Tạp Chí Kinh Tế: Chiến tranh Ukraina : Trung Quốc chờ cơ hội

Tạp Chí Kinh Tế: Chiến tranh Ukraina : Trung Quốc chờ cơ hội
03/08/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

image.png
Hình ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được phát trực tiếp từ lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc tại trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 05/03/2022. AP - Ng Han Guan

Thanh Hà

Nga xâm lăng Ukraina và kinh tế bị phương Tây phong tỏa tứ bề, thế nhưng Kremlin vẫn còn một ngõ thoát hiểm là Trung Quốc. Nhìn từ Bắc Kinh, đâu là những được, thua và giới hạn khi giúp Matxcơva giảm nhẹ tác động của các biện pháp trừng phạt ? Ukraina, một mắt xích trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới và nguy cơ ngành xuất khẩu bị « vạ lây » là những yếu tố thử thách « tình bạn vĩnh cửu » giữa Trung Quốc và Nga.


Ngay sau khi tổng thống Vladimir Putin quyết định xâm lược Ukraina, quốc tế dồn dập ban hành các biện pháp cấm vận nhắm vào kinh tế, vào hệ thống tài chính ngân hàng Nga. Tài sản của một số nhà tỷ phú Nga tại Anh, Đức hay Pháp bị « phong tỏa ». Nhiều tập đoàn đa quốc gia, từ nhãn hiệu Apple của Mỹ đến hãng dầu khí Anh BP, hệ thống Thụy Điển phân phối đồ dùng trong nhà IKEA hay biểu tượng của ngành thời trang hạng sang Pháp Hermès, Chanel … lần lượt thông báo ngừng hoạt động tại Nga.

Phương Tây lần đầu tiên loại hầu hết các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, qua đó chận mọi dịch vụ chuyển ngân giữa Nga với các khách hàng trên thế giới và các hoạt động xuất nhập khẩu của Nga bị đóng băng. Hơn một chục ngày Ukraina sống dưới bom, đạn của quân đội Nga, Âu Mỹ tiếp tục nhập khẩu dầu khí của Nga và vẫn chưa tìm được phương án thay thế. Do lệ thuộc đến 40 % vào một nguồn cung cấp khí đốt duy nhất là Nga, tùy theo thời giá mỗi ngày Liên Hiệp Châu Âu vẫn rót vào ngân quỹ của Nga từ 500 đến 800 triệu euro.

Riêng đối với Nga, hậu quả kèm theo từ những đợt trừng phạt nói trên là đồng rúp tuột giá không phanh – mất 20% trong phiên giao dịch hôm 28/02/2022 so với đô la, hàng chục ngàn nhân viên Nga mất việc do các công ty nước ngoài rút lui hay tạm ngừng hoạt động.

Lá bài Trung Quốc

Vào lúc bị quốc tế cô lập, nước Nga của tổng thống Vladimir Putin có thể trông cậy vào láng giềng Trung Quốc để giảm nhẹ hậu quả của những biện pháp trừng phạt của phương Tây : Bắc Kinh thông báo mở rộng thỏa thuận nhập khẩu lúa mì với nước Nga. Berlin « đóng cửa » đường ống Nord Stream 2 đưa khí đốt của Nga sang tận cảng Greiswald, miền bắc nước Đức, thì Bắc Kinh và Matxcơva rầm rộ thông báo khởi động một dự án đường ống dẫn khí đốt thứ nhì Power of Siberia, đi qua Mông Cổ, có công suất 50 tỷ mét khối /năm, tương đương với công suất của Nord Stream 2 tại châu Âu.

Nga trông cậy vào Trung Quốc bởi nhiều lý do : Bắc Kinh nhiều tiền, như ghi nhận của chuyên gia kinh tế Paola Subacchi đại học Luân Đôn. Ngoài ra Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại, tài chính hàng đầu của Nga từ nhiều năm qua. Mối quan hệ đó càng được mở rộng từ khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée năm 2014 và bị phương Tây trừng phạt. Sau cùng, Nga là một trong những nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới, còn Trung Quốc cần từ dầu khí đến khoáng sản của Nga để phục vụ cỗ máy sản xuất.

Do căng thẳng địa chính trị, trong hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu Nga với Trung Quốc tăng hơn 40 % so với cùng thời kỳ năm ngoái (theo thống kê của Hải Quan Trung Quốc).

