03/26/2022
Mỹ và EU công bố thỏa thuận khí đốt lớn, thay thế nguồn nhập khẩu từ Nga
Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã công bố một thỏa thuận khí đốt mới nhằm giúp châu Âu giảm thiểu sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Thỏa thuận được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo phương Tây tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Hãng tin DW của Đức cho hay, thứ Sáu (25/3), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố một thỏa thuận khí đốt mới trong bối cảnh châu Âu cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Sự kiện này diễn ra vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Trước cuộc hội đàm, cả hai bên đã công bố một thỏa thuận để Mỹ đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu. EU đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Moscow.
Trong một cuộc họp báo chung, ông Biden cho biết: “Chúng ta đang hợp tác để giảm thiểu sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Chúng ta không thể tiếp tay cho cuộc tấn công tàn bạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine".
Bà Von der Leyen gọi thỏa thuận này là "một bước tiến lớn" trong lộ trình Châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow. Cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi thỏa thuận giúp Mỹ và EU xích lại gần nhau hơn và nhấn mạnh rằng, một phần quan trọng của thỏa thuận là chấm dứt sự phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo.
Mỹ tăng xuất khẩu LNG thêm 15 tỷ mét khối
Là một phần của kế hoạch, Mỹ và các quốc gia khác sẽ tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu thêm 15 tỷ mét khối trong năm nay, Nhà Trắng cho biết. Các lô hàng lớn hơn nữa sẽ được giao trong tương lai.
Theo Tổng thống Mỹ Biden, mặc dù sáng kiến này có thể sẽ yêu cầu các cơ sở hạ tầng mới để nhập khẩu LNG, nhưng về lâu dài, thỏa thuận cũng hướng tới việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng năng lượng hiệu quả và các nguồn năng lượng thay thế.
Ủy ban Châu Âu cũng sẽ làm việc với các nước thành viên để đảm bảo ít nhất đến năm 2030, họ có thể nhận được khoảng 50 tỷ mét khối LNG bổ sung, theo bảng dữ kiện do Nhà Trắng cung cấp.
Trước đó một ngày, ông Biden đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO đột xuất cũng như cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU, nơi các cường quốc phương Tây bàn bạc về một phản ứng thống nhất trước hành động gây hấn của Nga.
Cuối ngày thứ Sáu (25/3), ông Biden sẽ đến Ba Lan, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm châu Âu. Ba Lan đã đi đầu trong việc tiếp nhận người tị nạn từ nước láng giềng Ukraine. Nước này cũng đang có những quan ngại về xung đột gần biên giới.
Châu Âu đang lâm vào tình thế khó khăn. Mặc dù họ phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga nhưng họ cũng muốn lên án Nga về hành vi xâm lược Ukraine. 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu nhập khẩu khoảng 25% lượng dầu và hơn 40% lượng khí đốt của họ từ Nga, theo Quartz.
Tất cả các quốc gia châu Âu không giáp biển ở phía đông đặc biệt phụ thuộc vào Nga về dầu khí và các nhà máy lọc dầu vẫn đang mua của Nga, Reuters đưa tin.
Tờ Financial Times cho hay, thỏa thuận khí đốt giữa Hoa Kỳ và EU này nhằm giúp EU giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, với việc khối này đang gấp rút giảm 2/3 tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Nga trong năm nay.
EU đặt ra mục tiêu sẽ tìm nguồn cung thay thế cho 50 tỷ mét khối khí nhập khẩu từ Nga. Việc Mỹ bán khí đốt cho châu Âu giúp hiện thực hóa một phần mục tiêu này. Năm 2021, Mỹ cung cấp cho châu Âu 22 tỷ mét khối khí, theo số liệu của EU.
Cho đến nay, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là những quốc gia cấm vận dầu của Nga nhiều nhất. So với EU, họ ít phụ thuộc vào dầu khí của Nga hơn.
Mặc dù việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga là áp lực lớn đối với EU, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo rằng, lệnh cấm ngay lập tức đối với nhiên liệu hóa thạch của Moscow có thể khiến nước Nga lâm vào tình trạng suy thoái, theo Financial Times.
Các quan chức Đức cho biết việc giảm mạnh nhập khẩu khí đốt của Nga trong năm nay sẽ đạt được mục tiêu giống như các lệnh trừng phạt.
Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đe dọa châu Âu rằng, ông sẽ ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn nếu châu Âu có “sự từ chối đối với dầu của Nga”, tờ Guardian của Anh đưa tin.
Vì vậy, việc EU chuyển sang Mỹ để lấy khí đốt là điều tất yếu. Nhưng đó là một sự thay đổi lớn vì châu Âu đã phụ thuộc rất nhiều vào Nga về năng lượng.
