Với việc ông Yoon Seok-yeol được bầu làm tổng thống vào ngày 10/3, quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc sắp bước sang một giai đoạn mới.
Ông Yoon được biết đến với biệt danh “Trump của Hàn Quốc”, và tỏ ra cứng rắn với ĐCSTQ, bày tỏ rằng ông muốn xây dựng lại mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ (ông đã gọi điện cho ông Biden ngay sau khi đắc cử). Mặc dù, phải đến tháng 5 ông mới chính thức nhậm chức, nhưng ông đã bắt đầu công việc sơ bộ, trong đó việc cử phái đoàn tham vấn chính sách Hàn – Mỹ đến Hoa Kỳ (khởi hành ngày 3/4) được chú ý nhiều nhất.
Phái đoàn đã chuyển thư cá nhân của ông Yoon Seok-yeol đến ông Biden. Theo ông Park Jin trưởng phái đoàn, bức thư viết tay phản ánh ý chí kiên định của ông Yoon trong việc phát triển liên minh Hàn-Mỹ, vạch ra kế hoạch chi tiết để nâng cấp mối quan hệ Hàn Quốc-Hoa Kỳ thành một liên minh chiến lược toàn diện để cùng giải quyết một loạt thách thức mới như vấn đề hạt nhân Triều Tiên và vấn đề an ninh kinh tế. Chiều hướng quan hệ Hàn Quốc-Hoa Kỳ rất kích thích thần kinh của ĐCSTQ, đặc biệt là bốn điểm sau:
(1) Hàn Quốc gia nhập Đối thoại an ninh bốn bên Mỹ-Nhật-Úc-Ấn Độ (QUAD). ĐCSTQ đã gọi QUAD là “NATO phiên bản Châu Á – Thái Bình Dương” và đã ngăn cản sự gia nhập của Hàn Quốc. Ông Yoon hứa sẽ tham gia nhóm làm việc dưới quyền của QUAD, và sẽ từng bước chuẩn bị để chính thức gia nhập QUAD trong tương lai. Trong chuyến thăm của phái đoàn tới Hoa Kỳ, ông Park Jin nói: “Chúng tôi muốn tham gia cùng QUAD để thực hiện các hoạt động … Hoa Kỳ cũng bày tỏ kỳ vọng cao đối với vai trò của Hàn Quốc trong đó”. Ông Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Toà Bạch Ốc cho biết, “Điều rất quan trọng là phải phát triển từ liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ khởi đầu là một liên minh quân sự thành một liên minh công nghệ và an ninh kinh tế” và “mong muốn được hợp tác nhiều mặt với Hàn Quốc”.
(2) Việc Mỹ khai triển vũ khí chiến lược ở Hàn Quốc. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cái gọi là “sự cân bằng chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương” mà ĐCSTQ vô cùng lo lắng. Ông Yoon cam kết sẽ “kiên quyết đáp trả” mối đe dọa từ Triều Tiên, ngoài việc thúc đẩy “bình thường hóa” các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ (chính quyền Moon Jae-in đã thu hẹp lại để xoa dịu Triều Tiên và nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ), tìm cách khai triển các tài sản chiến lược của Mỹ như máy bay ném bom, hàng không mẫu hạm và tàu ngầm hạt nhân. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, khi được hỏi liệu ông có thảo luận về việc khai triển vũ khí chiến lược với Hoa Kỳ hay không, ông Park Jin cho biết hai bên đã nêu vấn đề này một cách tự nhiên trong quá trình tham vấn, nhất trí rằng vũ khí chiến lược là nhân tố quan trọng trong việc tăng cường khả năng răn đe mở rộng, và đã thảo luận ở cấp độ này; một quan chức Toà Bạch Ốc cho biết hai bên đã có “các cuộc thảo luận sâu rộng” về cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ, nhưng không nêu chi tiết.
Ngoài ra, ĐCSTQ đã từng có một cuộc tranh luận lớn với Hàn Quốc vì “THAAD vào Hàn Quốc”. Vào ngày 22/11/2017, ĐCSTQ tuyên bố rằng chính phủ Moon Jae-in đã cam kết thực hiện “ba không và một giới hạn”, đó là: không xem xét bổ sung các hệ thống THAAD; không tham gia hệ thống chống tên lửa của Hoa Kỳ; không phát triển liên minh quân sự ba bên giữa Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản; không làm tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc. Trong suốt thời gian tranh cử, ông Yoon Seok-yeol đã công khai chỉ trích lập trường “ba không” của chính quyền Moon Jae-in. Ngày 4/4, trước thông tin báo chí đưa tin Trung Quốc yêu cầu Hàn Quốc bổ sung “một giới hạn” vào lập trường “ba không” của hệ thống THAAD, Phó phát ngôn viên chính của Ủy ban chuyển tiếp Tổng thống cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quân sự của Hàn Quốc và yêu cầu chính quyền Moon Jae-in tiết lộ chi tiết. Nếu vấn đề THAAD trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận ngoại giao và an ninh trong thời gian chính phủ Hàn Quốc bàn giao, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Hàn – Trung.
(3) Tăng cường các giá trị chung của “liên minh chiến lược toàn diện” giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon Seok-yeol tuyên bố rằng trong khi “chia sẻ các giá trị cốt lõi của tự do và dân chủ, kinh tế thị trường, nhân quyền, và các giá trị cốt lõi khác”, liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ nên được xây dựng thành một liên minh toàn diện chiến lược làm cốt lõi của chính sách đối ngoại. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Hàn Quốc đã giải thích với Hoa Kỳ rằng ông Yoon hy vọng sẽ nâng tầm quan hệ Hàn Quốc-Hoa Kỳ lên thành một liên minh chiến lược toàn diện cấp cao hơn và hai bên đã đạt được nhất trí về điều này. Về vai trò của Hàn Quốc trong chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, ông Park Jin nói, “Hàn Quốc và Hoa Kỳ là một liên minh dựa trên các giá trị chung”, “cả hai bên nhất trí rằng điều rất quan trọng là phải thiết lập một trật tự dựa trên các chuẩn mực quốc tế như dân chủ, kinh tế thị trường, pháp quyền và nhân quyền. Trung Quốc cũng nên hiểu điều này và có những hành động để chấp nhận nó”.
(4) Tăng cường hợp tác an ninh kinh tế Hàn Quốc-Hoa Kỳ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, ông Park Jin nói rằng có khá nhiều lĩnh vực mà Hàn Quốc và Hoa Kỳ có thể hợp tác với nhau, và hai bên đã đàm phán về việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hợp tác công nghệ tiên tiến, chuỗi cung ứng và năng lượng hạt nhân.
Có hai điểm quan trọng ở đây. Thứ nhất, Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF) sắp tới của chính quyền Biden. Theo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Toà Bạch Ốc được công bố vào tháng 2 , IPEF, không bao gồm Trung Quốc, sẽ “thúc đẩy thương mại tiêu chuẩn cao, điều hành nền kinh tế kỹ thuật số, cải thiện khả năng phục hồi và bảo mật của chuỗi cung ứng, thúc đẩy minh bạch đầu tư, thúc đẩy cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao, và xây dựng kết nối kỹ thuật số”. Điểm khác biệt lớn nhất giữa IPEF và các hiệp định thương mại truyền thống là tập trung vào các giá trị và quy tắc. Điều này có lợi cho Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Trong khuôn khổ IPEF, có khá nhiều lĩnh vực mà Hàn Quốc có lợi thế.
Thứ hai, trong khi duy trì quan hệ đối tác kinh tế song phương, giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặt khác, kể từ năm 2003, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc; năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đạt 362,35 tỷ USD (tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương với quy mô thương mại của Hàn Quốc với Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU trong năm đó. Hơn nữa, sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung năm 2017, sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào Trung Quốc ngày càng gia tăng. Lấy 4 sản phẩm cốt lõi trong kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ làm ví dụ, sự phụ thuộc chất bán dẫn vào Trung Quốc là 39,5%, cao hơn gấp đôi so với Nhật Bản và hơn sáu lần so với Hoa Kỳ; pin xe điện là 93,3%, gấp 1,5 lần của Nhật Bản và hơn 2 lần của Hoa Kỳ; sản phẩm y tế và nguyên liệu dược (kháng sinh) là 52,7% và đất hiếm là 52,4%, cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Một ví dụ khác là sau khi ĐCSTQ hạn chế xuất khẩu urê do thiếu than vào tháng 10 năm 2021, khoảng 4 triệu xe chạy dầu diesel ở Hàn Quốc đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngừng hoạt động do thiếu urê cho các phương tiện, trong đó 2 triệu là xe tải, khiến Hàn Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng hỗn loạn hậu cần.
