Từ năm 1912 - Sau khi biến cố và thảm họa đắm tàu xảy đến với "Con thuyền không bao giờ chìm" mang tên RMS Titanic, trong đó có trường hợp Nạn nhân là nhiều Người thân trong cùng một gia đình - Người ta đã đề cập đến học thuyết phân tán rủi ro. Đầu tiên, học thuyết này chỉ bàn về phân tán rủi ro liên quan đến tính mạng Con người, ví dụ như khi đi du lịch, đi công tác.... Thì những Người thân trong một gia đình sẽ không đi cùng một chuyến bay, không đi cùng một chuyến tàu.... Để nếu lỡ xui rủi có xảy ra tai nạn, thì cũng không bị "dính chùm". Nhưng về sau, học thuyết này đã được phát triển trong nhiều lĩnh vực như kinh tế đầu tư với nguyên lý "không để chung trứng vào một rổ", và cả lĩnh vực pháp lý.....
Năm 2012 - Ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) bị khởi tố, bắt tạm giam và sau đó phải lĩnh án 30 năm tù cho các tội danh kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái. Nhưng không có bất kỳ ai là Người thân của Ông Kiên bị vướng vòng lao lý cùng với Ông ấy, bao gồm có Vợ và 03 Người em ruột của Ông Kiên. Thậm chí, có những Người em của Ông Kiên đang làm việc, hoạt động trong những ngành nghề chẳng hề dính dáng gì đến công việc, ngành nghề Ông Kiên tham gia trước khi bị bắt. Mặc dù, khi đã ở vị trí của giới tài phiệt, thường Người ta hay có khuynh hướng phát triển đế chế của Gia tộc, tức là tạo dựng một Tập đoàn, mà trong đó Người thân trong gia đình sẽ nắm giữ các vị trí chủ chốt. Liệu phải chăng Ông Kiên biết được con đường đang đi có rủi ro nhất định, nên đã áp dụng triệt để nguyên tắc phân tán??!!
Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có sự may mắn như Ông Nguyễn Đức Kiên. Bởi vẫn còn rất nhiều Người nuôi mộng tư tưởng xây dựng đế chế Gia tộc, để rồi khi xảy ra biến cố, thì hậu quả luôn là bão táp và thảm họa ập đến cho cả Đại gia đình. Mấy năm trước khi "Đế chế" Alibaba bị sụp đổ, Nguyễn Thái Luyện cùng 02 Người em ruột đều bị bắt; Nhiều ngày trước Trịnh Văn Quyết chủ tịch FLC bị bắt, sau đó đến lượt 02 Em gái ông Quyết cũng chung số phận; Cách đây vài giờ báo chí đồng loạt đưa tin Chủ tịch Tân Hoàng Minh - Ông Đỗ Anh Dũng, cùng Con trai bị khởi tố, bắt tạm giam..... Là những ví dụ điển hình về sự "chết chùm", rủi ro pháp lý của cả một Gia tộc!
Tất nhiên, Ai làm sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật - Nhưng bài viết này, tạm không bàn đến điều đó. Ở đây, Chúng ta nhận thấy rằng, có những rủi ro có thể giảm tránh được, nếu như Con người ta biết phân tán nó. Rõ ràng, nếu như Anh em, Vợ chồng, Cha con không cùng chung một đường dây làm ăn, không có dây mơ rễ má gì trong việc kinh doanh, không có vai trò đồng phạm giúp sức, thông mưu với nhau - Thì không có chuyện bị vướng vòng lao lý chung phận như vậy. Pháp luật hiện đại không còn cái gọi là "tru di tam tộc", mà đã cụ thể hóa trách nhiệm của từng Cá nhân, theo nguyên tắc "ai làm nấy chịu", nên nếu như không liên quan, thì sẽ không bị liên đới. Có lẽ đây là một Bài học pháp lý quan trọng, mà không phải Người giàu nào cũng biết, và không phải Người nào đã biết cũng có thể vận dụng được. Nhưng Bà con ta, nên cần chiêm nghiệm và áp dụng nó vào mọi lĩnh vực cuộc sống, để có thể giảm tránh rủi ro pháp lý cho mình - Ví như: Không gửi toàn bộ tiền vào chỉ một Ngân hàng, Không mua nhiều bất động sản của cùng một Chủ dự án, Không mua nhiều chứng khoán của chỉ một Nhà phát hành....... Vì lúc đó, rủi ro đã được phân tán!
Viết tại Sài Gòn, đêm muộn 05/4/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!