nền dân chủ đã trở nên tồi tệ trong nhiều thập kỷ. Trong 20 năm qua, Ukraine đã phải chịu đựng hai cuộc nổi dậy: một cuộc nổi dậy khiến Ukraine buộc phải tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống gian lận và một cuộc biểu tình đẫm máu khiến tổng thống thân với điện Kremlin phải bỏ chạy khỏi đất nước vào năm 2014. Nền chính trị của Ukraine chưa bao giờ ổn định sau đó.

“Rủi ro lớn nhất đối với Ukraine và rủi ro lớn nhất đối với chủ quyền của nhà nước chúng ta… là sự bất ổn trong nhà nước của chúng ta,” Zelenskyy nói vào tháng trước, theo AP.

Nhưng người dân Ukraine không mấy tin tưởng rằng Zelenskyy có thể đảm bảo sự ổn định đó. Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 1 của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, chỉ 30% người dân nước này muốn Zelenskyy tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và thậm chí chỉ 23% cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông.

Đẩy cuộc khủng hoảng biên giới với Nga lên cao trào và việc ông Putin cam kết sẽ hỗ trợ độc lập cho đấu tranh ly khai miền đông Ukraine trong khi NATO và Mỹ không hỗ trợ được nhiều trừ các tuyên bố trừng phạt kinh tế với Nga. Nhưng trong bối cảnh giá dầu tăng cao khi Nga có hậu thuẫn ở Trung Đông, có Trung Quốc cam kết mua 101 tỷ USD dầu và khí đốt, có Châu Âu cần khí đốt từ Nga, các cảnh báo trừng phạt không còn là đòn tử huyệt với ông Putin lúc này.

Anatoly Rudenko, một người lái xe 48 tuổi ở Kyiv cho biết: “ông Zelenskyy đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh và đánh bại tham nhũng, nhưng điều này đã không xảy ra". "Giá cả đang tăng, tham nhũng vẫn chưa biến mất và chúng tôi đã bắt đầu sống nghèo hơn", theo AP.

“Điều kỳ diệu đã không xảy ra [như lời hứa của ông Volodymyr Zelenskyy]. Tình hình chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, Tatyana Shmeleva, một nhà kinh tế 54 tuổi, nói với hãng tin AP.

Zelenskyy ban đầu thành danh ở Ukraine với tư cách là một diễn viên truyện tranh, ông được miêu tả trên truyền thông như một giáo viên tình cờ trở thành tổng thống nhờ khao khát chống tham nhũng. Nhưng việc động tới các thành trì lợi ích ăn sâu bám rễ trong hệ thống chính trị, kinh tế của Ukraine là không đơn giản với một tổng thống, một chính trị gia "tay ngang" như ông Zelenskyy.

“Ông Zelenskyy đã mắc sai lầm khi bắt đầu cuộc đối đầu với tất cả các nhà tài phiệt Ukraine cùng một lúc, những người kiểm soát các lực lượng chính trị chính, các đảng phái, các kênh truyền hình. Đây là một trò chơi rất nguy hiểm, rất rủi ro”, Vladimir Fesenko, người đứng đầu trung tâm phân tích Penta chia sẻ quan điểm với AP.

Trong số các nhà tài phiệt mà Fesenko đề cập có Petro Poroshenko, ông trùm bánh kẹo đồng thời là tổng thống Ukrain tiền nhiệm; người hiện phải đối mặt với cáo buộc phản quốc với cáo buộc tạo điều kiện cho việc bán than tài trợ cho quân nổi dậy miền đông. Ngoài ra còn phải kể đến nhà công nghiệp Rinat Akhmetov, đến từ miền đông Ukraine, người kiểm soát một phe đối lập. Ông Zelenskyy cũng lập tức động tới Viktor Medvedchuk, chính trị gia thân Nga nổi tiếng nhất của đất nước, người có ba đài truyền hình, nhưng bị chính quyền ông Zelenskyy chặn phát sóng với cáo buộc phát tán thông tin sai lệch. Chính trị gia này là người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cha đỡ đầu của một trong những cô con gái của ông Putin.

Các nhà tài phiệt này không thống nhất về tư tưởng chính trị: ông Medvedchuk và Akhmetov liên kết với các phe phái đối lập trong khi tổng thống Poroshenko có sự ác cảm mạnh mẽ đối với Nga. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng Moscow đang cố gắng khai thác bất kỳ thế lực nào chống đối ông Zelenskyy.

