Tin thế giới Thứ Tư 13/4/2022: Bộ QP Ukr nói không có tin thủy quân lục chiến Ukraine đầu hàng ở Mariupol 

Tin thế giới Thứ Tư 13/4/2022: Bộ QP Ukr nói không có tin thủy quân lục chiến Ukraine đầu hàng ở Mariupol 
04/13/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w

https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

Võ Thái Hà tổng hợp

Bộ Quốc phòng Ukraine: không có thông tin thủy quân lục chiến Ukraine đầu hàng ở Mariupol 

Cờ Nga cắm ở một tòa nhà bị phá hủy ở Mariupol hôm 12/4

Cờ Nga cắm ở một tòa nhà bị phá hủy ở Mariupol hôm 12/4 

Bộ Quốc phòng Ukraine: không có thông tin về việc đầu hàng của lính thủy đánh bộ Ukraine ở Mariupol

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk hôm 13/4 cho biết ông không có thông tin về việc một lữ đoàn thủy quân lục chiến Ukraine ở Mariupol đầu hàng như đã được Bộ Quốc phòng Nga loan báo trước đó.

“Tôi không có thông tin”, ông Motuzyanyk cho biết trong một tin nhắn trả lời yêu cầu bình luận sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1.026 binh sĩ thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine đã đầu hàng tại thành phố cảng phía nam bị bao vây.

(Reuters)

Selenskyj từ chối tiếp đón Tổng thống Đức đến thăm Kyiv

VNTB – Selenskyj từ chối tiếp đón Tổng thống Đức đến thăm Kyiv

Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)

Trong khi đang thăm Warsaw, Tổng thống Đức Steinmeier nhận được tin ông ta không được chào đón ở Kyiv. Nguồn ảnh: dpa.

Tổng thống Đức Steinmeier đã lên kế hoạch cho một chuyến thăm Ukraine – Nhưng Tổng thống Ukraine, Selenskyj, không muốn gặp ông ta. Frank-Walter Steinmeier gần đây thừa nhận rằng ông đã mắc sai lầm trước đây trên cương vị Ngoại trưởng Đức vì chính sách nước Nga của mình. Nhưng điều đó là chưa đủ đối với Ukraine.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 12/4 đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ba Lan để thảo luận về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.  Steinmeier sau đó dự định đi tiếp đến Kyiv. Theo đó, chính trị gia đảng SPD đã lên kế hoạch đến thăm thủ đô của Ukraine cùng với các phái đoàn chính phủ khác. Nhưng Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyj, sẽ không tiếp Tổng thống Đức.

Lý do rõ ràng là mối quan hệ chặt chẽ của Steinmeier với Nga trong những năm trước đây. Trên cương vị Ngoại trưởng Đức, Steinmeier có liên hệ chặt chẽ với người đồng cấp Nga, Sergei Lavrov.  Một nhà ngoại giao Ukraine cho biết như sau: “Tất cả chúng ta đều biết về mối quan hệ chặt chẽ của Steinmeier với Nga, cũng được định hình bởi công thức Steinmeier. Ông ấy hiện không được hoan nghênh đến Kyiv. Chúng tôi sẽ xem liệu điều đó có thay đổi trong tương lai hay không“.

Theo thông tin báo chí nhận được, đã có một thông báo rõ ràng từ Kyiv tới Văn phòng Tổng thống Đức rằng họ hiện chưa sẵn sàng cho một cuộc gặp. Tuy nhiên, không loại trừ sẽ có một cuộc gặp gỡ trong tương lai.

Cách đây không lâu, Steinmeier đã thừa nhận những sai lầm trong chính sách nước Nga trước đây của mình. Trong một cuộc phỏng vấn chi tiết với tờ báo Đức SPIEGEL, Tổng thống Đức đặc biệt hối hận về cam kết nhiều năm của ông đối với việc thực hiện cho bằng được đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gây tranh cãi. Ngoài ra, mới đây ông cũng đã kêu gọi đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin ra trước tòa án xét xử tội ác chiến tranh tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague.

