Mỹ từ chối đề nghị cung cấp máy bay chiến đấu của Ba Lan cho Ukraine
MiG-29
Hôm thứ Ba, Mỹ đã từ chối lời đề nghị bất ngờ của đồng minh NATO là Ba Lan về việc chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất tới căn cứ của Hoa Kỳ ở Đức như một cách để bổ sung lực lượng không quân của Ukraine.
Hoa Kỳ đã tìm cách đẩy nhanh việc giao vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, viễn cảnh điều máy bay chiến đấu từ lãnh thổ NATO vào vùng chiến sự “gây lo ngại nghiêm trọng cho toàn bộ liên minh NATO”, Lầu Năm Góc cho biết.
NATO cho biết họ không muốn xung đột trực tiếp với Nga, một cường quốc vũ trang hạt nhân, và Tổng thống Joe Biden đã loại trừ việc đưa quân đội Mỹ tới Ukraine để chiến đấu, dù là trên bộ, trên không hay bất cứ nhiệm vụ bay nào.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói về đề xuất của Ba Lan: “Đơn giản là chúng tôi không thấy rõ ràng rằng có một lý do chính đáng cho việc này.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này, cũng như những thách thức khó khăn về hậu cần mà nó đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề xuất của Ba Lan là một đề xuất khả thi.”
Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Ba Lan thông báo rằng họ đã sẵn sàng triển khai các máy bay phản lực MiG-29 của mình tới Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và giao chúng cho Hoa Kỳ sử dụng. Ba Lan cũng kêu gọi các thành viên khác của liên minh có máy bay khác như vậy làm điều tương tự.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết đề xuất của Ba Lan đã khiến Mỹ ngạc nhiên.
“Theo hiểu biết của tôi, việc họ dự định giao những chiếc máy bay này cho chúng tôi đã không được tư vấn trước”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó thực sự là một động thái bất ngờ của người Ba Lan,” bà nói.
Trước đó, sau khi đề nghị lập vùng cấm bay bất thành, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã xin phương Tây cung cấp máy bay do Nga sản xuất – một vấn đề được ông nhấn mạnh trong cuộc gọi điện video hôm thứ Bảy với các nhà lập pháp Mỹ.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ mong muốn tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine và đang thúc đẩy chính quyền Biden tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao máy bay.
Nhưng thông báo của Ba Lan cũng phản ánh tình huống nhạy cảm của chính họ.
Ba Lan đang hỗ trợ Ukraine vũ khí phòng thủ, nhưng tuyên bố sẽ không gửi máy bay phản lực vì nước này không phải là bên trực tiếp gây ra xung đột giữa Ukraine và Nga.
Tuần này, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các nước cung cấp sân bay cho Ukraine để tấn công Nga có thể bị coi là đã tham gia vào cuộc xung đột.
Bà Nuland cho biết vấn đề chính là đánh giá nhu cầu trước mắt của Ba Lan là gì khi nước này tiếp giáp với cuộc xung đột.
“Ba Lan, họ được hưởng lợi từ an ninh hàng không đầy đủ từ liên minh NATO. … Vấn đề chính là đánh giá nhu cầu trước mắt của Ba Lan là gì trong bối cảnh là nước láng giềng của cuộc xung đột này”, bà nói.
Trong một động thái khác, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ bố trí hai khẩu đội tên lửa Patriot tới Ba Lan để chủ động “chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh cũng như lãnh thổ NATO.”
Lê Vy (theo Reuters)
Chiến sự Nga – Ukraine ngày 9/3: Giao tranh diễn ra tại cửa ngõ vào thủ đô Kiev
Các binh sĩ Ukraine hỗ trợ một dân thường, trong khi nhiều người băng qua một cây cầu bị phá hủy, để sơ tán khỏi Irpin, một thành phố phía tây bắc Kyiv, sau trận pháo kích lớn ngày 5/3/2022. (Ảnh AFP / Getty Images)
Tình hình đặc biệt nóng bỏng ở miền nam Ukraine, với trọng điểm là thành phố Mariupol và Mikolaiv. Giao tranh vẫn diễn ra trên các cửa ngõ vào thủ đô Kiev.
