Các cơ sở kinh doanh lâu đời của người Việt ở Los Angeles và Little Saigon thay đổi để tồn tại

Các cơ sở kinh doanh lâu đời của người Việt ở Los Angeles và Little Saigon thay đổi để tồn tại
04/20/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w 
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

Trà Nhiên/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sau hơn một năm lao đao với nền kinh tế bấp bênh, các cơ sở kinh doanh lâu đời của người Việt hải ngoại tại vùng Los Angeles và Little Saigon đã và đang có nhiều đổi thay để tồn tại, nhưng cũng có chỗ dần lụi tàn theo tự nhiên.

Saigon Plaza ở Chinatown được mệnh danh là Little Saigon của Los Angeles, từng rất sầm uất nhưng nay thưa thớt người. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Trước đó, đại dịch COVID-19 bùng phát “tê liệt” toàn nước Mỹ khiến các cơ sở kinh doanh lâm vào cảnh khốn đốn, có chỗ phải đóng cửa vĩnh viễn.

Chinatown, Los Angeles, “thời vàng son” nay còn đâu?

Khu Chinatown ở thành phố Los Angeles, có lịch sử hơn 80 năm, từng “vang bóng một thời” với các gian hàng kinh doanh phong phú, cũng như thu hút đông đảo khách du lịch, và người Việt gốc Hoa cũng có chỗ đứng nhất định khi kinh doanh ở đây, nhưng COVID-19 đã đảo lộn mọi thứ.

Bà Ivy Thi, quản lý cửa hàng quần áo Fashion Instyle, ở ngoài mặt đường Spring St., Chinatown, cho biết hàng hóa ngày càng đắt đỏ mà khách thì ngày một giảm.

“Lúc bình thường thì đường sá đông đúc lắm. Từ khi dịch thì người đi qua khu này ít hẳn và buôn bán ế ẩm,” bà lắc đầu kể. “Kinh tế như thế này khiến việc buôn bán tệ lắm không đủ trả tiền thuê.”

Đối diện Fashion Instyle là Phở Saigon, nguyên thủy là quán Phở Hòa lâu năm ở Chinatown.

Anh Tú Huỳnh, quản lý quán, cho biết gia đình anh sang lại khoảng năm năm nay.

“Dịch bệnh khiến quán giảm hơn 70% số khách. Tuy quán mở cửa suốt nhưng chỉ bán ‘to go.’ Đến khi có lệnh cho khách vô trong ăn thì tình hình đỡ hơn, nhưng không thể so với hồi trước,” anh Tú cho biết.

Anh cũng nói thêm là chủ đất có giảm tiền thuê một chút trong thời kỳ dịch lên đỉnh điểm, nhưng sau đó thì tăng lại bình thường.

Một nữ khách hàng xúng xính thử áo dài ở Chợ Vải Bolsa, Westminster, cơ sở kinh doanh có thâm niên 40 năm. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Khu mua sắm Saigon Plaza ở ngay lòng Chinatown trên đường Broadway, được mệnh danh là Little Saigon của Los Angeles, từng ăn nên làm ra, nhưng nay thưa thớt người qua.

Bà Xuân Trần, chủ tiệm bánh mì Saigon Deli, mở năm 1988, nằm ngay ngõ vô khu Saigon Plaza, kể rằng tiệm từng đóng cửa ba tháng theo lệnh rồi từ từ chủ phố cho mở tiệm lại, nhưng hạn chế số lượng khách.

“Số lượng khách đến tiệm giảm nhiều, khoảng 50%. Các sạp hàng trong khu plaza này vì dịch dẫn đến ế khách nên không chịu nổi và đóng tiệm đi nơi khác,” bà Xuân nói.

Bà cho biết tiệm bây giờ bán khá hơn một chút so với năm ngoái nhưng chủ yếu bán cho dân địa phương chứ cũng chưa có du khách nhiều như hồi trước dịch.

Bà tiếp: “Tôi nghe nói ở chỗ khác không bớt tiền thuê mặt bằng. Chủ phố bên tôi giảm tiền và cho đóng bù lại các tháng đóng trễ nên cũng dễ thở.”

