ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY : 11/03/2022

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY : 11/03/2022
03/11/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)


Chiến tranh Ukraina: Thảm kịch của dân Ukraina, khó khăn kinh tế của dân Nga
image.png
Quân đội và tình nguyện viên Ukraina sơ tán một phụ nữ mang thai khỏi bệnh viện nhi ở Mariupol bị Nga oanh kích ngày 09/03/2022. AP - Evgeniy Maloletka

Trọng Nghĩa

Chiến tranh Ukraina tiếp tục là chủ đề mà báo giới Pháp ra ngày 11/03/2022 theo dõi, được Libération, La Croix và Le Monde đưa lên thành tựa lớn trang nhất. Các tờ báo đặc biệt nêu bật thảm cảnh mà dân Ukraina phải chịu dưới bom đạn của Nga, cũng như những khó khăn mà dân Nga bắt đầu nếm trải do trừng phạt kinh tế của phương Tây.


Libération: Cả một thế hệ trẻ em Ukraina bị Putin hy sinh
Thảm cảnh mà người dân, đặc biệt là trẻ em Ukraina, đang phải trải qua đã được nhật báo thiên tả Pháp Libération nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa lớn: “Ukaina: Trẻ thơ trong chiến tranh”. Ngay dưới hàng tựa, tờ báo tố cáo: “Là nạn nhân trong các vụ oanh kích, như tại bệnh viện Mariupol hôm thứ Tư, là những em đang phải sống lưu vong, hay bị chia cắt khỏi bố mẹ… Cả một thế hệ đã bị Putin hy sinh”.

Trong bài phóng sự: “Ukraina: Tuổi thơ dưới bom đạn”, Libération nhắc lại rằng đã có ít nhất là 71 trẻ em mất mạng kể từ khi cuộc xâm lược Ukraina khởi sự hôm 24/02/2022, trong một cuộc chiến mà các lực lượng Nga không ngần ngại bắn phá bừa bãi vào các khu dân cư, bao gồm cả trường học và nhà hộ sinh. Để kể lại cuộc sống hàng ngày và những đau thương mà dân Ukraina đang phải gánh chịu, tờ báo Pháp đã cử đặc phái viên đến nhiều địa phương tại Ukraina, từ Kiev đến Zhytomyr qua Odessa và biên giới Ba Lan.

Theo Libération, trẻ em nằm trong số hàng trăm nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraina đang bị chiến tranh tàn phá, bên cạnh biết bao em phải sống chui rúc trong những căn hầm trú ẩn, ga tàu điện ngầm, những nơi trú ẩn tạm bợ khác tại các thành phố bị quân đội Nga bắn phá. Binh lính của Vladimir Putin không tha cho ai, kể cả trẻ em, như họ vừa chứng minh bằng cách oanh kích vào bệnh viện nhi ở Mariupol hôm Thứ Tư 09/03. Vụ tấn công khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và lên án của cộng đồng quốc tế.

Trong bài “Bệnh viện và trường học: Mục tiêu đánh phá một cách vô đạo đức tại Mariupol”, Libération đã ghi lại phản ứng đầy phẫn nộ của cộng đồng thế giới sau khi được thấy những bức ảnh của nhà báo của hãng tin Mỹ AP chụp thảm kịch tại thành phố đang bị quân Nga bao vây.

Libération cũng nêu bật lòng dũng cảm và sự tận tâm của các bác sĩ nhi khoa Ukraina, sẵn sàng ở lại tại chỗ “chừng nào còn trẻ em trong thành phố”.

Nhật báo La Croix cũng nêu bật thảm cảnh tại Mariupol trong bài: “Bệnh viện và trẻ em dưới bom dưới bom đạn”, và nhấn mạnh đên phản ứng kinh hoàng và làn sóng phẫn nộ trào dâng trên thế giới khi hình ảnh những tòa nhà bị tàn phá được lan truyền.

La Croix: Dân Nga gồng mình chịu đựng khó khăn

Tình cảnh hiện nay của người dân Nga đã được La Croix nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa lớn: “Các biện pháp trừng phạt: Người Nga gồng mình chịu đựng”, trên nền một bức ảnh cho thấy một hàng người dài đang đứng chờ trước một máy rút tiền euro và đô la tại thành phố Saint Petersbourg ở Nga. Tờ báo ghi nhận: “Đa số người Nga đã phải nhẫn nhịn chịu đựng những tác động đầu tiên của các biện pháp trừng phạt do phương Tây ban hành sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina”.