Dưới đây là tổng hợp những tin tức mới nhất về tình hình chiến sự Nga và Ukraine hôm nay, ngày 9/3/2022:
Tình hình Nga – Ukraine mới nhất ngày 9/3
Cuộc tấn công của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 14 (09/03/2022), với những diễn biến mới rất phức tạp.
Theo Reuters, Nga đã cảnh báo rằng họ đang tiến hành một đòn đáp trả “nhanh chóng” và ở những lĩnh vực quan trọng nhất, đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sáng 9/3, ông Dmytro Zhyvytskyi, thị trưởng thành phố Sumy, cho biết một người chết, 14 người bị thương và nhiều người mất tích sau cuộc pháo kích tối qua của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng ở quận Okhtyr như ga đường sắt, các cửa hàng địa phương. Ông Zhyvytskyi nói Sumy không có điện, nước và bị gián đoạn hệ thống thoát nước. Các hành lang nhân đạo rời khỏi Sumy cũng được mở suốt đêm qua để người dân rời vùng chiến sự.
Ngày 9/3, giới chức Ukraine cho biết khoảng 5.000 người và 1.000 ôtô đã được sơ tán khỏi thành phố Sumy ở phía bắc Ukraine. Sumy đã bị tấn công nặng nề trong vài ngày qua và gần như bị cắt đứt với phần còn lại của Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkvo tuyên bố: Quân đội Nga đã loại khỏi vòng chiến 2.581 đối tượng thuộc cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Cụ thể bao gồm: 90 sở chỉ huy và trung tâm liên lạc của các lực lượng vũ trang Ukraine, 123 hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk M-1 và Osa, 81 trạm radar.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã gửi áo chống đạn cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nhật gửi áo chống đạn ra nước ngoài, theo CNN. Nhật Bản cũng có kế hoạch gửi các hỗ trợ khẩn cấp phi sát thương khác như thực phẩm, sản phẩm vệ sinh, máy ảnh, máy phát điện, lều và quần áo mùa đông cho người dân Ukraine.
Ngày 8/3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã không còn chuyển dữ liệu cho cơ quan này, bày tỏ lo ngại cho tình trạng của hơn 200 nhân viên đã làm việc suốt 13 ngày tại đây kể từ khi Nga tiếp quản nhà máy.
Về tình hình chiến sự trên phía bắc Ukraine
Giao tranh tiếp tục diễn ra ở các cứ điểm cửa ngõ Kiev: Bucha, Irpin, và trên phòng tuyến Borodyanka-Vorzel ở phía tây bắc thủ đô của Ukraine.
Quân đội Nga tiếp tục phong tỏa Chernihiv, Pryluky và Mena vẫn tiếp tục. Tại ngôi làng Bogdanovka, phía đông bắc Brovary, người dân cho biết đã nhìn thấy đoàn xe thiết giáp của Nga.
Về tình hình chiến sự trên phía đông Ukraine
Theo tuyên bố của phía Nga, các lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) đã tiếp tục tấn công, giành quyền kiểm soát Pudovka và Nizhnee.
Các đơn vị dân quân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) đã giành quyền kiểm soát Olenovka, Pol’noe và Yuzhno-Donbass. Các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nga đã kiểm soát Peredovoe và Kariernaya. Quân đội Nga tiếp tục phong tỏa Sumy, Konotop và Akhtyrka.
Về tình hình chiến sự trên phía nam
Điểm nóng vẫn là thành phố Mariupol. Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi chấm dứt ngừng bắn, các đơn vị dân quân DPR cũng tiến thêm 800-900 mét.
