Binh sĩ Ukraine đứng cạnh xe tải chở tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ cung cấp tại sân bay ở Kiev hồi tháng 2. Ảnh: AFP
Khi Andriy Kulish tham gia một trận phục kích lực lượng Nga, trung úy Vệ binh Quốc gia Ukraine này lập tức nhớ tới những buổi huấn luyện với binh sĩ Canada.
Trong chương trình huấn luyện mùa hè năm ngoái, các binh sĩ Canada đã hướng dẫn Lữ đoàn Phản ứng nhanh của Kulish những kiến thức hoàn toàn mới về tác chiến đô thị, chiến thuật tấn công và cứu thương trên chiến trường.
Ukraine nhiều năm qua thường xuyên tổ chức tổ chức tập trận ở miền tây nước này cùng quân đội Canada, Anh, Romania hay lực lượng Vệ binh Quốc gia California của Mỹ.
Đây chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực ít được công khai của các quốc gia thuộc NATO nhằm "lột xác" quân đội Ukraine ở tất cả các cấp, từ lính bộ binh ở đơn vị cơ sở đến các quan chức quốc phòng cấp cao. Giới chuyên gia ở cả Ukraine và phương Tây cho rằng chính những nỗ lực này đã đóng vai trò chìa khóa giúp họ kháng cự quyết liệt trước lực lượng Nga, vốn áp đảo về hỏa lực và khí tài, trong một tháng rưỡi qua.
Các binh sĩ Ukraine đối đầu với lực lượng Nga ở khu vực Lugansk, miền đông nước này, hôm 11/4. Ảnh: AFP.
Thông qua các chương trình huấn luyện, tập trận thường niên trong hơn 8 năm qua, NATO đã giúp quân đội Ukraine nâng cấp năng lực tác chiến theo tiêu chuẩn phương Tây, nơi binh lính được hướng dẫn thực hiện các hành động hiệu quả nhất trên chiến trường.
Khi đối phó chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, trung úy Kulish khẳng định các đồng đội của ông đều đang "vận dụng những kiến thức học được trong quá trình huấn luyện cùng NATO" vào thực tế chiến trường.
Quân đội Ukraine từ năm 2014 đã giao tranh với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông đất nước. Theo các sĩ quan phương Tây tham gia chương trình, kinh nghiệm thực chiến này giúp họ tiếp thu hiệu quả và nhanh chóng hơn khi huấn luyện cùng lực lượng NATO.
Vào thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng hai, phần lớn các khóa đào tạo binh sĩ đều đã được thực hiện bởi những giảng viên Ukraine, dù binh sĩ từ ít nhất 8 quốc gia NATO vẫn tham gia chương trình. Đối với các chỉ huy NATO, đó là dấu hiệu cho thấy Ukraine đã thấm nhuần những bài học của họ.
"Bài học rút ra là những hỗ trợ và giúp đỡ trong nhiều năm sẽ có tác động đáng kể", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói về nỗ lực huấn luyện quân đội Ukraine.
Theo một số quan chức Ukraine và các cố vấn phương Tây, các lực lượng bảo vệ Kiev rõ ràng đã học được phương pháp tác chiến theo học thuyết của NATO và đang thể hiện chúng bằng những kết quả trên chiến trường. Quân đội Ukraine đã cầm chân được lực lượng Nga ở nhiều mặt trận trong một tháng rưỡi qua. Lực lượng Nga từ cuối tháng 3 tuyên bố rút khỏi Kiev, nhằm dồn lực tấn công vùng Donbass ở miền đông.
Các đơn vị chiến đấu của Ukraine là mũi nhọn trong nỗ lực xây dựng lại lực lượng quân đội nước này. Giới quan sát đánh giá, đội ngũ cố vấn NATO đã mang đến những khái niệm tác chiến hoàn toàn mới cho quân đội Ukraine.
Không chú trọng vào quân số và vũ khí, đội ngũ cố vấn NATO chủ yếu tập trung vào khái niệm xây dựng năng lực, nơi các chỉ huy sẽ phải đặt ra mục tiêu và đảm bảo rằng họ có đủ nhân lực và vũ khí để hoàn thành mục tiêu đó.
Nhằm thúc đẩy cách tiếp cận này, NATO đã đề xuất ý tưởng xây dựng hệ thống quân nhân chuyên nghiệp, những người lính nhiều kinh nghiệm được đề bạt lên vị trí cao trong đơn vị, đóng vai trò như cầu nối giữa sĩ quan chỉ huy với binh sĩ trên chiến trường.
Lực lượng Ukraine huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng NLAW của Anh hồi tháng một. Ảnh: AFP.
NATO cũng giúp các lãnh đạo quân sự Ukraine áp dụng mô hình "chỉ huy theo nhiệm vụ", trong đó cấp trên thiết lập mục tiêu chiến đấu và trao quyền ra quyết định xuống càng sâu càng tốt trong hệ thống chỉ huy, thậm chí đến từng binh sĩ.
Trong mô hình trước đây, sĩ quan cấp trên thường đưa ra mệnh lệnh mà binh sĩ cấp dưới buộc phải thi hành, gần như không có cơ hội để tranh luận hay tìm cách thích ứng.
"Điều này tạo ra khác biệt rất lớn", cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk, nhận xét. "Cải cách hệ thống quân nhân chuyên nghiệp và chỉ huy theo nhiệm vụ đã nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng lên nhiều lần".
Trung úy Kulish nói rằng khóa huấn luyện có hiệu quả gấp đôi vì binh sĩ Ukraine hiểu rất rõ tư duy quân sự kiểu cũ.
