TTO - Tập đoàn Power Machines (PM, Nga) - thành viên đứng đầu liên doanh tổng thầu PM - PTSC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 - mong muốn rút khỏi dự án tỉ đô này để không bị lỗ sau khi bị Mỹ cấm vận.
Sáng 8-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 cho biết đơn vị này đã kiến nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tập trung giải quyết chấm dứt hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây lắp (EPC) với đối tác PM của Nga.
Lý do đơn vị này bị Mỹ cấm vận và hầu như khó có thể tiếp tục thực hiện phần hợp đồng đã ký.
Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (huyện Long Phú, Sóc Trăng) có công suất 1.200MW, do liên danh PM - PTCS (Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, đơn vị thành viên của PVN) là tổng thầu EPC với tổng giá trị hợp đồng là 1,2 tỉ USD.
Theo hợp đồng được ký cuối năm 2014, thời gian vận hành thương mại của tổ máy 1 vào tháng 10-2018, tổ máy 2 vào tháng 2-2019. Tuy nhiên, năm 2018 PM bị Mỹ cấm vận do cáo buộc liên quan đến bán đảo Crimea. Thời điểm này, dự án nhiệt điện Long Phú 1 đã thực hiện khoảng 72% khối lượng.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án nhiệt điện Long Phú 1, sau khi PM bị cấm vận, các giao dịch với PM để thực hiện hợp đồng EPC gặp nhiều khó khăn và mọi việc bị "đóng băng" khi hoàn thành được 77,56% khối lượng.
Đến nay dự án vẫn đang dừng triển khai và các bên chỉ thực hiện công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư, thiết bị để bảo quản lâu dài, nhằm tránh hư hại/thiệt hại phát sinh.
Tháng 2-2019, phía PM thông báo dừng hợp đồng với lý do "bất khả kháng". Tuy nhiên, chủ đầu tư Việt Nam có văn bản không chấp nhận lý do phía PM đưa ra (bị Mỹ cấm vận) là bất khả kháng.
Tháng 9-2019, phía PM có thư thông báo khởi kiện chủ đầu tư và thành viên liên danh PTSC lên Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore. Sự việc này khiến chủ đầu tư vừa phải theo vụ kiện vừa phải tìm phương án khởi động lại dự án trình cấp thẩm quyền chấp thuận, đến nay vẫn chưa có phương án tiếp tục dự án.
Tuy là bên đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế, nhưng phía PM vẫn đề xuất đàm phán hòa giải để rút khỏi dự án mà không bị lỗ (zero losses), với điều kiện phía Việt Nam phải bồi hoàn tất cả các chi phí mà họ đã chi, dự kiến chi không thuộc hợp đồng…
"Chúng tôi đánh giá đàm phán chấm dứt hợp đồng là không khả quan", đại diện Ban quản lý dự án nhiệt điện Long Phú 1 nói với Tuổi Trẻ Online.
Đơn vị này cho biết chỉ có thể xem xét, đàm phán các khoản nợ thanh toán và giá trị hàng về công trường đã có hồ sơ hải quan, hồ sơ thuế với giá trị trên 113 triệu USD, và xem xét hoàn trả trên 93 triệu USD bảo lãnh thực hiện hợp đồng mà chủ đầu tư đang giữ nếu được cấp thẩm quyền chấp thuận. Những con số này thấp hơn nhiều so với phía PM yêu cầu.
Theo đại diện ban quản lý dự án, khi đàm phán vẫn tiếp tục thì chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, kéo theo Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT nên việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng gặp ách tắc. Trong trường hợp hai bên thống nhất được chi phí bồi hoàn cho PM thì cũng không thể thanh toán được cho PM.
"Để giảm thiểu thiệt hại, tận dụng kết quả tổng thầu EPC đã thực hiện được, chúng tôi kiến nghị sớm chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các thủ tục để tổ chức lựa tổng thầu EPC mới. Tự thực hiện hoặc tìm kiếm, chuyển đổi đối tác đầu tư mới để tiếp tục tái khởi động dự án trong thời gian sớm nhất", ông Nguyễn Doãn Toàn - trưởng Ban quản lý dự án nhiệt điện Long Phú 1 - cho biết.
Được biết, đến nay phía Việt Nam đã đầu tư gần 13.000 tỉ đồng vào dự án này.