“Không có lực lượng thân Nga công khai nào có thể lên nắm quyền hợp pháp trong các cuộc bầu cử, điều đó có nghĩa là Điện Kremlin phải tìm kiếm các đồng minh giấu mặt và tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với một số người chơi [trên chính trường] Ukraine cùng một lúc” ông Fesenko chia sẻ. Nga “đang kéo các sợi dây kinh tế, năng lượng, chính trị, cố gắng tìm kiếm các lực lượng chính trị linh hoạt”.

Với vị thế địa chính trị đặc biệt, vùng đệm của nước Nga, Ukraine khó có thể tự do quyết định số phận của mình. Nếu muốn tự quyết định số phận của mình, họ cần một tổng thống có thực lực hơn, cần một nội lực quốc gia lớn hơn và có lẽ là một nước Nga mà Mỹ và EU thoả sức chèn ép. Đáng tiếc, tất cả 'thiên thời - địa lợi - nhân hoà' đều chưa xuất hiện ở Ukraine lúc này.

Ông Putin thực sự muốn gì? Muốn một Ukraine không có mơ tưởng tới Mỹ, EU hay NATO, một vùng đệm sạch sẽ, an toàn với Moscow. Điều này có lẽ giống như Tây Tạng, Nội Mông với Trung Quốc, Biển Đông với Việt Nam hay Khasmir với Ấn Độ.
 
Tỷ phú Bill Gates: Một đại dịch khác chắc chắn sẽ đến
image.png
Hôm 18/2 vừa qua, tỷ phú Bill Gates cho biết rằng nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng đã “giảm đáng kể”, nhưng một đại dịch khác chắc chắn sẽ đến. Bên cạnh đó, ông nhận định rằng những tiến bộ trong công nghệ y tế có thể giảm bớt thời gian sản xuất vắc-xin xuống còn 6 tháng thay vì 2 năm.

Đồng chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates phát biểu trong Hội nghị An Ninh thường niên tại Munich (Đức) rằng một đại dịch mới tiềm ẩn có thể xuất phát từ một mầm bệnh khác với họ của virus corana. Ông nói thêm rằng những tiến bộ trong công nghệ y tế sẽ giúp thế giới làm tốt hơn công việc chống lại đại dịch mới nếu thực hiện việc đầu tư nghiên cứu sản xuất ngay bây giờ. “Chúng ta sẽ có một đại dịch khác. Lần tới sẽ là một mầm bệnh khác”, tỷ phú cho biết.

Hai năm sau đại dịch COVID -19, ông cho hay rằng những ảnh hưởng tồi tệ nhất đã giảm dần khi những khu vực có phạm vi lớn trên thế giới đã đạt được một số mức độ miễn dịch. Mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron mới nhất cũng đã giảm dần.

Ông nhận định rằng: “Nguy cơ mắc bệnh nặng, chủ yếu ở người cao tuổi và mắc bệnh béo phì hoặc tiểu đường”.

Ngoài ra, tỷ phú cho biết đã “quá muộn” để đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022. Hiện 61,9% dân số thế giới đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19.

Theo ông, các quốc gia nên “phát triển và phân phối vắc-xin nhanh hơn nữa trong thời gian tới, đồng thời kêu gọi các chính phủ đầu tư ngay từ bây giờ”.

“Lần tới, chúng ta nên thử và hành động ngay, thay vì 2 năm, chúng ta nên sản xuất vắc-xin trong vòng 6 tháng”, ông Gates cho hay, đồng thời nói thêm rằng việc tiêu chuẩn hóa các nền tảng, bao gồm cả công nghệ vắc-xin mRNA, sẽ biến điều đó trở thành hiện thực.

“Chi phí sẵn sàng cho việc ứng phó với đại dịch tiếp theo không lớn lắm. Nếu lý trí, lần sau chúng ta sẽ không bị trễ (trong việc đối phó với dịch bệnh)”.

Tỷ phú Bill Gates, thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates, đã hợp tác với Quỹ Wellcome Trust của Vương quốc Anh để quyên góp 300 triệu USD cho Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng ứng phó với Dịch bệnh (CEPI), tổ chức đã giúp xây dựng chương trình Covax để cung cấp vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

CEPI đang đặt mục tiêu huy động khoản tiền 3,5 tỷ USD trong nỗ lực cắt giảm thời gian cần thiết để phát triển một loại vắc-xin mới xuống chỉ còn 100 ngày.