Trong bài viết trang trong mang tựa đề “Người Nga chóng mặt vì giá cả tăng vọt”, thông tín viên La Croix tại Matxcơva nhận xét là dân chúng Nga đã bắt đầu cảm thấy gánh nặng các lệnh trừng phạt và chờ đợi một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Tầng lớp giàu có tại Matxcơva, những người quen đi du lịch nước ngoài và tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu từ phương Tây, là tầng lớp đầu tiên thấy rõ ảnh hưởng.

Thế nhưng do việc đồng rúp mất giá nặng nề, lạm phát lên cao, lãi suất cho vay tăng vọt, tình cảnh sẽ rất ngặt nghèo đối với các gia đình vốn đang phải đối phó với giá cả leo thang.  

Theo La Croix, Vladimir Putin luôn nói rằng trừng phạt kinh tế của phương Tây là cơ hội để Nga tự sản xuất hàng hóa của mình. Nếu có tiến bộ trong lĩnh vực nông sản thực phẩm hoặc dệt may, thì đối với công nghệ, tiến bộ đã đạt được rất ít.

Chính quyền và các phương tiện truyền thông đại chúng tại Nga đã nói rất ít về các biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm vào ngành hàng không dân dụng, thế nhưng việc Mỹ và Liên Âu cấm xuất khẩu thiết bị và phụ tùng hàng không đang giáng một đòn rất mạnh vào các hãng hàng không Nga, hạn chế khả năng bảo hành đội phi cơ, tức là khả năng sử dụng các chiếc máy bay. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng tại quốc gia lớn nhất thế giới, nơi máy bay là phương tiện duy nhất để di chuyển nhanh chóng.

Người Nga cũng "tản cư"

image.png
Một hệ quả khác cũng được La Croix nêu bật là sự kiện nhiều người Nga cũng bắt đầu bỏ nước ra đi. Trong bài “Phần Lan, một lối thoát khỏi khủng hoảng”, nhật báo Pháp cho biết là sau các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây, một số người Nga đã qua Phần Lan, quốc gia giáp giới Nga và là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, số lượng chính xác và điểm đến cuối cùng của những người lưu vong này vẫn khó xác định.

Le Monde: Giới tài phiệt Nga ở trung tâm chế độ Putin
Tình cảnh của người Nga cũng được Le Monde chú ý, đặc biệt là số phận của các đại gia Nga. Ngay trên trang nhất, tờ báo chạy hàng tít lớn: “Các nhà tài phiệt, trung tâm của hệ thống Putin”.

Theo Le Monde, được phương Tây nhắm mắt làm ngơ từ lâu, giới tỷ phú Nga thân cận với tổng thống Putin hiện đang là đối tượng của các lệnh trừng phạt do Châu Âu và Hoa Kỳ ban hành.

Sự dính líu của giới đại gia Nga này với chế độ Putin không có gì là mập mờ: Trong hơn hai mươi năm qua, những ông trùm kinh tế này đã tích lũy được một khối tài sản khổng lồ nhờ thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Vladimir Putin. Là những nhân vật có thế lực và ảnh hưởng, hoặc là những tác nhân của việc sáp nhập vùng Crimée của Ukraina vào Nga, họ là những người ở tuyến đầu trong chiến lược của điện Kremlin.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Monde, quyết định đánh vào các đại gia Nga đã làm cho nhiều nước châu Âu bối rối thấy rõ, đặc biệt là Anh Quốc, Cộng Hòa Sýp hay Hy Lạp, những nơi mà từ lâu nay các tỷ phú Nga luôn luôn được chiều chuộng, ưu đãi và có được những điều kiện định cư thuận lợi.

Riêng tại Pháp, Le Monde đã đến tìm hiểu tại khu nghỉ mát trượt tuyết Courchevel, ở vùng Savoie trên núi Alpes, nổi tiếng là nơi có đông đảo khách hàng là các nhà tài phiệt cũng như những người Nga giàu có. Theo ghi nhận của đặc phái viên của tờ báo, tại thị trấn mà các đại gia Nga gọi là “Kourchelovo”, là cờ Nga đã bị hạ xuống.

Liệu Putin sẽ lại tàn phá Odessa ?
image.png
Ngoài khía cạnh nhân đạo, các diễn biến quân sự và ngoại giao liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraina dĩ nhiên cũng được các báo quan tâm.  