Nga lại càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc

Giới quan sát thậm chí xem Trung Quốc là « cái phao » kinh tế của nước Nga ở thời điểm này. Bắc Kinh khẳng định là « đối tác thương mại số 1 của Nga » theo như thông cáo gần đây của bộ Thương Mại. Trả lời đài phát thanh France Culture, (hôm 05/03/2022) chuyên gia kinh tế Françoise Nicolas, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp đặc trách khu vực châu Á, đưa ra hai con số cho thấy, khối 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu mới là khách hàng quan trọng nhất của Bắc Kinh :

Françoise Nicolas « Có hai góc độ khác nhau : thứ nhất, quả thực là câu hỏi Trung Quốc có thể làm được những gì để hỗ trợ Nga trên phương diện kinh tế và thứ hai là Bắc Kinh có lợi gì khi đứng về phía Matxcơva. Ngay trên điểm đầu tiên, cần lưu ý rằng mọi người cứ xoáy vào chỗ Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga. Không đúng là như vậy. Đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Nga là Liên Hiệp Châu Âu, chiếm 34 % tổng trao đổi mậu dịch của nước này. Trong khi đó Trung Quốc chỉ chiếm có 18 %. Nói cách khác trọng lượng của Trung Quốc không thấm vào đâu so với châu Âu trên thị trường Nga. Một điểm cần lưu ý khác, Liên Âu và Trung Quốc cùng là bạn hàng của Nga nhưng không xuất hay nhập khẩu cùng những mặt hàng như nhau. Thành thử Trung Quốc không thể thay lấp vào chỗ trống mà Liên Hiệp Châu Âu để lại ».

Theo thống kê châu Âu Eurosat, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Liên Âu và Trung Quốc năm 2021 đạt 604 tỷ euro. Về xuất và nhập khẩu, Liên Hiệp Châu Âu là « khách hàng nặng ký thứ nhì của Trung Quốc ». Nga đứng hạng thứ 18. Năm 2020 mậu dịch song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt chưa đầy 150 tỷ euro.

Thực hư về hồ sơ năng lượng
Ngay cả về năng lượng, đành rằng Nga bảo đảm 20 % khí đốt và 30 % dầu hỏa cho Trung Quốc nhưng đối với nước Nga, Liên Hiệp Châu Âu mới là khách hàng quan trọng nhất và gần 80 % khí đốt khai thác dành để bán sang châu Âu. Do vậy còn quá sớm để cho rằng Nga dễ dàng trông cậy vào Trung Quốc ngay cả về năng lượng, nhất là về khí đốt.

Françoise Nicolas : « Những mặt hàng đó, phải đi qua ngả các đường ống dẫn khí đốt. Không dễ để dịch chuyển những đường ống đó. Hai đường ống dẫn sang châu Âu và Trung Quốc hoàn toàn khác nhau và không có bất kỳ một điểm nào để kết nối vào với nhau. Khí đốt cung cấp cho châu Âu được khai thác từ vùng Tây Siberi, ngược lại khí đốt bán cho Trung Quốc xuất phát từ vùng Đông Siberia. Năm 2014 sau khi Nga chiếm bán đảo Crimée của Ukraina, Matxcơva và Bắc Kinh đã ký hợp đồng cho phép tăng mức xuất khẩu sang Trung Quốc qua ngả đường ống mang tên Power of Siberia. Đây là một đoạn đường dài hơn 2.000 cây số đã được khánh thành hồi 2019. Trên nguyên tắc mỗi năm Nga cũng cấp 38 tỷ mét khối cho Trung Quốc qua ngả này. Nhưng cho đến cuối 2021, tức là sau 2 năm hoạt động, năng suất thực sự chỉ ở khoảng 10 tỷ mét khối một năm. Để so sánh, 70 % khí đốt của Nga dành để xuất khẩu sang Châu Âu. Do vậy trong trường hợp Bruxelles ngừng mua khí đốt của Nga, trước mắt Trung Quốc không thể bù đắp cho khoản thất thu từ  của Nga với đối tác châu Âu ».

Một điểm thứ ba được chuyên gia kinh tế của viện IFRI nêu bật đó là một mặt Bắc Kinh tránh lên án Nga xâm chiếm Ukraina, nhìn nhận những băn khoăn của Matxcơva « về an ninh quốc gia là chính đáng », nhưng hậu thuẫn hành động quân sự của Nga, hay công khai giúp Matxcơva lách các biện pháp trừng phạt quốc tế, như thể thách thức phương Tây, lại là một chuyện khác :

Françoise Nicolas :« Tôi không chắc là Bắc Kinh cương quyết, công khai hay cố tình hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt quốc tế bởi Trung Quốc và Ukraina có một mối bang giao chặt chẽ về mặt thương mại và không không muốn để mất đối tác này. Bên cạnh đó Trung Quốc lo ngại bị vạ lây nếu bao che quá lộ liễu cho nước Nga, bởi như đã biết, không vì nước Nga mà Bắc Kinh gây nên hiềm khích với Liên Âu và qua Liên Âu là cả Hoa Kỳ ».