Trong chuyến thăm Ba Lan hôm nay, Steinmeier nói về việc từ chối chuyến thăm từ phía Kyiv rằng ông muốn đến Kyiv cùng với các tổng thống của Latvia, Lithuania và Estonia “để gửi một tín hiệu mạnh mẽ về tình đoàn kết của châu Âu với Ukraine. Tôi đã muốn có cơ hội này. Tôi phải thừa nhận rằng điều này rõ ràng là không được mong muốn“.

Trước khi Steinmeier thừa nhận rằng mình đã phạm sai lầm, đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melnyk, đã cáo buộc Steinmeier “có một mối liên hệ như mạng nhện với Nga“. Tổng thống Đức không chỉ có mối quan hệ gần gũi về chính trị với Nga.  Theo quan điểm của Tổng thống Nga Putin, không có người Ukraine, không có ngôn ngữ, văn hóa và do đó không có quốc gia Ukraine, Melnyk nói.

Trong giới chính trị Berlin, Steinmeier từ lâu đã được coi là người có mối liên hệ đặc biệt với Moscow. Là một người với cương vị Ngoại trưởng Đức, đã xây dựng cầu nối cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông sát cánh với bà Thủ tướng Đức Merkel chủ trương đường lối đối thoại và từng gọi Nga là một “đối tác không thể thiếu”.

Ukraine ngỏ lời mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thăm Kyiv

Sau khi từ chối chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (đảng SPD), Ukraine đã mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz (đảng SPD) đến Kyiv. “Chúng tôi cũng đã thông báo rằng Tổng thống của tôi và chính phủ sẽ rất vui mừng nếu Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thăm Kyiv“, đại sứ Ukraine tại Berlin, Andrij Melnyk, cho biết vào tối thứ Ba 12/4 trên các kênh truyền hình ProSieben và SAT.1. Chuyến thăm để bàn về cách Đức có thể giúp Ukraine trang bị vũ khí hạng nặng trong cuộc chiến chống Nga. “Tổng thống của tôi rất mong đợi điều đó“, Melnyk nói. Hiện tại chưa có phản ứng nào từ Thủ tướng Đức đối với lời mời.

Ukraine đang yêu cầu các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng chiến đấu, đại bác (pháo) và hệ thống phòng không từ Đức. Nhiều quốc gia khác trong NATO, chẳng hạn như Cộng hòa Séc, đã quyết định chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, Melnyk nhấn mạnh. “Đó là lý do tại sao chúng tôi hy vọng rằng quyết định tương tự sẽ sớm được đưa ra trong liên minh cầm quyền nước Đức (gồm 3 đảng: SPD, FDP và Đảng Xanh)“. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (Đảng Xanh) đã lên tiếng ủng hộ việc chuyển giao vũ khí hạng nặng, Thủ tướng Scholz cho đến nay đã thận trọng dè dặt không lên tiếng về vấn đề này.

__________

Tham khảo:

https://www.spiegel.de/politik/deutschland/frank-walter-steinmeier-will-ukraine-besuchen-wolodymyr-selenskyj-will-ihn-nicht-treffen-a-6153c682-06f9-4b81-b750-4c827c73f7b5

https://www.spiegel.de/ausland/nach-absage-an-frank-walter-steinmeier-laedt-die-ukraine-nun-olaf-scholz-ein-a-3b8de17f-f5de-4d5e-bc7c-6a0b6c0e14ad

Vụ oanh tạc nhà hát Mariupol: Nga đưa bằng chứng đổ lỗi cho quân đội Ukraina

Đăng ngày: 13/4/2022 

Cảnh bên trong nhà hát bị oanh tạc ở Mariupol. Ảnh chụp ngày 07/04/2022. REUTERS – ALEXANDER ERMOCHENKO 

Vụ quân đội Nga tấn công nhà hát Mariupol ngày 16/03/2022 làm hàng trăm thường dân thành phố cảng miền nam Ukraina thiệt mạng cho đến nay vẫn khiến công luận phẫn nộ. Theo chính quyền Ukraina và theo nhiều lời chứng, hôm đó đã có khoảng 300  thiệt mạng trong số những thường dân trú ẩn trong nhà hát bị quân đội Nga ném bom. 

Giờ đây, khi đang dần chiếm được toàn bộ Mariupol, quân đội Nga cử người dẫn các nhà báo đến thăm hiện trường và giải thích chính quân đội Ukraina mới là thủ phạm.

