16/3/2022, Tòa án Công lý quốc tế đã ra phán quyết (Order) về các biện pháp tạm thời theo đơn kiện của Ukraina đối với LB Nga. Tòa yêu cầu LB Nga chấm dứt mọi hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraina, đảm bảo rằng mọi tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của Nga không được có những hành động tương tự trong tương lai. Như vậy, hầu như các yêu cầu của Ukraina đã được Tòa đáp ứng. Trong số 15 thẩm phán, chỉ có 2 thẩm phán người Nga và Trung Quốc biểu quyết chống - là điều không có gì ngạc nhiên.
Nên nhớ lại, trong bản đệ trình nộp Tòa, Nga chỉ dựa trên lý lẽ về quyền tự vệ để biện hộ cho việc đưa quân vào Ukraina, mà không nhắc đến nạn diệt chủng nữa. Chiến thuật này nhằm phủ nhận mối liên hệ giữa hành động của Nga với diệt chủng như Ukraina kiện, qua đó phủ nhận thẩm quyền của Tòa trong vụ này. Nhưng Tòa đã bác bỏ ý kiến của phía Nga, tuyên bố Tòa có thẩm quyền xem xét vụ kiện, vì trước đó phát biểu của Putin và các quan chức khác của Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraina gây ra diệt chủng ở Donbas, Nga phải đưa quân vào để cứu người Nga. Vì vậy, Ukraina đã có cơ sở khi dựa trên Điều IX, Công ước Diệt chủng để đưa vụ việc ra Tòa. Chánh án ICJ cho rằng, không có bằng chứng cho thấy diệt chủng đối với người Nga ở Ukraina như Nga cáo buộc.
Quyết định của Tòa có tính chung thẩm và bắt buộc đối với các bên tham gia vụ kiện. Nhưng khả năng cao là Nga sẽ không tuân thủ. Nếu vậy, cộng với việc không xuất hiện tại Tòa, hành động của chính quyền Nga càng làm xấu đi hình ảnh của họ. Nhưng biết đâu đấy, phán quyết của Tòa có khi lại là lối thoát cho cuộc chiến, là cái cớ để Nga rút quân mà vẫn giữ được thể diện, lại được tiếng là tôn trọng pháp luật quốc tế.
Dù sao chăng nữa, phán quyết của Tòa là một chiến thắng bước đầu không chỉ của Ukraina. Đó còn là thắng lợi của pháp luật quốc tế, của Công lý (như tên gọi của Tòa) trong cuộc chiến đầy tang thương này.
P.S. Trong ảnh là quang cảnh của Tòa, ảnh bà Chánh án lúc đọc phán quyết. Vẫn chỉ có đoàn Ukraina tham dự.