Giới chức cao cấp về khí hậu của Nga xin lỗi về cuộc xâm lăng Ukraine

Giới chức cao cấp về khí hậu của Nga xin lỗi về cuộc xâm lăng Ukraine
02/28/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

MOSCOW, Nga (NV) – Trưởng phái đoàn Nga tại hội nghị của Ủy Ban Liên Chính Phủ Về Biến Đổi Khí Hậu (IPCC) hôm Chủ Nhật, 27 Tháng Hai, xin lỗi về việc Nga xâm lăng Ukraine, theo AFP.

Hãng tin này trích dẫn ba nguồn giấu tên có mặt trong cuộc họp trực tuyến gồm 195 quốc gia, vốn có nội dung được giữ bí mật trước truyền thông và công chúng.

Hội nghị về thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. (Hình minh họa: Paul Ellis/AFP via Getty Images)

Ông Oleg Anisimov, lãnh đạo phái đoàn Nga, nói rằng: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi thay mặt cho tất cả những người Nga không thể ngăn chặn cuộc xung đột này, và thật sự không thể tìm thấy bất kỳ lời biện minh nào cho cuộc tấn công vào Ukraine.”

Ông Anisimov, một nhà khoa học khí hậu kỳ cựu, tác giả của các báo cáo IPCC trước đây, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với phái đoàn Ukraine vì tiếp tục hoạt động ngay cả khi đất nước của họ đang bị tấn công từ nước láng giềng mạnh hơn nhiều.

Tất cả những người có mặt tại cuộc họp đều nhận thấy bình luận của ông Anisimov có thể đem lại nguy hiểm cho bản thân ông ta, đặc biệt khi Tổng Thống Nga Vladimir Putin được biết đến là người trừng phạt tàn nhẫn đối với những ai bất đồng chính kiến nội bộ.

Theo AFP, tại cuộc họp, ông Oleg Anisimov của Nga bất ngờ lên tiếng sau một tuyên bố trực tiếp từ bà Svitlana Krakovska, người đồng cấp Ukraine, về hoàn cảnh của Ukraine.

Bà Krakovska khẳng định: “Ukraine sẽ không đầu hàng, và chúng tôi hy vọng thế giới cũng không đầu hàng trong việc xây dựng một tương lai thích ứng với khí hậu. Biến đổi khí hậu do con người gây ra và cuộc chiến ở Ukraine có cùng nguồn gốc, đó là vì nhiên liệu hóa thạch và sự phụ thuộc của loài người vào chúng.”

Không rõ chính xác ý của bà là gì, nhưng nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu khí và sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt của Nga khiến châu lục này không muốn gia tăng các biện pháp trừng phạt khiến Nga không thể bán khí đốt cho Châu Âu.

Theo nhận định từ giới chuyên gia năng lượng toàn cầu, nếu Châu Âu không dựa vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng thì họ có thể chống lại sự xâm lăng của Nga hiệu quả hơn. (V.Giang) [kn]