Từ Mariupol, ngày 13/04/2022, thông tín viên Anissa El Jabri, gửi về bài tường trình :

Những tiếng bom đạn ầm ầm đã dần xa trung tâm thành phố Mariupol và quân Nga nói với chúng tôi là địa điểm nhà hát Mariupol đã an toàn và chúng tôi có thể đến đó. Một lính Nga dẫn các nhóm nhà báo, mỗi nhóm vài người, đến nhà hát và chỉ cho chúng tôi xem cụ thể từng khu vực, ở tầng trệt, ở các tầng trên. 

Người lính này chỉ cho chúng tôi những thứ mà anh ta nói là chứng minh cho sự hiện diện của binh lính Ukraina trong nhà hát. Nào là khẩu súng kalachnikov gần một cửa sổ với góc bắn rộng hướng ra quảng trường và các tòa nhà xung quanh, nào là những tài liệu chính thức dưới nền nhà mà anh ta giải thích là thuộc về một tiểu đoàn của Ukraina và khi đó có các thường dân đang tụ tập. 

Đến chỗ sân khấu, người lính Nga này nói : « Đây rất giống như một vụ nổ từ bên trong nhà hát. Sức ép từ vụ nổ chắc chắn là từ sân khấu hướng lên cao, phá hủy các tầng trên. Sau vụ nổ, một đám cháy bùng lên. Rất tiếc là dân chúng sẽ nói với quý vị là có rất nhiều thường dân ở đây vào thời điểm xảy ra vụ nổ, rằng họ ẩn náu để tránh các vụ không kích. Khi vụ nổ xảy ra, một đám cháy đã bùng lên và các mảnh vỡ, đống nổ nát đã ụp xuống chỗ thường dân ẩn náu ». 

Cách giải thích như trên là theo hướng mà Matxcơva vẫn cáo buộc Kiev kể từ đầu cuộc xung đột đến nay, theo đó quân đội Ukraina sử dụng thường dân làm lá chắn, đổ trách nhiệm cho quân đội đối phương về những thiệt hại nhân mạng nặng nề của thường dân. 

Liên quan đến các vụ thảm sát thường dân ở Bucha, gần thủ đô Kiev, nơi có tổng cộng hơn 400 xác chết của thường dân được phát hiện sau khi quân Nga rút đi hồi cuối tháng 3, tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/04/2022 khẳng định đó chỉ là « giả mạo ». Theo AFP, khẳng định trên được tổng thống Nga đưa ra trong cuộc họp báo nhân cuộc gặp với đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko tại sân bay vũ trụ Vostotchny, vùng Amur.

Sri Lanka đi từ khủng hoảng kinh tế đến vỡ nợ

Hôm thứ Ba chính phủ Sri Lanka đã thông báo mất khả năng chi trả số nợ ngoại tệ trị giá khoảng 35 tỷ đô la tính tại thời điểm cuối năm 2021. Dự trữ ngoại hối của nước này giảm 70% trong vòng chưa đầy hai năm qua và hiện chỉ ở mức 2,3 tỷ đô la. Vào ngày 18 tháng 4, bộ trưởng tài chính Ali Sabry sẽ bắt đầu đàm phán khẩn cấp với IMF.

Mặc dù bộ tài chính đổ lỗi cho chiến tranh Ukraine và covid-19, trên thực tế còn có các yếu tố khác. Đợt giảm thuế hồi năm 2019 làm cho ngân sách công bị hao hụt lớn. Ngoài ra việc neo đồng bản tệ ở tỷ giá quá cao cũng khuyến khích người dân Sri Lanka gửi kiều hối qua các kênh không chính thức, khiến ngân sách bị thất thu.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa muốn tiếp tục nắm quyền với sự hậu thuẫn của một chính phủ đoàn kết dân tộc. Trong bài phát biểu trên truyền hình, anh trai ông, thủ tướng Mahinda Rajapaksa, đã thừa nhận cuộc đàm phán với các nhân vật đối lập đã thất bại. Nhưng ông nói rõ là hai anh em ông sẽ không bỏ cuộc. Sri Lanka sẽ còn nhiều bất ổn ở phía trước.

