Ngày 30-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc thi hành kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khẳng định: "Tỉnh đã làm rất thận trọng, chặt chẽ các bước theo quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước. Cả về mặt Đảng và chính quyền đều được tỉnh làm khẩn trương và rất nghiêm túc. Chúng tôi đã xem xét đầy đủ các căn cứ, các bước theo quy định để đưa ra hình thức kỷ luật cuối cùng như đã công bố".
Điều chuyển sang cơ quan giúp việc
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết không chịu bất cứ "sức ép" nào cũng như không có "vùng cấm" trong quá trình xem xét, thi hành kỷ luật ông Quý. Theo ông Duy, bản thân ông Phạm Sỹ Quý cũng đã nhận ra khuyết điểm của mình.
Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái Ảnh: Minh Chiến
Trước dư luận cho rằng điều chuyển ông Quý về làm Phó Văn phòng HĐND sau khi bị kỷ luật là chưa hợp lý, bởi vị trí này tương đương phó giám đốc sở, ông Duy khẳng định 2 vị trí này chỉ tương đương về hệ số phụ cấp cán bộ, còn chức trách và nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau. "Các sở là cơ quan chuyên môn trực thuộc cấp tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, còn Văn phòng HĐND là cơ quan giúp việc cho HĐND, Thường trực HĐND, các đại biểu HĐND. Văn phòng HĐND là cơ quan có tính chất giúp việc, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước như các sở" - ông Duy lý giải.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 30-10, đại biểu (ĐB) QH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng việc điều động ông Quý về vị trí phó Văn phòng HĐND nằm trong quy định của pháp luật, "chưa có vấn đề gì". "Với vị trí mà chị làm chủ tịch HĐND tỉnh, em làm phó Văn phòng HĐND tỉnh thì cũng cần xem vị trí đó có nguy cơ gây ra tham nhũng không. Nếu không có nguy cơ tham nhũng cao thì không ảnh hưởng hay có sai phạm gì so với quy định của pháp luật" - ông Hà phân tích.
Truy nguồn gốc tài sản
Ông Đỗ Đức Hồng Hà cũng lưu ý việc xác minh nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý để xem việc kê khai tài sản chỉ dừng ở không trung thực hay tài sản đó là bất hợp pháp. Nếu có dấu hiệu vi phạm, có thể sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn và có thể thay đổi hình thức điều chuyển công tác như hiện nay.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng hiện chúng ta chưa có căn cứ cụ thể để khẳng định tài sản của ông Quý có bất hợp pháp không. Theo ông Hà, để có căn cứ chuyển cơ quan điều tra thì phải có dấu hiệu tội phạm. Cái khó hiện nay là xác minh nguồn gốc tài sản có bất hợp pháp hay không, nếu không làm rõ được thì không có căn cứ để chuyển cơ quan điều tra.
Cũng theo ĐB Hà, vấn đề xác minh tài sản, thu nhập ở nước ta hiện nay có nhiều khó khăn, một trong số đó là chưa kiểm soát được nguồn thu - đầu vào, nguồn chi - đầu ra.
Thanh tra chỉ yêu cầu giải trình
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cho biết trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra đã yêu cầu ông Phạm Sỹ Quý giải trình về những tài sản của mình và gia đình biến động theo năm. Theo đó, ông Quý có giải trình tài sản đang sở hữu gồm phần lớn khoản vay ngân hàng và bạn bè lên tới 19 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây nhà, làm trang trại là hơn 7 tỉ đồng. Đối với việc gia đình ông Quý vay ngân hàng như thế nào, trả lãi và gốc hằng tháng ra sao không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.