Cấm vận dầu hỏa Nga: Thực tế không đơn giản đối với Liên Hiệp Châu Âu

Cấm vận dầu hỏa Nga: Thực tế không đơn giản đối với Liên Hiệp Châu Âu
04/21/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w 
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)


image.png
Ảnh minh họa : Một nhà máy lọc dầu tại Tartarstan, Nga. © REUTERS/Sergei Karpukhin

Thanh Phương

Sau than đá, trên nguyên tắc, Liên Hiệp Châu Âu sẽ ra biện pháp kế tiếp để trừng phạt Nga về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Về khí đốt, trước mắt khối này khó có thể đoạn tuyệt với Nga, do một số nước thành viên, như nước Đức, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung của tập đoàn Gazprom và phải mất rất nhiều năm để tìm được các nguồn thay thế.

Cho nên bước thứ hai của Bruxelles sẽ là cấm vận dầu hỏa Nga. Do không có đồng thuận, cho nên đây sẽ không phải là một lệnh cấm vận toàn diện giống như là đối với than đá, mà là các trừng phạt gián tiếp, chẳng hạn như thông qua các hàng rào thuế quan.

Về mặt lý thuyết thì Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn có thể tìm mua từ các nước khác, nếu khối này quyết định cấm vận dầu hỏa Nga. Nhưng trên thực tế, thay đổi nguồn cung cấp vàng đen không phải là chuyện đơn giản và làm gì thì làm, chắc chắn là giá dầu sẽ tăng.

Hiện nay, dầu hỏa Nga chiếm gần một phần tư lượng tiêu thụ của Liên Hiệp Châu Âu, không chỉ bao gồm dầu thô, mà còn có các sản phẩm lọc dầu, như dầu diesel, loại nhiên liệu được tiêu thụ nhiều nhất ở châu Âu.

Thoạt nhìn thì từ bỏ dầu hỏa của Nga dễ hơn là từ bỏ khí đốt của nước này.

Khí thiên nhiên phần lớn được vận chuyển qua các đường ống dẫn khí, bên bán cũng như bên mua đều bị ràng buộc bởi những hợp đồng với thời hạn rất dài, từ 10 đến 15 năm, thậm chí dài hơn. Ngoài ra, phải mất rất nhiều năm mới có đủ nguồn khí đốt nhập từ các nguồn thay thế: Na Uy, Hoa Kỳ hay Qatar.

Đối với dầu thì đơn giản hơn. Vàng đen chủ yếu được vận chuyển bằng tàu biển. Nếu cần thì tàu chở dầu có thể chuyển hướng sang nước khác, nếu nước đó đặt mua.

Mặt khác, các hợp đồng mua dầu hỏa là những hợp đồng ngắn hạn, ít khi nào quá 12 tháng, cho nên bên mua dễ xoay xở hơn. Ngoài ra, các nước châu Âu có thể tìm mua dầu thô và các sản phẩm lọc dầu ở những nơi khác, ví dụ như tập đoàn TotalEnergies của Pháp sẽ dựa vào nhà máy lọc dầu mà họ là một cổ đông ở Ả Rập Xê Út, để thay thế nguồn dầu diesel của Nga.

Chưa có lệnh cấm vận dầu hỏa Nga, nhưng trên thực tế, các công ty nhập khẩu dầu ở nhiều nước châu Âu đã bắt đầu quay lưng với nguồn cung cấp từ Nga, vì sợ gặp rắc rối do các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến các giao dịch với Nga.  

Nhưng thực tế không hẳn đơn giản như thế. 

Thứ nhất, một phần đáng kể dầu hỏa của Nga đến châu Âu qua các đường ống dẫn dầu. Cụ thể, nhiều nhà máy lọc dầu ở Trung Âu được cung cấp trực tiếp qua đường ống dẫn dầu Drujba, được sử dụng từ thập niên 1960 để vận chuyển dầu của Liên Xô đến các nước thành viên Hiệp ước Vacxava. Bây giờ, các nước đó phải tìm một con đường vận chuyển khác, nếu muốn cắt đứt với nguồn dầu hỏa Nga.

Trở ngại thứ hai, đó là mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế cho một loại dầu thô riêng, nếu đổi nguồn cung cấp thì phải điều chỉnh lại thiết kế của nhà máy. Cho nên, có nguy cơ là nguồn dầu diesel chế biến từ các nhà máy lọc dầu sẽ bị thiếu hụt trong một thời gian dài ở châu Âu.

Thay đổi lộ trình vận chuyển hay sửa đổi thiết kế nhà máy lọc dầu đều sẽ có tác động đẩy giá dầu tăng thêm. Hơn nữa, nếu Liên Hiệp Châu Âu cấm vận dầu hỏa Nga, nước này sẽ không thể tìm ngay người mua lượng dầu hỏa mà châu Âu không cần đến nữa. Cho nên, các nhà phân tích dự báo là trong những tháng tới, nguồn cung của thế giới sẽ thiếu hụt mỗi ngày từ 2 đến 3 triệu thùng, tức là thiếu khoảng từ 2 đến 3%. Tỷ lệ này tuy nhỏ, nhưng nên nhớ là hiện giờ thị trường dầu hỏa thế giới đã rất căng thẳng, không thể một sớm một chiều bù đắp được lượng dầu mà Nga không xuất được.

Tóm lại, có khả năng là chiến tranh Ukraina sẽ gián tiếp khiến cho giá dầu trở nên đắt hơn trong một thời gian dài, không chỉ đối với châu Âu, mà còn đối với cả thế giới