Các báo đều chú ý đến nguy cơ Nga sẽ lại đánh chiếm cảng Odessa của Ukraina, một thành phố nổi tiếng được mệnh danh “Hòn ngọc Biển Đen”, một trung tâm văn hóa rất được người Nga yêu thích.

Le Figaro ghi nhận: “Odessa, hòn ngọc miền nam nói tiếng Nga nín thở trước tàu chiến của kẻ thù”. Theo đặc phái viên của tờ báo, cư dân thành phố cảng bên bờ Biển Đen này của Ukraina hầu như đã chắc chắn là họ sẽ bị Nga tấn công, khi thấy khoảng một chục chiến hạm Nga xuất hiện ngoài khơi và máy bay không người lái Nga ngang dọc trên trời, thường xuyên là mục tiêu của lực lượng phòng không Ukraina. Câu hỏi đặt ra là liệu Putin có sẽ tàn phá Odessa như đã từng làm với Kharkov hay Tchernihiv hay không?

La Croix cũng nêu bật tâm trạng lo âu của người dân Odessa khi trích dẫn một cư dân thú nhận rằng trước đây đã tưởng lầm là không có gì đáng sợ hơn Covid-19.

Le Monde trên trang nhất thì chú ý đến khía cạnh ngoại giao, nêu bật sự kiện: “Ukraina: Đàm phán dưới áp lực của bom đạn”.

Tờ báo ghi nhận là trước các cuộc thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ giữa Kiev và Matxcơva, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết ông đã sẵn sàng cho "các thỏa hiệp".

Về phản ứng của phương Tây, Le Monde nhắc lại rằng “thái độ dè dặt (không dám) cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraina minh họa cho hành động đi dây của phương Tây giữa ủng hộ Ukraina và giữ thái độ trung lập".

Le Figaro: Chiến tranh Ukraina giúp ông Macron tái đắc cử tổng thống Pháp?
image.png
Dù cũng dành rất nhiều trang bài cho hồ sơ Ukraina, hai tờ Le Figaro và Les Echos đã ưu tiên trang nhất cho thời sự chính trị Pháp với cuộc bầu cử tổng thống ngày càng đến gần.

Le Figaro chạy tựa lớn “Bầu cử tổng thống: Chiến dịch vận động bị ngăn trở”. Theo tờ báo, cuộc chiến tranh Ukraina đã làm lu mờ một chiến dịch vận động tranh cử vốn đã bị Covid kìm hãm từ lâu. Đây là một bối cảnh cho phép tổng thống sắp mãn nhiệm giành ưu thế, được tất cả các viện thăm dò cho rằng sẽ chiến thắng.

Theo nghiên cứu mới nhất của viện Odoxa Backbone Consulting, 79% người Pháp dự đoán nguyên thủ quốc gia chiến thắng, tăng 13 điểm so với tháng trước. 68% người được hỏi đánh giá rằng cuộc xung đột với Nga thúc đẩy quá trình tái tín nhiệm ông Macron, 89% trong số họ cho rằng cuộc chiến Ukraina đã xóa tan tất cả các chủ đề tranh cử khác trên các phương tiện truyền thông.

Kết quả trên đây chắc chắn sẽ khiến mười một ứng cử viên còn lại thất vọng, và dĩ nhiên sẽ làm tổng thống đương nhiệm hài lòng. Thâm chí, ông như còn có thể được bầu lại mà thậm chí không cần phải vận động.

Bối cảnh này, theo Le Figaro, có thể làm giới thanh niên nản lòng hơn nữa và không muốn đi bầu, do đó ngày càng xa rời lĩnh vực chính trị.

Les Echos: Kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của ứng cử viên Macron
Les Echos thì chú ý đến một yếu tố trong chương trình tranh cử của ứng cử viên Emmanule Macron: Hưu Trí: Dự án của Macron làm dấy lên tranh luận trở lại”.

Theo tờ báo, đề án cải cách chế độ hưu bổng của ứng cử viên Macron nhằm tiết kiệm tiền để tài trợ cho xã hội, tuổi hưu hợp pháp sẽ được nâng lên 65 tuổi và lương hưu tối thiểu lên 1.100 euro, các chế độ hưu đặc biệt chủ yếu sẽ bị bãi bỏ.

Theo Les Echos, công đoàn CFDT đã tố cáo một dự án "tàn bạo" và "không công bằng".