Dạo một vòng các sạp trong khu Saigon Plaza, vào buổi trưa của một ngày Chủ Nhật, mới thấy khung cảnh đìu hiu của một khu kinh doanh đã từng rất sầm uất.

Các gian hàng trong khu mua sắm ở Chinatown gợi nhớ các sạp hàng ở các khu chợ Việt Nam. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Một số sạp quần áo, giày dép, hàng lưu niệm,… mở đèn rực sáng bày bán hệt như các khu chợ ở Việt Nam, một số gian thì tối om vì đóng cửa vĩnh viễn do không kham nổi tiền thuê chỗ.

Thỉnh thoảng cũng thấy vài vị khách người khách, thăm hỏi các tiểu thương về giá cả mặt hàng. Đi sâu vào Saigon Plaza sẽ bắt gặp Hoàng Anh Gift Shop, tiệm bán đồ lưu niệm, với những móc chìa khóa ngộ nghĩnh, hay các hình thú hoặc nhân vật trong phim hoạt hình.

“Tiệm đóng cửa khoảng ba tháng rưỡi. Khi mở lại thì số lượng giảm 40%. Bây giờ thì lượng khách tương đối đỡ hơn một chút nhưng đa số là bán cho khách du lịch thôi,” vừa nói ông vừa lau mấy hộp đồ chơi.

Ông Kevin cũng cho biết thêm khách chủ yếu đến đây đều là khách du lịch.

Ông Kevin Huỳnh, chủ Hoàng Anh Gift Shop, chỉnh trang lại các hộp đồ chơi chuẩn bị cho một ngày mới. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Đi thêm một vòng thì sẽ có đường nối băng qua khu plaza kế bên tức Dynasty Center.

Hoạt động từ năm 1992, cửa hàng mỹ nghệ Fu-Shing Feng Shui & Gifts của ông Sam Chan, chuyên bán các tượng Phật, Quan Âm, hay ngọc bội, vẫn kinh doanh ổn định.

Ông Sam, người Việt gốc Hoa, cho biết: “Khách không giảm đáng kể vì đa số cửa hàng bán sỉ.”

Tuy nhiên, các tiểu thương khu Chinatown lại gặp một vấn đề khác.

Ông Sam cho hay tình hình càng thêm cam go khi chủ đất của khu này bán lại cho chủ thầu khác và không cho tiểu thương kinh doanh nữa.

“Chủ đất ở đây không cho ai biết về việc này. Chúng tôi ở đây 30 năm rồi, họ làm như thế có đúng hay không?,” ông Sam bày tỏ nỗi bất bình.

Theo ông Sam thì khoảng năm 2023 thì các khu kinh doanh lâu đời của China Town này sẽ bị xây lại hết.

“Truyền thống của China Town và của người Việt gốc Hoa sẽ bị mất đi. Sau này, du khách đến đây cũng không thấy các khu kinh doanh này nữa,” ông Sam buồn bã nói.

Cửa hàng mỹ nghệ Fu-Shing Feng Shui & Gifts của ông Sam Chan ở khu Dynasty Center kinh doanh cũng gần 30 năm. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Cách khu Chinatown khoảng 5 phút lái xe là tiệm bánh Kiên Giang hay KG Bakery ở đường Echo Park Ave. đã 40 năm.

Ông Huỳnh Văn Quang, chủ tiệm KG Bakery, cho biết tiệm có từ năm 1981.

“Tiệm chưa một ngày đóng cửa lúc dịch và cũng may mắn là không bị lỗ nhiều,” ông nói.

“COVID-19 ảnh hưởng nhiều khiến khách đến tiệm bánh giảm từ 30% đến 40% mỗi ngày so với hồi năm 2018-2019. Thời thế cũng thay đổi, một phần là do dịch, một phần vì người ta ngại mở tiệc nên cũng ít đặt bánh,” ông kể.

Ông cũng nói thêm mùa Trung Thu 2021 vừa rồi bán cũng khá tốt vì vừa có khách địa phương và vừa nhận đặt hàng trực tuyến từ các tiểu bang khác.

