ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 9/3/2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 9/3/2022
03/09/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

TT Zelensky: Ukraine không còn thúc đẩy gia nhập NATO như trước

image.png
Trong một động thái nhằm xoa dịu Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông không còn thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO và sẵn sàng thỏa hiệp về tình trạng 2 vùng lãnh thổ ly khai.

“Tôi đã hạ nhiệt với vấn đề này từ lâu sau khi chúng tôi hiểu rằng … NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine”, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối 7/3 trên ABC News.

“Liên minh NATO sợ những điều gây tranh cãi và đối đầu với Nga”, Tổng thống nói thêm.

Đề cập đến tư cách thành viên NATO, ông Zelensky cho biết thông qua một phiên dịch viên rằng ông không muốn trở thành tổng thống của một “quốc gia phải quỳ gối cầu xin điều gì đó”.

Trước đó, Nga cho biết họ không muốn nước láng giềng Ukraine gia nhập NATO, liên minh xuyên Đại Tây Dương được tạo ra vào đầu Chiến tranh Lạnh để bảo vệ châu Âu khỏi Liên Xô.

Trong những năm gần đây, NATO đã mở rộng hơn và xa hơn về phía đông để tiếp nhận các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Điều này đã khiến Điện Kremlin tức giận. Nga coi sự bành trướng của NATO là một mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine cho biết ông sẵn sàng “thỏa hiệp” về tình trạng 2 vùng lãnh thổ ly khai thân Nga mà Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập ngay trước khi tấn công Ukraine.

Ngay trước khi gây chấn động thế giới vì ra lệnh tấn công Ukraine, ông Putin đã công nhận độc lập của hai “nước cộng hòa” ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine – Donetsk và Lugansk. Hiện ông Putin cũng muốn Ukraine công nhận chủ quyền và độc lập của 2 nước này.

Trả lời ABC News về yêu cầu này của Nga, ông Zelensky cho biết ông sẵn sàng đối thoại. “Tôi đang nói về việc đảm bảo an ninh”.

Ông cho biết hai khu vực này “chưa được công nhận bởi bất kỳ ai ngoài Nga. Nhưng chúng ta có thể thảo luận và tìm ra thỏa hiệp cho trạng thái của các vùng này”.

“Điều quan trọng đối với tôi là người dân ở những lãnh thổ đó sẽ sống như thế nào, ai muốn trở thành một phần của Ukraine, ai ở Ukraine sẽ nói rằng muốn có họ”, Zelensky nói.

“Vì vậy, vấn đề phức tạp hơn là việc chỉ cần thừa nhận chúng”, Tổng thống nói.

“Đây là một tối hậu thư khác và chúng tôi không chuẩn bị cho các tối hậu thư. Điều cần làm là Tổng thống Putin hãy bắt đầu nói chuyện, bắt đầu đối thoại thay vì chỉ sống trong bong bóng thông tin thiếu ôxy”.

Hoa Kỳ: Gói viện trợ cho Ukraine cán mốc 14 tỷ USD

image.png
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell

 
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cho biết, gói viện trợ của Quốc hội dành cho Ukraine và các đồng minh Đông Âu hiện ở mức 14 tỷ USD.

Hôm thứ Ba (8/3), Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã công bố gói viện trợ cho Ukraine, bao gồm các khoản đảm bảo cho vay để giúp các đồng minh NATO, bao gồm Ba Lan, mua máy bay Mỹ để thay thế các máy bay chiến đấu được chuyển giao cho Ukraine.

Gói viện trợ 14 tỷ USD sẽ được phê duyệt trong tuần này

Ngay sau đó, Lãnh đạo Đa số Chuck Schumer cho biết chi phí sẽ nằm trong khoảng trên 12 tỷ USD và dưới 14 tỷ USD.

Khoản chi này sẽ là một phần của dự luật chi tiêu toàn chính phủ trị giá 1,5 nghìn tỷ USD. Các nhà lập pháp hy vọng dự luật sẽ được bỏ phiếu trong tuần này, sẽ là nguồn tài trợ cho chính phủ liên bang trong cả năm tài chính và viện trợ thêm cho Ukraine.