“Kế hoạch của EU và Mỹ là một nỗ lực ấn tượng nhằm tước bỏ đòn bẩy của Nga khi nước này tiếp tục xâm lược Ukraine. Kế hoạch này sẽ đánh dấu một động thái hiếm hoi nhằm sắp xếp lại dòng năng lượng của thế giới. Sự thay đổi này có thể có tác động rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc”, tờ Washington Post bình luận.
Tuy nhiên, bất chấp kế hoạch của Mỹ nhằm giúp EU giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, nhiều người kỳ vọng rằng EU sẽ không sớm cấm vận hoàn toàn dầu khí của Nga, CNBC đưa tin. Trong khi Đức và Hungary do dự về việc cắt giảm tỷ lệ nhập khẩu dầu của mình từ Nga, một số quốc gia Baltic và Ba Lan ủng hộ việc này.
Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh của ông Biden, cho biết mục tiêu giúp đỡ châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng là "một ưu tiên lớn" của Hoa Kỳ.
Nhà Trắng: Hoa Kỳ sẽ không sử dụng vũ khí hoá học 'dưới bất kỳ trường hợp nào'
Hôm 25/3, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết Hoa Kỳ không có kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học ngay cả khi Nga sử dụng chúng ở Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên trên Không lực Một khi cất cánh ở châu Âu.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên trên: “Cái giá phải trả sẽ rất đắt Nga nếu sử dụng vũ khí hóa học".
“Tôi sẽ không nói gì hơn ngoài việc khẳng định rằng Hoa Kỳ không ó ý định sử dụng vũ khí hoá học, trong bất kỳ trường hợp nào", ông Sullivan nói thêm.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng, Hoa Kỳ hoặc NATO sẽ đáp trả nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai vũ khí hóa học.
Vũ khí hóa học bao gồm chất độc thần kinh và khí độc.
Ông Biden hiện đang ở châu Âu họp mặt với nhiều quan chức các quốc gia. Ông đã hạ cánh xuống Ba Lan gần Ukraine vào thứ Sáu (25/3) để nhận thông tin tóm tắt về tình hình những người tị nạn đang đổ vào đất nước này do chiến tranh.
Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 và giao tranh vẫn tiếp diễn kể từ đó.
Trước khi khởi hành chuyến đi, ông Biden nói rằng có một "mối đe dọa thực sự" rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hóa học chống lại Ukraine.
Tổng thống từ chối tiết lộ về việc liệu tình báo Hoa Kỳ tìm hiểu xem ông Putin có triển khai vũ khí hay xem xét việc sử dụng chúng hay không.
“Tôi không thể trả lời điều đó. Tôi sẽ không cung cấp cho các vị dữ liệu tình báo", ông cho hay.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lại nói với các phóng viên trong một cuộc gọi hôm 25/3, việc các quan chức Hoa Kỳ thảo luận xem Nga có khả năng sử dụng vũ khí hóa học thực chất là một “chiêu trò đánh lạc hướng”.
“Rõ ràng là người Mỹ đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý", ông Peskov lưu ý. “Họ nói về một số mối đe dọa viển vông như việc Nga triển khai vũ khí hóa học. Nhưng đây không gì khác hơn chính một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi vụ bê bối đã vỡ lở".
Trong một cuộc họp riêng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, Nga “đang cố tạo ra một cái cớ nào đó hòng cáo buộc Ukraine, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học và sinh học".
“Và tất nhiên, những cáo buộc đưa ra cho Ukraine và các đồng minh NATO là hoàn toàn sai sự thật", ông tiếp tục.
Trong cuộc họp tại Brussels, các thành viên NATO đã đồng ý gửi thiết bị bảo vệ cho Ukraine vì lo ngại về vũ khí hóa học
Ukraine không phải là thành viên của NATO, vì vậy các quốc gia khác đã không đưa quân đến chiến đấu cùng với người Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga. Dù vậy, Hoa Kỳ và một loạt các đồng minh đã liên tục vận chuyển vũ khí và các khoản viện trợ quân sự khác để giúp Ukraine tự vệ trước Nga.
Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp nhận 100.000 người tị nạn Ukraine
Washington đang có kế hoạch cho phép người tị nạn Ukraine nhập cảnh vào Hoa Kỳ như một phần của các nỗ lực nhân đạo nhằm hỗ trợ quốc gia đang gồng mình chống lại cuộc xâm lược của Nga.
“Hoa Kỳ xin công bố kế hoạch chào đón tới 100.000 người dân Ukraine và những người khác chạy trốn khỏi sự xâm lược của Nga thông qua các con đường hợp pháp, bao gồm Chương trình Tuyển sinh Người tị nạn của Hoa Kỳ”, theo Thông báo của Nhà Trắng hôm 24/3 .
