03/19/2022
Diễn văn chống ''phản bội'' của Putin: Đối đầu Nga–phương Tây tăng thêm một nấc
Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ngắm một lá cờ phướn thời Liên Xô cũ với hình Lênin và Stalin. Ảnh chụp tại Ivanovo, đông bắc Matxcơva ngày 06/03/2020. AP - Alexei Nikolsky
Trọng Thành
Cuộc chiến chống Ukraina bước sang tuần lễ thứ tư là chủ đề hàng đầu của báo chí Pháp. Hai mốc mới cho thấy tính khốc liệt gia tăng: Oanh kích nhắm vào nhà hát thành phố Mariupol, đông nam Ukraina, hôm qua 17/03/2022, và bài phát biểu của tổng thống Nga hứa hẹn trừng phạt « những kẻ phản bội » trong nước. Cương lĩnh tái tranh cử của tổng thống Pháp công bố hôm qua cũng là chủ đề chiếm hầu hết trang nhất các báo.
Le Figaro chạy trang nhất hàng tựa « Thế giới chấn động sau vụ oanh kích Nhà hát Mariupol ». « Nhà hát Mariupol, biểu tượng cho sự tàn bạo của cuộc xâm lăng Nga ». Nhà hát ở trung tâm thành phố, với từ 500 đến hơn 1.000 người trú ẩn, bị đánh sập. Tổng thống Ukraina Zelensky ví số phận người dân Mariupol, vây hãm từ 17 ngày nay, với thành phố Leningrad bị phát xít Đức hủy diệt.
Việc chọn Leningrad như một biểu tượng « không phải là ngẫu nhiên ». Tại nước Nga, Leningrade - cố đô thời các Sa hoàng bị quân phát xít vây hãm từ cuối năm 1941 đến đầu 1944 - là một biểu tượng cho sự man rợ phát xít và nỗi thống khổ của người dân.
« Thành phố tuẫn đạo Mariupol »
Bức ảnh vệ tinh của công ty Mỹ Maxar, chụp hôm thứ Hai, 14/03, cho thấy rõ chữ « Trẻ em » (bằng tiếng Nga) được vẽ rất rõ với màu trắng, ở sân trước và sân sau Nhà hát, từ trên không có thể nhìn thấy rõ mồn một. Chính quyền Nga khẳng định không tấn công, và quy tội cho tiểu đoàn Azov (một nhóm vũ trang nổi tiếng tại Ukraina mà phía Nga thường xuyên cáo buộc là dân tộc chủ nghĩa cực đoan, theo tư tưởng phát xít).Mariupol đã khiến thế giới chấn động với một cuộc oanh kích nhắm vào bệnh viện nhi của thành phố ngày 09/03. Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh là « Mariupol chỉ là một trường hợp » mà thôi. Sáng hôm qua 17/03, một trường học và một trung tâm văn hóa ngoại ô thành phố Kharkov, đông bắc, đã bị tấn công, khiến 21 người chết và 25 người bị thương.« Chiến tranh Ukraina : thành phố tuẫn đạo Mariupol » cũng là chủ đề trang nhất Le Monde. Đặc phái viên của Le Monde tại Ukraina cho biết hiện có khoảng 300 nghìn người dân Mariupol đang phải sống trong « những điều kiện khủng khiếp », dưới bom đạn liên tục, dữ dội. Hai dân cư thành phố mới thoát khỏi vòng vây của quân Nga tin rằng quân đội Nga muốn hủy diệt Mariupol : máy bay Nga xuất hiện thường xuyên, « không một vị trí nào còn là an toàn ».Donbass : Gọng kìm khép lại với quân đội UkrainaBáo Libération có bài mô tả « Tại vùng Donbass, gọng kìm khép lại với các lực lượng Ukraina ». Thành phố Mariupol là « vật cản » mà quân đội Nga phải vượt qua để bao vây một bộ phận lớn quân chủ lực Ukraina đang tập trung ở miền đông, để đối phó với lực lượng ly khai thân Nga vùng Donbass, từ 8 năm nay. Quân Ukraina tại miền đông bị kẹp từ ba mặt : bắc nam là quân Nga, còn phía đông là quân ly khai thân Nga. Vòng vây đang khép lại.Libération dẫn lời chuyên gia chiến lược quân sự Olivier Kempf, lực lượng Ukraina tại đây đứng trước hai lựa chọn, hoặc tiếp tục giữ vững vị trí hoặc lùi lại về phía tây. Trong cả hai khả năng, lực lượng Ukraina tại vùng Donbass đều phải chịu các tổn thất nặng nề. Cuộc chiến Mariupol có ý nghĩa quyết định với Donbass. Nếu Mariupol thất thủ, quân đội Ukraina