Con số này cao hơn con số mà chính quyền ông Biden ban đầu đưa ra là 6,5 triệu USD và 10 tỷ USD theo yêu cầu chính thức của Nhà Trắng với Quốc hội.

Ông McConnell nói với các phóng viên: “Dự luật cần phải được thông qua nhanh chóng", đồng thời chỉ trích tốc độ phê duyệt của gói viện trợ.

Lưỡng đảng đã tăng cường sự đoàn kết trước cuộc chiến tại Ukraine. Cuộc tấn công của Nga đã tàn phá nhiều vùng đất của Ukraine và gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Joe Biden đã quá chậm để giúp Ukraine và các quốc gia NATO hỗ trợ nước này, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và tổng thống của nước này, Vladimir Putin. Đảng Dân chủ cho rằng cần có thời gian để đưa các đồng minh châu Âu phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng của Nga.

Hôm 26/2, ông Biden cũng chấp thuận viện trợ 350 triệu USD về vũ khí cho Ukraine - hai ngày sau khi ông Putin phát động một 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở quốc gia này. Bộ Ngoại giao Mỹ đã viện trợ vũ khí chống tăng Javelin, hệ thống phòng không, đạn dược và áo giáp.

Các nhà lãnh đạo Hạ viện đã hy vọng rằng viện có thể thông qua dự luật vào thứ Tư (10/3) và đệ trình lên Thượng viện. Các cuộc tranh luận có thể kéo dài.

Các thành viên Đảng Dân chủ cấp cao đã cảnh báo rằng, họ có thể phải bất ngờ trở về Washington vào đêm thứ Sáu sau cuộc rút lui chính trị của đảng ở Philadelphia để thông qua gói viện trợ hoặc thông qua một dự luật ngắn hạn khác ngăn chặn việc đóng cửa liên bang. Tài trợ tạm thời cho các cơ quan liên bang sẽ hết hạn vào cuối ngày thứ Sáu.

Mỹ cam kết phân bổ 10 tỷ USD viện trợ cho Ukraine

Trong cuộc gọi video với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua (5/3), các nhà lập pháp Mỹ đã cam kết sẽ phân bổ thêm 10 tỷ USD viện trợ cho quốc gia này trong bối cảnh Ukraine phải đối mặt với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Trong cuộc điện đàm với sự tham gia cả các nhà lập pháp Mỹ đến từ lưỡng đảng với Tổng thống Ukraine Zelensky, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ - Chuck Schumer khẳng định, giới chức cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang nỗ lực thúc đẩy để gói viện trợ 10 tỷ USD được nhanh chóng thông qua. Ông cho biết thêm gói viện trợ sẽ chủ yếu hướng tới viện trợ nhân đạo và hỗ trợ quân sự.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Steve Daines khẳng định, giới chức trách Mỹ đều thống nhất cần nhanh chóng gia tăng hỗ trợ người dân Ukraine về kinh tế, nhân đạo và an ninh trong bối cảnh “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga dành cho Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài.

Tuy nhiên trước lời kêu gọi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt rộng rãi đối với Nga, bao gồm cả lĩnh vực dầu khí của Tổng thống Ukraine, Nhà Trắng cho rằng chưa thể đưa ra quyết định do lo ngại giá dầu tăng cao hơn nữa và gây ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng Mỹ do lạm phát kỷ lục.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/3 cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang gia tăng viện trợ nhân đạo, kinh tế và an ninh cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các đòn trừng phạt mà Hoa Kỳ cùng các đối tác và đồng minh cũng như ngành công nghiêp tư nhân, nhằm gia tăng thiệt hại cho Nga do đã tấn công Ukraine.

Tổng thống Biden hoan nghênh quyết định của Visa và Mastercard ngừng hoạt động ở Nga. Tổng thống Biden cho biết, chính quyền của ông đang tăng viện trợ kinh tế, nhân đạo và an ninh cho Ukraine và đang làm việc chặt chẽ với quốc hội nhằm tăng ngân sách hỗ trợ cho Ukraine. Tổng thống Biden cũng nhắc lại quan ngại về vụ tấn công mới đây của Nga vào một nhà máy điện nguyên tử ở Ukraine.

