TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT   ngày 21/03 /2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT   ngày 21/03 /2022
03/21/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

Chiến tranh Ukraina: Tổng thống Zelensky bác bỏ tối hậu thư của Nga kêu gọi đầu hàng
fb400b43-9e4e-4ad7-81d7-7d22ff99b252.png
Nhân viên cứu hỏa dập đám cháy ở trung tâm thương mại bị Nga oanh kích, Kiev, Ukraina, ngày 21/03/2022. REUTERS - MARKO DJURICA

Minh Anh
 
Chiến sự tại Ukraina, hôm nay, 21/03/2022, bước sang ngày thứ 26. Bộ Quốc Phòng Nga hôm qua ra tối hậu thư kêu gọi Ukraina « hạ vũ khí » và yêu cầu « phản hồi bằng văn bản » trước 5 giờ sáng ngày thứ Hai, 21/03. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bác bỏ tối hậu thư này.

AFP dẫn nguồn tìn tình báo quân sự Anh Quốc cho biết một phần lớn lực lượng quân Nga hiện vẫn tập trung tại một điểm cách thủ đô Kiev 25 km về hướng đông bắc. Trong đêm Chủ Nhật rạng sáng thứ Hai, quân đội Nga đã oanh kích thủ đô Kiev làm thiệt mạng ít nhất 6 người.  

Trong khi đó ở miền nam, bất chấp những cuộc dội bom không ngừng tàn phá khoảng 80% khu dân cư ở Mariupol, nhưng đà tiến của quân Nga vẫn vấp phải sự kháng cự mãnh liệt.

Từ Odessa, đặc phái viên đài RFI, Clea Broadhurst, gửi về bài tường trình :  

« Tại những thành phố bị vây hãm, nhiều cuộc biểu tình chống Nga đã diễn ra trong suốt cuối tuần qua. Ở một số nơi như thành phố Kakhovka, Berdyansk, người ta nhìn thấy cờ của Ukraina ở khắp nẻo đường. Còn ở Kherson – người dân trương các biểu ngữ "quân chiếm đóng, hãy cút đi !" hay như "Kherson, là Ukraina !".  

Nhưng ở Mariupol, đông nam Ukraina, quân Nga đã ném bom vào một trường Mỹ Thuật – dùng làm nơi trú ẩn cho hàng trăm người. và theo chính quyền địa phương, nhiều thường dân vẫn bị kẹt dưới đống gạch đá đổ nát. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng nỗi kinh hãi Mariupol sẽ mãi lưu trong ký ức trong vòng nhiều thế kỷ.  

Hôm qua, không quân Nga liên tục oanh kích ở Mykolaiv với một nhịp độ nhanh, điều đó chỉ làm tăng thêm số người chạy trốn các cuộc oanh tạc. Biên giới gần nhất là với Moldavi, chỉ cách Odessa chưa tới hai giờ. Theo tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, tại chốt cửa khẩu Palanca, điểm gần nhất với Odessa, hàng ngàn người đổ về đây mỗi ngày. Còn theo bộ Năng Lượng, hơn một triệu người Ukraina không có điện và gần 275 ngàn hộ gia đình không có khí đốt.  

Tổng thống Zelensky hôm qua Chủ Nhật tuyên bố, người Ukraina sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nào có liên quan đến việc mất lãnh thổ hay chủ quyền. Ông nói : "Có những thỏa hiệp mà chúng tôi không thể sẵn sàng chấp nhận với tư cách là một Nhà nước độc lập." Ông cũng nói thêm rằng, ông sẵn sàng đàm phán với Vladimir Putin nhưng cũng cảnh báo rằng nếu các nỗ lực đàm phán thất bại, điều đó có nguy cơ dẫn đến một thế chiến mới. »  


Tính đến ngày 19/03/2022, ít nhất đã có 902 thường dân bị giết chết và gần 1.460 người bị thương ở Ukraina, theo như ước tính từ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.  

Về phần mình, các nhà chức trách Nga, hôm qua, 20/03, xác nhận phó chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, Andrei Paliï, tại Ukraine, đã bị thiệt mạng trong cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraina, gần thành phố Mariupol bị bao vây.  
 
