TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày 12/04 /2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  ngày 12/04 /2022
04/13/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w

https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

Chiến tranh Ukraina: Mỹ và Ấn Độ cố tìm tiếng nói chung
image.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) hội đàm qua cầu truyền hình với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trên màn hình) về chiến tranh Ukraina. Ảnh chụp từ Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 11/04/2022. REUTERS - KEVIN LAMARQUE

Phan Minh

Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã họp trực tuyến vào hôm qua 11/04/2022, nhưng dường như hai bên vẫn chưa tìm được lập trường chung đối với cuộc chiến ở Ukraina, một chủ đề có nguy cơ ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.


Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố trước báo giới sau hội nghị thượng đỉnh rằng "điều quan trọng là tất cả các nước, đặc biệt là những nước có ảnh hưởng tới tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi ông ấy chấm dứt chiến tranh".

Trong cuộc gặp, tổng thống Mỹ kêu gọi Ấn Độ không nên tăng cường nhập khẩu năng lượng Nga, bởi điều này sẽ làm giảm tác dụng của các trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Nga. Về phần mình, Ấn Độ cũng tỏ ra cứng rắn không kém : "Số lượng chúng tôi mua trong một tháng có lẽ ít hơn số lượng châu Âu mua trong một buổi chiều".

Chính quyền Biden đã đưa Ấn Độ trở thành trụ cột trong liên minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chống lại Trung Quốc, và Washington đã tỏ ra lúng túng trước thái độ của New Delhi kể từ khi cuộc chiến tranh Ukraina nổ ra.

Chính phủ ông Narendra Modi đã không lên án công khai cuộc xâm lược của Nga, và không tham gia bỏ phiếu lên án Nga tại Liên Hiệp Quốc.
 
Anh Quốc nghi Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraina
image.png

Lính cứu hỏa dập đám cháy trong một khu nhà sau đợt oanh kích của quân đội Nga, Kharkiv, Ukraina, ngày 11/04/2022. AP - Felipe Dana

Phan Minh

Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm qua 11/04/2022 cho biết, Luân Đôn đang cố gắng xác minh thông tin về việc quân đội Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học ở Mariupol, một thành phố cảng của Ukraina đã bị lực lượng Nga bao vây từ hơn một tháng qua.  

Trên mạng xã hội Twitter, ngoại trưởng Anh Liz Truss viết : "Có thông tin cho rằng các lực lượng Nga có thể đã sử dụng chất độc hóa học trong một cuộc tấn công nhắm vào người dân Mariupol. Chúng tôi đang khẩn trương làm việc với các đối tác để xác minh thông tin tình báo".

Lãnh đạo ngoại giao Anh nói thêm : "Bất kỳ việc sử dụng vũ khí nào như vậy sẽ tạo nên một sự leo thang tàn bạo trong cuộc xung đột này và chúng tôi sẽ buộc tổng thống Nga Vladimir Putin và chế độ của ông ấy phải chịu trách nhiệm".  

Về phần mình, nghị sĩ Ukraina Ivanna Klympush cho rằng Nga đã sử dụng một "chất chưa được xác định" ở Mariupol, nơi một số người bị suy hô hấp và theo bà, đây rất có thể là vũ khí hóa học.  

Trước đó trong một thông báo đăng trên mạng Telegram được AFP trích dẫn, trung đoàn Azov của Ukraina hiện cố thủ ở Mariupol đã tuyên bố rằng một máy bay không người lái của Nga đã thả "chất độc hại" vào binh lính và dân thường ở Mariupol. Một số những người đã mắc phải các bệnh về đường hô hấp và thần kinh. 
 
Chiến tranh Ukraina : Vladimir Putin tự tin sẽ đạt được mục tiêu « cao cả »
image.png

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu khi ông đến thăm sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Amur, Nga, ngày 12/04/2022. via REUTERS - SPUTNIK

Minh Anh

Tổng thốngVladimir Putin hôm nay 12/04/2022 tuyên bố « chiến dịch quân sự » của Nga tại Ukraina, không chút nghi ngờ, sẽ đạt được điều mà ông gọi là « những mục tiêu cao cả ».