Giám đốc CIA: Ông Putin bất ngờ về tình hình chiến sự ở Ukraine

image.png
Giám đốc CIA cho biết những diễn biến chiến sự tuần qua khiến Tổng thống Putin bất ngờ và đặt ra các thách thức cho Nga.

Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hôm 8/3, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns nói lòng dũng cảm, trí tuệ cùng với sức mạnh lãnh đạo của người Ukraine khiến ông Putin ngạc nhiên, theo New York Times.

Burns cho biết: "Thay vì chiếm giữ Kyiv trong vòng 2 ngày đầu tiên của chiến dịch, vốn là kế hoạch của Putin. Nhưng sau gần hai tuần, họ vẫn chưa thể bao vây hoàn toàn thành phố".

Tiếp theo, “ông ấy không khỏi lo lắng trước phản ứng của phương Tây và quyết tâm của các đồng minh, đặc biệt là một số quyết định mà chính phủ Đức đã đưa ra”, giám đốc CIA đánh giá.

Thêm vào đó, giám đốc CIA cho rằng ông Putin lo lắng trước năng lực chiến đấu của quân đội Nga. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đến nay đã gần 2 tuần, cho thấy kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh ban đầu của Moscow đã không dễ dàng đạt được.

Kế hoạch của Putin dựa trên 4 giả thuyết?

Ông Burns nói trước Ủy ban Tình báo Hạ viện: "Tôi nghĩ Putin đang tức giận và thất vọng. "Các kế hoạch quân sự và các giả định của ông ấy dựa trên một chiến thắng nhanh chóng, quyết định", theo báo NPR.

Giám đốc CIA cho biết ông Putin đặt tiền đề cho cuộc chiến dựa trên 4 giả thiết sai lầm: "Ông ấy nghĩ rằng Ukraine yếu, tin rằng châu Âu đang bị phân tâm và sẽ không có phản ứng mạnh mẽ. Ngoài ra, ông ấy nghĩ rằng nền kinh tế Nga đã sẵn sàng để chống chọi với các lệnh trừng phạt và ông ấy tin rằng quân đội Nga đã được hiện đại hóa và sẽ chiến đấu hiệu quả".

Burns, người từng là đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 2005 đến năm 2008, cho biết: “Nhưng ông ấy đã sai trong mọi giả thiết trên".

Trước đó, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết ông Putin hiện đã đưa tất cả khoảng 150.000 binh lính chuyên nghiệp vào Ukraine.

Cơ quan tình báo Mỹ đưa ra ước tính mới nhất về việc 2.000-4.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi cuộc tấn công được tiến hành.

Chiến sự tiếp tục leo thang?

Giám đốc CIA cho biết hiện ông nghĩ rằng Putin sẽ leo thang các hoạt động quân sự trong khi người Ukraine sẽ tiếp tục chống trả quyết liệt. Ông nói, kết quả có thể xảy ra là "một vài tuần tồi tệ tiếp theo" của cuộc chiến giành quyền kiểm soát các thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kyiv.

Đánh giá của ông Burns được bà Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia, đồng tình.

"Các nhà phân tích của chúng tôi đánh giá rằng Putin khó có thể bị cản trở bởi những thất bại như vậy và thay vào đó có thể leo thang", bà Avril nói trong phiên điều trần.

Và bà đã cảnh báo nguy cơ hiểu lầm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Bà Avril nói: "Với mức độ căng thẳng cao như thế này, luôn có khả năng xảy ra tính toán sai lầm, leo thang ngoài ý muốn".

Ông Burns nhận định việc nhà lãnh đạo Nga hạn chế tiếp nhận những quan điểm trái chiều khiến ông "cực kỳ khó đối phó".

Ông Burns cho biết chính phủ Mỹ đang theo dõi sát sao sự ủng hộ trong nước đối với chiến dịch quân sự này. Hiện tại, do nguồn thông tin đa số từ cơ quan truyền thông nhà nước, giám đốc CIA nói người Nga "sẽ mất thời gian" để nhận thấy hậu quả từ cuộc xung đột quân sự.