"Lực lượng Nga đang sử dụng chiến thuật 'tiền pháo, hậu xung' điển hình của họ, vốn không thay đổi trong hàng chục năm qua. Đầu tiên là pháo binh chế áp trận địa, sau đó bộ binh xông lên tấn công các vị trí của chúng tôi", Kulish nói.
Trong khi đó, quân đội Ukraine hiện nay áp dụng chiến thuật rất linh hoạt và khó đoán. "Chúng tôi tạo ra hỗn loạn trong hàng ngũ của họ", Kulish cho biết thêm.
Quân đội Nga chưa bình luận về thông tin này.
Nỗ lực cải tổ quân đội Ukraine thực tế đã bắt đầu từ năm 2008, song được cho là không hiệu quả. Chiến dịch quân sự của Nga ở Gruzia lúc bấy giờ khiến NATO chuyển hướng quan tâm hơn tới Ukraine. Liên minh đã soạn thảo một kế hoạch hành động dài 70 trang với nội dung "lộ trình chiến lược hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương của Ukraine".
Về cơ bản, đây là một kế hoạch nhằm giúp Kiev đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO, trong đó có yêu cầu về một lực lượng quân đội chuyên nghiệp hơn, do dân sự kiểm soát. Nhưng nỗ lực này không thu được nhiều kết quả do vấp phải sự phản đối từ chính quân đội Ukraine.
Xung đột ở miền đông từ năm 2014 đã khiến Ukraine thay đổi quan điểm. Tổng thống Petro Poroshenko khi đó đã ra lệnh cải tổ quân đội, tiếp thêm động lực cho nỗ lực của NATO.
Ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch năm 2014 là giúp quân đội Ukraine chống lại lực lượng ly khai ở miền đông. Các sĩ quan phương Tây bắt đầu huấn luyện lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine theo các chiến thuật tác chiến hiện đại, khiến các sĩ quan quân đội Ukraine cũng đưa ra yêu cầu huấn luyện tương tự, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết.
Tại Kiev, chính phủ Ukraine phối hợp với các cố vấn NATO chuẩn bị cho những thay đổi sâu sắc hơn. Đội ngũ cố vấn từ Mỹ, Anh và những thành viên NATO khác giải thích rằng để giúp quân đội Ukraine hoạt động hiệu quả hơn, họ phải thay đổi toàn bộ cấu trúc quản lý.
Các cố vấn NATO tìm cách né tránh những sĩ quan giữ tư duy cũ, tập trung vào các chỉ huy quân sự sẵn sàng đón nhận mô hình mới, theo Kristopher Reeves, đại tá quân đội Canada từng tham gia chỉ huy huấn luyện ở Ukraine từ năm 2017 đến 2018.
"Chúng tôi tập trung vào những lãnh đạo quân đội có thể áp dụng và nhân rộng mô hình của mình", Reeves nói.
Những hoạt động đào tạo chủ yếu diễn ra tại trung tâm huấn luyện quân sự Yavoriv, phía tây Ukraine, cách biên giới Ba Lan khoảng 25 km. Thời điểm Reeves rời Ukraine, những khóa huấn luyện tại Yavoriv đã phát triển từ cấp đại đội gồm 150 binh sĩ thành các nhóm chiến đấu với hơn 400 quân. Sĩ quan Ukraine bắt đầu thay thế cố vấn phương Tây trong chỉ huy các cuộc diễn tập chiến đấu mô phỏng.
Các cuộc tập trận hàng năm do quân đội Mỹ tổ chức tại Yavoriv mang tên "Rapid Trident" cũng cho phép quân đội Ukraine cọ xát, học hỏi từ lực lượng của hàng chục quốc gia phương Tây.
Trung úy Kulish cho biết các kỹ năng như xử lý chất nổ hay chiến thuật tác chiến thu được trong các cuộc tập trận kể từ năm 2016 đã hỗ trợ đáng kể cho lữ đoàn phản ứng nhanh của ông đang chiến đấu ở Donbass gần đây.
Khi các mối đe dọa xung đột gia tăng vào năm ngoái, tốc độ huấn luyện quân sự được đẩy nhanh. Thiếu tướng quân đội Anh Bill Ross, người phụ trách hoạt động huấn luyện trên bộ của Anh ở Ukraine từ tháng 10/2021 đến tháng 2 năm nay, đã chạy đua để binh sĩ Ukraine có thể sử dụng thành thục tên lửa chống tăng NLAW mà Anh cung cấp.
Một tiểu đoàn bộ binh Anh ban đầu dự định hướng dẫn khoảng 40 quân nhân Ukraine, song số lượng người tham gia khóa huấn luyện bất ngờ tăng lên đến 80.
Binh sĩ Ukraine trên một chiếc xe tăng bị phá hủy bên ngoài Kiev ngày 31/3. Ảnh: AP.
"Chúng tôi liên tục tổ chức các khóa học sau 3-4 ngày", thiếu tá Ross nói. Ông hy vọng dù chỉ có vài trăm binh sĩ được huấn luyện trực tiếp, họ có thể truyền thụ kiến thức sử dụng vũ khí cho những đồng đội khác.
Nhóm của thiếu tá Ross phối hợp hoạt động cùng Bộ tư lệnh Lực lượng Liên quân Ukraine, cơ quan đã vạch ra kế hoạch phòng thủ ứng phó lực lượng Nga. Khi Ross lần cuối cùng nhìn thấy các tài liệu về chiến lược phòng thủ của quân đội Ukraine hồi tháng hai, những mũi tên màu đỏ, biểu thị cho mũi tấn công của Nga, chĩa vào nước này từ mọi phía.
Nhưng Ukraine đã có một kế hoạch phòng thủ, ông nhấn mạnh. "Họ lên kế hoạch, còn chúng tôi hỗ trợ quá trình đó", Ross nói.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)