03/12/2022
Chiến tranh Ukraina : Liên Hiệp Quốc báo động khủng hoảng nhân đạo lan rộngTại Medyka, biên giới với Ba Lan, ngày 07/03/2022. AP - Visar Kryeziu
Minh Anh
Cuộc chiến Ukraina, hôm nay, 12/03/2022, bước vào ngày thứ 17. Quân Nga tiếp tục gia tăng sức ép lên thủ đô Kiev và nhiều thành phố lớn của Ukraina. Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức nhân đạo phi chính phủ gióng chuông báo động nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tại Ukraina.
Theo số liệu do Liên Hiệp Quốc công bố, được AFP trích dẫn, tính từ ngày Nga mở màn tấn công Ukraina, 24/02/2022, hơn 2,5 triệu người đã chạy trốn khỏi đất nước, trong đó có 116 ngàn người là công dân nhiều nước khác. Lãnh đạo cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Filippo Grandi cho biết thêm, khoảng 2 triệu dân Ukraina phải chạy sơ tán ở trong nước. Thống kê từ Liên Hiệp Quốc nêu rõ, các cuộc oanh kích của Nga đã làm thiệt mạng 564 thường dân Ukraina, trong đó có 47 trẻ em.Trong khi đó, thành phố cảng biển Marioupol, bị quân Nga vây hãm từ 12 ngày qua, rơi vào tình trạng không nước, không khí đốt, không điện, không đường dây viễn thông. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (MSF) báo động một tình trạng « hầu như tuyệt vọng » khi nhìn thấy những người dân bị kẹt lại phải vật vã tìm kiếm lương thực.Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong một bài phát biểu truyền hình một lần nữa tố cáo Nga ngăn cản thường dân rời thành phố Marioupol. Nguyên thủ Ukraina cho biết chính phủ sẽ làm mọi cách để có thể tiếp tế lương thực và thuốc men cho Marioupol ngày hôm nay. Kiev cũng hy vọng Nga sẽ tuân thủ lệnh ngưng bắn để cho phép sơ tán thường dân ở Marioupol cũng như nhiều thành phố khác qua nhiều hành lang nhân đạo.Còn theo ghi nhận của hai đặc phái viên đài RFI, Clea Broadhurst và Jad El Khoury, thành phố cảng Odessa, do chưa phải hứng chung số phận như nhiều thành phố khác, hiện là nơi tiếp nhận tương đối an toàn cho nhiều gia đình, trẻ em, đến từ các thành phố Marioupol, Kherson, Mykolayiv để tránh các cuộc oanh kích của không quân Nga.Từ một nơi lánh nạn ở Odessa, hai đặc phái viên đài RFI, Clea Broadhurst và Jad Jad El Khoury, có bài phóng sự :« Nơi tạm trú nằm ở trung tâm thành phố chỉ có vài phòng riêng, một số phòng tập thể và một nhà bếp để cung cấp những thứ tối thiểu cho trẻ em đến Odessa hàng ngày.
Serhiy Kostin, người quản lý nơi trú ẩn cho biết : "Chúng tôi chứng kiến những đứa trẻ phải nấp 6 ngày trong một boongke khi bom rơi trên đầu chúng. Điều đó thật sự là quá khủng khiếp. Những đứa trẻ đó hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng chúng không thể nào hiểu được hậu quả. Đối với chúng, điều quan trọng nhất là phải chạy trốn càng nhanh càng tốt."
Sophia, 14 tuổi, đến từ Mykolayiv thổ lộ : "Cháu rất sợ khi mọi người ở trong boongke. Ở đó rất lạnh, mọi người chẳng nhìn thấy gì cả ở bên trong. Thật là đau lòng khi nhớ lại lúc mọi người phải chạy nhanh đến nơi ẩn náu. Ngồi ở đó hàng giờ, qua nhiều đêm ở một chỗ, cùng với tất cả những người hàng xóm, lo sợ các cuộc oanh kích rơi vào nhà chúng con."
Tatiana, dì của Sophia, chạy trốn cùng với cô con gái 7 tuổi nói tiếp : "Chiến tranh đã phá hủy mọi dự định của tôi cho tương lai. Chúng tôi hoàn toàn bị mất phương hướng và chúng tôi sợ cho những gì có thể xảy ra tiếp theo. Tôi bị tật nữa nên tôi rất lo cho con gái của mình."
Còn Diana, mới 8 tuổi, vừa đến nơi trú ẩn cùng với mẹ sau những trận dội bom mới đây, cho biết : "Có lúc con sợ, có lúc không. Thật đáng sợ khi bom rơi gần chúng con." Mẹ của em nói thêm : "Bởi vì điều đó giờ đã trở thành thông thường."