Nhưng theo thời gian, thương vong của lính Nga sẽ gây ra tác động đến người dân trong nước, theo giám đốc CIA.
 
Nhà báo Nga: Một số người tin tưởng Nga đang chiến đấu với Hitler ở Ukraine
image.png
Một nhà báo Nga cho biết, một số người tin rằng Nga đang chiến đấu với những cộng sự của Hitler tại Ukraine, cho dù lãnh tụ Đức Quốc xã đã chết cách đây 80 năm.
Bà Maria Baronova, cựu tổng biên tập của Russia Today – tờ báo nhà nước Nga, còn được gọi là RT – cho hay, nhiều người Nga bị “tẩy não”, và không ít người tin rằng Nga đang chiến đấu với Adolf Hitler ở Ukraine sau khi Tổng thống Vladimir Putin nói rằng cuộc xâm lược là nhằm “tiêu diệt chủ nghĩa phát xít” ở nước này.

Ông Putin tuyên bố về “hoạt động quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine cách đây 12 ngày và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ rằng chính phủ Ukraine đang được điều hành bởi Đức Quốc xã. Bộ Ngoại giao Nga cũng đăng trên Twitter, các nước phương Tây làm ngơ trước “tội ác chiến tranh” ở Ukraine và sự im lặng của họ đã “khuyến khích sự khởi đầu của chủ nghĩa tân phát xít và hội chứng sợ Nga”.

Bà Baronova nói với Fox News Digital, trong thời đại công nghệ và Internet như hiện nay, bà thực sự không hiểu tại sao người Nga có thể bị tẩy não, bởi rõ ràng là rất khó che giấu thông tin. Tuy nhiên, người ta vẫn bàn tán rằng Nga đang chiến đấu với những cộng sự của Hitler ở Ukraine.

“Tôi cố gắng nói chuyện với những người trên đường phố… họ thậm chí còn có những lý lẽ như ‘Chúng ta đang chiến đấu với Hitler’, nhưng hiển nhiên là Hitler đã chết cách đây 80 năm”, bà cho hay. “Dường như họ thực sự bị tẩy não.”

Ông Putin đã thẳng tay đàn áp các hãng tin tức ngoài nhà nước trong nỗ lực kiểm soát thông tin đang lan truyền về chiến tranh. Một số nền tảng truyền thông xã hội và các tổ chức tin tức độc lập đã đóng cửa hoạt động ở Nga, trong khi những hãng khác phải kiểm duyệt các bài đăng.

Ngày 4/3, Quốc hội Nga đã thông qua một đạo luật, trong đó quy định những ai cố tình phát tán “tin tức giả” về quân đội có thể phải đối mặt với 15 năm tù. Bà Baronova cảnh báo trên Fox News Digital, nếu người dân lên tiếng phản đối Điện Kremlin, họ có thể gặp nguy hiểm, thậm chí là bị giết chết.

Trong khi đó, người dân Ukraine lại so sánh Putin với Hitler. Ngày 7/3, một người dân ở ga xe lửa Kyiv nói với CNN rằng ông Putin, giống như Hitler, sẽ không cảm thấy hài lòng và không chỉ dừng lại ở việc xâm lược một quốc gia.

“Ông ta tệ hơn nhiều [so với Hitler]. Bởi vì Hitler là một kẻ ngốc. [Nhưng dù sao] thì trong suy nghĩ của mình, ông ta [Hitler] làm điều đó là cho người dân Đức, còn ông Putin [làm] điều đó chỉ vì bản thân ông ta, vì quyền lực,” cư dân này nhận xét.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã so sánh nước Nga của Putin với Đức Quốc xã. Ông nhận định, sau vụ thảm sát ở Babyn Yar, khu tưởng niệm hố chôn tập thể Holocaust lớn nhất châu Âu, Nga hiện lặp lại lịch sử.

“Nhắn gửi thế giới: Có ích gì khi luôn rao giảng ‘không bao giờ lặp lại’ trong 80 năm qua, nhưng thế giới lại im lặng khi một quả bom ném xuống cùng một địa điểm của Babyn Yar? Ít nhất 5 người thiệt mạng. Lịch sử đang lặp lại,” ông Zelensky đăng tweet sau vụ tấn công.