“Lập trường nhất quán của chúng tôi là mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, nói.
“Điều quan trọng là cần hết sức kiềm chế và chấm dứt sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và mất mát”, ông Đặng Hoàng Giang, nói thêm sau khi đề cập đến lịch sử chiến tranh trong nhiều thập kỷ và hậu quả của nó tại Việt Nam.
Ông Giang cũng kêu gọi các bên tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, bao gồm thúc đẩy và mở rộng tiếp cận nhân đạo an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở và vận chuyển các vật dụng thiết yếu, đặc biệt là y tế và lương thực cho người dân địa phương và cả người nước ngoài tại Ukraine.
“Việt Nam sẽ đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ đối với Ukraine trong khả năng và điều kiện cho phép”, đại diện của Việt Nam nói, đồng thời cam kết phối hợp với các nước để giảm thiểu hậu quả nhân đạo và thúc đẩy ngoại giao, đối thoại.
Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ diễn ra từ ngày 23/3 – 24/3, với sự tham dự của Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ và đại diện của hơn 60 quốc gia và tổ chức. Phiên họp do Ukraine và 22 quốc gia khác đồng ký tên đề nghị triệu tập, với nội dung tập trung vào các vấn đề nhân đạo tại Ukraine.
Có khoảng 70 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ đăng ký phát biểu trong cuộc họp lần này. Trước đó, các thành viên nhận được 3 dự thảo nghị quyết về Ukraine.
Dự thảo đầu tiên do Pháp và Mexico đề xuất, được Ukraine ủng hộ, yêu cầu Nga chấm dứt các cuộc tấn công quân sự và kêu gọi hỗ trợ cho những hậu quả nhân đạo. Dự thảo thứ hai của Nga đưa ra tại Hội đồng Bảo an LHQ và đã bị phủ quyết áp đảo vào ngày 23/3. Dự thảo nghị quyết của Nga thừa nhận nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng ở Ukraine, nhưng không đề cập đến cuộc xâm lược của Nga là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng leo thang khiến hàng triệu người Ukraine đang rất cần lương thực, nước và nơi trú ẩn.
Để được thông qua nghị quyết này, Nga cần tối thiểu 9 phiếu “đồng ý” trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên và không có phủ quyết của một trong bốn thành viên thường trực khác - Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga chỉ nhận được sự ủng hộ từ đồng minh của mình là Trung Quốc, 13 thành viên khác trong hội đồng bỏ phiếu trắng, cho thấy Moscow không nhận được sự ủng hộ rộng rãi cho cuộc chiến ở Ukraine, vào ngày đánh dấu kỷ niệm một tháng diễn ra cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
Dự thảo thứ ba do Nam Phi đề xuất kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch” như một bước đầu tiên trong việc cải thiện tình hình nhân đạo đang xấu đi và khuyến khích “đối thoại chính trị, đàm phán, hòa giải và các biện pháp hòa bình khác nhằm đạt được hòa bình lâu dài”, nhưng không đề cập đến sự xâm lược của Nga.
Theo LHQ, khoảng 10 triệu người Ukraine (1/4 dân số) đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và hiện đang phải di tản trong nước hoặc nằm trong số 3,6 triệu người tị nạn, 12 triệu người cần viện trợ và 5,6 triệu người trẻ em không được đến trường.
Đại sứ Ukraina, Sergiy Kyslytsy, kêu gọi tất cả các quốc gia hãy chống lại cuộc chiến của Nga trên đất nước ông bằng cách bỏ phiếu cho nghị quyết của LHQ về hậu quả nhân đạo của hành động xâm lược của Nga. Ông Kyslytsy nói rằng điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ nhằm giúp đỡ cho những người bị vướng vào cuộc xung đột và chấm dứt hành động quân sự của Moscow.
Không giống như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng chúng có ảnh hưởng trong việc phản ánh quan điểm quốc tế.