Chiến tranh Ukraina, thách thức và cơ hội đang mở ra với Trung Quốc
Chuyên gia về đông bắc Á, Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp cho rằng Trung Quốc sẽ không vì nước Nga và tổng thống Putin mà hy sinh hai đối tác thương mại quan trọng nhất là Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, nhất là trong bối cảnh kinh tế của bản thân Trung Quốc hiện tại cũng đang phải « đối mặt với nhiều thách thức » và tỷ lệ tăng trưởng dự phóng chỉ ở đạt 5,5 % trong năm 2022, mức thấp nhất từ 1991. Hơn nữa Ukraina  tuy nhỏ nhưng là một « kho ngũ cốc của thế giới » rất cần thiết với Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng không thể quên rằng 2017 Kiev đã tham gia dự án Vành Đai Con Đường gắn kết Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Françoise Nicolas : « Con đường tơ lụa mới là một dự án lớn do ông Tập Cận Bình ấp ủ. Phải nói là hiện tại dự án này không tiến triển như Bắc Kinh mong đợi, ngoại trừ chương trình đường sắt đi từ Trung Quốc sang châu Âu, tức là đi qua Nga và đông Âu. Và trong dự án này, Ukraina là một mắt xích quan trọng. Trung Quốc không có lợi ích gì nếu chiến sự kéo dài, vì chiến sự đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của mạng đường sắt Á – Âu ».

Trong gần hai tuần qua rất nhiều các doanh nghiệp Nga mau mắn mở tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc. Bị loại khỏi thệ thống SWIFT, về mặt lý thuyết Matxcơva có thể trông cậy vào hệ thống tương tự CIPS mặc dù công cụ giao dịch tài chính này của Trung Quốc giới hạn ở các dịch vụ thanh toán bằng nhân dân tệ.

Theo một chuyên gia của Ngân Hàng Trung Ương Phần Lan, dù rất muốn tận dụng cơ hội này để áp đặt một trật tự tài chính mới, giảm ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ, song có nhiều khả năng Bắc Kinh tránh lao vào cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây. Bởi Trung Quốc đề phòng Washington dùng nguyên tắc ngoài lãnh thổ để trừng phạt những ai dùng đồng đô la Mỹ trong các dịch vụ mua bán, đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ.

Điều đó không cấm cản các tập đoàn Trung Quốc đang trông thấy nhiều cơ hội sẽ mở ra một khi Nga và Ukraina đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Cổ phiếu của nhiều công ty Trung Quốc trong lĩnh vực vận tải đường biển, khai thác hải cảng  (Jinzhou Port có trụ sở tại liêu Ninh, Xinjiang Tianshun Supply Chian), đã tăng vọt từ khi chiến sự khai mào. Trả lời hãng tin Anh Reuters, Ade Chen quản lý quỹ đầu tư GFI ở Quảng Đông cho biết : « các doanh nghiệp Trung Quốc đang đánh cuộc là hợp tác giữa Nga và Trung Quốc sẽ gia tăng » đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, vận tải, hậu cần.

Về phần Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp thì nhấn mạnh đến bài học mà Bắc Kinh đang rút ra từ các đợt trừng phạt của Âu Mỹ nhắm vào kinh tế Nga lần này :

Antoine Bondaz : « Theo tôi bài học lớn Bắc Kinh rút ra từ xung đột này, và đó cũng là điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã trông thấy trước, đó chính là cần nâng cao thêm nữa mức độ tự lập về mặt chiến lực, có nghĩa là mở rộng thêm nữa khả năng kháng cự, giảm lệ thuộc vào các nền kinh tế phương Tây, giảm lệ thuộc vào kỹ thuật và công nghệ cao của Âu, Mỹ. Trung Quốc cũng tránh để các công ty nước ngoài chiếm một vị trí quá lớn trong cơ cấu kinh tế quốc gia, trong các lĩnh vực chiến lược. Đề phòng kịch bản các hãng ngoại quốc rút đi làm khuynh đảo hệ thống kinh tế nước này. Bắc Kinh cũng đã bị bất ngờ vì chưa bao giờ Liên Âu và Mỹ lại đưa ra những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chưa từng thấy ».

Nhà Trung Quốc học François Godement đưa ra hai nhận xét : Bắc Kinh thận trọng quan sát phản ứng của Âu, Mỹ với Nga dò xét quyết tâm của phương Tây qua  các biện pháp trừng phạt Matxcơva. Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ khó có thể thuyết phục được Trung Quốc  nếu như do dự quá lâu về khả năng cấm vận dầu khí của Nga. Thứ nữa, vẫn theo chuyên gia này, ông Tập Cận Bình tới nay cứ ngỡ rằng Liên Hiệp Châu Âu chỉ quan tâm đến những vấn đề « vòng ngoài », như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ quyền của những người chuyển giới tính... Chiến tranh Ukraina làm lộ rõ Liên Âu có thể là một khối thống nhất cả về mặt an ninh và quân sự khi cần. François Godement kết luận : đó là điều sẽ làm thay đổi tương quan giữa Bắc Kinh với Bruxelles nhân thượng đỉnh vào đầu tháng 4/2022.

Có một thực tế không thể chối cãi là nếu quả thực Trung Quốc là « ngõ thoát hiểm » kinh tế đối với Nga thì sớm muộn gì Bắc Kinh cũng sẽ đòi Matxcơva phải trả giá một cách tương xứng, bởi Trung Quốc đi buôn bao giờ cũng phải có lãi.