Trọng tâm chiến trường Ukraine chuyển sang miền đông

Sau gần bảy tuần giao tranh, cuộc chiến ở Ukraine giờ đây sắp trở nên tồi tệ hơn. Nga đã từ bỏ thủ đô Kyiv và đang dồn quân sang khu vực Donbas ở miền đông, đặt dưới sự chỉ huy của tư lệnh mới, Đại Tướng Alexander Dvornikov. Trước tình hình này, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã so sánh giai đoạn tiếp theo với thế chiến thứ hai; còn theo một quan chức Mỹ đây sẽ là “một cuộc đấu dao.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang cầu xin tất cả những ai có thể lắng nghe — kể cả quốc hội Hàn Quốc — gửi càng nhiều vũ khí càng tốt. Chính phủ ông dự tính Nga sẽ mở chiến dịch chỉ trong vài ngày tới. Hiện quân Nga đang nhích dần lên và có thể sắp chiếm được thành phố cảng Mariupol. Lực lượng phòng thủ ở đây cho biết họ sắp hết lương thực và đạn dược. Và mặc dù các cáo buộc Nga dùng vũ khí hoá học vẫn chưa được kiểm chứng, những điều khủng khiếp hơn sẽ còn đợi ở phía trước.

Tuần công bố thu nhập của các ngân hàng tại Wall Street

Còn nhớ chỉ ba tháng trước kết quả kinh doanh của các ngân hàng Phố Wall đã kích hoạt một đợt bán tháo khổng lồ trên thị trường chứng khoán. Sau khi báo cáo cho thấy các khoản chi lương bổng tại Goldman Sachs tăng đột biến, giá cổ phiếu của công ty đã giảm gần 10% chỉ trong một ngày. Các nhà đầu tư nhận ra áp lực lạm phát không phải nhất thời và Fed sẽ phải tăng lãi suất mạnh để kiểm soát lạm phát. Kết quả là giá cổ phiếu lao dốc.

Câu chuyện này khả năng cao sẽ không lặp lại vào tuần này khi các ngân hàng công bố kết quả quý (JPMorgan Chase vào thứ Tư, theo sau là Citi, Goldman, Morgan Stanley và Wells Fargo vào thứ Năm). Mặc dù chiến sự ở Ukraine gây trở ngại cho một số mảng kinh doanh, chẳng hạn như mua bán sáp nhập, nhưng biến động trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng đồng thời khuyến khích khách hàng giao dịch nhiều hơn. Quý tiếp theo ở Phố Wall có thể sẽ là một tháng hỗn hợp. Có một điều rõ ràng: các kết quả ngân hàng này sẽ không gây lo ngại lạm phát lâu dài — bởi vì sự thật đã như thế rồi. Dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% trong 12 tháng tính đến tháng 3.

Petrobras có giám đốc điều hành mới

Vào thứ Tư, các cổ đông của tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil dự kiến ​​sẽ thông qua việc bổ nhiệm giám đốc điều hành mới. José Mauro Coelho, một nhà hóa học công nghiệp, chính là nhân vật được tổng thống lựa chọn. Hồi tháng 3, ông Jair Bolsonaro đã sa thải Joaquim Silva e Luna, một cựu tướng lĩnh mới chỉ tại vị từ tháng 4 năm 2021. Ban đầu tổng thống hậu thuẫn kinh tế gia Adriano Pires, nhưng ông này từ chối.

Công ty cần “một người chuyên nghiệp hơn,” ông Bolsonaro đã phàn nàn vào tuần trước. Cuộc chiến ở Ukraine khiến giá năng lượng toàn cầu tăng cao. Nhưng riêng ở Brazil, chi phí xăng dầu lại tăng tới 47% trong năm 2021, góp phần đưa lạm phát tổng thể lên hơn 11% một năm. Ba phần tư người Brazil nói tổng thống phải chịu trách nhiệm, theo một cuộc thăm dò hồi tháng trước. Điều này khiến ông Bolsonaro bị cựu tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva dẫn trước trong kết quả thăm dò dư luận cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới. Quyết định thay đổi nhân sự Petrobras của ông có lẽ không chỉ đơn thuần là về “tính chuyên nghiệp.”

Mỹ: Lạm phát lên 8.5% cao nhất trong 40 năm

Hiếu Chân
 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1390867995.jpg

Giá xăng tại một trạm xăng ở Washington DC sáng 11 tháng Tư. Giá xăng cao là do nhiều yếu tố như dịch Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, và đặc biệt là cuộc chiến trang của Nga ở Ukraine dẫn tới việc trừng phạt kinh tế của phương Tây. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images 

Giá cả tăng 8.5% trong tháng Ba so với một năm trước, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng Mười Hai năm 1981, một phần do cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt. Lạm phát đang đặt ra thách thức to lớn cho chính quyền Biden và đảng Dân Chủ ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Bộ Lao động hôm thứ Ba 12 tháng Tư cho biết chỉ số giá tiêu dùng (consumer price index – CPI) – đo lường mức người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ – đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Mười Hai năm 1981, lên 8.5% và tăng từ mức 7.9% hồi tháng Hai. Như vậy giá cả đã tăng sáu tháng liên tiếp, vượt xa mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Các nhà kinh tế giải thích, lạm phát cao là mặt trái của tăng trưởng bùng nổ khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau Covid-19, được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và nhiều khoản kích thích của chính phủ để chống lại tác động của đại dịch. 

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao sau gần hai năm bị đại dịch kiềm chế, cộng với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đã làm cho cung không đáp ứng được cầu, đẩy giá cả tăng vọt ở hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Các chính trị gia hy vọng, khi chuỗi cung ứng được thông suốt và nhu cầu giảm bớt thì giá cả sẽ hạ xuống, sẽ quay lại mặt bằng giá cũ.

Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến giá dầu và xăng tăng vọt trong tháng Ba, đạt mức kỷ lục vào giữa tháng Ba và giá năng lượng tổng thể tăng 11% so với tháng trước. Không chỉ như vậy, vụ bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc, buộc chính phủ nước này phải phong tỏa nhiều khu vực sản xuất và dịch vụ như thành phố Thượng Hải, đã khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu thêm bất ổn, góp phần đẩy giá cả tăng lên.

Cái gọi là chỉ số giá cốt lõi (core CPI) – không bao gồm giá các mặt hàng thực phẩm và năng lượng thường xuyên biến động – đã tăng 6.5% trong tháng Ba so với một năm trước và tăng từ mức tăng 6.4% của tháng Hai. Mức tăng chậm của chỉ số giá cốt lõi được các quan chức của Fed đánh giá là một tín hiệu lạc quan, cho thấy lạm phát sẽ giảm khi giá thực phẩm và năng lượng sẽ được kiềm chế khi những yếu tố gây bất ổn – chủ yếu là cuộc chiến tranh ở Ukraine – không còn tác động nữa.

***

Xăng dầu, mặt hàng thiết yếu nhất và cũng là mặt hàng tăng giá nhiều nhất. Bộ Lao động cho biết, nhìn chung, chỉ số giá năng lượng đã tăng 32% trong năm qua. Chỉ số giá xăng dầu đã tăng 18.3% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm trước. Chiến tranh và biện pháp cấm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga là yếu tố khiến nguồn cung dầu của thế giới bị sụt giảm, đẩy giá cả lên.

Ngoài dầu mỏ, Nga và Ukraine là những nước sản xuất nhiều lúa mì và phân bón hóa học nhất thế giới. Cuộc chiến tranh đã khiến giá lương thực trên toàn cầu tăng cao. Bộ Lao động ghi nhận chỉ số giá lương thực đã tăng 1% trong tháng Ba so với tháng Hai; tăng 8.8% so với 12 tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5 năm 1981. Trong số này ngũ cốc ăn sáng đã tăng 2.4% từ tháng Hai đến tháng Ba; giá gạo tăng 3.2%, thịt bò xay tăng 2.1%; trứng tăng 1.9%’ sữa tăng 1.3%, khoai tây tăng 3.2%, trái cây và rau đóng hộp tăng 3.8%.

Do lạm phát, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn vào cuối năm nay, chỉ khoảng 3.3% so với mức dự báo 3.6% trước đây, theo tính toán của Ngân hàng Bank of America.

***

Bất chấp thị trường lao động tương đối mạnh, lạm phát lan rộng đã tạo ra những vấn đề chính trị lớn cho Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân Chủ. Chính quyền đã đặt tên cho đợt lạm phát đột biến gần đây là “Vụ tăng giá của Putin”, nhưng lối giải thích đó dường như không giúp nâng điểm xếp hạng của Tổng thống Biden lên ngay trước thời điểm bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Tòa Bạch ốc và Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra một số sáng kiến ​​để giảm lạm phát, nhưng giá xăng dầu, thực phẩm vẫn tiếp tục đè nặng lên hàng triệu người Mỹ. Tổng thống Joe Biden tháng trước đã quyết định xuất kho dầu dự trữ chiến lược quốc gia ở mức 1 triệu thùng dầu/ngày, kéo dài trong sáu tháng để giúp tăng nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu nhưng giá xăng vẫn giảm rất chậm. Hiệp hội AAA cho biết, giá xăng bình quân toàn nước Mỹ ngày hôm qua 11 tháng Tư là $4.1/gallon, chỉ giảm chút ít so với mức $4.7/gallon tháng trước.

Chính quyền Biden hôm thứ Ba thông báo rằng Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) sẽ cho phép bán một loại xăng pha trộn giữa xăng và ethanol gọi là xăng E15 vào mùa hè để tạo thêm nguồn cung. Tuy nhiên chỉ có 2,300 trong số 150,000 trạm xăng của quốc gia cung cấp được xăng E15.

Đa số các nhà kinh tế đều cho rằng, lạm phát là không thể tránh khỏi, không chỉ xảy ra ở Mỹ mà cả trên toàn thế giới và trong nền kinh tế thị trường tự do, chính phủ Mỹ không có nhiều “công cụ chính sách” để kéo giá hàng hóa xuống. Vì vậy, việc quy cho các chính sách của chính quyền của đảng Dân Chủ như là một yếu tố gây lạm phát là không hợp lý.

Chiến tranh Nga-Ukraine: Nga chưa chiếm được Mariupol; ngoại giao bế tắc

Chiến sự tại Ukraine đã gần bước sang ngày thứ 50. Nga đang tăng cường lực lượng để tổ chức các đợt tấn công mới vào khu vực Donbass. Moscow hiện vẫn bao vây nhưng chưa thể kiểm soát hoàn toàn thành phố cảng chiến lược Mariupol. Trong khi đó, tiến trình ngoại giao hướng tới thỏa thuận ngừng bắn vẫn rơi vào bế tắc khi hai bên bất đồng về vấn đề lãnh thổ Crimea và Donbass.

Dưới đây là các diễn tiến chính trong cuộc chiến Nga-Ukraine:

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/mariupol.jpg

Thành phố Mariupol hiện tại 

* Ông Vadym Boichenko, Thị trưởng thành phố Mariupol, hôm thứ Tư (13/4) phát biểu trên truyền hình rằng còn hơn 100.000 người trong thành phố cảng vẫn đang đợi để được sơ tán. Trước đó, ông Boichenko cho biết kể từ khi thành phố bị Nga bao vây đến nay đã có khoảng 21.000 thường dân bị thiệt mạng.

* Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov nói rằng hơn 1.000 lính thủy quân lục chiến Ukraine tại Mariupol đã đầu hàng quân Nga. Giới chức Ukraine chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của ông Kadyrov.

* Bộ tổng tham mưu Ukraine, trong báo cáo công bố sáng 13/4, nói rằng lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành các cuộc tấn công và nhà máy Azovstal và bến cảng ở Mariupol.

* Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 13/4 cho biết hiện chưa thể mở bất kỳ hành lang nhân đạo nào để sơ tán người dân khỏi Mariupol. Bà cũng cáo buộc binh sĩ Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và ngăn chặn các xe buýt sơ tán thường dân.

* Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí Hóa học nói rằng họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến tranh tại Ukraine sau khi có báo cáo chưa được kiểm chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Mariupol.

* Tình báo quân sự Anh Quốc nhận định việc Nga phải bổ nhiệm Đại Tướng Lục quân Alexander Dvornikov làm chỉ huy cuộc chiến tại Ukraine cho thấy kế hoạch chuẩn bị chiến tranh không hiệu quả của Nga, cũng như sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine đang buộc Moscow phải đánh giá lại hoạt động quân sự.

