Có ba vấn đề lớn trong việc Việt Nam bỏ phiếu đỏ tại hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa qua.
1. Chính trị cường quyền.
Trước khi bỏ phiếu, bộ ngoại giao Nga đã lên tiếng rằng, quốc gia nào bỏ phiếu thuận hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Nga coi là một "cử chỉ không thân thiện". Đây là chính trị cường quyền, mà Việt Nam chính là một nạn nhân, khi không tiếp nối được thái độ trung lập như hai lần trước là bỏ phiếu trắng ở đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Việc Việt Nam đang có những hợp đồng mua vũ khí từ Nga, là lý do để Nga có thể ép buộc Việt Nam bỏ phiếu đỏ. Nhưng ngược lại, nó cũng phơi bày ra bộ mặt thật của Nga theo kiểu côn đồ nước lớn. Điều này giúp cho Việt Nam hiểu rõ hơn quan hệ Việt - Nga và làm thay đổi sâu sắc về quan điểm của các tướng lĩnh Việt Nam trong vấn đề quân sự.
2. Bẻ gãy quan điểm ngoại giao của Việt Nam.
Lợi ích quốc gia là trên hết. Luôn đúng! Do đó qua vấn đề từ Nga để liên hệ đến quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Quan hệ Trung - Việt thực chất là quan hệ cá lớn - cá bé. Thuyết khách phải lùi xuống nhường cho đại bác lên tiếng và không thể có cái gọi là bạn bè tốt ở quan hệ này. Dù Việt Nam có tự hào với trường phái ngoại giao "cây tre" hay trường phái ngoại giao gì, cũng không thể làm Trung Quốc từ bỏ dã tâm ở Biển Đông. Nguyên lý cốt lõi vẫn là, để đảm bảo hòa bình phải chuẩn bị cho chiến tranh. Bày tỏ thái độ, sẵn sàng đứng về một phía, phía nào có lợi ích song trùng với lợi ích của Việt Nam, chính là chuẩn bị chiến tranh nhưng thực chất là đảm bảo cho hòa bình.
Nhân quyền thực chất chỉ là con "ngáo ộp" với kẻ yếu bóng vía, hoặc tự bản thân làm cho con "ngáo ộp" đó to lên. Quan hệ Việt - Mỹ bao nhiêu năm qua luôn có câu chuyện nhân quyền xen giữa. Nhưng không ngừng phát triển mạnh mẽ. Thực chất nước Mỹ không quá quan tâm đến nhân quyền của Việt Nam, họ chỉ cần lợi ích quốc gia. Câu chuyện nhân quyền của Việt Nam với Mỹ, thực chất chỉ là làm đẹp lòng và lấy phiếu cử tri Mỹ gốc Việt.
Việc bỏ phiếu loại Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền vừa qua, là bởi các báo cáo Nga "vi phạm và lạm dụng nhân quyền tổng thể và có hệ thống" khi đưa quân xâm lược Ukraine, không phải chỉ riêng vụ thảm sát Bucha. Là việc không cần phải chờ chứng minh như bộ ngoại giao nêu ý kiến.
Uy tín của một quốc gia được kết thành từ nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu thái độ của quốc gia trước các vấn đề nhân phẩm. Việt Nam đừng vì quá sợ hãi trước vấn đề gọi là "nhân quyền" để phải tự xấu hổ với thế giới, khi bị xếp chung bảng với các quốc gia kém phát triển về quyền con người. Qua sự việc bỏ phiếu đỏ vừa qua, báo chí Việt Nam im lặng, bộ ngoại giao im lặng, chính phủ im lặng không công bố cho nhân dân biết về màu phiếu của Việt Nam là một minh chứng.
Đất nước trải qua bao nhiêu cuộc chiến với giặc ngoại xâm, ở vị thế yếu hơn, nhưng luôn chiến thắng, là bởi được sự ủng hộ của dân chúng với các chế độ cầm quyền trong lịch sử. Vì vậy, khi quốc gia có dũng khí, quốc gia có nhân phẩm, chưa giàu có, chưa lớn mạnh, nhưng chắc chắn một điều rằng, sẽ được nhân dân luôn ủng hộ.