Chiến tranh Ukraina: Nga “ngừng bắn” tại 5 thành phố để cư dân di tản
Người tị nạn từ Ukraina tìm lại gia đình tại trạm kiểm soát biên giới Medyka, Ba Lan, 07/03/2022. AP - Visar Kryeziu
Nhiều quan chức Ukraina vào sáng nay, 08/03/2022 xác nhận : Cư dân một số thành phố có chiến sự đã bắt đầu được di tản đi nơi khác sau khi các nhà đàm phán hai bên đã nhất trí thiết lập các “hành lang nhân đạo” để cho phép thường dân rời khỏi 5 thị trấn và thành phố hiện bị lực lượng Nga bao vây.
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Quốc Phòng Nga, được hãng thông tấn Nga Interfax trích dẫn, đã loan báo quyết định mở các “hành lang nhân đạo” vào hôm nay để người dân có thể được sơ tán khỏi Kiev, Chernihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol. Cũng theo nguồn tin trên, các lực lượng Nga ở Ukraina đã áp dụng “chế độ im lặng” kể từ 07g00 GMT hôm nay.
Cũng theo Reuters, tại Kiev, ông Oleksiy Kuleba, thống đốc vùng Kiev xác nhận rằng: “Tính đến 09g30 (tức 07g30 GMT), hơn 150 người đã được sơ tán và công việc đang tiếp diễn”.
Còn theo phó thủ tướng Ukraina, bà Iryna Vereshchuk, tại thành phố Sumy, đoàn xe đầu tiên chở người đi sơ tán bắt đầu rời thành phố vào lúc 10 giờ sáng (0800 GMT), theo sau là những chiếc xe riêng của người dân địa phương.
Quyết định ngừng bắn cục bộ của Nga được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, vào tối hôm qua, một lần nữa đã lên tiếng cáo buộc quân đội Nga liên tục ngăn cản việc sơ tán dân thường thông qua các hành lang nhân đạo.
Nga không tuân thủ thỏa thuận hành lang nhân đạo
Trong một đoạn video công bố trên mạng Telegram, ông Zelensky cho rằng: “Đã có một thỏa thuận về các hành lang nhân đạo, nhưng liệu nó có được áp dụng hay không? Thay vào đó, xe tăng Nga đã hoạt động, cũng như các bệ phóng tên lửa Grad, các bẫy mìn của Nga”.
Ông còn tố cáo lực lượng Nga “gài mìn trên một tuyến đường đã được thỏa thuận để đưa lương thực và thuốc men” vào thành phố Mariupol, miền nam Ukraina bị bao vây và “phá hủy các xe buýt” dùng để sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh.
Tuy nhiên, tổng thống Ukraina vẫn xác định rằng Kiev sẽ tiếp tục đàm phán với Nga cho đến khi tìm được một thỏa thuận hòa bình. Ông đồng thời nhắc lại: “Tôi vẫn ở lại đây, tôi ở lại Kiev. (…) Tôi không sợ”.
RFI
Cấm nhập dầu khí Nga : Phương Tây bất đồng, Matxcơva dọa cắt khí đốt với Berlin
Công nhân tại nhà máy xử lý khí đốt Yuzhno-Priobsky ở Khanty-Mansiysk, miền Tây Siberia, Nga. 28/01/2016 REUTERS/Sergei Karpukhin
Lo ngại về một cuộc chiến tranh năng lượng giữa Nga và các nước phương Tây hôm nay 08/03/2022 đang tăng lên, sau khi Hoa Kỳ thúc giục các đồng minh cấm nhập dầu khí của Nga để trừng phạt việc Matxcơva xâm lăng Ukraina. Phía Nga dọa ngưng cung cấp khí đốt cho Đức, trong khi châu Âu cho biết có thể độc lập với nguồn khí của Nga trong vài năm tới.
Tổng thống Joe Biden đã họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh hôm qua, đề nghị ủng hộ Hoa Kỳ trong việc cấm vận dầu lửa Nga. Tuy nhiên Reuters dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết, nếu cần, Mỹ vẫn có thể một mình hành động mà không cần đến các đồng minh châu Âu.