Chiến tranh Ukraina: TT Mỹ thảo luận với lãnh đạo Anh, Pháp, Đức Ý trước khi đến Ba Lan
image.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị lên chuyên cơ Marine One để tới Rehoboth Beach, Delaware trong dịp nghỉ cuối tuần, Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 18/03/2022. REUTERS - ALEXANDER DRAGO

Trọng Nghĩa

Trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công dữ dội vào Ukraina, các lãnh đạo phương Tây liên tiếp tham khảo ý kiến lẫn nhau để tìm cách ứng phó. Sau một cuộc họp trực tuyến dự trù ngày hôm nay 21/03/2022 giữa tổng thống Mỹ  và 4 lãnh đạo Anh, Đức, Pháp và Ý, đích thân ông Joe Biden sẽ đến Ba Lan, nước giáp giới với Ukraina vào thứ Sáu, 25/03 tới đây, trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu để tham dự các thượng đỉnh G7, Liên Âu và NATO.


Trong một thông cáo công bố hôm qua, 20/03, Nhà Trắng cho biết là vào lúc 16 giờ giờ Paris hôm nay, tổng thống Joe Biden có cuộc tiếp xúc trực tuyến với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và ba thủ tướng Boris Johnson của Anh, Olaf Scholz của Đức và Mario Draghi của Ý.

Phủ tổng thống Pháp xác nhận cuộc gặp và cho biết thêm là chương trình nghị sự đặc biệt liên quan đến sự phối hợp các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.

Một trong những “bất đồng” hiện nay giữa châu Âu và Hoa Kỳ là vấn đề cấm vận dầu khí Matxcơva. Liên Âu dè dặt vì còn lệ thuộc vào khí đốt của Nga (đặc biệt là Đức và Ý), còn Hoa Kỳ đã quyết định dứt khoát trừng phạt Nga trong lãnh vực này.

Cũng theo Nhà Trắng, vào Thứ Sáu 25/03, tổng thống Mỹ đến Vacxava để thảo luận trực tiếp với đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina.

Ông Biden sẽ đến thủ đô Ba Lan sau khi ghé Bruxelles (Bỉ) để gặp các lãnh đạo nhóm G7, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Nội dung chuyên thăm châu Âu của ông Joe Biden đã được phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki xác định như sau: “Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận về cách Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh và đối tác ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền mà cuộc chiến tranh vô cớ và phi lý của Nga đối với Ukraina đã gây ra”.

Nhà Trắng đồng thời bác bỏ các tin đồn theo đó ông Biden có thể đến Ukraina.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, cùng với hai đồng nhiệm Séc và Slovenia, đã công du Kyiv vào tuần trước trong bối cảnh thủ đô Ukraina đang bị bao vây và bắn phá.

Thổ Nhĩ Kỳ: Nga và Ukraina sắp đạt được thỏa thuận ngưng bắn  

Cũng trong địa hạt ngoại giao, ngày hôm qua ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định rằng Nga và Ukraina đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xâm lược của Nga và hai bên đã tiến gần đến một thỏa thuận.

Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelinski vẫn tiếp tục chiến dịch vận động các nước trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến của nước ông chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Phát biểu qua cầu truyền hình với Quốc Hội Israel, tổng thống Ukraina đã kêu gọi quốc gia Do Thái dứt khoát thái độ để hậu thuẫn Kiev chống lại Matxcơva. 
Slovakia nhận tên lửa phòng không Mỹ Patriot để chuyển tên lửa Liên Xô S-300 cho Ukraina
image.png
Dàn tên lửa MIM-104 Patriot đất đối không, gần sân bay Rzeszow-Jasionka, Ba Lan. Ảnh chụp ngày 16/03/2022. REUTERS - FABRIZIO BENSCH

Thùy Dương

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đang được chuyển đến Slovakia, theo thông báo hôm Chủ Nhật 20/03/2022 của bộ trưởng Quốc Phòng Slovakia, Jaroslav Nad. Việc Mỹ chuyển tên lửa Patriot đến Slovakia dường như mở đường để Slovakia giao cho Ukraina hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Liên Xô chế tạo nhằm giúp Ukraina đối phó với quân đội Nga.


Trong tuần qua Slovakia đã tuyên bố có thể chuyển cho Ukraina hệ thống tên lửa phòng không S-300 được chế tạo từ thời Liên Xô, với điều kiện Slovakia phải nhận được tên lửa thay thế để tránh làm suy yếu an ninh của NATO. Hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà một số nước cộng sản cũ, trong đó có Slovakia và Bulgari, sở hữu, được xem là loại vũ khí lý tưởng cho Ukraina chống Nga, bởi quân đội Ukraina đã quen với hệ thống này.