ở Donbass sẽ phải chọn một trong hai hướng, hoặc trụ lại đến cùng, hoặc rút lui về phía tây để tránh bị bao vây hoàn toàn.Quân xâm lược Nga luôn ở thế thượng phong kể từ đầu cuộc chiến, nhưng sức kháng cự của quân đội Ukraina quả là bất ngờ, khiến quân Nga « sa lầy » ở nhiều nơi, là chủ đề một bài khác của Libération. Bài « Sức bật bất ngờ của quân đội Ukraina » của Libération nêu bật một số mặt mạnh của phía Ukraina, từ kỹ thuật đánh du kích cho đến các binh chủng chủ lực, như không quân.Quân dân Ukraina: Kết hợp du kích chiến và phương tiện hiện đại
Về mặt « kỹ thuật du kích », thế mạnh của các lực lượng Ukraina là « linh hoạt và được thông tin tốt ». Theo nhà nghiên cứu quân sự Joseph Henrotin, quân đội Ukraina đã tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong việc tiếp nhận và phân bổ kịp thời các vũ khí tiếp nhận được từ châu Âu và Hoa Kỳ. Quân Ukraina tránh né các cuộc đụng độ quy mô lớn với Nga. Các lực lượng Ukraina phân thành từng nhóm nhỏ, tiến hành các cuộc tập kích trọng điểm nhắm vào các nhóm thiết giáp Nga di động đơn lẻ, hay tấn công vào các lực lượng tiếp vận hoặc truyền thông.Riêng về mặt không quân, quân đội Ukraina ước tính vẫn bảo tồn được đến 80% phương tiện, theo nhận định của chuyên gia Mỹ. Mặc dù không thể cạnh tranh nổi với không quân Nga, các chiến đấu cơ Ukraina vẫn xuất kích hàng ngày, khiến không quân Nga không thể làm chủ hoàn toàn bầu trời.Về mặt số lượng binh sĩ trên chiến trường, ưu thế hiện nay nghiêng về phía Ukraina, trong lúc Nga huy động khoảng 150.000 binh sĩ, phía Ukraina, có tổng cộng hơn 300.000 người, với 130.000 binh sĩ chuyên nghiệp, 100.000 thuộc các lực lượng bộ đội địa phương, và ít nhất 100.000 quân tình nguyện bổ sung kể từ khi Nga xâm lược.Bài diễn văn chống phương Tây của Putin : Giọng điệu giống hệt Stalin
Trong lúc không có dấu hiệu cho thấy quân đội Nga chấp nhận lui bước trên chiến trường Ukraina, chính quyền Putin gia tăng chính sách đàn áp trong nước. Báo Le Monde có bài « Putin muốn ‘‘thanh lọc’’ xã hội Nga ». Trong một hội nghị trực tuyến trên truyền hình hôm thứ Tư 16/03, với các thống đốc vùng và nội các, tổng thống Nga nhấn mạnh một thông điệp chính. Ông Putin giải thích rõ mục tiêu của điện Kremlin không phải là « xâm chiếm » Ukraina, mà là ngăn chặn cuộc tấn công từ Ukraina nhắm vào nước Nga, với sự hậu thuẫn của phương Tây.Ông Putin nói rõ, kẻ thù của nước là « phương Tây ». Từ « phương Tây » được nhắc đi nhắc lại đến 26 lần trong vòng 37 phút. Theo tổng thống Nga, mục tiêu của phương Tây là « phá hủy », « chia cắt » và « hủy diệt » nước Nga, một nỗ lực mà tổng thống Nga ví với « chính sách chống người Do Thái của chế độ phát xít Đức trong những năm 1930 ». Trong cuộc đối đầu này, tổng thống Nga nhấn mạnh đến kẻ thù của nước Nga là các đội quân « gián điệp » trong nước.Chế độ Putin bộc lộ rõ bộ mặt thực, với hứa hẹn trừng phạt « những kẻ phản bội » cũng là một hồ sơ khác của Le Figaro. Theo Le Figaro, giọng điệu và ngôn từ mà tổng thống Nga sử dụng để chống lại những kẻ thù bên trong, nhắc công chúng nhớ lại các tuyên truyền cách đây hơn nửa thế kỷ, trong thời độc tài toàn trị Stalin. Nhà báo Mikhail Rostovski, báo Moskovski Komsomolets, nhận định : đây là một bước ngoặt về quan điểm của tổng thống Nga, « bài diễn văn chính trị này sẽ xác định lại định hướng chính trị của nước Nga trong những thập niên tới…. Putin giống với một chiếc lò xo, lâu ngày bị dồn nén… đột nhiên, bung ra… và ông ta không còn cần kìm nén những gì đã cất giữ trong những góc sâu kín của tâm hồn, ông ta hoàn toàn tự do ».Nước Nga có nguy cơ thành một Bắc Triều Tiên