Tại Hoa Kỳ, áp lực ngày càng lớn đòi hỏi cấm nhập dầu khí từ Nga, nhưng tổng thống Joe Biden vẫn chưa quyết định, Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
« Chưa có quyết định nào được đưa ra và các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành vì áp lực chính trị rất lớn. Các nghị sĩ của cả hai đảng loan báo thỏa thuận về một văn bản nhằm cắt đứt nguồn tài chính của bộ máy chiến tranh Nga, và cấm nhập dầu lửa từ Nga.
Nếu ông Joe Biden vẫn chưa có phản ứng, đó là do hai nguyên nhân chính. Trước hết, vì châu Âu, nhất là Đức đã nói với ông là chưa đồng ý. Nhiều nước châu Âu lệ thuộc vào khí đốt và dầu lửa của Nga nhiều hơn Mỹ. Và Joe Biden có vẻ cũng không muốn phá vỡ một mặt trận đoàn kết phương Tây mà ông đã góp phần xây dựng nhằm trừng phạt Nga.
Tiếp đến, là lo ngại tác động đến thị trường dầu lửa vốn đã căng thẳng. Lạm phát tại Hoa Kỳ cao nhất kể từ 40 năm qua, đặc biệt đối với tất cả những gì liên quan đến xe hơi, yếu tố quan trọng trong đời sống Mỹ. Cả nước chăm chú theo dõi giá xăng, đã tiến gần đến mức cao nhất trong lịch sử, và Biden hứa làm mọi cách để giảm thiểu tác hại từ cuộc khủng hoảng với Nga.
Chính quyền Biden tìm kiếm các giải pháp thay thế. Thậm chí đã có các cuộc tiếp xúc với Ả Rập Xê Út, Venezuela và ngay cả với Iran, những nước cho đến nay vẫn bị phê phán, thế nên có thể thấy trước là tranh cãi sẽ rất dữ dội ».
Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt, tăng giá dầu
Cũng trong hôm 07/03, phó thủ tướng Nga Alexander Novak đe dọa cắt nguồn khí đốt đang cung cấp cho Đức để trả đũa việc Berlin ngưng dự án Nord Stream 2, đồng thời cảnh báo giá dầu có thể tăng lên đến 300 đô la một thùng nếu Mỹ cấm nhập dầu khí Nga. Nhưng theo các nhà phân tích của Bank of America, nếu cắt toàn bộ lượng dầu từ Nga, sẽ thiếu khoảng 5 triệu thùng một ngày, đẩy giá lên 200 đô la.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt châu Âu, và dầu lửa là nguồn thu nhập chính sau khi Matxcơva bị phương Tây cấm vận tài chính.
Về phía Liên Hiệp Châu Âu (EU), ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu Frans Timmermans nói rằng trong vài năm tới châu Âu có thể độc lập về nguồn khí đốt, và bắt đầu giảm dần lệ thuộc với Nga trong những tháng tới. Theo ông, việc này tuy không dễ dàng, nhưng khả thi.
Ủy Ban Châu Âu hôm nay đề ra kế hoạch đa dạng hóa nguồn năng lượng. EU sẽ giảm nhập từ Nga, tăng lượng mua khí đốt và khí hóa lỏng (LNG) từ các nước khác, sử dụng hydrogen, khí sinh học, gia tăng các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó châu Âu cũng phải lo dự trữ 80-90% khí đốt cho mùa đông tới.
RFI
Biden đề xuất thắt chặt quy định ô nhiễm đối với xe buýt và xe tải thương mại.
