Thương học sinh phải đi xa, ông Huỳnh Văn Phúc (68 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, H.Châu Thành A, Hậu Giang) hiến 2.000 m2 đất làm “đường tắt” để các em khỏi phải đi vòng 5 km.
Ông Phúc kể, Trường tiểu học Ngô Quyền (ấp 5B, X.Tân Hòa) trước đây cùng nằm trên lộ nông thôn với nhà ông. Ngôi trường nhỏ xây từ lâu nên giờ xuống cấp, không còn phù hợp với số lượng học sinh đông đảo. Vì vậy, chính quyền đầu tư xây cất lại khang trang, nhưng điểm trường mới nằm trên tuyến lộ khác, cách điểm cũ hơn 500 m. Hai tuyến lộ chạy dọc, nhưng trong phạm vi gần không có đường giao cắt. Nếu không có phương án, học sinh phải đi đường vòng hình chữ U dài khoảng 5 km, mất thời gian và nguy hiểm, vì nhiều đoạn đường đá lởm chởm, nhỏ hẹp.
Ngôi trường mới nằm ngay sau phần đất của gia đình ông Phúc. Nếu kết nối hai điểm sẽ là “đường tắt” gần nhất để học sinh tới trường. Qua khảo sát, tháng 2.2021, chính quyền xã Tân Hòa đến nhà ông Phúc vận động hiến đất. Lắng nghe những chia sẻ thấu tình đạt lý về ý nghĩa của con đường, sau vài ngày thống nhất ý kiến các thành viên trong gia đình, ông Phúc quyết định hiến đất làm đường mà không đòi hỏi địa phương hỗ trợ bất kỳ kinh phí hay quyền lợi nào. “Đây là đất nông nghiệp, trồng nhiều loại cây ăn trái, hoa màu, như: vú sữa, mít, sầu riêng, bơ, xoài, ớt, đu đủ. Ngày xưa, người thân của tôi rất quý mảnh đất này vì nó giúp ăn nên làm ra, có điều kiện nuôi nấng con cái. Đến thời của tôi, thu nhập chính cũng phụ thuộc lớn vào mảnh vườn này”, ông Phúc chia sẻ.
Ông Phúc hiến đoạn đường dài 500 m, rộng 4 m để học sinh thuận lợi đến trường THANH DUY |
Tháng 3.2021, công trình bắt đầu thi công. Ông Phúc tự động chặt đốn hơn 20 gốc vú sữa, 20 gốc bơ đang cho trái để giải phóng mặt bằng giao cho chính quyền. Theo ông Phúc, mỗi năm 40 gốc cây ăn trái này cho lợi nhuận bình quân khoảng 25 triệu đồng. Chỉ khoảng 1 tuần làm việc khẩn trương, con đường bê tông rộng 4 m, dài 500 m hoàn thành, nối liền mạch với Trường tiểu học Ngô Quyền đang xây khiến nhiều người vui mừng.
Hơn 1 năm qua, ông Phúc cũng trở thành bác “bảo vệ” chăm chỉ giữ gìn hiện trạng mới mẻ của con đường. Ông tự bỏ tiền thuê nhân công cắm cọc tre, nuôi cỏ để giảm thiểu tình trạng sạt lở, nứt bể con đường ngoài ý muốn (vì con đường chạy dọc theo con kênh - PV).
Với ông Phúc, không điều gì quan trọng bằng sự học của những đứa trẻ ở quê. Khoảng cách đến trường rút ngắn đáng kể, các em đỡ vất vả trên con đường bê tông sạch sẽ, trong đó có những con cháu của mình, đó là điều khiến ông Phúc vui nhất. Vì vậy, khi nói về con đường, ông Phúc không luyến tiếc gì mà thấy lòng nhẹ nhõm, phấn khởi vì đã làm được một điều có ích cho đời.
“Biết đất này tôi không bán mà hiến, có người nói tôi điên hay sao mà vứt tiền qua cửa sổ, chi bằng để an dưỡng tuổi già hơn không. Tấc đất là tấc vàng, 2.000 m2 đất nông thôn hiện giờ cũng có giá hơn 300 triệu đồng, chưa nói giá còn cao nữa sau này. Tôi thì lại nghĩ, số tiền đó thay bằng con đường có thể giúp ích cho cộng đồng lâu dài thì cũng thật sự xứng đáng lắm”, ông Phúc trải lòng.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho biết tấm lòng của ông Phúc rất đáng ghi nhận. Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với học sinh, con đường còn góp phần làm lộ liền lộ và ấp liền ấp, giúp người dân thuận tiện hơn trong lao động sản xuất, qua đó thúc đẩy việc phát triển kinh tế ở địa phương.