Là “thổ địa” ở Los Angeles, ông cũng nói thêm về sự thay đổi “chóng mặt” của Chinatown dạo gần đây. Nhiều công ty nước ngoài mua lại các tòa nhà lâu đời ở khu “phố người Hoa” để mở rộng thêm như xây cất các tòa nhà cao tầng cho cư dân mướn hoặc cho thuê văn phòng.

Nhìn xa xăm một lúc, ông Quang tiếp: “Thập niên 1980 thì tiểu thương khởi nghiệp ở đây, một số trở nên khấm khá nên dọn ra sống ở khu khác. Mặt khác, một vài chỗ ‘dẹp tiệm’ vì chủ lớn tuổi mà con cái cũng không theo nghiệp kinh doanh.”

Đi một vòng khu Chinatown và các đường lân cận, sẽ thấy nhiều tòa nhà, từng là các khu plaza kinh doanh hay chợ, đang “chờ giải tỏa,” do tiểu thương không đủ trang trải chí phí nên dọn ra, hoặc đang đợi chủ thầu mới đập đi để phát triển dự án riêng.

Với tình hình này các cơ sở kinh doanh từ thời sơ khai của người Việt tị nạn tại Los Angeles đang dần bị “xóa sổ,” theo guồng quay phát triển kinh tế.

Ông Huỳnh Văn Quang trước Kiên Giang Bakery, tiệm làm bánh có từ năm 1981. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Khu Little Saigon, Orange County, từ từ vực dậy

Little Saigon, “thủ đô” của người Việt tị nạn, cũng từng “xất bất xang bang” thời kỳ đại dịch khi người dân bị cách ly ở nhà, và các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa vài tháng theo lệnh tiểu bang khiến ngành kinh tế địa phương lâm vào cảnh khó khăn.

Không nhiêu khê như khu vực sắp giải tỏa để “phát triển lại” như Chinatown, Little Saigon dần dần vực dậy sau chuỗi ngày lao đao khi tiểu bang “mở cửa” trở lại.

Tiệm bánh mì Ba Lẹ, Westminster, một trong những tiệm bánh mì lâu đời của Little Saigon trên đường Bolsa Ave, cũng vất vả vượt qua thời kỳ u tối.

Ông chủ Tích Võ cho biết tiệm có hơn 40 năm kinh doanh nhưng “từ khi có COVID-19 đến giờ tiệm giảm khoảng 60% lượng khách.”

Ông tiếp: “Lúc dịch cao trào thì tiệm có đóng cửa một thời gian ngắn. Tiệm sống sót trong thời gian qua là do làm bánh mì giao sỉ cho chợ và các tiệm bán BBQ.”

Ông Tích Võ, chủ tiệm bánh mì Ba Lẹ, Westminster, một trong những tiệm lâu đời ở Little Saigon. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Kế bên Ba Lẹ, là Chợ Vải Bolsa, có thâm niên cũng 40 năm, chuyên cung cấp vải, quần áo. Thêm vào đó, tiệm nổi tiếng với các mẫu áo dài sặc sỡ với mẫu mã phong phú.

Ông Tú Nguyễn, chủ cửa hàng vải, cho biết hồi dịch lúc Tháng Ba, 2020, tiệm đóng cửa hai tháng.

“Khi mới mở cửa hàng lại thì lỗ nhiều. Nhưng, cũng nhờ là tiệm vải lâu năm nên khách biết tiếng mình nên cũng đỡ. Chúng tôi cũng kịp thời bán những vật phẩm thiết yếu như khẩu trang, hay dây thun để người dân may khẩu trang vải,” ông Tú nói.

Được biết, vào thời điểm đó khẩu trang y tế chưa có nhiều nên chủ yếu cư dân đến Chợ Vải Bolsa mua vải và dây thun để tự may khẩu trang.

“Chúng tôi biết nguồn hàng dây thun ở Việt Nam và thời điểm đó nhập thoải mái vì Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nên mọi thứ cũng đỡ hơn, buôn bán cũng đỡ buồn hơn,” ông Tú tâm sự.