Mikolaiv bị bao vây chặt chẽ ở ba phía. Ngoài ra, quân đội Nga đang tăng cường hiện diện trên hướng Krivoy Rog trong khu vực Snegireva và Bashtanka.
Về tình hình đàm phán giữa hai bên
Thời điểm diễn ra vòng đàm phán thứ tư giữa Nga và Ukraine vẫn chưa được xác định, nhưng địa điểm đàm phán sẽ là Belarus.
Ba Lan: Các nước NATO phải cùng hành động về việc giao máy bay chiến đấu cho Ukraine - 09/3/2022
Một chiến đấu cơ MIG-29 của Không quân Ba Lan, ảnh chụp hồi tháng 2/2015.
Các quan chức hàng đầu của Ba Lan nói hôm thứ Tư 9/3 rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine phải được thực hiện thông qua NATO, sau khi Washington từ chối lời đề nghị của Ba Lan về việc đưa tất cả các máy bay phản lực MIG-29 của họ tới một căn cứ không quân của Mỹ để sau đó cung cấp các máy bay này cho Kyiv.
Ukraine gần đây tha thiết đề nghị các quốc gia phương Tây cung cấp cho họ máy bay chiến đấu để chống lại cuộc xâm lược của Nga đã làm cho hơn 2 triệu người tị nạn phải chạy khỏi đất nước, và các nhà lập pháp Mỹ đã phản ứng bằng cách thúc ép chính quyền của Tổng thống Joe Biden tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao máy bay.
Hôm 8/3, Ba Lan nói họ sẵn sàng đưa tất cả các máy bay phản lực MIG-29 của họ đến Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và giao chúng cho Hoa Kỳ xử lý, ngoài ra, Ba Lan kêu gọi các thành viên NATO khác cũng làm như vậy. Lầu Năm Góc sau đó đã khước từ lời đề nghị vì không "khả thi".
"Mỹ không muốn các máy bay này đi đến Ukraine từ các căn cứ của Mỹ", Jakub Kumoch, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Ba Lan, nói với đài truyền hình TVP Info. "Ba Lan sẵn sàng hành động, nhưng chỉ trong khuôn khổ của khối liên minh, trong khuôn khổ của NATO".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng đã nhiều lần đề nghị phương Tây lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, nhưng Mỹ và các đồng minh NATO đã từ chối lời kêu gọi đó vì lo ngại sẽ có một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các quốc gia cho Ukraine sử dụng sân bay để tấn công Nga có thể bị coi là đã tham gia vào cuộc xung đột.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói với đài phát thanh Polskie Radio 1 rằng Ba Lan phải ưu tiên an ninh của mình khi xem xét việc cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine.
Ông nói: “Không thể là Ba Lan - là quốc gia duy nhất trong NATO - phải chấp nhận rủi ro, còn các nước khác sẽ không phải bù đắp gì hoặc chia sẻ điều đó với chúng tôi theo bất kỳ cách nào”.
Các chuyên gia cho biết MIG-29 là loại máy bay phản lực được phát triển ở Liên Xô và vì quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay này do Nga chế tạo, nên nó là sự lựa chọn tốt nhất cho các phi công Ukraine, những người đã biết cách vận hành chúng. Việc đào tạo phi công chiến đấu trên máy bay do Mỹ sản xuất có thể mất nhiều năm và cần một hệ thống bảo trì khác.
(Reuters)
CIA: Tập Cận Bình « bối rối » trước việc Nga sa lầy tại Ukraina
Về thái độ của Bắc Kinh trước cuộc can thiệp quân sự Nga, giám đốc CIA William Burns, trong cuộc điều trần trước một ủy ban của Quốc Hội Mỹ hôm qua, 08/03, nhận định : chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « đã có phần bối rối trước những gì đang diễn ra tại Ukraina… Ban lãnh đạo Trung Quốc đã không dự đoán được những khó khăn quan trọng mà Nga sẽ gặp phải » tại Ukraina.