Trên Facbook, bộ trưởng Quốc Phòng Slovakia, Jaroslav Nad, khẳng định « những đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm triển khai hệ thống phòng không Patriot đang dần đến CH Slovakia. Quy trình sẽ được tiếp diễn trong những ngày tới đây (…) Hệ thống Patriot không thay thế hệ thống S-300 của Liên Xô trước đây, nhưng là một phần bổ sung trong công tác bảo vệ không phận của CH Slovakia ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Slovakia cũng nhấn mạnh S-300 trong tương lai không còn phù hợp với lực lượng vũ trang Slovakia do đã cũ, kỹ thuật và khả năng phòng không đều không đủ tốt. Slovakia cũng tránh phụ thuộc vào Nga : không thể chấp nhận khả năng hợp tác quân sự trong tương lai với chế độ đã vô cớ tấn công xâm lược Ukraina. Theo bộ trưởng Jaroslav Nad, Slovakia muốn thay thế S-300 bằng một hệ thống khác có khả năng bảo vệ đất nước tốt hơn và tương thích với hệ thống của các đồng minh.  

Tạm thời tên lửa Patriot được triển khai tại căn cứ quân sự Sliac của Slovakia, chính quyền cũng đang tham vấn giới chuyên gia về các địa điểm khác để đạt được khả năng phòng không lớn nhất cho cả nước. AFP nhắc lại hôm thứ Sáu 18/03, Hà Lan thông báo sẽ triển khai một hệ thống tên lửa Patriot ở căn cứ Sliac, miền trung Slovakia. Đức cũng khẳng định sẽ chuyển hai hệ thống tên lửa Patriot cho Slovakia.

Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tần Cương (Qin Gang), hôm 20/03 khẳng định Bắc Kinh không hỗ trợ quân sự cho Nga, nhưng không nói rõ có tiếp tục như vậy trong tương lai hay không.
 
Chiến tranh Ukraina: Liên Hiệp Quốc ghi nhận 10 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa
db004185-18b6-435a-8b0e-1e02a9a7a712.png
Người tỵ nạn Ukraina từ Lviv tới, đang đợi tàu ở sân ga Przemysl Glowny, Ba Lan, ngày 20/03/2022. REUTERS - HANNAH MCKAY

Trọng Nghĩa

Cuộc chiến tranh do Nga khởi động tại Ukraina đang gây nên một thảm họa nhân đạo ghê gớm. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 20/03/2022, đã có khoảng 10 triệu người dân Ukraina - tức 1 phần tư dân số nước này - đã phải bỏ nhà bỏ cửa để tìm đường lánh nạn.


Theo Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi, cuộc chiến tranh “tàn khốc” mà Nga tiến hành tại Ukraina đã buộc 10 triệu người Ukraina phải sơ tán, tìm nơi lánh nạn trong nước, hoặc di tản ra nước ngoài.

Trong một tin nhắn Twitter, ông Grandi nói thêm: “Những kẻ gây ra chiến tranh, ở bất cứ đâu trên thế giới, đều phải chịu trách nhiệm về những đau khổ gây ra cho những thường dân bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ”.

Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) hôm qua cho biết là đã có 3.389.044 người Ukraina đã rời khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2. Khoảng 90% những người di tản là phụ nữ và trẻ em. Do lệnh tổng động viên, đàn ông Ukraina trong độ tuổi từ 18 đến 60 đều có thể nhập ngũ do đó không được phép xuất cảnh.

Unicef, cơ quan phụ trách trẻ em của Liên Hiệp Quốc xác định là đã có hơn 1,5 triệu trẻ em trong số những người đã chạy ra nước ngoài, đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ bị buôn bán và bóc lột mà các em phải đối mặt là điều “có thật và đang gia tăng”.

Cũng liên quan đến những người tỵ nạn, tại cảng Mariupol ở đông nam Ukraina bị Nga đánh phá, đã có hơn 59.000 người chạy khỏi thành phố này. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nga, tổng cộng đã có 330.000 người Ukraina được sơ tán sang Nga.

Trong số những người Ukraina di tản ra nước ngoài, đa số đã chạy qua Ba Lan. Nhưng cũng có rất nhiều người chọn hướng Slovakia nằm ở phía Tây Ukraina, với nhịp độ khoảng 10.000 người mỗi ngày. Thành phố thứ hai của Slovakia là Kosice (cách biên giới Ukraina một trăm km) là điểm dừng chân của họ. Từ thành phố này, người tỵ nạn Ukraina họ có thể đi tàu để tìm đến như nước xa hơn trong Liên Hiệp Châu Âu.  