Bị cáo buộc theo dõi ông Trump, bà Hillary đối mặt chỉ trích

 
 

Sau khi công tố viên đặc biệt John Durham cáo buộc rằng bà Hillary Clinton từng giám sát bất hợp pháp tỷ phú Donald Trump, cựu đệ nhất phu nhân đã phải đối mặt sự chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng và cả từ phía các chính trị gia của đảng Dân chủ.

Vào thứ Sáu (11 tháng 2), Bộ Tư pháp đã công bố tài liệu do Công tố viên Đặc biệt Durham viết, cáo buộc rằng, trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, nhóm tranh cử của Hillary Clinton đã theo dõi bất hợp pháp ông Trump.

Ông Durham hiện đang điều tra nguồn gốc của cái gọi là cuộc điều tra “Thông đồng với Nga” do Robert Mueller chủ trì vào năm 2017. Các tài liệu do ông Durham công bố tiết lộ rằng chiến dịch của bà Hillary đã tiếp cận một công ty công nghệ, yêu cầu công ty này xâm nhập vào Tháp Trump và sau đó là các máy chủ của Tòa bạch Ốc để ngụy tạo các cáo buộc rằng ông Trump thông đồng với Nga.

Vào thứ Năm (17 tháng 2 theo giờ địa phương), bà Hillary Clinton đã đụng độ những người biểu tình khi bà bước vào khách sạn Sheraton ở Quảng Trường Thời đại. Trước sự việc này, các đồng nghiệp thuộc đảng Dân chủ của bà Hillary cũng cho rằng bà và đồng phạm gây ra nguy hiểm lớn cho nền dân chủ Mỹ.

Cựu ứng cử viên tổng thống năm 2020 của đảng Dân chủ Tulsi Gabbard đã lên phương tiện truyền thông xã hội vào thứ Sáu (18 tháng 2 theo giờ Mỹ) để cảnh báo về “những mối nguy hiểm mà Hillary Clinton và các cộng sự của bà gây ra cùng với các phương tiện truyền thông chủ lưu”.

Bà Gabbard tweet: “Cuộc điều tra của Durham là bằng chứng thêm rằng mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ của chúng ta không phải là một quốc gia nước ngoài, mà là giới tinh hoa quyền lực do Hillary Clinton và các cộng sự của bà ấy lãnh đạo cùng các phương tiện truyền thông chủ lưu”.

Bà Gabbard cho biết: “Các phương tiện truyền thông chủ lưu chính thống đã cố tình che đậy câu chuyện này. Nó khiến tất cả người Mỹ cảm thấy bất an. Câu hỏi thực sự bây giờ đối với đảng Dân chủ là liệu Hillary và đồng phạm của bà ấy có thực sự phải chịu trách nhiệm về những hành động phá hoại nền dân chủ của chúng ta hay không. Đây là những vấn đề rất nghiêm trọng và chúng ta cần cố gắng hết sức để bảo đảm rằng trách nhiệm giải trình thực sự phải được diễn ra.”

Giáo sư luật Harvard Alan Dershowitz nói với kênh truyền hình Newsmax rằng các thành viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary đã trả tiền cho một công ty để xâm nhập vào Tháp Trump và máy chủ Tòa Bạch Ốc theo các tài liệu do Bộ Tư pháp công bố, điều này có thể cấu thành tội, rằng chiến dịch đã tham gia vào “chính trị bẩn thỉu”.

Ông Dershowitz nói: “Cho dù họ có vượt qua ranh giới tội phạm hay không, chúng ta đừng vội phán xét. Nhưng ông Durham đang xem xét nguồn gốc của cuộc điều tra Mueller năm 2017. Vì vậy, hãy chú ý theo dõi. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một đội rất mạnh và báo cáo rất vững chắc”

“Chúng ta sẽ phát hiện hành vi chính trị rất, rất bẩn thỉu từ một số người trong chiến dịch tranh cử của Hillary. Tôi thật thất vọng. Tôi đã bỏ phiếu cho Hillary. Tôi là bạn của Hillary. Tôi không thấy bất cứ điều gì chỉ trực tiếp đến Hillary. Nhưng, bất chấp phiếu bầu của tôi cho cô ấy, cuộc điều tra này vẫn phải tiếp tục, và tôi mong muốn được thấy một báo cáo toàn diện và rõ ràng, “ông Dershowitz giải thích.