Trận chiến Ukraine - Russia ngày thứ 25

Trận chiến Ukraine - Russia ngày thứ 25
03/21/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

Người dân Ukraine lên tàu ở Ba Lan để sơ tán tới Đức.
 

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tần Cương, ngày 20/3, khẳng định Trung Quốc đang tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình và kêu gọi các bên xung đột tại Ukraine ngừng bắn ngay lập tức.

 

Đại sứ Tần Cương cho rằng, việc nhiều nước phương Tây kêu gọi công khai chỉ trích Nga sẽ không giúp ích cho mục tiêu tháo gỡ cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh cần có lý trí, sự can đảm và tinh thần ngoại giao.

Tăng cường vai trò ngoại giao

Ngày 20/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (V.Dê-len-xki) đề xuất thành phố Jerusalem có thể là địa điểm thích hợp để tổ chức các cuộc hòa đàm giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là động thái mới nhất của ông Zelensky thúc đẩy một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga.

Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis (I.Ca-xít) tuyên bố quốc gia này sẵn sàng làm trung gian hòa giải hoặc chủ trì những cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RBC, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, các đồng nghiệp Thụy Sĩ đã đề nghị đóng vai trò dàn xếp những cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (M.Ca-vu-xô-glu) ngày 20/3 cho biết, Nga và Ukraine đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về các vấn đề quan trọng và gần như đã nhất trí về một số vấn đề. Trả lời phỏng vấn báo Hurriyet, ông Cavusoglu bày tỏ hy vọng Moskva và Kiev sẽ sớm đạt được một lệnh ngừng bắn.

Ngày 21/3, Nhà trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ba Lan trong tuần này để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Mỹ diễn ra một ngày sau khi ông tham dự Hội nghị NATO, gặp các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ). Tổng thống Mỹ cũng dự hội nghị của Hội đồng châu Âu để thảo luận về vấn đề cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có những nỗ lực phối hợp xuyên Đại Tây Dương để gia tăng sức ép kinh tế với Nga, hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

Tiếp tục hỗ trợ người dân sơ tán

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, đã đạt được thỏa thuận về việc mở 8 hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các thị trấn và thành phố trong ngày 21/3, tuy nhiên trong đó không có thành phố Mariupol. Theo Phó Thủ tướng Ukraine, với 4 trong số 7 hành lang nhân đạo hoạt động theo kế hoạch, đã có tổng cộng 7.295 người được sơ tán trong ngày 20/3. Trong số đó, 3.985 người đã được sơ tán từ thành phố Mariupol tới thành phố Zaporizhzhia.

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga Mikhail Mizintsev cũng cho biết, trong 3 ngày qua, các binh sĩ Nga đã giúp sơ tán 59.304 người, trong đó có 139 công dân nước ngoài, từ thành phố Mariupol tới Nga. Riêng trong ngày 20/3, Nga đã sơ tán hơn 16.000 người, trong đó có 2.000 trẻ em, từ các vùng ở Ukraine.

Lực lượng biên phòng Romania ngày 20/3 cho biết, hơn 490.000 người Ukraine đã tới nước này kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo Liên hợp quốc, hơn 3,3 triệu người Ukraine đã sơ tán đến các nước láng giềng kể từ khi xảy ra xung đột.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân ngày 21/3 cho biết, Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 10 triệu nhân dân tệ (1,57 triệu USD) cho Ukraine thông qua Hội chữ thập đỏ Trung Quốc. Trước đó, đầu tháng này, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ Ukraine 5 triệu nhân dân tệ, hỗ trợ chăn mền và các nhu yếu phẩm thông qua các tổ chức nhân đạo.

Trong khi đó, Bulgaria cho biết đã từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuyên bố trên được Thủ tướng Bulgaria đưa ra trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm Sofia từ ngày 18 đến 19/3 vừa qua. Hai bên đã thảo luận về hợp tác quốc phòng và các kế hoạch của NATO.