Ông tiếp: “Theo tôi thấy, sau khi mọi người đã chích ngừa được hai mũi thì người dân tự tin hơn, đi sắm sửa nhiều hơn nên bắt đầu từ mùa Hè vừa rồi thì chúng tôi bán được. Tuy không có khách nước ngoài nhưng du khách từ các tiểu bang xa cũng ghé thăm tiệm.”

Ông cho hay, Chợ Vải Bolsa hồi phục từ 60% đến 75%. Dù tình hình của tiệm có vẻ khả quan nhưng cũng còn một trở ngại khác là thiếu nguồn hàng vì nhập vải từ Việt Nam thời điểm này rất khó khăn.

“Mấy năm về trước, đoạn đường này của Bolsa tấp nập người qua lại giờ thì lác đác. Có mấy người khách nói với tôi là hơn một năm nay họ không dám ra khỏi nhà,” ông Tú nói.

Cách đó không xa là thương xá Phước Lộc Thọ, một biểu tượng của Little Saigon.

Tiệm đồng hồ Tick Tock tọa lạc trong thương xá Phước Lộc Thọ từ năm 1986 cũng gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng anh Việt Hồng, quản lý cửa hàng đồng hồ, cho biết tiệm đóng cửa sáu tháng khi COVID-19 ập đến.

“Vì chúng tôi nằm trong thương xá nên không thể mở cửa đón khách. Đối với chúng tôi đây là ‘đòn đánh nặng nề’ vì không thể kinh doanh trong vòng nửa năm,” anh nói.

“Khi tiểu bang mở cửa trở lại thì thương xá Phước Lộc Thọ như ‘khu phố ma’ ấy, vì mọi người vẫn còn sợ khi ra đường. Mọi chuyện khá hơn là vào đầu mùa Hè vừa rồi nhưng việc kinh doanh cũng không thể như xưa được,” anh nói tiếp.

Cô vợ nói tiếp: “Hồi đó, Phước Lộc Thọ hút khách du lịch từ mọi nơi và cả khách từ Việt Nam. Các đoàn du lịch bằng xe buýt lúc nào cũng có nhưng mọi thứ dần thay đổi vài năm gần đây và gặp dịch bệnh nên ngày càng vắng.”

Thêm vào đó, Tick Tock là đại lý ủy quyền của các hãng đồng hồ hiệu nên không được phép bán trực tuyến trên trang web, nên khách phải đến tiệm mua càng khiến việc kinh doanh của tiệm đồng hồ lâu đời trở nên khó khăn.

Nhà hàng Song Long “sống được” trong thời kỳ COVID-19 là nhờ có chương trình “food stamp.” (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Nhà hàng Song Long, Westminster, có tiếng ở khu Bolsa vì hoạt động lâu năm từ 1981.

Bà chủ Lan Võ kể rằng: “Nhà hàng đóng cửa bốn tháng rồi trở lại bán như thường nhờ tiệm có chương trình ‘food stamp.’ Nếu quán mà không có ‘food stamp’ chắc số lượng khách giảm một nửa.”

Bà Lan tiếp: “Thêm nữa là quán thiếu nhân viên do nhiều người ở nhà do có tiền trợ cấp. Những đầu bếp có tay nghề giỏi do lớn tuổi nên cũng nghỉ không làm cho quán trong đợt dịch vừa rồi. Chỉ có một vài khó khăn đó thôi nhưng bù lại quán không bị ảnh hưởng nặng nề.”

Ở thành phố Garden Grove có một đại lý cà phê chuyên cung cấp cà phê cho các quán ở California và các tiểu bang khác. Đó là Cafe Bonjour trên đường Westminster.

Tiệm mở 26 năm, người anh trai nhượng quyền cho ông bà Linh Trần để tiếp nối công việc này vì phải là “dân trong nghề” mới làm được.

Tiệm có hàng chục vị cà phê được nhập từ nhiều nơi, nhưng để có thể trộn được các vị độc nhất để tạo chất riêng cho từng quán cà phê thì chỉ có ông chủ Linh Trần nắm vững công thức.