Quan điểm của Putin giờ đây thật rõ ràng, giống hệt với học thuyết thời Liên Xô của nhà ý thức hệ Andre Jdanov (1896 – 1948) : Thế giới kể từ đây phân làm đôi, « tất cả những ai không đi theo chúng ta là chống lại chúng ta ». Putin đặt tất cả vào một rọ, « những người phương Tây », « người Ukraina » bị lên án là phát xít và lực lượng gián điệp trong nước.Trong bài diễn văn của ông Putin, không có lời lẽ nào « thừa nhận những sai lầm, hay bỏ lỡ cơ hội, cũng không có bất cứ chỗ nào cho khả năng ra khỏi khủng hoảng ». Tổng thống Nga nhấn mạnh : « Chiến dịch vẫn sẽ tiếp tục như dự kiến, và nước Nga không có lựa chọn nào khác », bởi « cần phải chấm dứt diệt chủng ở vùng Donbass, và các kế hoạch vũ trang của Ukraina và NATO, chuẩn bị tấn công bán đảo Crimée ». Le Figaro nhấn mạnh, nếu nước Nga tiếp tục theo đuổi mục tiêu này đến cùng như ông Putin tuyên bố, một kịch bản không xa là Nga sẽ trở thành « một Bắc Triều Tiên », nhưng là một Bắc Triều Tiên với quy mô lục địa, và được trang bị hàng ngàn đầu đạn hạt nhân.Chiến tranh của Putin khiến bao gia đình Nga - Ukraina tan vỡ
Cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã gây ra bao nhiêu tan vỡ đau đớn với những gia đình có thân nhân thuộc hai quốc tịch là chủ đề chính của La Croix hôm nay. Hồ sơ chính của La Croix tổng hợp lại những liên hệ văn hóa và lịch sử mật thiết của Nga và Ukraina trong hàng chục năm dưới thời Liên Xô, một lịch sử phong phú nhưng cũng đầy biến động. Mối quan hệ vô cùng gần gũi này đã bị cuộc chiến do Matxcơva khởi động ngày 24/02 làm tan vỡ. La Croix gặp gỡ nhiều nhân chứng, trong đó có cô Yana, hiện đang sống tại Matxcơva, có cha và mẹ đều mỗi người đều một nửa Ukraina, nửa Nga. Yana nói đến một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chiến tranh giữa những người cùng trong một gia đình.Tuy nhiên, theo La Croix, chính quyền Nga không muốn nghe những tiếng nói như vậy. Còn người dân Nga đa số bị quan điểm của chính quyền « mê hoặc ». Việc nữ phóng viên Marina Ovsiannikova, bất ngờ xuất hiện trong một chương trình truyền hình, lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa, rồi bị an ninh bắt giữ (trước khi được tạm tha), là một sự kiện. Tuy nhiên La Croix đặt câu hỏi, hiện tại chưa biết là hành động dũng cảm của nữ nhà báo – có cha Ukraina mẹ Nga này – có « gây chấn động gây chấn động trong truyền thông Nga » hay không ?La Croix phê tổng thống Macron công bố cương lĩnh tranh cử chậm
Cương lĩnh tái tranh cử của tổng thống Pháp công bố hôm qua cũng là chủ đề chiếm hầu hết trang nhất các báo. La Croix có bài xã luận mang tựa đề « Candidat plastique » (tạm dịch là « Ứng cử viên uốn dẻo ») chỉ trích việc tổng thống Pháp đã công bố cương lĩnh tái tranh cử quá trễ, ba tuần trước cuộc bỏ phiếu. Quá trễ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraina đang thu hút toàn bộ chú ý. Theo La Croix, nếu như chiến thuật công bố chậm cương lĩnh, và đưa ra những chủ đề không gây tranh cãi để tránh bị mất điểm, là một chiến thuật « hiệu quả » cho phép tổng thống Macron dễ dàng tái đắc cử, thì cương lĩnh này về mặt nội dung không đủ cho một cương lĩnh nhiệm kỳ tổng thống.Ông Macron gần nhưng sẽ không có nguy cơ bị ứng cử viên dân túy nào đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống này. Bởi vậy, với La Croix, điểm rất đáng lo ngại là sau khi đắc cử, tổng thống tái đắc cử sẽ phải đối mặt với một không khí xã hội bất lợi, với nhiều phản kháng, do việc cuộc bầu cử tổng thống lần này đã không thực sự có được một giai đoạn tranh cử.Le Figaro : « Như thể một cương lĩnh giữa nhiệm kỳ »
