Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy tại hội nghị thường niên về an ninh Munic, Đức, ngày 19/02/2022. via REUTERS - POOL
Thanh Phương
Chính phủ Đức hiện đang bị chia rẽ và đang bị áp lực ngày càng mạnh về vấn đề cung cấp các vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng, để giúp Ukraina chống trả quân Nga. Thủ tướng Olaf Scholz vẫn ngần ngại, chưa muốn đáp ứng yêu cầu ngày càng khẩn thiết của Kiev.
Hôm qua, 13/04/2022, Oleksii Arestovitch, cố vấn của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, tuyên bố là số phận của thành phố cảng Mariupol cũng như của vùng Donbass, miền đông Ukraina, là “tùy thuộc vào việc cung cấp các vũ khí của Đức” mà cho tới nay vẫn chưa đến.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tuần báo Đức Die Welt Am Sonntag hôm Chủ nhật 10/04, tổng thống Zelensky cũng thể hiện sự bất bình: “Nước Đức “tỏ vẻ lạnh lùng đối với chúng tôi”. Trong khi đó, đại sứ Ukraina ở Berlin, Andriy Melnyk, thì vẫn không bỏ lỡ dịp nào để đòi Đức cung cấp thêm vũ khí.
Những tuyên bố nói trên làm gia tăng áp lực lên Berlin, vào lúc mà tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác định mục tiêu mới của ông là giành chiến thắng ở miền đông Ukraina, sau thất bại của chiến dịch tấn công vào thủ đô Kiev.
Ngay trong khối Liên Hiệp Châu Âu, phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cũng chỉ trích thái độ chần chừ của Berlin, còn cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt thì cho rằng, là một “nền dân chủ lớn”, Đức lẽ ra phải nêu gương cho các nước khác.
Berlin vẫn bị trách móc như vậy một phần là do lập trường của tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Nhân vật này trong những tuần qua đã bị chỉ trích về những quan hệ với Nga và về thái độ bị xem là thiếu cứng rắn đối với Matxcơva. Ông Steinmeier đã dự định là hôm thứ Ba sẽ sang Ukraina cùng với lãnh đạo của Ba Lan và của các nước vùng Baltic, nhưng rốt cuộc đã không đi, do chính quyền Kiev không muốn tiếp ông. Hôm qua, tổng thống Zelensky lấy lý do là chính phủ của ông đã không hề nhận được yêu cầu chính thức của Berlin về chuyến đi của tổng thống Steinmeier.
Tổng thống Ukraina thật ra không cần gặp một lãnh đạo không có thực quyền như tổng thống Đức, mà muốn thủ tướng Olaf Scholz đích thân đến Kiev để bàn ngay chuyện cung cấp vũ khí hạng nặng. Nhưng thủ tướng Đức chưa biết khi nào sẽ đến thủ đô Ukraina.
Đảng Dân Chủ Xã Hội SPSD, đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền hiện nay tại Đức, cho tới nay vẫn chủ trương nước Đức xích lại gần nước Nga. Trước đây, chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz cũng đã chần chừ trong việc cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraina. Chỉ đến khi Nga tấn công nước láng giềng, Berlin mới thay đổi thái độ, cấp ngay cho Kiev các vũ khí đó.
Ông Olaf Scholz nay đang bị áp lực từ cả các đối tác trong liên minh cầm quyền, đặc biệt là đảng Xanh, mà tiêu biểu là ngoại trưởng Annalena Baerbock, vẫn thúc ép ông phải yểm trợ Ukraina mạnh mẽ hơn nữa, nhất là qua việc cung cấp cho Kiev các vũ khí hạng nặng.
Nhưng cho dù thủ tướng Đức quyết định làm theo yêu cầu của Kiev về cấp vũ khí hạng nặng, Berlin còn phải giải quyết những khó khăn về kỹ thuật và hậu cần. Vào cuối tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Christine Lambrecht, cho biết có bao nhiêu vũ khí trong kho dự trữ của quân đội Đức, vốn đã được trang bị rất kém, họ đã lấy gần hết để trao cho Ukraina rồi.
Chưa kể cho tới nay, một phần số vũ khí mà Berlin cấp cho Kiev lại là những vũ khí cũ đến mức không thể dùng được, ví dụ như tên lửa phòng không Strela, sản xuất năm 1968, cũ đến mức không thể bảo đảm an toàn cho người bắn, theo một báo cáo của quân đội Đức tháng 11/2021. Các tên lửa đó lẽ ra đã phải bị tiêu hủy từ năm 2014!
Để đối đầu với quân Nga trong trận Donbass sắp tới, quân đội Ukraina cần nhất là xe tăng. Cho tới nay, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, cũng thuộc đảng SDP như thủ tướng Olaf Scholz, viện cớ là trong kho dự trữ của quân đội hiện không còn xe tăng, mà nếu lấy các xe tăng hiện đang được sử dụng để trao cho Ukraina thì sẽ gây nguy hại cho an ninh quốc gia.
Các tập đoàn sản xuất vũ khí của Đức cũng gián tiếp gây áp lực với chính phủ, chẳng hạn như hãng Rheinmetall đã đề nghị tặng cho Ukraina cả trăm xe tăng mà họ đang có, và những xe tăng này có thể được giao khá nhanh chóng, tức là trong vòng chưa tới hai tháng. Hãng Rheinmetall còn bảo đảm đó là những xe tăng rất dễ sử dụng, một cách để đáp lại lập luận của đảng SPD rằng không nên giao cho Ukraina những xe tăng đòi hỏi binh lính phải được huấn luyện nhiều tháng trước khi sử dụng.
Thật ra thì thủ tướng Olaf Scholz có vẻ như không muốn là lãnh đạo đầu tiên gởi vũ khí tấn công đến Ukraina. Cho tới nay, những nước ủng hộ Kiev chỉ cung cấp các vũ khí phòng thủ như tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không. Nếu đưa xe tăng sang Ukraina, Berlin coi như tham gia tích cực hơn vào cuộc xung đột, thậm chí có thể bị Matxcơva xem là một hành động gây chiến, theo nhận định của tướng Erich Vad, từng là cố vấn quân sự của cựu thủ tướng Angela Merkel, trả lời báo Die Welt.