Ông Linh cho biết: “Hương cà phê bán chạy nhất là loại trộn hay ‘mix’ như Double French Roast, Bonjour Double French, và Columbia Dark ‘mix’ Bonjour. Khách hàng thì có đủ ‘gu,’ nhiều khi chính họ là người đưa công thức rất ‘điệu nghệ.’”

Bà Lan Trần, vợ ông Linh, cũng kể thêm: “Khách đa phần là khách quen, nhưng khách du lịch cũng đông vì người ta cũng nghe tiếng về tiệm. Hồi đó khu này tấp nập vui lắm, không có chỗ đậu xe luôn.”

“Lúc dịch COVID-19, xe đò Hoàng không chạy nên không thể gửi cà phê đi các thành phố xa được. Hồi trước gửi 30 pound cà phê đến San Jose có $10, không có dịch vụ xe đò nên tôi phải gửi bưu điện đến $46,” ông Linh kể.

Cafe Bonjour, đại lý cung cấp cà phê nổi tiếng vùng Little Saigon, cũng điêu đứng khi dịch ập đến. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Ông tiếp: “Khi dịch lan đến Little Saigon thì khách giảm dần, cả khách đến mua thường xuyên lẫn các quán cà phê cũng không đặt hàng nữa. Số lượng khách giảm khoảng một nửa so với hồi đó.”

Được biết, một số quán cà phê do dịch nên cũng đóng cửa khiến Cafe Bonjour mất luôn khách đặt hàng.

“Tuy tiệm không đóng cửa nhưng mở không có khách thì cũng như không,” ông lắc đầu nói.

Ông Linh cũng cho biết thêm là chủ đất vẫn không giảm tiền thuê cho các tiểu thương khu này.

Sau nhiều lận đận, một số cơ sở kinh doanh của Little Saigon cũng dần phục hồi khi nền kinh tế ngày càng khởi sắc hơn.

Đúng như tên gọi Phở 86, nhà hàng này có từ năm 1986, do ông Tám Nguyễn làm chủ.

Ông Tám cho hay tiệm Phở 86 đầu tiên ở đường Brookhurst, Westminster, nhưng đã sang lại cho người em sau 21 năm hoạt động.

Ngồi ở quán Phở 86, đường McFadden Ave, Garden Grove, ông Tám kể: “Lúc có lệnh đóng cửa thì quán cũng đóng chứ không dám rục rịch. Thời kỳ mới mở lại thì khách giảm nhiều lắm.”

“Lúc đóng cửa thì chủ đất 1 cent cũng không giảm. Gần đây khi ký gia hạn hợp đồng, họ bắt tôi ‘deposit’ trước một tháng mà trước giờ làm gì có chuyện này,” ông ngao ngán kể.

“Trong mấy mươi năm làm ăn, tôi chưa thấy tình hình như thế này. Nhưng may mắn rằng qua một năm mấy nay, thì quán đã phục hồi khoảng 60%,” ông Tám tâm sự.

Nhà sách Tự Lực sống sót qua đại dịch khi lượng khách phục hồi 70% so với trước kia. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Ở Little Saigon có một nhà sách mà người dân đa số ai cũng biết. Đó là nhà sách Tự Lực, tọa lạc ở đường Brookhurst.

Ông Đồng Đào, chủ Tự Lực, cho biết nhà sách cũng “có tuổi” rồi vì mở từ năm 1985.

“Đây là một trong những cơ sở gìn giữ văn hóa của người Việt còn sống sót sau đại dịch nên chúng tôi cố gắng duy trì. COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhà sách. Lúc đầu còn cầm cự được chứ càng ngày khoản tiền thuê và các chi phí khác càng tăng mà số lượng bán hàng càng giảm,” ông nói.

“Tình hình chuyển biến tốt hơn thì khách hàng cũng bắt đầu trở lại nhà sách, và họ cũng mua online nữa. Số lượng đúng là không thể so sánh với hồi trước nhưng đã phục hồi khoảng 70%,” ông Đào kể thêm. [kn]

—–
Liên lạc tác giả: nguyen.nhien@nguoi-viet.com