Julian E. Barnes và James Glanz
WASHINGTON – Soái hạm Moskva là niềm tự hào của Hạm đội Biển Đen (Hắc hải) Nga, là biểu tượng cho sự thống trị của Nga trong khu vực và là bộ máy chiến tranh mạnh mẽ được dùng để phóng tên lửa (hỏa tiễn) hành trình chính xác vào sâu trong nội địa Ukraine.
Gạt bỏ tuyên bố của Nga cho rằng một ngọn lửa vô tình bộc phát trên con tàu, các giới chức Mỹ hôm thứ Sáu xác nhận rằng hai hỏa tiễn Neptune của Ukraine đã tấn công tàu, giết chết một số thủy thủ và nhấn chìm tàu và kho vũ khí xuống đáy Biển Đen.
Vụ đắm tàu Moskva hôm thứ Năm là một đòn nặng đối với hạm đội Nga và là một minh chứng đầy ấn tượng của chiến tranh hiện đại, trong đó hỏa tiễn xuất phát từ bờ có thể tiêu diệt ngay cả những con tàu to lớn nhất, mạnh nhất. Đây cũng là tổn thất chiến tranh đáng kể nhất đối với bất kỳ lực lượng hải quân nào kể từ năm 1982, lúc đó Không quân Argentina đánh chìm một tàu khu trục có hỏa tiễn dẫn đường của Anh và các tàu khác trong Chiến tranh đảo Falklands.
Tàu chiến của Nga, Moskva, bị trúng tên lửa khoảng 65 hải lý về phía nam của Odesa, theo một giới chức Quốc phòng Mỹ – CRIMEA bị Nga chiếm giữ năm 2014 BIỂN ĐEN – Đảo Con rắn
Vị trí của tàu được xác định:
Nguồn: Maxar Technologies, dữ liệu vệ tinh Copernicus Sentinel-2 Theo New York Times
Tên lửa hành trình của Nga được dùng tấn công tàn bạo các tòa nhà chung cư ở các thành phố Ukraine. Các khẩu súng của tàu Moskva đã bắn vào Đảo Rắn của Ukraine. Không thể thay thế bệ phóng tên lửa mạnh nhất của Điện Kremlin là Moskva, việc đánh chìm Moskva là một cuộc phản công táo bạo, các sĩ quan quân đội về hưu cho biết như vậy.
Moskva đã truyền cảm hứng cho những ai trông thấy nó, chứa đầy hỏa tiễn thấp thoáng trong cảnh quan – là hiện thân của sức mạnh Nga trong khu vực qua nhiều thập niên.
Chuẩn đô đốc Samuel J. Cox, Giám đốc Bộ Tư lệnh Di sản và Lịch sử Hải quân ở Washington, cho biết: “Đó là một con tàu mang đầy ấn tượng. “Với những bệ phóng tên lửa đất đối đất, nó thực sự nguy hiểm. Và nó có vẻ như không thể bị tấn công”.
Vụ chìm tàu có tầm quan trọng về biểu tượng, ngoại giao và quân sự.
Giới chức Mỹ xác nhận các tàu Nga khác đã được di chuyển ra xa khỏi bờ biển Ukraine, phát biểu giấu tên khi đánh giá tình báo về cuộc chiến. Theo các giới chức này, Hạm đội Biển Đen còn lại của Nga vẫn ở trong tầm có thể bắn tên lửa hành trình vào Ukraine nhưng không thể hỗ trợ bất kỳ cuộc tấn công đổ bộ vào các thành phố ven biển.
Những nhà phân tích hải quân đã lo âu trong nhiều năm rằng một thế hệ hỏa tiễn diệt hạm mới sẽ là nguy cơ cho các tàu lớn và quan trọng như Moskva hoặc hạm đội hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ. Việc tàu Moskva bị chìm là một dấu hiệu cho thấy tương lai đó đã đến.