Những gia đình này, mà những người chồng, người cha phải ở lại để chiến đấu, chỉ có một hy vọng : Một ngày nào đó được trở về nhà để được nhìn thấy con trẻ lớn lên ! »
Chiến tranh Ukraina : WHO khuyến cáo Kiev tiêu hủy các mầm bệnhẢnh minh họa: Virus H1N1. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị Ukraina nên tiêu hủy các mầm bệnh trong phòng thí nghiệm. Licence de documentation libre GNU
Trọng Nghĩa
Để biện minh cho cuộc xâm lăng Ukraina, Matxcơva đã cáo buộc Kiev về tội sản xuất vũ khí sinh học với sự trợ giúp của Mỹ. Đối với phương Tây, đó là những lời buộc tội vu vơ, nhằm lấy cớ để tiến hành một cuộc tấn công hóa học. Tuy nhiên, rủi ro sinh học vẫn tồn tại từ các mầm bệnh được các phòng thí nghiệm Ukraina sử dụng trong nghiên cứu. Để đề phòng sự cố, WHO khuyến cáo Kiev là nên tiêu hủy các mầm bệnh này để tránh mọi nguy cơ lây nhiễm.
Từ Genève, nơi đặt trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế giới, thông tín viên RFI Jérémie Lanche tường trình:« Tổ Chức Y Tế Thế Giới không cho biết loại mầm bệnh nào được các phòng thí nghiệm Ukraina sử dụng, hoặc thậm chí mức độ an toàn của các phòng thí nghiệm này. Nhưng giống như tất cả các quốc gia khác, Ukraina cũng tiến hành nghiên cứu các tác nhân lây nhiễm để hạn chế sự lây lan của chúng.
Ông Antoine Flahaut, giám đốc Viện Y Tế Toàn Cầu tại Genève giải thích: “Có những nơi là phòng thí nghiệm nghiên cứu, có chứa các mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm, chẳng hạn như virus gây bệnh Ebola hay trực khuẩn có sức kháng thuốc cao, những loại mầm bệnh cần được nghiên cứu để phát triển các xét nghiệm hoặc vac-xin”.Khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về việc tiêu hủy các mầm bệnh để ngăn chặn khả năng thoát ra ngoài có vẻ đáng lo ngại. Thế nhưng đối với nhà dịch tễ học Flahaut, điều đó nên được xem như là một biện pháp hợp tình hợp lý bình thường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ông nói:
“Một trong những giả thuyết ban đầu về sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 chính là một sự rò rỉ đáng tiếc từ phòng thí nghiệm. Do đó, hoàn toàn có thể nghĩ đến khả năng những người lính bị nhiễm bệnh khi tiếp cận một đống đổ nát với một tủ đông lạnh bị phá hủy làm cho virus thoát ra.”Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã thẳng thừng gạt bỏ các cáo buộc từ phía Nga theo đó những mầm bệnh sẽ được sử dụng để sản xuất vũ khí sinh học, và mỉa mai hỏi lại điện Kremlin rằng liệu sau khi tuyên bố muốn phi hạt nhân hóa Ukraina, phải chăng Nga lại có ý định “phi hóa học hóa” đất nước của ông. »
Đàm phán hạt nhân Iran bị đình chỉ sau yêu cầu của Nga
Ảnh tư liệu: Đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran giữa 5 cường quốc và Iran tại Vienna ngày 27/12/2021. AFP - HANDOUT
Trọng Nghĩa
Các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran đang tiến triển thuận lợi đã bị đình chỉ vào hôm qua, 11/03/2022. Một yêu cầu của Nga, đòi có thêm một số bảo đảm bổ sung đã làm phức tạp thêm tình hình.
Trong một tin nhắn Twitter, ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, định chế điều phối tiến trình đàm phán xác nhận: “Chúng tôi phải tạm dừng các cuộc đàm phán do các yếu tố bên ngoài”. Lãnh đạo Châu Âu tỏ ý tiếc rằng “một văn bản chung cuộc gần như đã sẵn sàng và đặt trên bàn, nhưng cho biết là châu Âu vẫn “liên hệ” với các bên khác nhau và Hoa Kỳ để khắc phục tình hình hiện tại và đạt được một thỏa thuận”.
Hôm 04/03 vừa qua, các nhà ngoại giao đã nói về một thỏa thuận sắp đạt được, nhưng ngày hôm sau, Matxcơva, một tác nhân thiết yếu của cuộc đàm phán, bị phương Tây trừng phạt do cuộc xâm lược Ukraina, đã yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các biện pháp trả đũa đó sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế của Nga với Iran. Yêu sách của Nga đã bị Mỹ bác bỏ, nhưng khiến các cuộc thảo luận bị đình chỉ.
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Iran, ông Khatibzadeh, đã lên tiếng trấn an phương Tây: “Không có yếu tố bên ngoài nào có thể ảnh hưởng đến mong muốn chung của chúng tôi về một thỏa thuận tập thể… Việc tạm dừng có thể tạo động lực để giải quyết các vấn đề còn lại.”
Hiệp định Hạt Nhân Iran đã được nước này ký kết với 6 cường quốc là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga và Đức vào năm 2015 nhằm ngăn không cho Teheran trang bị vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi hiệp định vào năm 2018, khiến cho thỏa thuận này bị đe dọa.
Trong thời gian qua, Teheran đã tham gia 11 tháng đàm phán tại Vienna với các cường quốc để cố gắng cứu vãn thỏa thuận năm 2015.