Chính quyền Biden đề xuất thắt chặt quy định ô nhiễm đối với xe buýt và xe tải thương mại. Dự thảo luật này sẽ đặt ra mục tiêu cắt giảm đến 60% lượng khí thải nitrogen-oxide của năm quy chiếu 2027 cho tới năm 2045. Các tin vắn khác: Công ty dầu khí quốc gia Libya cho biết một nhóm vũ trang ở nước này đã đóng cửa hai mỏ dầu, khiến sản lượng giảm 330.000 thùng một ngày. Nước này có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi và sản xuất tới 1,2 triệu thùng/ngày trong điều kiện bình thường. • Trong khi đó, Nga đe dọa can thiệp vào đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, và yêu cầu phải có đảm bảo bằng văn bản là các lệnh trừng phạt xoay quanh Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến giao thương Nga-Iran.
Tuyên bố của Blinken làm thị trường dầu chao đảo
Giá dầu tăng vọt khi ngoại trưởng Mỹ nói nước ông đang thảo luận với châu Âu và các đồng minh về “khả năng cấm nhập khẩu dầu Nga.” Cụ thể, tuyên bố của Antony Blinken đã làm giá dầu thô Brent tăng lên gần 140 USD/thùng vào ngày 6 tháng 3 (sau đó giá có giảm, nhưng vẫn cao).
Nguồn cung dầu đã eo hẹp từ trước khi Nga xâm lược Ukraine. Nhu cầu có giảm trong đại dịch nhưng đã phục hồi mạnh vào năm 2021, trong khi đầu tư thấp cùng đứt gãy cung ứng do covid-19 khiến sản lượng suy yếu trên toàn cầu. Ngoài ra, Nga là nước xuất khẩu xăng dầu lớn thứ hai thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu đạt tới 4,5 triệu thùng dầu thô và 2,5 triệu sản phẩm dầu mỗi ngày.
Lệnh cấm vận dầu mỏ là vũ khí kinh tế cứng rắn nhất mà đến nay Mỹ chưa sử dụng. Hiện có nhiều công ty đang tránh mua dầu của Nga. Nhưng các lệnh trừng phạt từng bước trước đây, như đã áp đặt lên Iran, từng khiến thị trường hoảng loạn. Một lệnh cấm hoàn toàn sẽ làm khuynh đảo nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh về nâng cao năng lực ứng phó đại dịch trong tương lai
Thế giới sẽ phản ứng ra sao trước “Bệnh X,” tức tên gọi tạm thời cho danh sách các mầm bệnh tiềm năng hiện chưa được khoa học biết đến? Vào thứ Ba, Liên minh Đổi mới Tiềm lực Ứng phó trước Dịch bệnh (CEPI) sẽ cùng chính phủ Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở London để bàn về chuyện này. Trước sức tàn phá kinh tế-xã hội to lớn của SARS-CoV-2, Hội nghị Thượng đỉnh về Chuẩn bị cho Đại dịch Toàn cầu đặt ra mục tiêu giúp thế giới ứng phó nhanh hơn trong tương lai.
Các chính phủ, cơ quan quốc tế, nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ cũng như công ty dược phẩm đều muốn thảo luận về “kế hoạch 100 ngày” để phát triển nhanh chóng các loại vắc-xin, thuốc và phương pháp chẩn đoán an toàn hiệu quả để nhanh chóng ngăn chặn đại dịch trong tương lai. CEPI cần 3,5 tỷ đô la để thực hiện những ý tưởng này. Những người tổ chức cuộc họp kỳ vọng thu hút được công luận về viễn cảnh một đại dịch mới. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 qua đi và cả thế giới chuyển sự chú ý sang Ukraine, đây vẫn là một nhiệm vụ quan trọng.
The Economist công bố chỉ số bình đẳng giới về việc làm
Bốn quốc gia Bắc Âu — Thụy Điển, Iceland, Phần Lan và Na Uy — một lần nữa đứng đầu chỉ số bình đẳng nữ quyền trong môi trường làm việc của The Economist. Chỉ số này đo lường vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong lực lượng lao động ở các nước OECD. Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi phụ nữ thường phải lựa chọn giữa gia đình hoặc sự nghiệp, xếp cuối cùng, trong khi Mỹ đứng thứ 20 trên tổng 29 quốc gia.