Giám đốc CIA William Burns cũng nhấn mạnh là: Bắc Kinh « lo ngại » về quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh và Matxcơva sẽ ảnh hưởng xấu đến « uy tín » của Trung Quốc, và hiện đang theo sát việc nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng ra sao. Theo giám đốc CIA, Trung Quốc cảm thấy « lo lắng » trước việc can thiệp quân sự Nga đang khiến quan hệ Liên Âu và Hoa Kỳ được siết chặt, khác hẳn với dự đoán của Bắc Kinh.
Vai trò quan trọng của Ba Lan trong chiến tranh Ukraine
Cửa ngõ quan trọng nhất của phương Tây vào Ukraine là qua Ba Lan. Khoảng 60% trong số 2 triệu người tị nạn chạy trốn chiến tranh đã băng qua biên giới 530 km (330 dặm) giữa hai nước này, trong khi các loại vũ khí từ Mỹ và châu Âu đi theo chiều ngược lại. Ba Lan đã cử một đoàn vận tải đạn dược tới Ukraine, đồng thời có kế hoạch cung cấp súng cối, máy bay không người lái cũng như các hệ thống tên lửa di động. Dữ liệu chuyến bay hiện cho thấy số lượt máy bay quân sự đến và rời Rzeszow, sân bay lớn gần Ukraine nhất trên lãnh thổ NATO, đã tăng vọt.
Vai trò của Ba Lan như một trung tâm quân sự, cũng như phản ứng ấn tượng của họ trước cuộc khủng hoảng người tị nạn, có thể giúp nước này hàn gắn quan hệ với các đồng minh. Trước đây, quan hệ của Ba Lan với EU không êm đẹp, khi tổ chức này cáo buộc chính quyền Ba Lan đưa người thân tín vào tòa tối cao và quấy rối báo chí. Giờ đây vấn đề này có thể được tạm gác lại. Tuy vậy, họ cũng đối mặt rủi ro lớn, vì chiến tranh càng kéo dài, Nga càng muốn phá hủy các đường tiếp tế cho Ukraine.
Hôm nay Hàn Quốc bầu cử tổng thống
Cuộc tranh cử tổng thống xấu xí nhất trong 35 năm qua của nền dân chủ Hàn Quốc sẽ khép lại vào thứ Tư. Hai ứng viên bao gồm Yoon Suk-yeol, một cựu công tố viên với ít kinh nghiệm chính trị, và Lee Jae-myung, một cựu thống đốc theo chủ nghĩa dân túy. Cả hai người đều vướng vào nhiều bê bối. Mặc dù tỉ lệ bỏ phiếu sớm đạt kỷ lục, rất ít người Hàn Quốc thật sự hào hứng trước lựa chọn của họ.
Kết quả thăm dò gần nhất vào hôm 2/3 cho thấy hai ứng cử viên đứng ngang ngửa nhau tại mức 40%. Chỉ một ngày sau đó (3/3), ứng cử viên thứ ba Ahn Cheol-soo với tỉ lệ ủng hộ 10% đã làm gia tăng mức độ khó đoán của cuộc đua bằng cách rút lui và tuyên bố ủng hộ ông Yoon cũng như Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ của ông này.
Với vô số vấn đề tại các điểm bỏ phiếu trong tuần này và một cuộc tấn công bạo lực nhắm vào chủ tịch đảng Minjoo cầm quyền của ông Lee, cuộc tranh cử hỗn loạn này đang đi đến hồi kết. Người Hàn Quốc chỉ có thể hy vọng người thắng sẽ tỏ ra tỉnh táo hơn khi cầm quyền.
Trung Quốc bơm tiền trong khi Mỹ thắt chặt tài khóa
Một số nhà kinh tế đang lấy làm tiếc về quy mô nới lỏng tài khóa hồi năm ngoái của Mỹ. Những “tấm séc kích thích” được chính phủ gửi đến các hộ gia đình góp phần làm tăng lạm phát, mà sẽ còn trầm trọng hơn do chiến tranh Ukraine. Song ở Trung Quốc, mọi thứ khác hẳn.