“Đặc biệt, chúng tôi đang nỗ lực mở rộng và phát triển các chương trình mới với trọng tâm là chào đón những người Ukraine có thành viên gia đình ở Hoa Kỳ", ông cho hay.
Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 123 triệu USD kể từ ngày 24/2 cho các quốc gia láng giềng và Liên minh châu Âu để tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Số tiền này bao gồm 48 triệu USD được cấp cho Ba Lan, 30 triệu USD cho Moldova, 10 triệu USD cho Romania, 9 triệu USD cho Hungary và 4 triệu USD cho Cộng hòa Slovakia.
Hơn 3,6 triệu người Ukraine đã thoát khỏi đất nước kể từ khi chiến tranh bắt đầu, theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).
Ba Lan đã tiếp nhận số lượng người tị nạn cao nhất, với hơn 2,17 triệu người Ukraine. Romania đã tiếp nhận hơn 500.000 người tị nạn trong khi Moldova và Hungary đều tiếp nhận hơn 300.000 người tị nạn mỗi nước.
Phát biểu với tờ Reuters, bà Julia Gelatt, nhà phân tích chính sách cấp cao của Viện Chính sách Di cư (MPI), hoan nghênh cam kết của Hoa Kỳ nhưng nói rằng, “có rất nhiều câu hỏi” về tốc độ và mức độ mà Washington có thể giúp đỡ. Những người Ukraine có họ hàng ở Hoa Kỳ có thể sẽ sử dụng thị thực theo diện gia đình để có được thường trú nhân tại nước này.
Tuy nhiên, những kiến nghị của họ sẽ chỉ làm tăng thêm hàng trăm nghìn đơn xin thị thực chưa được xử lý, bà Gelatt nói. Người Ukraine có thể tìm cách sử dụng chương trình này để nhập cảnh vào đất nước. Nhưng chương trình cụ thể này không cung cấp quyền thường trú nhân.
Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu tái định cư cho 125.000 người tị nạn trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 10. Gần 5 tháng sau, 6.500 người tị nạn đã được tiếp nhận.
Ông Biden cam kết tái định cư cho 100.000 người Ukraine trong bài phát biểu tại trụ sở NATO vào ngày 24/3. Ông cũng công bố một quỹ để giúp đỡ những người tị nạn từ quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
"Tôi xin thông báo rằng Hoa Kỳ chuẩn bị cam kết hỗ trợ nhân đạo hơn 1 tỷ USD để giúp cứu trợ cho hàng triệu người Ukraine bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine", ông Biden nói. “Và chúng tôi sẽ đầu tư 320 triệu USD để tăng cường khả năng phục hồi dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở Ukraine và các quốc gia láng giềng”.
CEO Elon Musk có thể trở thành “tỷ phú nghìn tỷ” đầu tiên vào năm 2024?
Theo danh sách tỷ phú dựa trên thời gian thực của tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của CEO (Giám đốc điều hành) Elon Musk của hãng Tesla và SpaceX đã đạt mốc kỷ lục 267,3 tỷ USD vào hôm 24/3 vừa qua. Vị CEO 50 tuổi này được dự đoán trở thành người đầu tiên tích lũy tài sản ròng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2024, theo phân tích xu hướng tăng trưởng trung bình hàng năm của Tipalti Approve.Năm 2021, ông Elon Musk đã giành được danh hiệu người giàu nhất thế giới từ tay của Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, người hiện sở hữu khối tài sản 189,2 tỷ USD.“Kể từ năm 2017, tài sản của ông Elon Musk đã tăng trung bình 129% hàng năm. Điều đó có thể giúp ông gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, với giá trị tài sản ròng 1,38 nghìn tỷ USD vào năm 2024 ở tuổi 52”, trích nội dung báo cáo của Tipalti Approve.Hãng xe điện Tesla đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự bùng nổ của ông. Dẫu vậy, dự án khám phá vũ trụ SpaceX mới là yếu tố giúp tài sản của ông lên đến hàng 12 con số. Hãng SpaceX đã kiếm được nguồn doanh thu khổng lồ nhờ sứ mệnh vận chuyển hành khách và hàng hóa lên vũ trụ.Cựu CEO Amazon Jeff Bezos, người hiện có giá trị 189,2 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ không chạm ngưỡng nghìn tỷ trước năm 2030.Trước đó, CEO Elon Musk đã gửi đến Ukraine 2 lô hàng gồm các thiết bị Internet vệ tinh Starlink của SpaceX cũng như các thiết bị hỗ trợ để dùng Internet ở những nơi không có điện trong bối cảnh nước này đang bị Nga tấn công.Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.