Điểm của mỗi nước được tính theo mười chỉ số phụ, bao gồm chênh lệch lương theo giới, thời gian nghỉ phép của cha mẹ, chi phí chăm sóc con cái, trình độ học vấn và mức độ nữ giới nắm các vị trí chính trị và quản lý cấp cao. The Economist đặt nhiều trọng số hơn cho các chỉ số ảnh hưởng đến tất cả phụ nữ (chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động) và ít hơn cho các chỉ số chỉ ảnh hưởng một số người (chẳng hạn như lương thai sản). Ngoài ra lương thai sản của người chồng cũng được ghi nhận. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi các ông bố nghỉ thai sản, các bà mẹ có xu hướng quay trở lại thị trường lao động, qua đó tăng số lao động nữ và giảm chênh lệch thu nhập giới.
Tranh cử tổng thống Pháp bước vào giai đoạn cuối
Thứ Ba này sẽ công bố danh sách ứng viên chính thức tranh cử tổng thống Pháp. Cuộc bầu cử bao gồm hai vòng, vào ngày 10 và 24 tháng 4. Hôm qua, chủ tịch hội đồng hiến pháp Laurent Fabius đã xác nhận 12 ứng cử viên, với tất cả đều trình đủ 500 chữ ký của các quan chức dân cử. Trong số đó có tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, người vừa tuyên bố tái tranh cử vào tuần trước.
Có đến năm ứng viên cánh hữu. Họ bao gồm Valérie Pécresse trung hữu, Marine Le Pen theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy và Eric Zemmour cực hữu. Ngoài ra còn có sáu ứng viên cánh tả, bao gồm Anne Hidalgo của đảng Xã hội, Yannick Jadot của đảng Xanh và Jean-Luc Mélenchon cực tả. Dự báo của The Economist đang đặt khả năng ông Macron vào vòng hai đến 99%. Hiện chiến dịch tranh cử chỉ còn là cuộc đua xem ai sẽ gặp ông Macron ở vòng cuối, nơi The Economist dự đoán ông tiếp tục giành chiến thắng.
Lo sợ Thế chiến 3, giới siêu giàu đổ xô mua thứ này chuẩn bị cho Ngày Tận thế
Một khảo sát tại Canada cho thấy, “10% dự đoán khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu kết thúc nền văn minh trong 12 tháng tới”… (Ảnh chụp video)
Động thái của Tổng thống Putin đặt lực lượng hạt nhân của nước Nga trong tình trạng báo động cao độ, khi cuộc xâm lược Ukraine tiếp tục diễn biến khó lường, đã làm nhiều người hoảng sợ, đặc biệt là giới siêu giàu. Nhiều người đã sốt sắng mua hầm trú ẩn, chuẩn bị cho một cuộc xung đột hạt nhân nếu xảy ra.
Nhu cầu mua hầm trú ẩn cao đột biến
Theo The Sun, Tổng giám đốc của Công ty Rising S là ông Gary Lynch, có trụ sở tại Texas, cho biết nhu cầu mua boongke để trú ẩn trong Ngày tận thế đã tăng hơn 1000% kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Ông Lynch cho biết thông thường công ty sẽ bán được trung bình từ 2-6 hầm/tháng, và thời điểm này (mùa đông) doanh số bán hàng sẽ chậm hơn. Tuy nhiên chỉ riêng trong ngày Nga bắt đầu khai hỏa vào Ukraine, công ty Rising S đã bán được 5 chiếc.
Một căn phòng trong boongke có giá dao động từ 70.000 đến 240.000 đô la và có thể lên đến nhiều triệu đô la, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. (Ảnh chụp màn hình)
5 boongke này có giá dao động từ 70.000 đến 240.000 đô la. Các boongke có giá thấp từ 40.000 đô la và có thể lên đến nhiều triệu đô la, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
Ông Lynch cho biết, các đơn đặt hàng mua hầm trú ẩn không chỉ giới hạn trong nước Mỹ mà đến từ nhiều nơi như Ý, Anh, Đan Mạch, Nhật Bản, Canada…, cho thấy khá nhiều người lo sợ viễn cảnh Ngày tận thế.
Xu thế cho thấy mọi người hoảng sợ tìm kiếm “boongke ngày tận thế” bùng nổ lên mức cao chưa từng thấy vào cuối tháng 2 vừa qua. Tất nhiên với giá cả đắt đỏ như vậy, hầm trú ẩn dành cho Ngày tận thế chỉ là thứ xa xỉ đối với những người giàu có. Vậy còn đa số người bình thường mua gì trước nỗi lo sợ này?
Nỗi lo chiến tranh hạt nhân có trở thành hiện thực?
Ngày 28/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo 3 lực lượng răn đe hạt nhân trên đất liền, trên không và tàu ngầm ở nước này đã bắt đầu bước vào chế độ chờ, sẵn sàng vận hành với nhân lực được tăng cường.
Bất chấp việc Tổng thống Biden “trấn an” không cần phải lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, rằng Mỹ vẫn chưa ghi nhận bất kỳ động thái cụ thể nào của lực lượng hạt nhân Nga, bao gồm di chuyển đầu đạn ra khỏi kho chứa hoặc tái bố trí binh sĩ, thì nhiều người vẫn hoảng sợ.
Gõ cụm từ “Chiến tranh hạt nhân” (Nuclear war) cho ra 2,64 tỷ kết quả, và các tìm kiếm đã tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử của Google sau khi Nga xâm lược Ukraine. Nhiều người tin rằng cuộc xâm lược này đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến thứ 3.
Hàng triệu triệu người đột nhiên lo lắng về khả năng sẽ xảy ra xung đột hạt nhân. Và thậm chí một khảo sát tại Canada cho thấy, “10% dự đoán khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu kết thúc nền văn minh trong 12 tháng tới”…
Đổ xô mua thuốc i-ốt
Nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh hạt nhân đã khiến thuốc i-ốt trở thành mặt hàng bán chạy trên thế giới, đồng thời dẫn đến việc bùng nổ các video trên YouTube hướng dẫn mọi người cách sống sót sau một vụ nổ hạt nhân. Người ta ghi nhận lượng truy cập vào một trang web có tên NUKEMAP tăng gấp 10 lần.
NUKEMAP mô tả cho bạn biết liệu ngôi nhà của bạn có bị phá hủy hay không nếu vũ khí hạt nhân được kích nổ tại một địa điểm cụ thể.
Người dân châu Âu đã đổ xô tới các hiệu thuốc để lùng mua thuốc i-ốt. Không phải ngẫu nhiên khi nhu cầu về thuốc i-ốt tăng mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt với người dân châu Âu từng phải hứng chịu bụi phóng xạ khi thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân nguyên tử Chernobyl xảy ra vào năm 1986.
I-ốt (dạng viên hoặc siro) được nhiều người coi là một cách bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh như ung thư tuyến giáp trong trường hợp tiếp xúc với phóng xạ. Năm 2011, chính quyền Nhật Bản từng khuyến cáo người dân xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima (bị hư hại sau thảm hoạ kép động đất – sóng thần) nên sử dụng i-ốt.
Theo Fox News, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thuốc Bulgaria, Nikolay Kostov cho biết: “Trong 6 ngày qua, các hiệu thuốc ở Bulgaria đã bán được lượng i-ốt tương đương với lượng bán ra trong một năm. Một số nhà thuốc đã hết hàng”.
Tại CH Séc, đại diện chuỗi hiệu thuốc Dr. Max, Miroslava Stenkova cho biết nhu cầu tích trữ i-ốt tăng vọt đã khiến nhiều cơ sở rơi vào tình trạng cháy hàng.
Theo Vice.com, ở Bỉ, có người còn không thể mua được thuốc i-ốt ngay cả khi đã đến 5 hiệu thuốc khác nhau…
Trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, hầu hết người phương Tây không nghĩ nhiều đến chiến tranh hạt nhân, và thậm chí còn cho rằng đó là ý tưởng hoang đường của giới siêu giàu thừa tiền mua boongke phòng hộ. Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, đặc biệt khi ngày 4/3 Ukraine từng cáo buộc Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu Zaporizhzhia của nước này, nơi có 6 lò phản ứng hạt nhân nguyên tử.
Các nhà quan sát cho rằng, thế giới đang bước vào thời kỳ hỗn loạn nhất trong lịch sử nhân loại.
Đông Bắc
Nga đã phái gần 100% quân lực ở biên giới để xâm lược Ukraine
Tổng thống Putin đã đánh giá thấp sức mạnh quân sự cũng như quyết tâm chống lại Nga của Ukraine. Trước sự chống trả mạnh mẽ bất ngờ của quân đội Ukraine, quân đội Nga đã nản lòng và tiến triển chậm chạp. Bức ảnh chụp các phương tiện cơ giới bộ binh của Nga bị phá hủy trong trận chiến ở Kharkiv, cách biên giới Ukraine-Nga khoảng 50 km, vào ngày 28/2/2022. (Ảnh: Sergey Bobok / AFP) Tây Dương
Một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết vào hôm thứ Hai (07/03) rằng, Hoa Kỳ ước tính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phái “gần 100%” lực lượng quân sự tập kết ở biên giới Nga tới Ukraine.
Hôm 07/03, trang web Politico của Hoa Kỳ đưa tin, tỷ lệ lính biên phòng Nga được cử tới Ukraine là 90% vào thứ Năm tuần trước (03/03), và lần lượt tăng lên 92% và 95% vào thứ Sáu và Chủ Nhật tuần trước.
Vị quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ dữ liệu hôm 07/03 đã từ chối đưa ra đánh giá cụ thể về sức mạnh quân sự của Nga. Ông cho biết Hoa Kỳ vẫn chưa biết liệu Nga có chuyển quân vào Ukraine từ những nơi khác trong nước hay không.
Ông cũng tiết lộ rằng từ quan điểm của cuộc chiến, Hoa Kỳ không thấy có nhiều tiến triển trong quân đội Nga ngoại trừ ở miền nam Ukraine; Tòa Bạch Ốc cho rằng Nga đang tích cực tuyển mộ người Syria tham gia vào cuộc chiến.
Quan chức này cho biết Tổng thống Nga Putin hiện đang dựa vào quân đội nước ngoài để giúp ông tấn công Ukraine, Hoa Kỳ cho rằng điều này rất đáng lo ngại.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời bốn quan chức Hoa Kỳ hôm 06/03 cho biết, Nga đã tuyển mộ những người Syria có kỹ năng chiến đấu trong đô thị, nhằm đánh hạ thủ đô Kyiv của Ukraine.
Một trong các quan chức cho biết, không rõ Nga đã chiêu mộ bao nhiêu người Syria, nhưng người Syria đã vào Nga để chuẩn bị tiến đánh Ukraine.
Ông Charles Lister, một thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông, viện nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã đặt câu hỏi về hiệu quả chiến đấu của binh sĩ Syria. Ông nói rằng người Syria ở Ukraine không nói tiếng địa phương, môi trường sống cũng hoàn toàn khác biệt.
Vào đêm muộn ngày 23/02, một ngày trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn trước toàn quốc rằng 200,000 quân Nga đã tập kết ở biên giới Ukraine.
Kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự ở miền bắc, miền đông và miền nam Ukraine, là nơi sinh sống của 2/3 dân số Ukraine trước chiến tranh, và cuộc chiến đã khiến một số lượng lớn người dân phải di tản.
Thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố lớn thứ hai Kharkiv, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine. Nga đã chiếm được thành phố cảng phía nam Ukraine là Kherson và đang tấn công các thành phố khác.
Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba nói với truyền hình Ukraine vào tối ngày 06/03 rằng, khoảng 20,000 tình nguyện viên nước ngoài từ 52 quốc gia khác nhau đã tham gia cuộc chiến chống Nga ở Ukraine và sẽ tham gia “Quân đoàn quốc tế” mới được thành lập.
Lý Duyên
Mai Thanh biên dịch
Nga đe dọa ngừng đường ống khí đốt từ Nga sang Đức, cảnh báo giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak (Reuteurs)
Lo ngại về một cuộc chiến tranh năng lượng giữa Nga và phương Tây đã tăng lên vào thứ Ba (8/3) sau khi Hoa Kỳ thúc đẩy các đồng minh của mình xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga như một sự trừng phạt đối với cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, nơi các cuộc đàm phán về hành lang nhân đạo đạt được rất ít tiến triển.
Nga cảnh báo có thể ngừng dòng khí đốt qua các đường ống từ Nga sang Đức để đáp lại quyết định của Berlin vào tháng trước về việc đình chỉ đường ống Nord Stream 2. Nga cung cấp 40% khí đốt cho châu Âu.
“Chúng tôi có mọi quyền để đưa ra quyết định phù hợp và áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động bơm khí qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Hai.
Ông Novak cũng cảnh báo rằng giá dầu có thể tăng gấp đôi lên 300 USD/thùng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Hiện dầu và khí đốt vẫn là nguồn thu quan trọng của Nga sau khi nước này bị đóng băng khỏi thị trường tài chính phương Tây.
Các nhà phân tích tại Bank of America cho rằng nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, có thể sẽ gây nên thiếu hụt từ 5 triệu thùng/ngày trở lên, đẩy giá lên tới 200 USD.
Giá dầu đã lên mức cao nhất trong 14 năm vào thứ Ba, với giá dầu Brent giao sau tăng 1,06 USD, tương đương 0,9%, lên 124,27 USD/thùng lúc 02:23 GMT.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh vào thứ Hai, gợi ý các nước cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy vậy, cho đến nay, các nước phương Tây thiếu đồng thuận trong việc này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết hôm thứ Hai (7/3) rằng bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt nào của Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine nên được nhìn nhận “qua một lăng kính khác” so với các biện pháp trừng phạt khác.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nhập khẩu năng lượng của Nga là “thiết yếu” đối với cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu và rằng lệnh cấm khai thác dầu khí của Nga có thể khiến an ninh năng lượng của châu Âu gặp rủi ro.
Cuộc xâm lược của Nga – cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai – đã khiến 1,7 triệu người phải chạy tị nạn. Phương Tây đã áp dụng một loạt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Moscow, nhưng vẫn tiếp tục mua dầu của Nga.
Tài tử Titanic Leonardo góp 10 triệu USD cho vùng đất ruột thịt Ukraine
Vào ngày 7/3, ngôi sao Hollywood Leonardo DiCaprio, người từng đoạt giải Oscar, đã quyên góp 10 triệu USD để giúp đỡ Ukraine. Riêng lần quyên góp khổng lồ này của Leonardo không chỉ thể hiện sự nhân đạo mà còn có tình cảm máu thịt trong đó.
Tài tử Leonardo DiCaprio. (Ảnh: Andrea Raffin/ Shutterstock)
Leonardo DiCaprio là một diễn viên, nhà sản xuất phim người Mỹ, nổi tiếng với các vai diễn trong bộ phim ăn khách Titanic, Romeo + Juliet, The Basketball Diaries… Bộ phim thảm họa châm biếm ngày tận thế Don’t Look Up của nam diễn viên 47 tuổi Leonardo DiCaprio gần đây đã lập thành tích hàng đầu Netflix, thu về hơn 200 triệu lượt xem. Bom tấn hài châm biếm xã hội, chính trị Mỹ này được netizen Việt xuýt xoa khen ngợi là “Táo Quân phiên bản Mỹ”.
Đã gần 2 tuần kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí đã lên tiếng ủng hộ Ukraine và lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga.