Các số liệu dự kiến được công bố vào thứ Tư khả năng cao sẽ cho thấy lạm phát giá tiêu dùng vẫn giảm. Cuộc chiến chống dịch ở các cấp địa phương đã kìm hãm chi tiêu bán lẻ ngay cả khi suy thoái bất động sản kéo giảm đầu tư.
Trái ngược với Mỹ, nơi mà môi trường tài khóa đang thắt chặt, chính phủ Trung Quốc lại nới lỏng hầu bao. Bộ tài chính được dự kiến tuyên bố trong tuần này là chi tiêu công sẽ tăng 12,8%. Nền kinh tế sẽ cần trợ giúp to lớn để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng “khoảng 5,5%” của năm nay. Một phần lớn số tiền này sẽ được chuyển đến các chính quyền địa phương đang thiếu hụt nguồn thu, bao gồm cả chính quyền cấp hạt. Họ sẽ phải tiêu các “tấm séc” của mình cho thật tốt.
Tác hại lâu dài của xăng chì
Với lệnh cấm vào năm ngoái của Algeria, xăng có thêm chì – một loại chất độc thần kinh cực mạnh có thể gây hại cho não bộ trẻ em – giờ đây chính thức bị cấm ở mọi nơi trên thế giới. Ở Mỹ loại xăng này đã bị loại bỏ từ những năm 1970, nhưng ảnh hưởng của nó kéo dài.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Bang Florida ước tính rằng 53% người Mỹ trưởng thành còn sống vào năm 2015 đã tiếp xúc với mức độ chì “đáng lo ngại” khi còn nhỏ. Trong số những người sinh từ 1951 đến 1980, có tới hơn 90% bị phơi nhiễm. Các nhà nghiên cứu ước tính vấn đề này khiến mỗi người bị giảm 2,6 điểm IQ. Chi phí kinh tế có thể lên tới hàng trăm tỷ đô la.
Mặc dù mức độ tiếp xúc hiện nay thấp hơn, trẻ em Mỹ vẫn còn tiếp xúc với chì. Mỹ cấm sử dụng chì trong các đường ống dẫn nước mới từ năm 1986, song hiện vẫn còn hàng triệu đường ống chì cũ. Một nghiên cứu vào năm ngoái cho thấy 83% trẻ em ở Nebraska có nồng độ chì trong máu nhiều đến mức có thể đo lường được.
Tường thuật từ Ukraine: Số phận các em bé mồ côi trong cuộc chiến
Kyril 14 tuổi, cao ráo và khỏe khoắn, khuôn mặt nhỏ trắng nhạt và đôi mắt xanh lá cây rất nhạy như muốn thu hết tất cả mọi thứ. Em gần đây đến một trại mồ côi ở phía bắc Lviv, thành phố miền tây Ukraine đang căng mình đón dòng người tị nạn từ các vùng khác của đất nước. Em cùng 40 em nhỏ khác đi suốt 30 giờ từ một trại mồ côi khác ở Makariv, cách thủ đô Kyiv 70 km về phía tây.
Kyril vào trại mồ côi từ tháng 11 năm ngoái, sau khi mẹ em mất vì bệnh ung thư. Em chưa từng được biết mặt cha mình. Chị gái em sống ở Nga và anh trai ở Kyiv đang tiến hành quá trình xin giám hộ hợp pháp đối với em.
Ở Makariv, bọn trẻ đã trải qua nhiều đêm không có điện hoặc nước, nhưng hàng xóm có mang thức ăn nóng sang cho. Các em phải thường xuyên nghe tiếng nổ, tiếng súng, trực thăng và máy bay phản lực trên đầu. “Mấy đứa nhỏ hơn lúc nào cũng sợ hãi và khóc lóc. Nhiều khi bọn cháu phải bịt tai lại — tiếng nổ quá lớn,” Kyril nói.