Ngoại giao

* Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/4 lần đầu dùng từ “diệt chủng” để mô tả về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine.

* Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái xuất trước công chúng và tuyên bố cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là sự nghiệp “cao cả”. Ông cũng nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine đã rơi vào tình trạng bế tắc.

* Ukraine yêu cầu Nga phải thả tù binh chiến tranh nếu họ muốn đồng minh chính trị hàng đầu của Điện Kremlin tại Ukraine được thả tự do.

* Hai quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng chính quyền Biden dự kiến vào hôm thứ Tư (13/4) sẽ công bố khoản hỗ trợ quân sự trị giá 750 triệu USD khác cho Ukraine để chống lại lực lượng Nga.

* Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, cùng những người đồng cấp Litva, Latvia và Estonia đang trên đường tới Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky, theo một cố vấn của ông Duda tiết lộ hôm 13/4.

Kinh tế

* Nền kinh tế Nga đang trên đà sụt giảm hơn 10% trong năm 2022, mức suy thoái lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, theo một cựu bộ trưởng tài chính Nga.

* Tổng thống Ukraine Zelensky thúc giục Liên minh châu Âu (EU) hãy áp đặt chế tài lên tất cả ngân hàng Nga và ngành dầu mỏ Nga, cũng như đặt ra hạn chót cho việc EU chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga.

* Bộ trưởng năng lượng Nga nói với tờ nhật báo Izvestia rằng Moscow sẵn sàng bán dầu mỏ và các sản phẩm làm từ dầu mỏ cho “các quốc gia thân thiện” với bất kỳ khung giá nào, theo hãng tin Interfax.

* Ngân hàng Thế giới (WB) đang chuẩn bị cung cấp gói hỗ trợ tài chính 1,5 tỷ USD cho Ukraine.

Như Ngọc (Theo Reuters)

Mỹ chuẩn bị viện trợ thêm vũ khí tối tân cho Ukraine, trị giá 750 triệu USD

Dương Minh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/ntdvn_javelin-e1649831604456.jpg

Các lô vũ khí Mỹ đã chuyển cho Ukrainr bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Lục quân Mỹ 

Các quan chức Mỹ nói chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị tăng thêm đáng kể nguồn cung vũ khí cho Ukraine với gói viện trợ 750 triệu USD.

Chính quyền Mỹ được cho sẽ thông báo gói viện trợ mới trị giá 750 triệu USD cho Ukraine trong vòng 1-2 ngày tới, theo hai quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters.

Họ cho biết theo kế hoạch sơ bộ, gói hỗ trợ mới sẽ bao gồm: trực thăng Mi-17, xe bọc thép Humvee, máy bay không người lái bảo vệ bờ biển, cũng như quần áo bảo hộ trong trường hợp có cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân.

Một trợ lý cấp cao của quốc hội Mỹ nói thêm rằng các thiết bị viện trợ có thể sẽ bao gồm cả hệ thống pháo mặt đất hạng nặng, trong đó có lựu pháo.

Các quan chức Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin trên.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp với 8 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu trong hôm nay để thảo luận về khả năng đáp ứng nhu cầu của Ukraine nếu cuộc xung đột kéo dài nhiều năm.

Hôm 11/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Washington đang gấp rút chạy đua với thời gian để giúp Ukraine có tất cả những vũ khí cần thiết để chống lại Nga.

“Các loại vũ khí này đến với Ukraine liên tục, bất kể ngày hay đêm”, ông Sullivan nói.

Mỹ đã cung cấp viện trợ vũ khí 1,7 tỷ USD cho Ukraine

Nhà Trắng tuần trước cho biết đã cung cấp hơn 1,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Các lô vũ khí cung cấp cho Ukraine bao gồm tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin, cùng nhiều đạn dược và áo giáp.

Tổng thống Ukraine Zelensky cũng liên tục kêu gọi Mỹ và châu Âu cung cấp vũ khí và thiết bị hạng nặng để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Mỹ đã gửi hơn 1.400 Stingers và 5.000 Javelins đến Ukraine, theo Financial Times dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), con số này tương đương với 1/3  kho tên lửa Javelins và 1/4 hệ thống Stingers của Mỹ.

