Các kệ hàng viện trợ cho Ukraine được xếp sau Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (bên phải) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (bên trái) khi họ nói chuyện với các phóng viên sau khi trở về từ chuyến đi đến Kyiv, Ukraine và cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Ba Lan gần biên giới Ukraine hôm 25/04/2022. (Ảnh: Alex Brandon/Pool/AFP qua Getty Images)
Hôm thứ Hai (25/04), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Hoa Kỳ muốn nhìn thấy quân đội Nga “suy yếu” trong cuộc xâm lược Ukraine khi ông và Ngoại trưởng Antony Blinken gặp gỡ các quan chức ở Âu Châu.
Ông Austin nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm được những điều mà họ đã từng làm khi xâm lược Ukraine.”
Nhận xét của ông hôm thứ Hai có lẽ là nhận xét rõ ràng nhất từ một quan chức Tòa Bạch Ốc về mục tiêu của chính phủ ông Biden trong cuộc xung đột này, thể hiện sự sắc bén trong luận điệu gửi đến chính phủ Nga khi cuộc xung đột này bước sang tháng thứ ba. Ông Austin đã đưa ra những lời bình luận này khi nói chuyện với ông Blinken tại một cuộc họp báo ở Ba Lan, một ngày sau khi hai vị quan chức này đến thăm Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc cung cấp thêm viện trợ quân sự.
Khi được hỏi về “mục tiêu thành công” của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột này, ông Austin đáp, “Ukraine vẫn là một quốc gia có chủ quyền, một quốc gia dân chủ, có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.” Nhưng sau đó, ông nói với các phóng viên rằng ông muốn nhìn thấy năng lực quân sự của Nga suy yếu.
Ông Austin cũng nói thêm: “Họ đã mất đi rất nhiều khả năng quân sự và rất nhiều binh lính của mình, và chúng tôi muốn thấy rằng họ không có khả năng tái tạo nhanh chóng khả năng đó.”
Đồng thời, ông Austin cho biết ông muốn thấy NATO và các đồng minh trở nên “đoàn kết hơn,” đồng thời nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga, nền kinh tế, và ngành công nghiệp của nước này là một bước đi đúng hướng.
“Chúng tôi tin rằng [Ukraine] có thể giành chiến thắng nếu họ có thiết bị phù hợp, sự hỗ trợ phù hợp,” ông Austin tiếp tục, và nói thêm về ông Zelensky: “Trong khi ông ấy biết ơn về tất cả những điều chúng tôi đang làm, ông ấy cũng tập trung vào suy nghĩ xem mình cần phải làm gì tiếp theo để thành công.” Ông Austin cho biết giới lãnh đạo Ukraine muốn có thêm xe tăng trong cuộc xung đột này.
Các binh sĩ Ukraine nhìn một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy trên con đường ở làng Rusaniv, gần Kyiv, Ukraine, hôm 16/04/2022. (Ảnh: Genya Savilov/AFP/Getty Images)
Cũng cùng ngày, có một sự thay đổi xảy ra khi chính phủ thông báo rằng họ sẽ đề cử bà Bridget Brink trở thành đại sứ tiếp theo của Hoa Kỳ tại Ukraine. Bà Brink hiện đang làm đại sứ Hoa Kỳ tại Slovakia, quốc gia có chung một đoạn đường biên giới ngắn với Ukraine.
Trong khi đó, hôm thứ Hai, Nga đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ không nên tiếp tục gửi vũ khí và trang thiết bị cho quân đội Ukraine, cho rằng những hành động như vậy có nguy cơ làm leo thang xung đột. Hoa Kỳ và NATO đã hủy bỏ việc gửi binh lính đến quốc gia Đông Âu này bởi vì, như họ đã nói, điều đó có thể làm gia tăng xung đột với Moscow.
Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, nói rằng việc giao vũ khí, bao gồm hỏa tiễn chống tăng Javelin và hỏa tiễn phòng không Stinger, được thiết kế nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của Nga nhưng thay vào đó đang làm suy yếu nỗ lực đi đến một thỏa thuận hòa bình. Ông nói, việc giao vũ khí này cũng sẽ làm gia tăng xung đột.
“Những gì người Mỹ đang làm là đổ thêm dầu vào lửa,” ông Antonov nói với kênh truyền hình nhà nước. “Tôi chỉ thấy một nỗ lực để làm gia tăng mức độ nguy hiểm, để làm trầm trọng thêm tình hình, để thấy nhiều mất mát hơn.”
Hồi đầu tháng Tư, ông Biden cho biết ông cam kết sẽ viện trợ hơn 800 triệu USD trong các lô hàng vũ khí mới tới Ukraine và sẽ yêu cầu Quốc hội cấp thêm tài trợ trong thời gian tới.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Thanh Tâm biên dịch