Ông Macron công bố cương lĩnh tranh cử tổng thống cũng là hồ sơ trang nhất của Le Figaro. « Macron : Thay đổi trong sự tiếp nối » là ghi nhận chính của Le Figaro. Xã luận Le Figaro có nhan đề « Như thể một cương lĩnh giữa nhiệm kỳ… ». Nhật báo thiên hữu điểm lại những nét chính trong cương lĩnh của Macron, như về hưu ở tuổi 65, độc lập về năng lượng, trường học, y tế, các định chế… Dự án có tổng trị giá 50 tỉ euro/năm. Nhiều nội dung trong cương lĩnh công bố hôm qua là sự tiếp tục các mục tiêu chưa đạt được của nhiệm kỳ vừa qua.Tổng thống Macron công bố cương lĩnh tái tranh cử cũng là chủ đề trang nhất của nhật báo thiên tả Libération « Macron tập 2 », nhấn mạnh đến việc cương lĩnh của tổng thống đang nghiêng thêm về phía hữu, và đây là điều không gây ngạc nhiên.Nhân dịp tổng thống Pháp công bố cương lĩnh tái tranh cử, nhật báo kinh tế Les Echos có hồ sơ trang nhất : « Kiểm toán nước Pháp » về hàng loạt lĩnh vực, để đánh giá những thành công, thất bại của nhiệm kỳ 5 năm của Emmanuel Macron. Nhật báo kinh tế nhấn mạnh đến các thành công của chính quyền Macron, trong các lĩnh vực thuế, việc làm, sức mua. Đây là ba lĩnh vực được coi là thành công. Các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, tái công nghiệp hóa, giáo dục, thành công được coi mới chỉ ở bước đầu. Le Monde cũng có hồ sơ « Sức mua : thắng lợi của Macron », nhấn mạnh đến tình trạng việc làm cải thiện từ 5 năm nay.Jacques Attali : « Đổ lỗi cho Macron là không công bằng »
Cũng trang nhất Les Echos giới thiệu bài nhận định rất đáng chú ý của học giả Jacques Attali bênh vực tổng thống Macron. Trong bài « Tranh cử tổng thống : Hãy ngừng tránh né những cuộc tranh luận căn bản ». Học giả Attali khẳng định việc cáo buộc tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron đã chậm công bố cương lĩnh tranh cử, khiến cuộc tranh cử tổng thống năm nay vắng mặt các tranh luận thực sự, là « không công bằng ».Theo vị học giả này, trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Mọi ứng cử viên đều có trách nhiệm công bố cương lĩnh về các vấn đề mang tính dài hạn. Trên thực tế, các ứng cử viên tổng thống, đặc biệt là các đảng phái chính trị Pháp, đều có lỗi. Cụ thể là cho đến nay, các đảng phái thậm chí còn chưa công bố cương lĩnh tranh cử Quốc Hội (vào tháng Sáu, tiếp theo bầu cử tổng thống). Và đây là điểm rất quan trọng, bởi đảng phái chiếm đa số trong Quốc Hội có vai trò dẫn dắt các cải cách.Học giả Attali lưu ý đến tình trạng hầu hết các ứng cử viên tránh né đối diện với sự thực : đó là nước Pháp đang phải đối mặt với tình huống chiến tranh. Thách thức căn bản hiện nay là nước Pháp và châu Âu phải có được khả năng tự vệ, khả năng tồn tại trong hoàn cảnh thời chiến. Điều đáng tiếc là đã không có ứng viên nào « dũng cảm » tuyên bố đất nước đang trong tình trạng rất dễ tổn thương, và một dự án xây dựng nền kinh tế thời chiến, một nền quốc phòng đủ mạnh là điều cấp thiết.Học giả Jacques Attali không trực tiếp ca ngợi tổng thống mãn nhiệm, nhưng nhắc lại rằng, chính Emmanuel Macron đã là người « không bao giờ kiệm lời trong việc trình bày các kế hoạch dài hạn » cho đất nước. Đổ lỗi cho tổng thống mãn nhiệm đã ngăn cản một cuộc tranh luận thực sự về các vấn đề này là « không công bằng ».