Mặt khác, khi Hoa Kỳ thúc đẩy quá trình “phi ĐCSTQ” trong chuỗi cung ứng, thì “cổ tức của Trung Quốc” đã trở thành “rủi ro của Trung Quốc”; hơn nữa, ĐCSTQ là một chế độ sẵn sàng sử dụng các con bài trả đũa kinh tế để đạt được mục tiêu của mình bất cứ lúc nào. Do đó, Hàn Quốc phải thực hiện chiến lược đa dạng hóa thương mại quốc tế để kiểm soát rủi ro. So sánh mà nói, sau khi Nhật Bản bị ĐCSTQ trả đũa kinh tế vì sự cố quần đảo Điếu Ngư vào năm 2012, nước này đã sử dụng chiến lược “Trung Quốc +1” để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về vấn đề này, chính phủ mới của ông Yoon Seok-yeol sẽ đưa ra một loạt các chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm cả hợp tác sâu rộng với Hoa Kỳ (một số học giả nói rằng “trong những trường hợp cực đoan, Hàn Quốc thậm chí sẽ chọn có lợi cho Hoa Kỳ”), thực hiện chiến lược hợp tác đa dạng với Đông Nam Á, Ấn Độ, Châu Âu, v.v., tăng cường các kế hoạch cho chiến lược kinh tế và thương mại kỹ thuật số (đóng vai trò chủ đạo trong các vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại kỹ thuật số), v.v.
Bốn xu hướng trên cho thấy chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc đang có sự điều chỉnh lớn. ĐCSTQ cũng không phải là không thấy được. Vào ngày 25/3, ông Tập Cận Bình đã phá bỏ thông lệ và có một cuộc điện đàm với ông Yoon Seok-yeol, tổng thống đắc cử của Hàn Quốc (phía Trung Quốc thường sắp xếp một cuộc gọi giữa các nhà lãnh đạo của một quốc gia sau khi họ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ). Tuy nhiên, trước đó, ông Yoon Seok-yeol đã nói chuyện qua điện thoại với nguyên thủ 5 quốc gia là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Úc và Ấn Độ, rõ ràng là đã đặt ĐCSTQ phía sau (điều này rất khác với ông Moon Jae-in. Sau khi ông Moon Jae-in được bầu làm tổng thống, thứ tự các cuộc điện thoại với các nguyên thủ nước ngoài là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, v.v.).
Trong cuộc gọi, ông Tập đã có hai câu với ý nghĩa khác nhau, một là “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị” và câu kia là “nỗ lực tích cực để bảo đảm sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Điều này cho thấy trọng tâm các mối quan tâm của ĐCSTQ: liên minh Hàn-Mỹ nâng cấp toàn diện , Hàn Quốc và Trung Quốc đối đầu nhau, và sự xa lánh về kinh tế. Tuy nhiên, mối quan tâm của Hàn Quốc đối với ĐCSTQ – Vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) ngày 24/3 của Triều Tiên đã làm gia tăng căng thẳng nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực – nhưng không có phản hồi thực sự nào; trong nội dung cuộc gọi giữa hai người đã được ĐCSTQ công bố sau đó, không hề đề cập đến nó. Điều này cho thấy ĐCSTQ vẫn đang tiếp tục chính sách cũ đối với Hàn Quốc và không có biện pháp đối phó đáng kể nào cho nhiệm kỳ sắp tới của ông Yoon Seok-yeol.
Theo quan điểm này, Hàn Quốc và Trung Quốc chỉ có thể xa nhau hơn.