Trong hành trình vừa rồi đến Lviv, các em lớn tuổi hơn phải ôm các em nhỏ vào lòng, nhồi nhét trên một chiếc xe thùng nhỏ cho chặng cuối của chuyến đi. Kyril nói: “Ai cũng căng thẳng khi bọn em đến.” Hiện em ngủ trong một căn phòng có vài tấm đệm trên sàn; đệm của em được phủ khăn trải giường Winnie-the-Pooh.
Kyril đọc tiểu thuyết giả tưởng và nói một chút tiếng Anh, học được từ lúc chơi game. Khi em nhắn tin cho một người bạn chơi game người Nga là em có thể nghe thấy âm thanh của cuộc chiến ở Makariv, người bạn ấy đã không trả lời.
“Giờ đây mọi thứ đã bình tĩnh hơn, nên bọn cháu đều cố gắng bắt đầu một việc gì đó,” em nói: “đọc sách, nghe nhạc, bọn cháu cố gắng tự phân tâm chính mình khỏi những điều đang xảy ra.” Một vài em ở phòng bên cạnh đang nhảy chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nhưng một số em khác, Kyril giải thích, không muốn nói gì về cuộc chiến. “Nếu có ai nhắc gì đó, các bạn sẽ hét lên và bảo im lặng đi.”
Kyril mặc một bộ đồ thể thao em được cho. Trên chân em là đôi dép tắm bằng nhựa màu xanh lam. “Nó chật với em rồi,” em nói, “nhưng em giữ lại vì là đồ của mẹ mua cho.”
Chiến tranh Ukraina: Trung Quốc ủng hộ nỗ lực vận động ngừng bắn của Pháp và Đức
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc gặp qua vidéo hội nghị bàn về tình hình Ukraina. Màn hình tại điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 08/03/2022. REUTERS - BENOIT TESSIER
Hôm qua, 08/03/2022, vào lúc cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bước sang ngày thứ 13, chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc hội đàm trực tuyến với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ vận động ngừng bắn của Paris và Berlin.
Sau cuộc hội đàm, phủ tổng thống Pháp ra một thông cáo nhấn mạnh việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ « hành động của Pháp và Đức thúc đẩy đình chiến, và tính cấp thiết của việc tạo điều kiện để dân chúng tiếp nhận các trợ giúp nhân đạo, với sự điều phối của Liên Hiệp Quốc ». Ba lãnh đạo Trung, Pháp, Đức cũng « thỏa thuận sẽ duy trì các liên lạc mật thiết » về xung đột này.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông tin trên truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV về cuộc hội đàm ba bên, theo đó, chủ tịch Trung Quốc « hoan nghênh các cố gắng của Pháp và Đức, với tư cách các bên môi giới về Ukraina », và bảo đảm Bắc Kinh sẵn sàng « đóng một vai trò tích cực ». Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi « kiềm chế tối đa, để tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn ». CCTV cũng dẫn lời ông Tập Cận Bình, khẳng định Trung Quốc « đau xót khi phải chứng kiến một cuộc chiến tranh mới trên lục địa châu Âu ».
Bắc Kinh phản đối trừng phạt quốc tế
Trừng phạt quốc tế chống lại hành động xâm lược Nga là chủ đề bất đồng chính giữa hai bên. Theo thông cáo của điện Elysée, trong cuộc hội đàm nói trên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh đến « những hậu quả bi thảm của cuộc xâm lược Nga tại Ukraina, đặc biệt với số lượng nạn nhân dân sự và người tị nạn gia tăng… và những nỗ lực đang diễn ra, bao gồm các trừng phạt, nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao ».
Về chủ đề này, chủ tịch Trung Quốc có thái độ ngược lại. Ông Tập Cận Bình nhắc lại là, về nguyên tắc, Trung Quốc phản đối các trừng phạt quốc tế đối với Matxcơva, khi cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga « sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên ».