Cuối tuần trước, dưới trời nắng gắt, một hàng dài người mua sắm tấp nập bên ngoài cửa hàng IKEA gần Moscow.
Cảnh tượng tương tự lặp lại trên khắp nước Nga, các gia đình đổ xô tiêu những đồng rouble đang rớt giá nhanh tại cửa hàng bán lẻ Thụy Điển, thương hiệu này đang rời khỏi thị trường Nga do ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Người Nga đang chuẩn bị cho một tương lai bất ổn với lạm phát gia tăng, kinh tế khó khăn, thậm chí hàng hóa nhập khẩu còn bị siết chặt hơn.
Tuần trước, đồng rouble mất khoảng 1/3, sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có vì Nga xâm lược Ukraine. Các động thái này đã đóng băng phần lớn dự trữ 640 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga và cấm một số ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến đồng rouble rơi tự do.
Vẻ ngoài bình lặng, các thành phố trên khắp nước Nga ít có dấu hiệu cuộc khủng hoảng đang tàn phá thị trường và lĩnh vực tài chính. Ngoại trừ dòng người đang tìm mua để dự trữ hàng hóa - chủ yếu là hàng cao cấp và máy móc - trước khi hết hoặc giá cả leo thang.
"Định tháng 4 mới mua, nhưng tôi phải mua gấp ngay hôm nay". Một người bạn từ Voronezh cũng nhờ tôi mua cho cô ấy ", Viktoriya Voloshina, người mua hàng, nói với Reuters ở Rostov, một thị trấn cách Moscow 217 km.
Voloshina cho biết cô đang tìm kệ và bàn văn phòng và mua hộ một người bạn từ thị trấn khác. "Tôi rất buồn," cô nói thêm.
Một người Moscow khác, Dmitry, than thở giá nhà tăng chóng mặt.
"Tuần trước chiếc đồng hồ mà tôi muốn mua chỉ khoảng 40.000, bây giờ có giá khoảng 100.000 rouble," anh nói và từ chối cho biết họ của mình.
Bây giờ thì chi tiêu phải ít đi.
Trong khi không có dấu hiệu hoảng loạn, việc sổ tiết kiệm bằng đồng rouble bị xóa sạch trơn và lãi suất tăng gấp đôi lên 20% sẽ đè bẹp người tiêu dùng và những người có tiền thế chấp.
Các điều kiện tài chính đã thắt chặt một cách thô bạo trong năm nay, Oxford Economics dự đoán nhu cầu trong nước sẽ giảm 11% vào cuối năm và tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,9 % vào năm 2023.
Zach Witlin, nhà phân tích của Eurasia Group, lưu ý rằng các lệnh trừng phạt đang giáng vào người tiêu dùng do giá cả tăng cao và thanh toán bị gián đoạn.
Tuy người tiêu dùng không phải là mục tiêu trực tiếp, "sự sợ hãi đang khuếch đại tầm mức ảnh hưởng", sự ra đi của các thương hiệu nước ngoài như IKEA tạo ra "hiệu ứng quả cầu tuyết", Zach nói thêm.
Nhập khẩu bị cô lập
Một cửa hàng McDonalds ở Nga
Năm ngoái ô tô, máy móc và phụ tùng xe hơi chiếm gần một nửa hàng hóa nhập khẩu của Nga, khoảng 293 tỷ USD, theo Cục Hải quan Liên bang.
Những năm gần đây, chính phủ Nga đã cố gắng cắt giảm nhập khẩu, đồng nghĩa với giá trị nhập khẩu 2021 thấp hơn 7% so với năm 2013, trước khi có lệnh trừng phạt đầu tiên sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Nga cũng đã tăng cường quan hệ thương mại với Trung cộng, quốc gia duy nhất tăng xuất khẩu sang Nga từ năm 2014.
Dường như không thể tránh khỏi sụt giảm lớn hơn khi đồng rouble lao dốc, các công ty bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga và các hãng vận chuyển rời bỏ Nga bất kể xuất hay nhập khẩu.
Matt Townsend, công ty luật Allen & Overy, cho biết trong khi chỉ có một số công ty Nga là mục tiêu của các lệnh trừng phạt, thì "tất cả bọn họ đều rùng mình". "Đây là lý do các biện pháp trừng rất hiệu quả để cô lập một quốc gia."
Đồng rouble mất giá
JPMorgan dự đoán cú sốc kinh tế trước mắt sẽ khiến GDP giảm 35% trong quý hai và giảm 7% trong năm 2022. Nhưng "sự cô lập về chính trị và kinh tế ngày càng tăng sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Nga trong những năm tới" họ cho biết thêm.
RBC Global Asset Management cảnh báo, điều đó có thể xảy ra nếu các biện pháp hạn chế "giới hạn việc thu mua công nghệ cần thiết để hỗ trợ các ngành công nghiệp có giá trị cao nhất của Nga".
Chính quyền Biden đang chuẩn bị các quy định hạn chế nhập khẩu điện thoại thông minh, phụ tùng máy bay và linh kiện ô tô của Moscow.
Các công ty đa quốc gia, từ các công ty công nghệ Apple và Microsoft cho đến các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Nike và Diageo, đã cắt đứt liên kết với Nga, nghĩa là người tiêu dùng khó mua được các mặt hàng tiêu dùng mà họ đã quen trong hơn ba thập kỷ.
Doanh nghiệp Trung cộng, có thể giành được thị phần nhưng cũng có thể trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt thứ cấp, do nhiều sản phẩm của họ như điện thoại thông minh sử dụng công nghệ có xuất xứ Mỹ.
Một số người Nga không muốn ở lại. Lidia, một người làm việc tự do từ Rostov cho biết việc hạn chế chuyển tiền làm cho khoản thanh toán từ nước ngoài trở nên phức tạp.
"Tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt. Giá đã tăng khoảng 20% ... Thực tế là bạn không thể mua một số loại thuốc. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn", cô nói.