Moskva được thiết kế như một “kẻ diệt hạm”. Tàu ban đầu được gọi là Slava, khởi đóng vào năm 1976, đi vào hoạt động năm 1983. Nó được Liên Xô chế tạo để đánh chìm hàng không mẫu hạm Mỹ, được trang bị tên lửa có khả năng tấn công máy bay, tàu chiến và tàu ngầm.
Được nâng cấp nhiều lần qua thời gian, Moskva lẽ ra phải được trang bị hệ thống phòng thủ có thể bắn hạ hỏa tiễn của Ukraine. Con tàu có hệ thống đất đối không tầm trung có hiệu quả trong vòng bảy dặm, những hỏa tiễn khác được thiết kế tiêu diệt kẻ thù cách xa 50 dặm. Về lý thuyết, súng trên tàu có thể bắn hạ một tên lửa như Hải Vương tinh (Neptune). Nhưng không có biện pháp phòng thủ nào đã có hiệu quả.
“Chiến tranh là tàn khốc,” Adm. Gary Roughead, cựu sĩ quan hải quân về hưu cho biết. “Bạn phải đầu tư để đánh bại các loại vũ khí kẻ thù sẽ tấn công bạn.”
Vũ khí chống hạm không khó chế tạo hoặc khai thác. Hezbollah đã tấn công một tàu chiến của Israel trong cuộc chiến Lebanon năm 2006. Phiến quân Houthi ở Yemen đã bắn nhiều tên lửa chống hạm vào một tàu khu trục của Hải quân Mỹ trong hai cuộc tấn công riêng biệt vào năm 2016, khiến Mỹ phải dùng tên lửa hành trình Tomahawk đáp trả. Hải quân Mỹ đã đầu tư vào công nghệ chống tên lửa trong nhiều thập kỷ, các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ cho rằng tên lửa của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa thực sự trong một cuộc xung đột.
Mặc dù là biểu tượng đau đớn cho nước Nga, nhưng sự mất mát của tàu Moskva cũng có những tác động thiết thực đối với cuộc chiến đang diễn ra. Những hỏa tiễn đáng lẽ đã được bắn vào Ukraine giờ đây đang ở dưới đáy Biển Đen, một đòn giáng mạnh vào kế hoạch chiến tranh của Nga.
Moskva sẽ đóng vai trò chính trong bất kỳ cuộc tấn công đổ bộ tiềm năng nào vào thành phố duyên hải Odesa của Ukraine. Trong khi các tàu đổ bộ đưa thủy quân lục chiến Nga tới bờ biển, thì tàu Moskva sẽ bảo vệ chúng và tấn công bằng tên lửa vào thành phố.
Đô đốc Cox cho biết Giờ đây, bất kỳ cuộc đổ bộ nào của Nga vào Ukraine sẽ gặp nguy hiểm hơn nhiều, các tàu đổ bộ Nga sẽ dễ bị tấn công hơn bao giờ hết.
Các tàu của Nga càng ở xa bờ biển thì khả năng hỗ trợ đối với các cuộc tấn công mặt đất vào các thành phố Ukraine càng bị hạn chế. Mặc dù khoảng cách lớn hơn có thể khiến một số cuộc tấn công trở nên khó khăn hơn, nhưng nó cũng sẽ không làm cho các tên lửa mạnh hơn của Nga vượt ra khỏi tầm bắn. Một số tên lửa hành trình của Nga phóng từ biển có thể bắn tới 1.550 dặm, trong khi tên lửa Neptune của Ukraine có tầm bắn khoảng 190 dặm.
Một giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trước khi Moskva bị chìm, Hạm đội Biển Đen của Nga đã hoạt động tương đối gần như tự do không bị ngăn trở.
“Họ nghĩ rằng họ có thể di chuyển xung quanh Biển Đen hoặc đến bất cứ nơi nào họ muốn,” Adm. James G. Foggo III đã về hưu, chủ nhiệm Trung tâm Chiến lược Hàng hải tại Liên đoàn Hải quân Hoa Kỳ cho biết. Nhưng nay “họ đã gặp phải một biến cố khác.”