Với tốc độ sản xuất hiện tại, sẽ mất 3-4 năm để trang bị lại Javelins và ít nhất năm năm đối với Stingers, CSIS nhận định.

Anh sẽ tăng cường hỗ trợ thêm vũ khí cho Ukraine

Cùng ngày 12/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm để thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.

Trước đó, Anh đã công bố gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine. Gói hỗ trợ này bao gồm 120 xe bọc thép, tên lửa chống hạm, số tên lửa phòng không Starstreak trị giá 130 triệu USD, 800 tên lửa chống tăng và đạn tuần kích.

Gói hỗ trợ này được công bố sau khi Thủ tướng Anh có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv ngày 9./4 và gặp trực tiếp Tổng thống Ukraine Zelensky.

Mỹ chuyển UAV ‘kamikaze’ diệt tăng Switchblade đến Ukraine

Lầu Năm Góc có kế hoạch đặt hàng và gửi đến Ukraine 10 chiếc máy bay không người lái Switchblade mẫu mới nhất được trang bị đầu đạn diệt tăng. UAV Switchblade-600 (Ảnh: AEROVIRONMENT)

Theo hãng tin Bloomberg, các UAV Switchblade-600 mới là một phần trong khoản viện trợ do Lầu Năm Góc công bố vào tuần trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 5/4 xác nhận các UAV diệt tăng nằm trong số vũ khí được gửi đến Ukraine. Ông nói: “Các UAV như Switchblade có mức độ công nghệ cao và giúp Ukraine có thêm năng lực đánh các đội hình thiết giáp”.

Theo nhà sản xuất AeroVironment, Switchblade-600 nặng 23 kg, có thể bay xa hơn 39km và bay vòng quanh mục tiêu 40 phút trước khi tấn công bằng đầu đạn xuyên giáp. Người điều khiển sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực trên máy tính bảng.

Nhật Bản bác bỏ thông tin tham gia AUKUS để phát triển vũ khí siêu thanh

RFA
 

Nhật Bản bác bỏ thông tin tham gia AUKUS để phát triển vũ khí siêu thanh

Hình minh hoạ: vụ phóng thử hỏa tiễn tên lửa siêu thanh Arrrow – 3 giữa Israel và Mỹ tại một địa điểm không được nêu tên ở Alaska. Hình do Bộ Quốc phòng Israel cung cấp hôm 28/7/2019 /AFP 

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm 13/4 lên tiếng với báo giới Nhật bác bỏ thông tin Nhật được liên minh AUKUS mời tham gia để phát triển vũ khí siêu thanh.

Hôm 12/4, tờ Sankei Shimbun của Nhật đưa tin rằng liên minh gồm Mỹ, Anh và Australia đã mời Nhật Bản tham gia liên minh AUKUS. Theo báo này, ba nước đồng minh đang nhắm tới việc phối hợp với khả năng công nghệ của Nhật vào việc phát triển vũ khí siêu thanh và để gia tăng khả năng trong chiến tranh điện tử.

Sankei Shimbun cũng cho biết ý kiến của chính phủ Nhật về khả năng tham gia AUKUS là tích cực nhưng Nhật vẫn đang cân nhắc cẩn trọng.

Chánh văn phòng Nội các Nhật được Reuters trích lời nói rằng bài báo của Sankei Shimbun là không có thực tế.

Hồi tuần trước, AUKUS tuyên bố sẽ phát triển vũ khí siêu thanh và vũ khí chống siêu thanh. Nhật Bản lúc đó đã lên tiếng ủng hộ.

Liên minh AUKUS được thành lập vào ngày 16/9/2021 theo thoả thuận ký kết giữa Mỹ, Anh và Australia trong bối cảnh có những căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông nơi Bắc Kinh có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng.

Mục tiêu của thoả thuận AUKUS là nhằm bảo vệ lợi ích chung và hợp tác giữa các bên tham gia trong lĩnh vực quốc phòng.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân hồi tuần trước đã cảnh báo về thoả thuận mới về vũ khí siêu thanh của AUKUS, và cho rằng thoả thuận này sẽ góp phần làm bùng nổ khủng hoảng tương tự như ở Ukraine.