Theo truyền thông Nga được Reuters dẫn lại, tổng thống Nga trong một bài diễn văn nhân lễ trao thưởng, đã tuyên bố rằng nước Nga không còn chọn lựa nào khác khi phải mở « chiến dịch quân sự » này để phòng thủ và cuộc đối đầu với các thế lược Ukraina « chống Nga » là không thể tránh khỏi.

Vladimir Putin nhắc lại : Mục tiêu chính của cuộc can thiệp quân sự Nga ở Ukraina là nhằm « cứu » các cư dân vùng Donbass, phía đông Ukraina, ở đó, phe ly khai thân Nga chiến đấu chống các lực lượng Ukraina từ năm 2014.

Ông khẳng định : « Những mục tiêu (của cuộc tấn công) này là tuyệt đối rõ ràng và cao cả. Một mặt, chúng ta hỗ trợ và cứu người dân, và mặt khác, chúng ta đơn giản chỉ đưa ra những biện pháp để bảo đảm an ninh của chính nước Nga », và ông kết luận : « Đây là một quyết định đúng. »

Cũng trong ngày hôm nay, tổng thống Nga có cuộc gặp với đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko tại Vostotchny, đông nam Siberia, ở Nga, để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraina và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhân dịp kỷ niệm chuyến bay đầu tiên của Iouri Gagarine vào vũ trụ.  

AFP nhắc lại, từ đầu cuộc chiến, quân Nga vẫn tập trung tại Belarus. Tổng thống Loukachenko, đồng minh chính của Nga, hôm thứ Năm 07/02, tuyên bố tham gia vào các cuộc đàm phán về « chiến tranh » Ukraina, một thuật ngữ bị cấm tại Nga.

Trong phiên họp hội đồng an ninh, tổng thống Belarus nhấn mạnh : « Chúng tôi xem sự việc này như là một cuộc chiến tranh đang diễn ra ngay trước cửa nhà mình. Và cuộc chiến này có những tác động nghiêm trọng đến tình hình Belarus. Chính vì thế, không nên có một thỏa thuận ở sau lưng Belarus ».
 
Covid-19 : Mỹ giảm bớt nhân viên lãnh sự quán ở Thượng Hải
image.png
(Ảnh minh họa) - Công nhân bốc dỡ thiết bị chống dịch Covid-19, trong đó có khẩu trang, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/04/2022. AP

Phan Minh

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc hôm nay 12/04/2022 đã cho các nhân viên không thiết yếu tại lãnh sự quán ở Thượng Hải rời khỏi thành phố, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được áp dụng và có hiệu lực từ hôm qua 11/04 ở thủ đô kinh tế Trung Quốc.


Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm về tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải :

“Những người may mắn nhất đã được quyền xuống đường đổ rác,” một người dân Thượng Hải bị cách ly tâm sự một cách hài hước. Bởi vì hiện nay, chỉ có cư dân của ba quận Kim San (Jinshan), Tĩnh An (Jingan) và Sùng Minh (Chongming) mới được ra khỏi nhà. Tuy vậy, họ vẫn không được vượt ra khỏi khu vực lân cận nhà họ, hoặc thậm chí con hẻm của họ. Và nếu có ra khỏi nhà thì cũng chỉ để làm những gì chính quyền mô tả là “các hoạt động thích hợp trong khu vực lân cận của họ”.

Phải chăng đây là sự quay trở lại của chính sách zero-Covid năng động ? Giống như Bắc Kinh kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện, Thượng Hải được chia thành các khu vực “phong tỏa”, khu vực “kiểm soát” và khu vực “phòng ngừa”. Chỉ những cư dân ở khu vực “phòng ngừa” mới được phép ra khỏi nhà. Nhưng người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, và nếu một trường hợp dương tính được ghi nhận, thì toàn bộ khu vực sẽ ngay lập tức bị phong tỏa trở lại.

Phải một thời gian dài nữa Thượng Hải mới gỡ phong tỏa và việc này sẽ chỉ diễn ra theo từng giai đoạn. “Đoàn kết chống Covid sẽ cho phép kìm hãm dịch bệnh”, một quan chức ở Quảng Châu đã hát theo giai điệu opéra truyền thống câu này, đồng thời thông báo rằng các tỉnh của Trung Quốc đã được lệnh chuẩn bị các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận các trường hợp dương tính, chẳng hạn như Trung Tâm Triển lãm Thượng Hải có gần 50.000 giường.