Ngăn chặn cuộc tấn công vào Odesa là ưu tiên của quân đội Ukraine, trong nhiều tuần qua Ukraine đã yêu cầu Hoa Kỳ và đồng minh tiếp tế hỏa tiễn chống hạm và các “vũ khí phòng thủ bờ biển” để mở một mặt trận mới nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga, các quan chức Mỹ cho biết như vậy.
Cuộc tấn công tàu chiến Moskva cho thấy đòi hỏi của Ukraine là “rất có cơ sở”, giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết.
Đô đốc Foggo nói, thiết lập hệ thống phòng thủ ven biển, quân Ukraine có thể chiến đấu với hạm đội Nga ngay khi họ không có hải quân hùng mạnh. Hỏa tiễn, mìn thông minh và các thiết bị tân tiến khác sẽ giúp họ đẩy các tàu Nga ra xa ngoài khơi.
Ông nói : “Không nhất thiết bạn phải có một thiết giáp hạm để bảo vệ bờ biển của Ukraine. “Bắn từ trên bờ dễ hơn. Phòng thủ dễ hơn tấn công. Vì vậy, hiện nay quân Nga đã gặp phải vấn đề ”.
Hoa Kỳ đã bổ sung vũ khí phòng thủ bờ biển với 800 triệu USD được công bố trong tuần này. Các giới chức cao cấp Lầu Năm Góc đã yêu cầu các nhà thầu quân sự Mỹ vào thứ Tư để phát triển hỏa tiễn chống hạm bổ sung Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine hoặc các đồng minh của họ.
Một số giới chức Mỹ ngạc nhiện tại sao Nga tiếp tục tuyên bố rằng tàu Moskva bị phá hủy do tai nạn chứ không phải Ukraine tấn công. Nga vẫn tuyên bố công khai những thành công quân sự của Ukraine trước công chúng Nga. Tình báo Mỹ nhận định là các giới chức cao cấp Nga đã không cung cấp tin tức chính xác cho Tổng thống Vladimir Putin (những tường thuật chính xác về cuộc chiến Ukraine) và quân đội Nga rất có thể đã nói dối Điện Kremlin về những gì đã xảy ra với tàu Moskva.
“Mất soái hạm Hạm đội Biển Đen của Nga giống như mất đi một viên ngọc quý: một tổn hại nghiêm trọng về uy tín, có thể đã ảnh hưởng đến cá nhân Putin vì ông ấy đã gắn bó với tầm quan trọng xây dựng lại nước Nga như một cường quốc hải quân”. Katarzyna Zysk, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy ở Oslo cho biết.
Việc tàu Moskva bị đánh chìm cũng chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược đối với Ukraine trong việc mở rộng chiến trường từ các thị trấn đến Biển Đen, nơi hạm đội của Nga thống trị từ lâu. Đô đốc Foggo cho biết đồng thời tiết lộ những vấn đề sâu xa trong quân đội Nga. Ông nói, nếu các thủy thủ được đào tạo bài bản họ đã có thể ngăn chặn ngập nước bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa, cách dập tắt lửa và cứu con tàu khỏi chìm.
Các giới chức cho rằng vào thời điểm này của cuộc chiến, không ai có thể ngạc nhiên về khả năng của Ukraine. Và vụ đánh chìm tàu Mostka là một trong những đòn hiểm hóc nhất của quân đội Ukraine.
“Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ về điều làm tổn hại đến tinh thần của Hải quân Nga như thế nào, với cái tên mang tính biểu tượng (tên của thủ đô Nga), vai trò của nó như một soái hạm và thực tế là nó đã bị tổn thương trong chiến đấu,” Adm James G. Stavridis đã về hưu, một cựu chỉ huy đồng minh tối cao ở Châu Âu cho biết. “Về việc Nga tổn thất một đơn vị quan trọng như vậy, bạn phải quay trở lại thời kỳ Thế chiến thứ hai.”
Julian E. Barnes tường trình từ Washington, và James Glanz từ New York. Helene Cooper , Eric Schmitt và John Ismay đã đóng góp báo cáo từ Washington.
Theo New York Times
HDP lược dịch