Đặc phái viên RFI Alexis Bedu đã đến nhà ga Kosice để tìm hiểu thêm:

Các loa phóng thanh ở sân ga đều phát ra các thông điệp bằng tiếng Ukraina. Chuyến tàu đến Bratislava chuẩn bị khởi hành, trên xe là những gia đình người Ukraina.

Margarita là một phụ nữ khoảng năm mươi tuổi. Bà giải thích rằng nhà của bà đã bị phá hủy khi thành phố Lugansk thuộc vùng Donbass bị bắn phá. Bà đã phải để lại một người mẹ vốn thà chết chứ không chịu bỏ đi.

Mục tiêu của một gia đình khác, có ba đứa con là phải đi về hướng tây bằng mọi giá. Tatiana, một người bà, tay mang đầy túi xách, giải thích: “Chúng tôi rất muốn ở lại Kosice vì mọi người ở đây rất tốt, nhưng chúng tôi được thông báo là không có công ăn việc làm nên chúng tôi sẽ đến Gelina… ở miền trung Slovakia, dù chúng tôi không quen ai ở đó.”

Riêng bà Margarita, người đến từ Lugansk, thì run người lên vì giận dữ khi nói về Vladimir Putin. Với giọng tiếng Nga hoàn hảo, bà khẳng định: “Tôi đã quyết định cắt đứt quan hệ với tất cả những người bạn Nga của mình ... Như ông có thể thấy, tôi nói được tiếng Nga nhưng tôi đã tự hứa sẽ không dùng tiếng Nga nữa. Từ giờ tôi sẽ học tiếng Ukraina”.

Bà đã giơ điện thoại di động lên và cho xem một bức ảnh chụp một tòa nhà bị đánh bom. Tấm ảnh chụp nhanh cuối cùng trước một cuộc ly hương không có ngày trở lại. 
 
Biển Đông: Trung Quốc đã "quân sự hóa hoàn toàn" ba đảo ở Trường Sa
image.png

Ảnh Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa Biển Đông, do Trung Quốc kiểm soát, Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Ảnh chụp ngày 3/5/2020. © Wikimedia

Trọng Nghĩa

Đô đốc Mỹ John C Aquilino, tư lệnh lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày 20/03/2022 cho biết: Trung Quốc đã "quân sự hóa hoàn toàn" ít nhất ba trong số 7 hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở vùng quần đảo Trường Sa, thuộc Biển Đông, bố trí trên đó nhiều hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và bắn laser, cùng máy bay chiến đấu.


Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, đô đốc Aquilino nhắc lại rằng các hành vi hiếu chiến đó hoàn toàn trái ngược với lời đảm bảo trước đây của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự.  

Ông Aquilino đã nói chuyện với AP trên một chiếc máy bay trinh sát của Hải Quân Hoa Kỳ, bay gần các tiền đồn do Trung Quốc trấn giữ ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, một trong những khu vực tranh chấp nóng bỏng nhất trên thế giới. Trong quá trình tuần tra, chiếc máy bay P-8A Poseidon liên tục nhận được những lời cảnh cáo qua vô tuyến điện từ phía Trung Quốc, nói rằng máy bay Mỹ đã xâm nhập trái phép, vào nơi mà họ nói là lãnh thổ của Trung Quốc, và ra lệnh cho máy bay di chuyển đi nơi khác.

Khi chiếc P-8A Poseidon bay gần các rạn san hô do Trung Quốc chiếm đóng, ở một số nơi, có thể thấy các tòa nhà nhiều tầng, nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng và radar. Gần Đá Chữ Thập chẳng hạn, có hơn 40 tàu đang neo đậu.

Ông Aquilino cho biết việc xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập dường như đã hoàn thành, nhưng vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có theo đuổi việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở các khu vực khác hay không.

Đô đốc Mỹ xác định: “Chức năng của những hòn đảo đó là mở rộng khả năng tấn công của CHND Trung Hoa ngoài các bờ lục địa của họ. Họ có thể tung máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cộng với tất cả các khả năng tấn công của hệ thống tên lửa."

Ông cho biết bất kỳ máy bay quân sự và dân sự nào bay qua tuyến hàng hải đang tranh chấp đều có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của hệ thống tên lửa trên các đảo của Trung Quốc.

Không có bình luận ngay lập tức từ các quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh luôn cho rằng các cơ sở quân sự của họ hoàn toàn mang tính chất  phòng thủ, được bố trí để bảo vệ những gì họ nói là thuộc chủ quyền của mình.