Hôm qua (ngày 7/3), Tập đoàn Visegrad Four (V4), một tổ chức hợp tác của Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia thông báo rằng ngôi sao Leonardo DiCaprio đã quyên góp 10 triệu USD để giúp Ukraine. Khoản quyên góp khổng lồ này có thể nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực chống lại Nga và hoạt động nhân đạo trong nước.
Sự kiện này lần nữa thu hút sự chú ý khi một nhà phê bình phim nổi tiếng tiết lộ: “Bà ngoại của Leonardo đến từ Odessa, thành phố lớn thứ ba ở Ukraine.”
Theo Apple Daily, trong một cuộc phỏng vấn trước đây, Leonardo cho biết anh mang trong mình một nửa dòng máu Nga. Lý do là vì bà ngoại của anh là một công dân Đức gốc Nga và sinh ra ở Odessa, Ukraine, nhưng trên thực tế, người dân địa phương đều nói tiếng Nga. Tuy nhiên, bối cảnh thời gian và không gian lại khác nhau, khi đó giữa hai nước không có mối quan hệ xấu nào, do đó, truyền thông Ukraine vào thời điểm đó đã không đính chính về vấn đề này. Đúng ra, Leonardo nên nói rằng mình có một nửa dòng máu Ukraine.
Tuy nhiên, bất kể là dòng máu nào, việc quyên góp lần này của Leonardo, chắc chắn đã thể hiện sự chân thành và ủng hộ to lớn của anh đối với Ukraine.
Mộc Lan
Ngân hàng Thế giới duyệt khoản vay và viện trợ không hoàn lại 723 triệu USD cho Ukraine
Hôm thứ Hai (8/3), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, ban điều hành của họ đã phê duyệt gói cho vay và viện trợ không hoàn lại trị giá 723 triệu đô la dành cho Ukraine, cung cấp sự hỗ trợ ngân sách rất cần thiết cho chính phủ Ukraine trong bối cảnh quốc gia này đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới tại Washington, D.C., Hoa Kỳ (Ảnh minh họa: Getty Images)
Reuters đưa tin, WB nêu rõ trong một thông báo, gói này bao gồm khoản cho vay 350 triệu đô la bổ sung cho khoản cho vay trước đó của Ngân hàng Thế giới, tăng khoảng 139 triệu đô la thông qua sự bảo lãnh của Hà Lan và Thụy Điển.
Gói này cũng bao gồm khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 134 triệu đô la từ Anh, Đan Mạch, Latvia, Litva, và Iceland, cũng như khoản tài trợ song song trị giá 100 triệu đô la từ Nhật Bản.
Các khoản cho vay hỗ trợ ngân sách của Ngân hàng Thế giới thường không có những quy định hạn chế về cách thức chi tiêu, nhưng WB lưu ý, khoản hỗ trợ “giải ngân nhanh” sẽ giúp chính phủ Ukraine cung cấp các dịch vụ quan trọng, trả lương cho nhân viên y tế, tài trợ lương hưu và tiếp tục các chương trình xã hội.
Trong một thông báo, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhấn mạnh: “Tổ chức Ngân hàng Thế giới đang hành động nhanh chóng để hỗ trợ Ukraine và người dân nước này khi đối mặt với bạo lực và sự gián đoạn nghiêm trọng do cuộc xâm lược của Nga gây ra.”
Ông cam kết: “Tổ chức Ngân hàng Thế giới sát cánh với người dân Ukraine và khu vực. Đây là bước đầu tiên trong nhiều bước mà chúng tôi đang thực hiện để giúp giải quyết những tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng này đối với con người và nền kinh tế.”
WB còn tiết lộ, tổ chức tài chính này đang tiếp tục thực hiện một gói hỗ trợ khác trị giá 3 tỷ đô la cho Ukraine trong những tháng tới, đồng thời hỗ trợ thêm cho các quốc gia láng giềng đang tiếp nhận người tị nạn Ukraine, hiện đã vượt quá 1,7 triệu người, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.
Gia Huy